Ngày 8/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết nhà máy xử lý rác Cà Mau (tại phường Tân Xuyên cũ) hiện vẫn tạm ngừng tiếp nhận rác do chưa được phê duyệt đơn giá xử lý mới. Trước đó, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (vận hành nhà máy xử lý hơn 80% rác trên toàn tỉnh theo công nghệ hữu cơ VIBIO Composters, giảm thiểu ô nhiễm môi trường) có văn bản xin tạm ngừng tiếp nhận rác thải từ giữa tháng 6.

Lý do, hơn 10 năm qua đơn vị này thu gom rác với mức 350.000 đồng mỗi tấn, phải "bù lỗ hơn 200 tỷ đồng". Đơn vị nhiều lần lập phương án đơn giá mới trình cơ quan thẩm quyền, nhưng chưa được giải quyết. Ở lần này, doanh nghiệp đề xuất đơn giá xử lý rác là 478.000 đồng mỗi tấn, tăng 27% so với trước. Trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục, tỉnh Cà Mau đã kích hoạt hệ thống chôn rác.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, theo quy định, doanh nghiệp xây dựng đơn giá theo công nghệ xử lý đang vận hành, trình sở thẩm định, sau đó UBND tỉnh xem xét. Mức giá mới mà Công ty Công Lý đưa ra được đánh giá hợp lý, song doanh nghiệp "chưa bổ sung đủ hồ sơ liên quan để được phê duyệt".
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết thêm, trước việc nhà máy dừng hoạt động, tỉnh triển khai phương án tạm thời chôn lấp hơn 200 tấn rác ở địa bàn mỗi ngày tại các bãi dự phòng. Cụ thể, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi sử dụng máy bơm rút nước tại hai hố rác ở phường Tân Xuyên (nay là phường An Xuyên) tiếp nhận rác từ các phường trung tâm Cà Mau và huyện Đầm Dơi (cũ) trong khoảng 6 tháng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang kích hoạt thêm hố chứa rác khác để chủ động tiếp nhận rác thêm 6 tháng tiếp theo. Sở dự kiến trong một năm tới, tỉnh không bị động khi xử lý rác. Đối với các khu vực khác trong tỉnh, đơn vị chuyên môn đã khảo sát, tạm thời sử dụng bãi chôn lấp rác tại chỗ. Riêng huyện Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển cũ sẽ thu gom, vận chuyển về bãi rác ở xã Phan Ngọc Hiển để chôn lấp.
Ngoài các bãi rác tạm trên, tỉnh chuẩn bị thêm các hố chôn lấp khác tại những điểm đã quy hoạch ở xã Khánh An (50 ha), xã Lâm Hải (20 ha) và xã Tân Thuận (20 ha). "Chôn lấp rác chỉ là giải pháp tạm, về lâu dài sở tham mưu UBND tỉnh mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác", lãnh đạo sở này nói, cho biết hiện một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn xử lý rác bằng cách chôn lấp.
>>> Xem thêm video: Cơ sở chế xoài gây ô nhiễm, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt