“Một nửa” lâu nay bị... nhầm

Anh giải thích: chị là “một nửa” lâu nay bị... nhầm, ráp lại không thể “tròn trịa”! Anh phát hiện ra điều đó từ lần Sa cạo gió cho anh...

Đám cưới đang tưng bừng chúc tụng, cô dâu chú rể tươi rói, mãn nguyện, bỗng đâu một con bé ào vô, níu tay chú rể: “Ba ơi, ba không thương mẹ, thương con nữa hả ba? Sao ba lại bỏ mẹ con con?...”. Mọi người bất ngờ, nhìn sững con bé. Nó khoảng 12, 13 tuổi, khuôn mặt xinh xắn, đỏ lựng, đầy mồ hôi làm tóc tai nó bết bát. Hình như con bé vừa đi học về, còn mặc nguyên bộ đồ đồng phục...
Sau một lúc nhốn nháo, mấy cậu thanh niên trông dữ tợn, hùng hổ chạy đến nắm tay con bé kéo ra. Nó vùng vằng, giãy giụa, lăn ra đất khóc lóc, kêu ba. Nhưng, con bé yếu ớt không thể giằng co nổi với mấy tay thanh niên đang nổi giận: “Phá đám hả? Má mày biểu phải không?”. Nó nghe vậy, điên tiết la lên: “Mấy người nói bậy! Mẹ tui đang bệnh, tại mấy người đó!”. Rồi đưa đôi mắt như năn nỉ, như van lơn nhìn ba, nó khóc: “Mẹ bệnh nặng lắm ba ơi, mẹ nằm mấy ngày hôm nay rồi...”. Chỉ nói được đến đó, nó đã bị lôi khỏi đám cưới một cách dứt khoát. Chú rể bối rối, đứng chết trân nhìn nó. Nhưng một lúc sau, có lẽ đã trấn tĩnh lại, chú rể tiếp tục cuộc vui như không hề có chuyện gì xảy ra.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chị bị sốc nặng từ lúc được tin họ đang chuẩn bị cưới. Chị đã thực sự mất tất cả. Chị suy sụp vì bị phản bội. Cả hai người họ như những người thân duy nhất của chị, sao họ nỡ đối xử với chị như thế? Cách đây mười mấy năm, cả gia đình chị xuất cảnh sang Mỹ, mình chị ở lại vì quá yêu anh, không đành lòng xa anh...
Chị cao lớn, xốc vác, trong khi anh có vẻ thư sinh, lãng mạn. Nhìn họ như chẳng “ăn nhập” gì với nhau, nhưng có người lại bảo đó là sự kết hợp của "luật bù trừ" nên rất tốt. Chị tần tảo buôn bán, lo lắng, gánh vác chuyện lớn trong nhà. Đồng lương công chức của anh ít ỏi, chị để anh tùy nghi sử dụng. Những lúc ví tiền của chồng cạn, chị lại lặng lẽ bỏ thêm vào. Tính chị cứ ào ào, “ăn to nói lớn”, không tỉ mỉ được như người ta, nên chuyện chăm sóc nhà cửa, chuyện con cái, học hành anh khéo léo quán xuyến. Con bé từ nhỏ đã gần gũi, thân thiết với ba.
Chị nhận Sa làm em kết nghĩa. Sa duyên dáng, ngọt ngào, rất phù hợp với công việc bán bảo hiểm của cô. Chị thương Sa bất hạnh, gặp phải gã chồng chỉ biết ăn nhậu, bài bạc, lại thêm thói vũ phu, đánh chửi vợ con tùy hứng. Sa từng khóc với chị không biết bao nhiêu lần. Lần nào chị cũng khuyên cô bỏ quách gã chồng vô tích sự ấy cho sớm, để còn có cơ hội gặp người tử tế, nhưng Sa cứ lần lữa. Dù gì thì trong nhà cũng cần người đàn ông, biết có tìm được người tử tế hay “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”?
Việc buôn bán ngày càng đắt, chị bận bù đầu, thời gian dành cho chồng con cũng ít đi. Anh bảo chị kiếm người phụ, chị tiếc tiền nên cố ôm hết một mình. Những lúc cha con anh cần đến chị, vì đang xoay như chong chóng ở cửa hàng, sợ bỏ đi mất mối, chị nhờ Sa. Cũng chẳng có gì lớn, chị nghĩ thế. Chỉ là sắm cho con gái vài bộ đồ dịp tựu trường, mua cho anh vài thứ lặt vặt. Cũng có khi là nhờ Sa tiện thể, nấu thêm ít đồ ăn trưa đem đến cho cha con anh, để kịp chiều còn đi làm, đi học...
Một lần con gái đã đi học, chị tất bật ở cửa hàng thì anh bị cảm, điện ra bảo chị mua thuốc rồi về cạo gió cho anh luôn. Sa đang ở chỗ chị, cô không biết giá cả nên không thể bán thay chị. Chị đành nhờ cô mua thuốc đem đến cho anh, chiều về chị cạo gió, nấu nước xông cho anh là được. Tính là vậy, nhưng chiều chị về, anh đã bớt nhiều. Anh bảo, nhờ có Sa cạo gió giúp nên mau khỏe. Chị đã mệt rũ nên cũng chẳng bận tâm.
Chẳng hiểu chuyện cạo gió lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, chị cũng không để ý. Chỉ thấy anh không còn nhờ chị những chuyện lặt vặt kiểu như vậy nữa. Chị được toàn tâm, toàn ý cho công việc. Một thời gian sau, bỗng dưng Sa cương quyết ly hôn gã chồng vô tích sự. Chị mừng cho cô, đâu ngờ nối tiếp “sự kiện” đó là một “sự kiện” khác đến với chị. Chồng chị chẳng quanh co, xa gần mất thời gian, anh nói thẳng muốn ly hôn để cưới Sa. Sa mới đúng là “một nửa” của anh lâu nay bị lạc mất. Anh còn giải thích: chị là “một nửa” lâu nay bị... nhầm, nên ráp lại không thể “tròn trịa”! Anh phát hiện ra điều đó từ lần Sa cạo gió cho anh...
Chị nghe mà bàng hoàng. Chị chẳng hiểu gì hết! Gì mà nửa nọ, nửa kia chứ? Anh chị từng yêu nhau đến thế, sao lại... nhầm? Chị vốn đơn giản, những điều anh ví von chị chẳng thể hình dung ra. Hoảng loạn, căm phẫn, chị vớ mấy cái ly trên bàn liệng xuống vỡ tan nát, gào lên: “Đồ phản bội! Đừng có kiếm đường chối tội”. Con gái đứng ngoài nghe lén cuộc nói chuyện của cha mẹ khóc nức nở. Nó không hiểu người lớn làm chi những chuyện khó hiểu. Mẹ nó thương dì Sa như thế, sao dì lại giành mất người đàn ông của mẹ con nó?
Một thời gian sau, mẹ con chị ra sân bay xuất cảnh sang Mỹ. Chị muốn quên đi cái quyết định sai lầm cách đây mười mấy năm. Con bé lặng lẽ đi bên mẹ, vẻ mặt đầy vẻ ưu tư, chẳng còn nét hồn nhiên vốn có ở cái tuổi của nó.

Chuyện những người phụ nữ “nhắm mắt để chồng cặp bồ”

Ấy thế mà lòng căm thù trong lòng chị dồn nén tới mức kiên quyết bằng mọi cách giữ chồng.

Mặc dù các cuộc hôn nhân không tình yêu không thể hiện các dấu hiệu tiêu cực hay mâu thuẫn quá rõ ràng, nhưng sống chung với người mà mình không yêu thương thì liệu điều đó là giải pháp thông minh hay tai hại?

Cuộc sống luôn luôn thay đổi và đôi khi con người cũng vậy, khi yêu người ta có thể "chết" vì nhau hi sinh tất cả cho nhau tất cả nhưng cái thứ gọi là tình yêu nồng cháy đó không còn hiện hữa nữa thì người ta lại có thể sẵn sàng hành hạ nhau, làm khổ nhau bằng trăm nghìn cách trên đời. Và có người còn thẳng thừng tuyên bố "không ly hôn để hành hạ đối phương của mình".

Chị Nhung một người nhan sắc thuộc hạng mặn mà, chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Hà Nội. Vợ chồng chị sống với nhau cả chục năm trong cảnh cả hai đều đã "ngán" nhau như nước với lửa. Chồng chị Nhung vốn là một ông sếp lớn trong một công ty tư nhân, từ ngày lên sếp anh bắt đầu bỏ bê vợ con nhà cửa, cặp kè với những em chân dài, trẻ đẹp ngang nhiên trước mặt chị. Thậm chí, anh ta còn ngang nhiên dẫn bồ đi dự các cuộc họp, dịp vui chơi với đối tác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ấy thế mà lòng căm thù trong lòng chị dồn nén tới mức kiên quyết bằng mọi cách giữ chồng. Lý do ngược đời ấy là do chị quá căm tức mấy cô chân dài ấy nên không thể để chồng mình tự do đến với "bồ nhí" một cách hợp pháp. Cả công ty chị tôi khi biết chuyện ai nấy cũng xôn xao bàn tán về cái triết lý "dại gì bỏ chồng để chúng nó danh chính ngôn thuận mà đến với nhau". Chị Nhung quan niệm: Nếu bỏ chồng thì chị không thể chịu đựng được cảm giác hả hê của cô bồ nhí đã từng có lần đến trước mặt chị bắt chị nhường chồng.

Và cũng đã ngót chục năm sống trong cảnh chứng kiến chồng cặp bồ ngang nhiên, nhưng chị Nhung vẫn không có ý định kết thúc cuộc hôn nhân vốn dĩ đã rất ngột ngạt của mình.

Biết chồng ngoại tình mà vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” cũng là tình trạng mà chị Lan, Đông Anh, Hà Nội đang vướng vào. Tuy nhiên, hoàn cảnh của chị Lan lại khác.

22 tuổi, Lan chưa một ngày đi làm thì đã lấy chồng. Chồng Lan làm sếp trong một doanh nghiệp lớn, anh kiếm được rất nhiều tiền, lo cho mẹ con Lan đủ thứ. Kiếm được nhiều tiền, anh cũng tự cho mình cái quyền điều khiển mọi thành viên trong gia đình theo ý mình, anh bắt Lan nghỉ việc ở nhà chăm sóc con để anh yên tâm công tác.

Từ đó, anh ta đi tối ngày, và cặp kè với hết người này đến người khác. Ban đầu chồng Lan còn giấu giếm, sau đó anh công khai cặp kè với người này người kia trước mặt Lan. Lan chán chồng lắm nhưng lại không thể nhờ sự giúp đỡ từ hai bên gia đình. Bố mẹ chồng Lan thì bênh con trai cho rằng tại Lan đẻ con gái nên chồng mới ngoại tình. Cuộc sống của Lan có tất cả nhưng không có hạnh phúc.

Được thể, chồng Lan mang tiền đi mua cho gái, cô ta chỉ bằng tuổi con Lan. Không thể chịu đựng được, Lan đã từng tìm đến nhà tình địch định cho cô ta một trận, nhưng chưa kịp đánh cô ta thì Lan đã bị chồng đánh. Anh ta bảo tiền do anh ta làm ra, anh ta muốn cho ai thì cho, mẹ con Lan không có quyền gì cả.

Lan muốn một ngàn lần kí vào đơn ly hôn, nhổ toẹt vào bộ mặt hám gái đó trước khi ôm con ra khỏi nhà. Lan muốn chửi một lần cho đã kẻ đã làm cuộc đời cô nên nông nỗi này. Nhưng Lan chưa một lần đi làm, ly hôn rồi ai sẽ nuôi con của Lan? Thêm nữa, có chồng giàu nên cuộc sống sung sướng quen rồi, giờ muốn có tiền cũng ngại làm việc.

Lan tâm sự: "Hiện tại cuộc sống vợ chồng tôi vô cùng nhạt nhẽo, ai làm việc người nấy. Sống cùng một mái nhà nhưng chúng tôi không ăn cùng mâm, không ngủ cùng giường, không chuyện trò hay chia sẻ với nhau bất cứ chuyện gì. Bù lại, chồng tôi vẫn đưa tiền đầy đủ để tôi chi tiêu trong gia đình, thi thoảng đón con, hai bên nội ngoại có việc gì cũng góp mặt, nhưng cũng thường xuyên vắng nhà, qua lại với người tình. Tôi chẳng buồn gào khóc hay lồng lộn đòi gặp mặt tình địch hoặc một mực bắt anh ta chọn tôi hoặc cô ta nữa. Tôi thấy lòng tê dại và không còn yêu chồng. Một tuần chồng về nhà ngủ được 2, 3 đêm là nhiều. Còn lại anh ngủ ở đâu thì không đến phần tôi được tra hỏi. Nhận lương về chồng cho cả chục triệu, ngay cả lúc đưa tiền cũng không nhìn mặt nhau. Tôi tự soi gương thấy mình đâu đến nỗi, điều gì làm chồng ghẻ lạnh đến thế?"

Không giống như Lan, Hoa không chịu ly hôn chồng dù biết chồng mình đang ngang nhiên cặp bồ với cô đồng nghiệp cùng cơ quan. Lí do Hoa đưa ra là cô sợ dư luận đánh giá, sợ người khác nói này nói nọ. Nên đã gần ba năm, Hoa cứ nhắm mắt mặc chồng công khai đi lại với tình địch. Nếu ai đó có mách Hoa về chuyện chồng cô có dấu hiệu "ăn chả" thì Hoa lại tìm cách bao biện. Hoa tâm sự: "Cả nhà em chưa có trường hợp nào vợ chồng phải ly hôn cả. Em mà ly hôn, bố mẹ em chắc sẽ sốc lắm. Hơn nữa, em cũng sợ người khác nói ra nói vào vì bao năm nay trong mắt mọi người chồng em vẫn là người tử tế, đàng hoàng, tự dưng ly hôn người ta sẽ đánh giá em thế này, thế nọ, nhất là con cái em sợ chúng không chịu nổi áp lực...".

Cố duy trì cuộc hôn nhân đến hơi thở cuối cùng, những người phụ nữ này sẽ mất đi cơ hội để nhận được hạnh phúc. Tồi tệ hơn, khi trái tim và tinh thần của bạn không thoải mái, hài lòng, nó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất khác. Bạn sẽ chẳng thể khỏe mạnh và đem lại niềm hạnh phúc cho con cái mình khi cuộc sống vợ chồng không mang lại cho bạn niềm vui, cảm giác trao yêu thương và nhận được thương yêu.

Tiền bạc là kẻ phá bĩnh hạnh phúc

Khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn.

Bước vào nhà, anh mạnh tay ném chiếc cặp lên ghế rồi đi thẳng xuống nhà dưới. Thậm chí, con gái thấy ba đi làm về vội cuống quýt chạy theo mừng, anh cũng xem như không thấy, đi một mạch xuống nhà tắm rồi đóng sập cửa lại. Đã quen với thái độ cáu bẳn, gắt gỏng của anh suốt nhiều tháng nay nên em tự hiểu anh đang phát ra tín hiệu – “đừng làm phiền tôi”. Em ôm con bước ra khỏi nhà, hy vọng làm nhẹ bớt không khí nặng nề đang bao trùm.

Tưởng rằng khi em và con quay về, anh sẽ dịu lại và vui vẻ với vợ con như mọi khi. Nhưng không, nét mặt anh vẫn cau có, khó chịu: “Bộ ngoài chợ hết đồ ăn rồi hay sao mà cứ cho tui ăn cá hoài vậy? Đi làm đã mệt, về nhà thấy cá chiên là nuốt không trôi”. Em nhỏ giọng: “Thì hôm qua anh nói ngán thịt kho nên hôm nay em mới chiên cá”. Anh gằn giọng: “Vậy ngoài cá chiên cô không biết làm món gì khác hay sao?”. Vừa nói anh vừa lấn tới, thái độ hung dữ như muốn đánh. Theo phản xạ, em đưa tay đỡ, người co rụt lại phòng thủ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lúc đó, em đã nhìn thấy trong mắt anh bùng lên ngọn lửa hung bạo. Ngọn lửa ấy chực chờ thiêu rụi cả hai mẹ con em. Bất giác, em muốn bỏ hết, bỏ chạy thật xa khỏi con người đang dần trở nên ích kỷ và vô tâm đến tàn nhẫn.

Nếu lúc con gái tròn 25 tháng, em không bị mất việc, có lẽ chúng ta sẽ vẫn giữ nguyên cái nhìn ngọt ngào về nhau. Tình cảm sẽ vẫn nguyên vẹn như ngày đầu mới yêu chứ không bị chệch hướng như bây giờ. Tiền bạc chưa bao giờ là kẻ phá bĩnh hạnh phúc khi cả hai vợ chồng còn chung tay làm việc. Nhưng khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn. Thứ còn sót lại chỉ là sự mệt mỏi và những trận cãi vã kéo dài không dứt.

Mỗi chiều đi làm về, anh chỉ biết than ngắn thở dài, rồi mệt mỏi nằm xem ti vi chờ cơm, chờ tắm, chờ ngủ. Ban đầu anh còn phụ em dỗ con để vợ lau nhà, rửa chén. Nhưng sau đó thì không: “Tui quần quật suốt ngày ở ngoài đường rồi, về đến nhà cho tui yên thân một chút được không? Việc gì cũng bắt tui phải đụng tay vào thì cô mới vui hay sao?”. Đó cũng là lần đầu tiên anh lớn tiếng với em. Nhưng em không đáp trả mà chỉ im lặng. Em tự thấy trong chuyện này mỗi mình em có lỗi. Lỗi là do bản thân em quá vô dụng, đẩy gia đình vào tình thế cơ cực thế này.

Công ty anh tổ chức tiệc, anh gọi điện về kêu hai mẹ con chuẩn bị lát nữa anh sẽ về chở theo cùng. Em vui lắm vì lâu rồi cả nhà mới có dịp cùng nhau ra ngoài cho thoải mái. Đúng như em nghĩ, buổi tiệc rất vui, đồ ăn rất ngon. 20h30, mọi người lần lượt ra về. 21h, anh vẫn hăng hái cụng ly với mấy ông bạn đồng nghiệp ở bàn kế bên. 21h30, con gái gắt ngủ bắt đầu quấy khóc. Đợi thêm chút nữa vẫn chưa thấy anh có ý định dừng cuộc vui, em lại gần anh nói khẽ, gần 22h rồi, về cho con ngủ đi anh. Anh không nói gì, hầm hầm đứng lên đi thẳng ra cửa trong sự ngơ ngác của mọi người.

Vừa dắt xe vào nhà, anh bất ngờ hét to: “Mày có coi tao là chồng mày không? Sao mày dám làm tao mất mặt trước sếp?”. Con gái nghe tiếng bố hét thì giật mình khóc lớn. Anh mặc kệ, vẫn cứ gào thét, chửi rủa em không tiếc lời. Đêm đó, con gái dù ngủ say vẫn ôm chặt lấy mẹ, thỉnh thoảng lại nấc lên trong giấc mơ.

Đến mức này thì em không thể chịu đựng hơn nữa. Tuy rằng trong khoảng thời gian này em không kiếm ra tiền nhưng em vẫn làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ. Anh không thể cứ bắt em phải gồng mình hứng chịu những cơn thịnh nộ vô lý của anh. Có phải trong mắt anh giờ đây em chỉ còn là gánh nặng? Để cứu mình và cứu hôn nhân đang chết dần, em phải nói chuyện thẳng thắn với anh một lần. Có thể sau đó ta sẽ lại như xưa hoặc anh sẽ quẳng được gánh nặng đã đeo mang quá lâu. Dù kết quả thế nào thì hai ta cũng tìm được giải pháp.

Em đã gây nên tội gì?

Em khổ tâm biết bao nhiêu, em đã gây nên tội gì để anh phải kìm kẹp quá đáng như vậy?

Chúng mình quen nhau những 5 năm trời đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng, tưởng thế là đã hiểu nhau nhiều lắm. Bao nhiêu mơ ước về một mái nhà đơn sơ với những đứa con thật là hạnh phúc cuối cùng cũng trở thành sự thật khi chúng mình tổ chức đám cưới.

Ai cũng nói em có phước khi lấy được một người đàn ông hơn tuổi và yêu thương mình thật lòng. Đối với em, lúc đó thật hạnh phúc biết bao. Đơn giản vì từ đây mình đã có một bóng tùng vững chải để che chở, yêu thương.Và điều quan trọng hơn cả là vì hai đứa mình cùng có một hoàn cảnh gia đình giống nhau nên dễ dàng đồng cảm và càng thương yêu nhau nhiều hơn.

Em bước vào cuộc sống gia đình với bao nhiêu là hăm hở, hy vọng, bao nhiêu là dự tính cho tương lai….

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế mà chỉ vừa mới về nhà thôi, em đã ngỡ ngàng cứ tưởng mình đã nhầm anh với một người nào khác. Anh thay đổi thật nhanh chóng, trước mặt em là một người đàn ông gia trưởng, đáng sợ. Đi dự đám cưới với anh, em mặc một chiếc đầm xinh xắn, món quà mà bạn em tặng, em tưởng anh sẽ khen em đẹp, anh tự hào vì có người vợ trẻ, đáng yêu. Nhưng khác với những gì em tưởng tượng, anh chở em tới đám cưới với bộ mặt hờ hững, gắt gỏng. Em cảm thấy sợ. Còn nhiều cái thay đổi khác mà em không thể nào hình dung nổi. Anh bắt em đi đâu phải báo cáo, tiền bạc chi tiêu phải chi li ghi vào sổ sách, trang phục đầu tóc ….tất cả đều theo khuôn phép.

Hai đứa con ra đời trong sự tủi nhục cô đơn của em. Em từng hy vọng có con anh sẽ yêu thương con rồi em sẽ lấy lại tình cảm như ngày xưa của anh. Nhưng em hy vọng để rồi càng thất vọng ê chề. Anh càng gia trưởng và độc đoán hơn nữa. Em sinh con gầy guộc vì ở nhà tiền bạc eo hẹp, anh thì đi suốt và về nhà trong bộ dạng say xỉn, có hôm đi đánh bài và không ít lần qua đêm. Em đã khóc rất nhiều, không ít lần khuyên nhủ anh, rồi chịu đựng và chịu đựng…

Em đi dạy cách nhà 15 cây số. Về nhà chăm hai đứa con đứa 6 tuổi đứa 1 tuổi rồi còn chợ búa, cơm nước, vậy mà anh nghi ngờ em về trễ vì “đi với thằng nào đó”. Anh đâu biết đâu đường kẹt xe, em không về sớm được. Em cũng mong anh đi làm đưa em tiền để em dạy ít tiết, có thời gian nuôi dạy con và để anh yên tâm không ngờ vực. Anh đi làm ở một công ty lớn, nhưng mà tiền bạc không rõ ràng, em có hỏi thì anh mới đưa một vài triệu. Anh xem nuôi dạy con là việc đàn bà, anh làm việc lớn…

Cuối tuần gia đình người ta dắt díu nhau đi thú nhún ,ăn kem. Còn em và con thui thủi ra vô chờ bố đi nhậu về để đóng cửa. Lịch nhậu của anh thì ngày càng dày. Anh bảo phải ngoại giao trên bàn nhậu, em khuyên anh bớt nhậu vì sức khỏe và có thời gian ở bên gia đình, anh không nghe.

Mới đây ngày quốc tế hạnh phúc 20 – 3, vợ chồng lại cãi nhau một trận vì em đưa con đi chơi. Tối em xem lại hình khi con ngủ, anh bảo em làm việc gì mờ ám…

Em khổ tâm biết bao nhiêu, em đã gây nên tội gì để anh phải kìm kẹp quá đáng như vậy? Nhiều lần muốn li hôn, nhưng cầm tờ đơn đưa lên đưa xuống rồi nhìn hai đứa con xinh xắn chẳng làm nên tội gì, lại thôi.

Em mong anh đọc được những lời này để trở về với gia đình, dù nhiều lỗi lầm nhưng em và con sẵn sàng tha thứ và đón nhận người chồng, người cha đúng mực, là anh của ngày xưa mà em đã từng yêu thương và có nhiều kỷ niệm.