![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mỗi lần có chuyện gây gổ, Liên lại lên giọng: “Tôi nói cho mà biết, thời gian tôi ở với anh còn lâu hơn cha mẹ anh đó”. Đó là một thực tế vì tôi đã xa gia đình từ khi học cấp 3, học hết phổ thông, tôi vào đại học rồi đi làm, sau đó cưới vợ, tính ra thì thời gian 18 năm tôi sống với Liên vẫn dài hơn những người thân của mình.
Đôi khi tôi tự hỏi: Tại sao mình có thể sống với một người đàn bà chanh chua, đanh đá, lắm lời, xấu bụng như vậy? Rồi tôi tự trả lời là vì nếu không sống với Liên, tôi có thể gặp một mụ đàn bà khác còn nanh nọc hơn, như vợ của mấy ông bạn tôi chẳng hạn.
Đã dặn lòng như vậy, nhưng lần đó khi Liên giở giọng như cũ, tôi không kềm được. Tôi chửi thề và tát vợ hai cái khá mạnh. Liên ngã dúi dụi, sau đó lồm cồm bò dậy và lại... chửi: “Tao nói không phải sao mà mày đánh tao? Cả cái dòng họ nhà mày tao coi khinh vì suốt ngày chỉ biết xin xỏ, ăn bám. Mày đừng có lớn lối. Ai cho mày ăn ngon, mặc đẹp? Mẹ mày là tao, cha mày cũng là tao nè...".
Đúng là đồ đàn bà ngu dại. Con giun xéo lắm cũng oằn, huống hồ chi tôi là một con người. Lần này tôi quyết vùng đứng lên giành lấy độc lập, tự do cho mình. Tôi nói với Liên: "Cha mẹ tôi ở dưới quê, còn cô phải lo cho tôi ăn, tôi mặc là vì bao nhiêu tiền lương tôi đã đưa hết cho cô. Bây giờ nếu nói vậy thì tôi không cần đưa nữa mà sẽ thuê người nấu cơm tháng. Còn cái nhà này, cũng chẳng phải của cô nên tôi cứ ở. Nếu thấy bất tiện thì ngăn đôi".
Tôi nói vậy rồi bỏ ra ngoài bởi nếu tôi còn ở lại thì chắc chắn tay chân tôi sẽ lên tiếng chứ tôi không nhịn nhục được nữa..
Tôi quen Liên khi mới lên Sài Gòn học. Khi đó cha mẹ Liên có khu phòng trọ cho thuê, tôi ở đó suốt 4 năm đại học. Liên hơn tôi 4 tuổi. Mới đầu tôi gọi là "chị", xưng "em", nhưng sau đó Liên nói để ý thương tôi và bảo tôi gọi tên chứ đừng kêu bằng chị. Được một thời gian thì mẹ Liên cũng nói bà thấy tôi hiền lành, chất phác, chăm chỉ học hành nên muốn gả con gái cho tôi. Bà chỉ có một cô con gái duy nhất nên muốn chọn lựa nơi đàng hoàng. Tôi nghe nói riết cũng xiêu lòng. Thế là ra trường, tôi ở lại thành phố. Sau đó chúng tôi cưới nhau.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Không biết vì không có con nên tính tình Liên thay đổi hay là do tác dụng phụ của thuốc mà vợ tôi như biến thành một người khác. Những lời ngọt ngào âu yếm không còn; vợ tôi hay nói trống không, sau đó bắt đầu nói tục, chửi bậy, hỗn hào… Ban đầu tôi ngạc nhiên, lựa lời góp ý cho vợ nhưng đáp lại là sự bực dọc, nóng nảy. Dần dần, tôi không nói nữa.
Đến lúc đó thì Liên bắt đầu ghen. Trước tiên là những lời nói bóng gió, sau đó Liên chửi thẳng mấy chị, mấy em đồng nghiệp thân mật với tôi. Giận quá, tôi bảo : "Đúng là đồ đàn bà ngu dại! Nếu cô cứ ghen bóng, ghen gió như vậy thì tôi làm cho có thật để tha hồ ghen nghen".
Nghe vậy, Liên lu loa: "Biết mà, anh chê tôi già, tôi xấu; chửi tôi là đồ đàn bà ngu dại nên muốn bỏ tôi mà chưa có lý do". Tôi nói là dù tôi rất chán vợ nhưng tôi không dại gì mà ngoại tình bởi tôi còn có phẩm giá của tôi; ở công ty, tôi là người có địa vị, uy tín nên không thể hành sự hồ đồ. Nghe vậy thì vợ tôi càng điên hơn: "Anh thừa nhận là chán vợ rồi, vậy anh ngon thì cứ đi kiếm con khác thay chỗ con vợ già này đi". Tôi chỉ còn biết thở dài.
Chuyện vợ tôi thay tâm, đổi tánh, tôi không dám than thở với ai nhưng rủi sao, có lần mẹ và em gái tôi lên chơi, đúng lúc vợ tôi "lên cơn", thế là mẹ giận bỏ về. Tôi chạy theo dúi vào tay mẹ mấy triệu, năn nỉ: "Mẹ đừng giận, tại vợ con buồn bực vì chữa trị mãi vẫn không có con nên đâm trái tính, trái nết như vậy".
Mẹ tôi không nói gì nhưng từ đó không lên chơi nữa. Liên cũng không thèm gởi tiền về cho cha mẹ tôi như trước, tôi đành phải giữ lại một phần tiền lương để gởi về. Thế là Liên vu cho tôi "nhím" tiền lại để cho bồ bịch và chơi gái, suốt ngày cứ ra rả như kẻ tâm thần.
Trước đây tôi không nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng sau lần tôi đánh vợ thì ý nghĩ đó cứ ngày càng lớn lên trong đầu. Tôi không biết khi nói ra điều này với Liên thì phản ứng của cô ấy thế nào nhưng thú thật là tôi rất sợ. Tôi sợ Liên sẽ lên cơn và làm điều gì đó mà tôi không lường trước được. Thế nhưng nếu cứ kéo dài cuộc sống thế này thì chắc có ngày tôi cũng tâm thần giống như vợ mình...
Bức thư được hàng trăm lượt like và đến hơn 60 người chia sẻ - một con số không phải là nhỏ với một người phụ nữ chưa bao giờ nổi tiếng!
Bức thư rất đơn giản, cảm ơn người đàn ông ở bên cô ấy suốt 5 năm qua, vì tất cả những việc anh ấy làm. Mà những việc anh ấy làm thì hết sức bình thường (cũng y như tôi và các ông chồng của nhiều người khác!). Chồng của cô vợ ấy không phải là mỗi năm đưa mẹ con cô ấy đi chơi bao nhiêu chuyến hay mua cho cô ấy bao nhiêu món quà. Cô cảm ơn người đàn ông ấy vì những khoảnh khắc anh ấy chơi với con mỗi buổi sáng ngủ dậy, vì những bữa tối muộn anh ấy trở về nhà và ăn những món ăn đơn giản mà cô ấy nấu với sự hào hứng và lòng biết ơn (vì đã cho anh ăn), cô cảm ơn vì anh ấy, dù làm việc rất vất vả để kiếm tiền nuôi gia đình (chưa giàu) nhưng luôn vui và cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian, vì có hai mẹ con cô ấy ở bên… Đại loại cô cảm ơn anh vì đó là anh ấy, một người đàn ông bình thường như nhiều người đàn ông khác!
Ảnh minh họa.
Hôm qua, khi nghe bạn kể chuyện, tôi thật sự không biết nói như thế nào, kể ra thì những đòi hỏi của bạn cũng không phải không có lý, bạn ao ước một người đàn ông bình thường, về nhà đúng giờ, ăn cơm với vợ con, đi du lịch cùng gia đình và để vợ được hãnh diện khoe chồng với đồng nghiệp… Thế nhưng, sáng nay, khi đọc bức thư gửi chồng của cô vợ kia, tôi lại nhận ra rằng, trên đời này, chẳng có mẫu người đàn ông giống nhau, cũng giống như những người phụ nữ, họ nghĩ khác nhau về hạnh phúc. Có người thì vui vẻ với những thứ rất bình thường, chấp nhận sự chưa hoàn hảo (trong một giới hạn nào đó) và thấy lấp lánh, có người thì, như cô bạn tôi, thấy mọi thứ chồng làm đều là chưa đủ và luôn so bì… Và vì thế, hạnh phúc là tùy tâm mỗi người.
Nhưng chắc là đàn ông thích những phụ nữ, như cô vợ viết thư kia, nhìn thấy những lấp lánh trong những thứ không thực sự hoàn hảo của hạnh phúc.
Cuối năm ngoái, bố tôi nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu của một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tôi đến đây chăm ông. Khi mấy người trong phòng bệnh còn đang nói chuyện, kể với nhau về tình hình bệnh tật thì ngoài cửa truyền đến tiếng ồn ào. Ngay sau đó vào cửa là cả một đại gia đình giàu có gồm người mẹ, vợ chồng hai người con và ba đứa cháu ăn mặc trau truốt, phụ nữ mặc áo dài, đàn ông mặc comple, kèm theo có một anh chàng thợ ảnh. Gia đình họ vào phòng rồi đến bên giường của một người đàn ông bệnh nặng người đặt đầy dây rợ, nội khí quản thở máy để chụp ảnh gia đình. Mấy người trong gia đình định thay bộ đồ bệnh nhân bằng bộ lễ phục trắng đại tá cho ông bố bệnh nặng. Nhưng do người bố đang phải thở máy vướng dây rợ quá nhiều nên không cách nào mặc đồ vào được.
Loay hoay mãi không xong, người vợ bèn nhìn thấy bác bệnh nhân giường bên cạnh khổ người chắc cũng tầm tầm người chồng liền lên tiếng nhờ vả:
- Nhà em không mặc được quần áo, nhờ bác mặc bồ đồ của ông ấy chụp cái ảnh. Sau này em ghép mặt nhà em vào để làm cái ảnh thờ. Thế rồi bức ảnh cũng hoàn thành. Sau cùng, người thợ ảnh còn gợi ý:
- Bà lại chụp cảnh đang chăm sóc ông đi.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cạnh giường bố tôi cũng có một bà xấp xỉ tuổi 60. Bà bị đột quỵ, liệt một nửa người. Gia đình cũng phải thuê một người chăm sóc riêng. Nhưng hàng ngày, tôi luôn thấy ông chồng và cậu con trai đến thăm, ngồi nói chuyện xoa bóp và cả bón cho bà ăn nữa. Cứ có thời gian là hai người họ lại đến thăm để trò chuyện với bà.
Hóa ra cuộc sống lại có những thái cực như vậy. Gia đình đôi khi lại chẳng phải là chỗ dựa vững chắc, lại là yêu thương nhau vô điều kiện. Khi ốm đau bất kỳ ai cũng nhạy cảm và họ cần hơn bao giờ hết lời động viên an ủi của người thân. Thế nhưng đâu phải ai cũng làm được điều đó.
Không biết những người trong gia đình nọ có nghĩ đến sẽ có lúc họ ốm đau, bệnh tật. Lúc đó họ cũng phải nằm trên giường bệnh như người bố kia…
Yêu thương và được yêu thương, quan tâm và được quan tâm là những nhân tố để một gia đình hàn gắn lên mái ấm hạnh phúc.