Nhiều người tính không bằng một người đàn bà tính!

Xoảng! Ly nước trên cái kệ sát giường ông rơi vỡ tan tành. Ông đi đột ngột mà chỉ có cô và người đàn ông kia mới hiểu vì sao.

Cách đây hơn 20 năm, gia đình ấy đang hạnh phúc thì một biến cố xảy ra. Cậu con trai lớn lúc đó đã 20 tuổi, mắc bệnh nan y không qua khỏi. Sự ra đi của cậu không chỉ để lại bao đau đớn cho người thân mà còn phát sinh một nỗi lo lớn vì cậu là cháu đích tôn, cháu trai duy nhất của dòng họ.
Sau một thời gian, nỗi đau cũng nguôi ngoai nhưng áp lực nối dõi tông đường thì ngày một lớn. Mẹ cậu đã ở cái tuổi khó mà sinh nở thêm, nhưng ba cậu tuy ngoài 50 vẫn có thể kiếm con. Đó là ý kiến của mọi người trong dòng họ. Vì thế, cần phải có sự hy sinh cho việc lớn. Thêm một lần nữa mẹ cậu nén nỗi đau, chấp nhận ly hôn để chồng có cơ hội kiếm con trai nối dõi, bà nuôi cô con gái nhỏ. Ông để căn nhà mặt tiền cho vợ con, giữ lại một cơ sở sản xuất nho nhỏ đủ để gầy dựng tổ ấm mới. Thực ra, ông cũng nuối tiếc một gia đình đang ấm êm bỗng dưng tan đàn sẻ nghé. Ông thương người vợ hiền đã cận kề bên ông suốt từng ấy năm trời. Ngày xưa, ông bà từng có mối tình đẹp với bao kỷ niệm, làm sao ông quên được. Nhưng, cuộc sống là cuộc sống, đôi khi ta buộc phải làm những điều ta không muốn.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Qua mai mối của người trong họ, ông về quê gặp một cô gái trẻ, nhỏ hơn ông đến 32 tuổi, là con gái một gia đình nông dân nghèo chấp nhận làm vợ ông. Cái tuổi 25 của cô lúc đó ở quê đã là ế, dù cũng có vài trai làng ngắm nghía nhưng cô không muốn đời mình bị cột chặt vào mảnh đất khô cằn sỏi đá đó nên còn lần lữa. Cô muốn tìm cơ hội đổi đời...
Ngày ông về đưa cô đi, trong tay cô chỉ có chiếc túi du lịch sút mất một quai. Vẻ quê mùa, mộc mạc hiện rõ trên nét mặt, dáng người cô. Nhưng, nếu tinh ý, người ta sẽ nhận ra đôi mắt đen láy, sáng rực, đầy khát vọng. Về với ông, sau hai năm, cô sinh được thằng cu kháu khỉnh. Ông mừng chảy nước mắt, cả họ nhà ông ở quê cũng mở tiệc ăn mừng. Khỏi phải nói cũng biết, cô được chồng và họ nhà chồng quý đến thế nào. Cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới nơi phồn hoa đô hội, thay đổi từng ngày. Ông vốn giỏi kinh doanh, có bản lĩnh, lại dám nghĩ, dám làm, nay có thêm sự thông minh, nhạy bén và tuổi trẻ của vợ hỗ trợ, cơ sở làm ăn ngày càng phát triển. Chưa đầy chục năm, tài sản của họ được nhân lên gấp nhiều lần. Vợ chồng ông thành lập công ty.
Đến nay, cậu ấm của ông 15, 16 tuổi, ông đã 75. Năm rồi ông bị tai biến, may mà nhẹ nên cũng qua, nhưng sức khỏe ông suy sụp rất nhanh, so với lúc về quê đưa cô đi thì đã một trời một vực. Ngày ấy, nhìn ông còn mạnh mẽ, phong độ lắm, vẫn có thể là một chỗ dựa vững chắc, cũng vì thế mà cô gật đầu chịu theo ông ngay.
Bây giờ, ông tự biết mình nên cũng chẳng quá khắt khe với vợ. Những việc quan trọng ông giao lại hết cho cô. Ông trao cho vợ cả những bí mật cuối cùng trong công việc làm ăn. Con người ta sống chết chả biết thế nào, ông đã tai biến một lần, chắc không tránh khỏi lần sau... Cô bước vào tuổi 40 đã một hai năm nhưng nhìn trẻ hơn nhiều. Cô giờ là một phụ nữ hiện đại, giàu có, sành điệu, là một quý bà thay ông điều hành công việc, giao tiếp trong làm ăn, lái xe hơi vun vút. Và, không thể tránh khỏi bên cạnh cô luôn có mấy gã trai lực lưỡng, tương xứng, mà ông giả vờ như không biết. Cô đã cho ông điều ông muốn, nói đúng hơn là cho cả họ nhà ông. Thế là đủ!
Cô hiểu ông nên cũng cố không làm ông đau lòng. Không có ông thì cô đã chẳng có ngày hôm nay. Ông là chồng cô, nhưng từ lâu ông đã như cha của cô. Cô chọn người giúp việc chăm ông cẩn thận, chu đáo. Ông và cô đã tựa vào nhau gần 20 năm trời...
Mấy hôm nay ông mệt lắm, miệng tự dưng bị giật méo sang một bên, nói năng, ăn uống khó khăn, nhễu nhão, nên ông chẳng muốn đi đâu. Thằng con trai đi học về ghé qua phòng ông chào một tiếng rồi lại đi. Nó học suốt ngày, chẳng mấy khi ông gặp mặt. Cô dặn người làm chăm sóc ông cẩn thận, có gì phải báo cho cô ngay. Ông hiểu cô đang thay ông gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Có cô, ông thấy nhẹ lòng, dù có phải ra đi.
Ông nằm thiêm thiếp bỗng giật mình vì nghe tiếng động, rồi có tiếng nói chuyện khe khẽ, nhưng đủ để ông nghe rõ tiếng cô: “Đã nói rồi, cứ chờ đi!”. “Anh đã chờ mười mấy năm nay rồi còn gì? Anh muốn nó biết anh là ai trước khi nó căm thù anh”, tiếng đàn ông, hình như là người đồng hương thân tín của ông từ ngày mới gầy dựng sự nghiệp. Nhưng, anh ta đang nói gì thế? Ông cố lắng nghe. “Anh đã chờ được bao nhiêu năm nay thì ráng chờ thêm chút nữa. Chắc không lâu đâu!”, lại tiếng cô: “Em muốn ông ấy được an tâm, thanh thản đến ngày ra đi”. “Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Sang thế giới bên kia rồi ông ấy sẽ biết ngay nó là con anh...”.
Xoảng! Ly nước trên cái kệ sát giường ông rơi vỡ tan tành. Cô hốt hoảng cùng người đàn ông kia chạy vào đã thấy ông mắt trừng trừng, uất ức. Ông đi đột ngột mà chỉ có cô và người đàn ông kia mới hiểu vì sao.
Chẳng biết điều bí mật đó sẽ giữ được đến bao lâu. Người tính không bằng trời tính. Đúng hơn là nhiều người tính không bằng một người đàn bà tính!

Chuyện những người phụ nữ “nhắm mắt để chồng cặp bồ”

Ấy thế mà lòng căm thù trong lòng chị dồn nén tới mức kiên quyết bằng mọi cách giữ chồng.

Mặc dù các cuộc hôn nhân không tình yêu không thể hiện các dấu hiệu tiêu cực hay mâu thuẫn quá rõ ràng, nhưng sống chung với người mà mình không yêu thương thì liệu điều đó là giải pháp thông minh hay tai hại?

Cuộc sống luôn luôn thay đổi và đôi khi con người cũng vậy, khi yêu người ta có thể "chết" vì nhau hi sinh tất cả cho nhau tất cả nhưng cái thứ gọi là tình yêu nồng cháy đó không còn hiện hữa nữa thì người ta lại có thể sẵn sàng hành hạ nhau, làm khổ nhau bằng trăm nghìn cách trên đời. Và có người còn thẳng thừng tuyên bố "không ly hôn để hành hạ đối phương của mình".

Chị Nhung một người nhan sắc thuộc hạng mặn mà, chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Hà Nội. Vợ chồng chị sống với nhau cả chục năm trong cảnh cả hai đều đã "ngán" nhau như nước với lửa. Chồng chị Nhung vốn là một ông sếp lớn trong một công ty tư nhân, từ ngày lên sếp anh bắt đầu bỏ bê vợ con nhà cửa, cặp kè với những em chân dài, trẻ đẹp ngang nhiên trước mặt chị. Thậm chí, anh ta còn ngang nhiên dẫn bồ đi dự các cuộc họp, dịp vui chơi với đối tác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ấy thế mà lòng căm thù trong lòng chị dồn nén tới mức kiên quyết bằng mọi cách giữ chồng. Lý do ngược đời ấy là do chị quá căm tức mấy cô chân dài ấy nên không thể để chồng mình tự do đến với "bồ nhí" một cách hợp pháp. Cả công ty chị tôi khi biết chuyện ai nấy cũng xôn xao bàn tán về cái triết lý "dại gì bỏ chồng để chúng nó danh chính ngôn thuận mà đến với nhau". Chị Nhung quan niệm: Nếu bỏ chồng thì chị không thể chịu đựng được cảm giác hả hê của cô bồ nhí đã từng có lần đến trước mặt chị bắt chị nhường chồng.

Và cũng đã ngót chục năm sống trong cảnh chứng kiến chồng cặp bồ ngang nhiên, nhưng chị Nhung vẫn không có ý định kết thúc cuộc hôn nhân vốn dĩ đã rất ngột ngạt của mình.

Biết chồng ngoại tình mà vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” cũng là tình trạng mà chị Lan, Đông Anh, Hà Nội đang vướng vào. Tuy nhiên, hoàn cảnh của chị Lan lại khác.

22 tuổi, Lan chưa một ngày đi làm thì đã lấy chồng. Chồng Lan làm sếp trong một doanh nghiệp lớn, anh kiếm được rất nhiều tiền, lo cho mẹ con Lan đủ thứ. Kiếm được nhiều tiền, anh cũng tự cho mình cái quyền điều khiển mọi thành viên trong gia đình theo ý mình, anh bắt Lan nghỉ việc ở nhà chăm sóc con để anh yên tâm công tác.

Từ đó, anh ta đi tối ngày, và cặp kè với hết người này đến người khác. Ban đầu chồng Lan còn giấu giếm, sau đó anh công khai cặp kè với người này người kia trước mặt Lan. Lan chán chồng lắm nhưng lại không thể nhờ sự giúp đỡ từ hai bên gia đình. Bố mẹ chồng Lan thì bênh con trai cho rằng tại Lan đẻ con gái nên chồng mới ngoại tình. Cuộc sống của Lan có tất cả nhưng không có hạnh phúc.

Được thể, chồng Lan mang tiền đi mua cho gái, cô ta chỉ bằng tuổi con Lan. Không thể chịu đựng được, Lan đã từng tìm đến nhà tình địch định cho cô ta một trận, nhưng chưa kịp đánh cô ta thì Lan đã bị chồng đánh. Anh ta bảo tiền do anh ta làm ra, anh ta muốn cho ai thì cho, mẹ con Lan không có quyền gì cả.

Lan muốn một ngàn lần kí vào đơn ly hôn, nhổ toẹt vào bộ mặt hám gái đó trước khi ôm con ra khỏi nhà. Lan muốn chửi một lần cho đã kẻ đã làm cuộc đời cô nên nông nỗi này. Nhưng Lan chưa một lần đi làm, ly hôn rồi ai sẽ nuôi con của Lan? Thêm nữa, có chồng giàu nên cuộc sống sung sướng quen rồi, giờ muốn có tiền cũng ngại làm việc.

Lan tâm sự: "Hiện tại cuộc sống vợ chồng tôi vô cùng nhạt nhẽo, ai làm việc người nấy. Sống cùng một mái nhà nhưng chúng tôi không ăn cùng mâm, không ngủ cùng giường, không chuyện trò hay chia sẻ với nhau bất cứ chuyện gì. Bù lại, chồng tôi vẫn đưa tiền đầy đủ để tôi chi tiêu trong gia đình, thi thoảng đón con, hai bên nội ngoại có việc gì cũng góp mặt, nhưng cũng thường xuyên vắng nhà, qua lại với người tình. Tôi chẳng buồn gào khóc hay lồng lộn đòi gặp mặt tình địch hoặc một mực bắt anh ta chọn tôi hoặc cô ta nữa. Tôi thấy lòng tê dại và không còn yêu chồng. Một tuần chồng về nhà ngủ được 2, 3 đêm là nhiều. Còn lại anh ngủ ở đâu thì không đến phần tôi được tra hỏi. Nhận lương về chồng cho cả chục triệu, ngay cả lúc đưa tiền cũng không nhìn mặt nhau. Tôi tự soi gương thấy mình đâu đến nỗi, điều gì làm chồng ghẻ lạnh đến thế?"

Không giống như Lan, Hoa không chịu ly hôn chồng dù biết chồng mình đang ngang nhiên cặp bồ với cô đồng nghiệp cùng cơ quan. Lí do Hoa đưa ra là cô sợ dư luận đánh giá, sợ người khác nói này nói nọ. Nên đã gần ba năm, Hoa cứ nhắm mắt mặc chồng công khai đi lại với tình địch. Nếu ai đó có mách Hoa về chuyện chồng cô có dấu hiệu "ăn chả" thì Hoa lại tìm cách bao biện. Hoa tâm sự: "Cả nhà em chưa có trường hợp nào vợ chồng phải ly hôn cả. Em mà ly hôn, bố mẹ em chắc sẽ sốc lắm. Hơn nữa, em cũng sợ người khác nói ra nói vào vì bao năm nay trong mắt mọi người chồng em vẫn là người tử tế, đàng hoàng, tự dưng ly hôn người ta sẽ đánh giá em thế này, thế nọ, nhất là con cái em sợ chúng không chịu nổi áp lực...".

Cố duy trì cuộc hôn nhân đến hơi thở cuối cùng, những người phụ nữ này sẽ mất đi cơ hội để nhận được hạnh phúc. Tồi tệ hơn, khi trái tim và tinh thần của bạn không thoải mái, hài lòng, nó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất khác. Bạn sẽ chẳng thể khỏe mạnh và đem lại niềm hạnh phúc cho con cái mình khi cuộc sống vợ chồng không mang lại cho bạn niềm vui, cảm giác trao yêu thương và nhận được thương yêu.

Đàn bà bé nhỏ

Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…

Mẹ tôi mê bói, nói đúng hơn là tất thảy những người đàn bà ở làng tôi đều ham bói toán. Những lúc nông nhàn họ thường chụm đầu thì thầm kể về một vụ gọi hồn, vài địa chỉ xem bói nghe đồn linh lắm.

Cũng có khi truyền tai nhau mấy câu chuyện nghe ngóng được trong lúc cùng ngồi khấn vái trong một cửa điện nồng mùi hương khói. Những câu chuyện không kết thúc khi họ rời nhau trở về nhà lo cơm nước cho chồng con, mà nỗi ám ảnh còn đeo bám họ vào cả bữa ăn, giấc ngủ, vào những phút giây thẫn thờ hay lo toan bật thành tiếng khóc giữa đêm khuya. Để rồi họ giấu chồng con dành dụm tiền bạc dấm dúi đi cúng bái khắp nơi. Người đi giải hạn, người cắt duyên âm, người cầu con cái, người mong tìm chồng, lại có cả những người phụ nữ ham mê đề đóm xì xụp khấn vái xin lộc khắp nơi. Chỉ cần ngồi quan sát trong cửa điện một vài giờ cũng đủ thấy bi kịch lẫn trong bi kịch. Bởi ở đó họ trở nên nhỏ bé, thấp hèn, van xin và lầm lũi đáng thương hơn bao giờ hết…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mẹ tôi thường tìm đến những quẻ bói những lúc lòng bà cảm thấy bất an. Ấy là mỗi khi mấy chị em tôi gặp chuyện chẳng lành. Chị lấy chồng xa, thi thoảng lại mang về cho mẹ một vài tin dữ. Chị yếu, năm lần mang thai thì sảy đến ba lần, cơ thể xanh rớt chẳng còn sức sống. Mẹ nhiều lần xót xa bảo chị thôi đừng sinh thêm con nữa, trời cho hai đứa thì nuôi hai cũng đã là vất vả. Nhưng gia đình nhà chồng còn giữ quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ nên chị cứ cố hết lần này đến lần khác. Anh rể vốn nghiện rượu lại thêm cái tính bồ bịch, thỉnh thoảng đổ lên đầu chị vài trận đòn vì cái tội “không biết sinh con trai”. Chị một mình gánh vác gia đình trong khi hai đứa con nhỏ đau ốm liên miên.

Mẹ nhìn phận mình mà cay đắng phận con. Bất lực không biết làm gì ngoài việc theo mọi người đi cúng lễ nhiều nơi mong cho cửa nhà êm xuôi, con cháu mạnh khỏe thuận hòa. Những ngày bố bị bệnh, anh trai thất bại trong làm ăn nợ nần chồng chất phải rời quê trốn nợ, mẹ đau đớn xoay xở đủ đường vẫn không nắm níu được gia đình. Đêm nào mẹ cũng quay mặt vào tường khóc trộm, tiếng thở dài buồn hiu hắt. Bỗng có ngày mẹ vui cười, nói toàn chuyện tốt đẹp trên đời. Hỏi ra mới biết thày bói bảo “vận hạn sắp qua rồi…”.

Một vài lần tôi cũng theo chân mẹ đến chốn đèn nhang. Nghe thầy bói khấn lùng bùng trong tai mà thương thay những người đàn bà đang quỳ gối khấn vái, mặt mày rầu rĩ. Chỉ cần thấy “thầy” với vẻ mặt nghiêm trọng lắc đầu phán một lời tiên đoán về những vận hạn sắp xảy ra là họ không giấu được nỗi hoang mang sợ hãi. Nào thì nhà có tang, mồ mả không yên, đất đai không thuận… Tôi tự hỏi đằng sau những người đàn bà là lũ trẻ, chúng sẽ sống ra sao với nỗi ám ảnh mà mẹ mình mang về gieo rắc trong nhà?. 

Tôi cũng đã từng sống trong tâm trạng lo âu ấy một thời gian dài. Khi ấy tôi còn nhỏ, mẹ đi xem bói chỉ tay về kể với dì rằng mình không còn sống được bao lâu. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện đó, từng sợ hãi đến mức ngay cả trong giấc ngủ chỉ sợ tỉnh dậy quờ bên cạnh không còn thấy mẹ đâu nữa. Đêm nào tôi cũng gặp ác mộng nên chẳng có giấc ngủ nào đủ sâu, người ngày càng gầy rộc đi trông thấy. Tôi cũng không còn nhớ đã thoát ra khỏi quãng thời gian trầm cảm ấy như thế nào, nhưng thực sự những lời bói toán vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Ơn trời mẹ tôi vẫn mạnh khỏe nhưng không hiểu sao bà vẫn còn tin vào bói toán.

Dì Xuân cũng vậy, chắt bóp từng đồng tiền lẻ từ tiền bán vài nải chuối, mấy mớ rau, vài bà thúng ngô để sắm lễ hàng tháng đi làm lễ. Dì không nhờ “thầy” xem sức khỏe, cũng chẳng xin tài lộc. Lúc nào dì cũng chờ “thầy” khấn vái xin xấp ngửa đồng tiền để xem chồng mình bao giờ thì mới biết đường tìm về với mẹ con dì. Dì làm không biết bao nhiêu lễ, đốt không biết bao hình nhân, thấm đẫm không biết bao nước mắt trong sự xót xa và cả giễu cợt của người đời. Cậu tôi theo nhân tình, bỏ nhà đi biền biệt đã ba năm. Nhưng nơi cậu đến cũng vẫn cùng một làng quê, cách nhau con sông người bên lở kẻ bên bồi. Tôi chua xót bảo dì: “Cậu đâu có đi xa mà dì cứ sợ cậu không biết đường về. Dì đừng mất công đi cúng bái chi cho khổ. Nếu người muốn về thì người đã về rồi…”. Dì không nói gì chỉ khóc, mỗi ngày mỗi héo hon đi. Mẹ tôi than giá cứ để dì trông đợi vẫn hơn… Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…

Muôn vàn tấm bi kịch cúi đầu trong những cửa điện đèn hương nhấp nháy. Họ tìm đến “thầy” như một sự cứu cánh. Đến mức tôi từng nghĩ họ nghiện bói toán như một căn bệnh cố hữu và khó chữa. Cũng bởi họ nhỏ bé từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Dưới những biến cố ập đến họ không biết làm gì hơn ngoài chịu đựng, có muốn thay đổi cũng vô cùng khó khăn trong những lề thói cũ. Không gian làng quê không có nhiều thú vui lành mạnh giúp họ quên đi phiền muộn, cũng không có nhiều cơ hội để giúp họ đổi thay. Chính vì không biết cách vượt qua được chính nỗi sợ hãi trong mình nên họ đã trở thành những con hương đệ tử cứ xuân thu nhị kỳ lại đến tìm thầy bói. Họ loan truyền nhau về tài đặc biệt của “thầy”, cứ người này mách người kia khiến không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Ấy là chưa kể có không ít cửa nhà tan vỡ cũng chỉ vì đàn ông trong gia đình không thể nào chịu đựng nổi những nỗi ám ảnh, bi lụy mà người phụ nữ ham bói mang về rải khắp trong nhà.