
Lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Nga và Ukraine nhanh chóng trở thành vô nghĩa khi chiến sự trên thực địa tiếp tục leo thang. Theo nguồn tin từ giới quân sự, rạng sáng ngày 21/4, lực lượng Nga đã đồng loạt triển khai tên lửa và máy bay không người lái Geran-2 tấn công nhiều khu vực tại Ukraine với quy mô dày đặc. Ảnh minh họa: Telegram

Hai bên lập tức nổ ra tranh cãi dữ dội, liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích Moscow không tuân thủ lệnh ngừng bắn trên bất kỳ mặt trận chủ chốt nào. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đáp trả rằng chính Kiev mới là bên không thực hiện cam kết, không những tiếp tục nổ súng mà còn tổ chức các đợt tập kích bất ngờ trong đêm. Ảnh: RIA Novosti

Tình hình căng thẳng đến mức hệ thống vệ tinh giám sát cháy rừng của NASA (Mỹ) cũng ghi nhận khu vực tiền tuyến giữa hai nước “nóng lên bất thường” trong ngày 20/4, dấu hiệu rõ ràng cho thấy giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra. Ảnh: TASS

Sáng sớm ngày 20/4, một bình luận viên quân sự thuộc truyền thông Nga đã có mặt tại khu vực tiền tuyến để theo dõi tình hình. Theo ghi nhận, toàn tuyến vẫn vang tiếng súng, nhưng mức độ giao tranh nhìn chung đã giảm đáng kể so với những ngày trước. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Nhiều dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều tranh thủ khoảng thời gian tạm lắng để thực hiện các hoạt động chiến thuật: điều chuyển lực lượng, thay phiên đơn vị đóng quân, đưa thương binh và thi thể rút lui về hậu phương, đồng thời củng cố lại các công sự phòng thủ. Ảnh: Top War

Tuy nhiên, sự yên tĩnh mong manh nhanh chóng bị phá vỡ. Trong cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố dứt khoát rằng “lệnh ngừng bắn sẽ không được gia hạn, giao tranh sẽ tiếp tục sau nửa đêm”. Ảnh: Top War

Ngay sau đó, lực lượng Ukraine bất ngờ gia tăng hỏa lực, khiến toàn bộ mặt trận bùng nổ dữ dội trở lại. Khói lửa và tiếng nổ bao trùm nhiều điểm nóng, báo hiệu một giai đoạn giao tranh mới đã bắt đầu. Ảnh: TASS

Bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời, khu vực Pokrovsk tiếp tục trở thành điểm nóng, với những tuyên bố trái ngược từ cả hai phía. Theo phía Ukraine, đây là khu vực xảy ra giao tranh ác liệt nhất trong suốt thời gian đình chiến, đặc biệt là tại phía đông thành phố – bao gồm các khu vực Myrolyubivka và Malynivka. Kyiv cáo buộc Nga dồn toàn lực tấn công vào các vị trí này, bất chấp cam kết ngừng bắn. Ảnh: Google Maps

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga lại khẳng định chính lực lượng Ukraine đã chủ động phản công tại nhiều điểm ở Pokrovsk. Đáng chú ý nhất là làng Uspenivka – nơi quân Ukraine được cho là đã tái chiếm ngay trước thời điểm ngừng bắn có hiệu lực, đồng thời mở rộng đà tiến công dọc theo sông Solone. Ảnh: Top War

Sau thời điểm tuyên bố ngừng bắn có hiệu lực, phía Nga cho biết Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái và súng cối tập kích liên tục vào các vị trí của Nga quanh Uspenivka nhằm củng cố thành quả, buộc các đơn vị Nga phải nổ súng đáp trả. Cả hai bên hiện đều cáo buộc đối phương là bên khơi mào tái khởi động giao tranh. Ảnh: Top War

Ở khu vực gần Sukha Balka – phần nhô ra ở tây nam Toretsk, quân đội Ukraine vẫn tiến hành tập kích ban đêm ngay trong thời gian ngừng bắn. Kênh Telegram “Oleg Tsaryov” cho biết, thời gian gần đây, quân Nga đã tiến quá nhanh ở khu vực đáy của phần nhô ra, khiến sở chỉ huy của Ukraine bị hoảng loạn. Ảnh: TASS

Mặc dù Ukraine đã triển khai tới ba lữ đoàn tại đây – gồm Lữ đoàn cơ giới số 93, cùng với Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 109 và 111 – nhưng thực tế cho thấy lực lượng này không thể giữ nổi tuyến phòng thủ kéo dài từ Sukha Balka đến Novospaske. Ảnh: Google Maps

Trước thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Nga đã thiết lập thế bao vây tại khu vực đông nam làng Sukha Balka. Sau đó, lực lượng Nga nhanh chóng triển khai các đợt tấn công trực diện, phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine bên trong vòng vây. Kết quả, toàn bộ khu kho hàng lớn ở phía đông nam ngôi làng đã rơi vào tay Nga, trong khi ở phía bắc, một phần tuyến đường chính cũng đã bị quân Nga kiểm soát. Ảnh: Reuters

Sukha Balka là vị trí then chốt, liên quan trực tiếp đến sự an toàn của phía đông phần nhô ra. Nếu để mất khu vực này, tuyến phòng thủ dọc theo bờ sông ở phía bắc chắc chắn sẽ sụp đổ. Một khi phòng tuyến bị phá, toàn bộ phần lồi sẽ bị Nga tấn công từ sườn. Ảnh: RIA Novosti

Về lý thuyết, Ukraine có thể thiết lập tuyến phòng ngự mới kéo dài từ Romanivka qua Zorya đến Oleksandropil để ngăn chặn đòn đánh sườn, nhưng thực tế lại không mấy khả quan: tuyến hậu cần ở khu vực này quá đơn độc và đang bị hỏa lực Nga đe dọa từ bên hông, khiến việc giữ vững trận địa trở nên vô cùng khó khăn. Ảnh: Google Maps

Tiếp theo, quân đội Ukraine rất có thể sẽ phải thiết lập tuyến phòng thủ mới tại làng Yablunivka và hồ chứa nước Bykske. Đập này có chiều rộng từ vài trăm mét đến 1 km, dài khoảng 9 km, tạo thành một chướng ngại tự nhiên. Nếu quân Ukraine có thể giữ vững khu vực này, quân Nga sẽ khó có thể sử dụng tuyến đường H20 để tiến công Kostiantynivka. Ảnh: Google Maps

Tuy nhiên, nếu quân Nga phá vỡ phòng tuyến của Ukraine từ phía tây bắc Toretsk và tiến tới Pleshchiivka, tuyến phòng thủ ở khu vực hồ chứa nước này sẽ bị uy hiếp từ phía sau, và khi đó, toàn bộ phòng tuyến phía nam Kostiantynivka sẽ hoàn toàn sụp đổ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine