Liên quan đến vụ quảng cáo sữa Milo có nội dung “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”, chiều 20/5, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Cục An toàn thực phẩm về tiến độ xử lý, đồng thời ban hành quyết định kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.
Nestlé Việt Nam đã dừng toàn bộ các quảng cáo có liên quan đến Viện Dinh dưỡng
Trong văn bản số 2637/SYT-ATTP gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tại buổi làm việc, phía Nestlé Việt Nam xác nhận có ba dòng sản phẩm Milo được tự công bố.
Trong đó, chỉ sản phẩm “Thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo” có ghi thông tin về Viện Dinh dưỡng trên nhãn. Hai sản phẩm còn lại, gồm “Thức uống lúa mạch Nestlé Milo sữa 3 trong 1” và “Thức uống lúa mạch Nestlé Milo” không sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng.

Nestlé Việt Nam cũng cung cấp văn bản từ Viện Dinh dưỡng (ngày 25/1/2024), xác nhận có phối hợp thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả sản phẩm trong chương trình giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học. Nghiên cứu ghi nhận sản phẩm có tác dụng cải thiện các tố chất thể lực sau ba tháng sử dụng.
Trong khi chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng, công ty cho biết đã chủ động dừng toàn bộ các quảng cáo có liên quan đến Viện Dinh dưỡng, trên cả truyền hình, mạng xã hội và bảng quảng cáo ngoài trời. Đồng thời, yêu cầu các đối tác dừng đăng tải và lên kế hoạch thay đổi bao bì, dự kiến triển khai từ tháng 9/2025.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cũng cho biết đã từng xử lý một bảng quảng cáo ốp tường lớn của Nestlé Milo có nội dung “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” nhưng không thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan chức năng. Ngoài ra, đơn vị này đang xem xét một hồ sơ quảng cáo khác liên quan sản phẩm Milo do Công ty CP CPM Việt Nam thực hiện tại TP HCM.
Trên cơ sở các thông tin thu thập được, cùng với văn bản chỉ đạo từ Cục An toàn thực phẩm ngày 19/5, Sở Y tế Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-SYT, tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động an toàn thực phẩm đối với Nestlé Việt Nam. Thời gian kiểm tra kéo dài 30 ngày kể từ ngày 20/5/2025, phạm vi từ năm 2020 đến thời điểm kiểm tra và các giai đoạn có liên quan.
Phía Nestlé Việt Nam vẫn khẳng định, việc quảng cáo được thực hiện đúng quy định, do sản phẩm không thuộc nhóm phải đăng ký nội dung quảng cáo.

Quảng cáo “thử nghiệm lâm sàng” có thể gây hiểu nhầm
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Lê Trung Phát – Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP HCM) cho rằng, đây là thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Bản chất của “thử nghiệm lâm sàng” và “nghiên cứu cơ sở” là hoàn toàn khác nhau. Thử nghiệm lâm sàng thường cho ra kết quả có độ tin cậy cao (gần như tuyệt đối) trước khi sản phẩm được đưa vào sử dụng rộng rãi, trong khi nghiên cứu cơ sở chỉ mang tính thực nghiệm, có thể không cho ra kết quả chắc chắn như thử nghiệm lâm sàng.
Việc cố tình đánh tráo khái niệm khiến người tiêu dùng tin rằng sản phẩm đã được thử nghiệm với độ an toàn, hiệu quả cao như trong lĩnh vực y tế – từ đó yên tâm sử dụng – là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là khoản 9, Điều 8 của Luật Quảng cáo năm 2012 về hành vi “quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”.
Khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng có ba lựa chọn:
Thứ nhất, có thể trực tiếp yêu cầu bên bán hoàn tiền và bồi thường thiệt hại thông qua thỏa thuận giữa hai bên.
Thứ hai, nếu không đạt được thỏa thuận, người tiêu dùng có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hoàn trả tiền và bồi thường.
Thứ ba, nếu có dấu hiệu của tội phạm, người tiêu dùng có quyền gửi đơn tố giác lên cơ quan công an có thẩm quyền. Trường hợp vụ án bị khởi tố, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình tố tụng, lúc này họ được xem là bị hại trong vụ án hình sự.
Theo Luật sư Lê Trung Phát, pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm để giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra kẽ hở khiến một số đơn vị lợi dụng để trục lợi từ việc quảng cáo sai lệch.
Do đó, cần tăng cường hậu kiểm, xử lý nhanh và nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, mức phạt hành chính cần được điều chỉnh cho tương xứng, tạo tính răn đe mạnh mẽ. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp nên xem xét khởi tố hình sự những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, để nâng cao tính phòng ngừa chung và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục cập nhật các diễn biến tiếp theo của vụ việc.