Rau càng cua là một loại rau dại mọc hoang ở nơi ẩm thấp, đặc biệt phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Loài rau này có thân mềm, mọng nước, hình dáng giống càng con cua nên được dân gian đặt tên là "càng cua". Lá rau hình tim nhỏ, xanh bóng, thân giòn, dễ gãy và thường mọc bò sát đất hoặc leo nhẹ trên bề mặt ẩm.

Nguồn gốc của rau càng cua được cho là từ vùng Trung – Nam Mỹ, sau đó lan sang nhiều nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Tuy là rau dại, nhưng càng cua lại chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Hương vị rau càng cua thanh mát, hơi chua nhẹ, giòn sần sật. Chính vì vậy, rau này thường được dùng để trộn gỏi, làm salad với trứng, thịt bò hoặc đơn giản là ăn sống chấm nước kho quẹt.
Hiện nay, rau càng cua không chỉ mọc hoang mà còn được nhiều nơi trồng để cung cấp cho nhà hàng, quán chay hoặc người tiêu dùng thành thị. Tùy vào từng khu vực và thời điểm, rau càng cua có giá dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Rau càng cua thường có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 30-45 ngày sau khi trồng là có thể thu hoạch. Bạn có thể thu hoạch bằng cách cắt tỉa, chừa lại gốc khoảng 3-4cm để rau tiếp tục phát triển. Rau càng cua có thể thu hoạch quanh năm nếu được chăm sóc tốt.
Ông Bé (ở xã Thăng Điền, Đà Nẵng) chia sẻ, ban đầu ông chỉ trồng một vài hàng rau càng cua, rồi thấy cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên quyết định mở rộng quy mô, cải tạo gần 2.000 m² đất để trồng rau chuyên canh.

Theo lời ông, trồng rau càng cua không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Điều quan trọng nhất là chọn giống tốt, gieo trồng đúng thời điểm và giữ cho đất luôn tơi xốp, ẩm mát. Loài rau này vốn ưa sạch nên ông tuyệt đối không dùng thuốc hóa học. Nước tưới cũng phải lấy từ nguồn trong lành, không phèn, không ô nhiễm. Chỉ cần sơ ý một chút, cây sẽ lụi ngay.
Thời gian sinh trưởng của rau chỉ khoảng 2 tháng. Sau nửa tháng gieo, có thể thu hoạch lứa đầu tiên, rồi tiếp tục tỉa hái thêm 1-2 đợt nữa. Khi cây yếu, ông lại cày đất, gieo lứa mới. Công chăm sóc cũng không quá nặng nhọc. Hai vợ chồng ông mỗi ngày chỉ cần dành vài giờ là đủ để vun trồng, tưới nước và thu hoạch.
Nhờ cách làm bài bản và sạch sẽ, rau của ông Bé được nhiều mối quen tìm đến mua với giá dao động từ 30.000 đến 80.000 đồng/kg, nhất là vào mùa mưa khi rau ngoài tự nhiên khan hiếm. Trung bình mỗi ngày, ông xuất bán 10-30 kg rau, thu về một khoản thu nhập ổn định.
Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, ông Bé còn nhiệt tình chia sẻ cách trồng, chăm sóc rau càng cua cho bà con lối xóm. Nhờ đó, mô hình rau dại sạch đang dần lan rộng, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững từ những điều tưởng chừng giản dị nhất.
Trong khi nhiều người vẫn xem rau càng cua là loại rau dại chỉ mọc vào mùa mưa, thì ông Lê Hữu Thọ (phường An Lộc, Bình Phước) đã có cách nhìn khác. Bằng việc áp dụng công nghệ cao, ông đã biến loài rau mọc hoang này thành sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế ổn định quanh năm.

Ông Thọ chia sẻ, quy trình trồng rau càng cua không quá phức tạp. Bước đầu tiên là chọn hạt giống chất lượng, sau đó gieo trồng trên giá thể tái sử dụng từ mô hình trồng dưa lưới trước đó. Hệ thống tưới tự động theo công nghệ Israel được lắp đặt để kiểm soát độ ẩm thích hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Mỗi nhà kính có diện tích 1.000 m², sau khoảng 60 ngày kể từ khi gieo giống là có thể bắt đầu thu hoạch.
Mỗi vụ, ông thu được khoảng 2 tấn rau càng cua từ một nhà kính. Với giá bán dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 20 triệu đồng/vườn rau. Điều đáng nói là việc trồng trong nhà kính không chỉ giúp duy trì năng suất mà còn cho phép thu hoạch quanh năm, không phụ thuộc vào thời tiết như trước kia.
Hiện tại, rau càng cua của ông Thọ chủ yếu được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM thông qua đơn đặt hàng. Nhu cầu thị trường đang tăng cao do nguồn rau sạch khan hiếm, khiến giá trị của loại rau này ngày càng ổn định và có xu hướng nhích lên.

Theo ông Thọ, rau càng cua có ưu điểm lớn là thời gian bảo quản dài hơn nhiều loại rau khác – có thể giữ tươi gần 10 ngày nếu được bảo quản ở nhiệt độ mát, rất phù hợp với chuỗi cung ứng thực phẩm hiện đại.
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng rau và cây ăn quả trong nhà kính, ông Thọ đang hướng đến việc mở rộng mô hình, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, hỗ trợ các nông hộ khác cùng phát triển. Ông kỳ vọng rau càng cua sẽ không chỉ là sản phẩm nông nghiệp có giá trị ở Bình Phước, mà còn trở thành mô hình nông nghiệp bền vững trong tương lai gần.