Nhật khẩn cấp lập Hội đồng An ninh đối phó TQ

(Kiến Thức) - Tokyo vừa thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia để cố vấn hiệu quả, kịp thời cho Thủ tướng về các vấn đề an ninh, đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Đã được Quốc hội phê chuẩn, Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ giúp Thủ tướng Shinzo Abe kiểm soát tốt hơn và hiệu quả hơn chính sách đối ngoại và quốc phòng trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh đang nổi lên ở châu Á, hãng tin Kyodo News đưa tin.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hội đồng sẽ họp hai lần hàng tháng với Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các cũng như Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nhật. Trụ sở chính của Hội đồng sẽ được đặt bên trong Văn phòng Nội các nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ trưởng và các cơ quan chính phủ.
Dự thảo khung về hướng dẫn chỉ đạo của Hội đồng An ninh nhấn mạnh, Nhật cần tăng cường năng lực giám sát của Lực lượng Phòng vệ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán. Đồng thời, quân đội bao gồm lực lượng đổ bộ và các phi đội bay cũng cần phải tăng cường khả năng bảo vệ các hòn đảo xa xôi, nhất là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông đang tranh chấp với Trung Quốc.
Trong một động thái liên quan, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa tuyên bố, họ hoàn toàn giám sát, theo dõi hoạt động bay của 2 máy bay ném bom B-52 của Mỹ tại Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) vừa công bố.
Trung Quốc "khoe" giám sát, theo dõi chặt máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay vào ADIZ.
 Trung Quốc "khoe" giám sát, theo dõi chặt máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay vào ADIZ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Geng Yansheng xác nhận: "Quân đội Trung Quốc theo dõi toàn bộ quá trình bay, xác định kịp thời và chính xác số lượng cũng như loại hình máy bay Mỹ. Bắc Kinh có khả năng thực thi quyền kiểm soát không phận thuộc ADIZ”.
Tuyên bố trên là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc đối với động thái của Mỹ nhưng không thể hiện sự giận dữ, phẫn nộ hay đối đầu trước sự kiện này.
Giới quan sát nhận định, tuyên bố trên là sự khẳng định Bắc Kinh trong việc có khả năng ngăn chặn các động thái đe dọa trực tiếp và vi phạm ADIZ.
Theo quy chế về ADIZ của Trung Quốc, các phi cơ muốn bay qua khu vực phải cung cấp kế hoạch bay, lai lịch và duy trì chế độ liên lạc vô tuyến hai chiều để có khả năng đáp trả các yêu cầu từ Bắc Kinh.
Theo đó, bất cứ phi cơ nào không tuân thủ quy chế về ADIZ có thể phải đối mặt với "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”.
Tokyo, Washington và nhiều chính phủ khác quyết liệt tuyên bố không tuân thủ quy chế về ADIZ của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, hành động của Trung Quốc phản ánh nỗ lực "đơn phương thay đổi hiện trạng” ở Biển Hoa Đông.

Đài Loan bắt tay Mỹ, Nhật phá khu vực phòng không TQ

(Kiến Thức) - Đài Bắc đã liên hệ với Mỹ và Nhật Bản về Khu vực nhận dạng Phòng không trên Biển Hoa Đông (ADIZ) của Trung Quốc, “Ngoại trưởng” Đài Loan David Lin xác nhận.

"Chúng tôi đã bày tỏ kỳ vọng các bên liên quan sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định khu vực", ông Lin nhấn mạnh bên lề một buổi điều trần tại Ủy ban Quốc phòng Quốc gia và Các vấn đề đối ngoại của Cơ quan lập pháp.

Nhật cũng mở rộng khu vực phòng không, thách thức Trung Quốc

(Kiến Thức) - Nhật đang tính mở rộng Khu vực Nhận dạng Phòng không của mình, trong bối cảnh họ tranh cãi kịch liệt với Trung Quốc về vấn đề tương tự tại Biển Hoa Đông.

Thông tin này được đăng trên tờ Yomiuri Shimbun. Theo báo này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang cân nhắc về việc triển khai thêm các chiến đấu cơ tại các căn cứ trong khu vực.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa công bố Khu vực Nhận dạng Phòng không bao trọn gần như toàn bộ Biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp giữa 2 nước Điếu Ngư/Senkaku cũng như việc Bắc Kinh điều tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh tới Tây Thái Bình Dương.