Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thông minh, học giỏi, ghi nhớ tốt và phản xạ nhanh. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, cùng một độ tuổi, có bé học đâu hiểu đó, còn có bé lại chậm chạp, tiếp thu yếu. Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Trẻ em thuộc Đại học Harvard, Mỹ chỉ ra rằng, sự phát triển trí não của trẻ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường sống và các hành vi hằng ngày của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn vàng từ 0 đến 6 tuổi. Nếu biết cách khuyến khích đúng, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con mình phát triển trí tuệ một cách toàn diện.
Các chuyên gia từ Harvard cho biết, não bộ của trẻ từ 0–6 tuổi có thể hình thành tới 700 tỷ kết nối thần kinh (synapse) mỗi ngày, vượt xa người trưởng thành. Đây là thời kỳ não có tính "dẻo" cao nhất, nghĩa là dễ tiếp thu và thay đổi trước các kích thích phù hợp từ môi trường.
Chính vì vậy, nếu trẻ thường xuyên làm 3 việc làm dưới đây, não bộ sẽ được kích thích đúng cách, giúp tăng khả năng ghi nhớ, phân tích và sáng tạo vượt trội.
1. Thích khám phá, tiếp xúc với điều mới lạ
Một đứa trẻ tò mò, thích chạm vào đồ vật, khám phá màu sắc, âm thanh, hình dạng, đó là dấu hiệu rất tốt. Sự kích thích giác quan đa dạng giúp tăng tốc độ liên kết thần kinh, khiến não bộ xử lý thông tin nhanh và hiệu quả hơn.
Ví dụ như:
Trẻ thích nghe kể chuyện, sờ nắm đồ vật như khối gỗ, đồ chơi nhiều chất liệu.
Thích ra công viên, quan sát thiên nhiên, học từ mới từ những thứ xung quanh.

Tuy nhiên, không phải loại kích thích nào cũng tốt:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện thoại, TV quá nhiều. Ánh sáng xanh và tần suất thay đổi hình ảnh khiến não quá tải, chưa kể nguy cơ cận thị rất cao.
- Tránh gây giật mình, la hét, vì kích thích kiểu này gây stress, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý.
- Không để trẻ tiếp xúc với mùi hắc, âm thanh lớn, ánh sáng gắt trong thời gian dài, vì đây là dạng kích thích quá mạnh, dễ khiến trẻ hoảng loạn hoặc khó chịu thần kinh.
2. Thích đọc sách và giao tiếp nhiều
Cha mẹ sẽ bất ngờ khi biết rằng, trẻ thích nói chuyện và đọc sách thường phát triển trí não tốt hơn hẳn. Không chỉ đơn thuần là tích lũy kiến thức, việc nói chuyện và đọc sách giúp kích hoạt những vùng quan trọng trong não như:
Vùng Broca là trung tâm xử lý ngôn ngữ và lập luận logic.
Hồi hải mã và thuỳ thái dương là nơi lưu giữ và tổ chức thông tin.

Một đứa trẻ được nghe kể chuyện, cùng cha mẹ thảo luận về thế giới xung quanh, hay tự cầm sách lật từng trang khám phá câu chữ, khả năng ghi nhớ và phản xạ ngôn ngữ sẽ vượt trội.
Lưu ý khi tạo thói quen đọc sách cho trẻ:
- Chọn sách đúng độ tuổi, có hình ảnh minh hoạ sinh động, nội dung tích cực.
- Đảm bảo ánh sáng đầy đủ, tránh đọc trong bóng tối hoặc quá gần mặt.
- Tư thế đúng: Ngồi thẳng, không nằm đọc sách quá lâu để tránh cong vẹo cột sống và mỏi mắt.
3. Thích vận động
Nhiều phụ huynh quan niệm rằng, những đứa trẻ mê vận động thường "hiếu động", khó tập trung. Nhưng nghiên cứu từ Harvard chỉ ra điều ngược lại, vận động chính là cách giúp trẻ tăng trí nhớ và sự tập trung.
Trong quá trình vận động, cơ thể tiết ra nhiều hormone có lợi như endorphin, dopamine và norepinephrine, những chất có khả năng cải thiện hoạt động của hồi hải mã và vỏ não trước trán, hai vùng chịu trách nhiệm về ghi nhớ và điều khiển hành vi.

Vận động lý tưởng cho trẻ gồm chạy bộ, nhảy dây, đá bóng, bơi lội, giúp máu lưu thông tốt, nuôi dưỡng não bộ.
Tránh các môn quá sức như nâng tạ, thể dục dụng cụ hay xe đạp địa hình vì có thể gây chấn thương và không phù hợp với trẻ đang phát triển. Mỗi ngày nên cho trẻ vận động tối thiểu 30 phút, ưu tiên ngoài trời nếu thời tiết cho phép.
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng thông minh, nhưng việc cha mẹ tạo môi trường phù hợp sẽ quyết định con phát triển trí tuệ đến đâu. Trong giai đoạn từ 0–6 tuổi, não bộ trẻ như "miếng bọt biển" hút lấy mọi kích thích từ thế giới. Vì vậy, hãy tạo điều kiện để trẻ tò mò khám phá thế giới, giao tiếp và đọc sách thường xuyên, vận động hợp lý và đều đặn.