Nếu ai từng đặt chân đến các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên... vào mùa mưa khoảng tháng 7, tháng 8, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con vùng cao gùi trên lưng những chiếc gùi đầy ắp quả mắc ten. Thứ quả dân dã có cái tên độc lạ từng gắn với bà con nơi đây nay thành đặc sản được người thành phố tò mò tìm mua về thưởng thức.
Về đặc điểm nhận diện, quả mắc ten có hình thù xù xì, lớp vỏ ngoài trông bụi bặm, dễ khiến người ta lầm tưởng là quả hỏng. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài mộc mạc ấy là phần hạt trắng ngà, ăn bùi béo và bổ dưỡng, chắc chắn ai thử cũng thích mê hương vị của thứ quả rừng này.

Quả mắc ten là đặc sản của núi rừng Tây Bắc
Muốn ăn mắc ten, người ta phải mất công đập bỏ hai lớp vỏ để lấy phần nhân bên trong. Có người so sánh mắc ten với hạt dẻ, nhưng những người từng thưởng thức cho biết hương vị mắc ten lại đậm đà, ngọt dịu, ngậy như phô mai tươi, thứ mùi vị mà khó loại hạt nào bì kịp.
Chị Hạnh (một người dân bản ở Sơn La) chia sẻ: "Mắc ten luộc lên tầm 15 phút, sau đó rang sơ rồi đập nhẹ là tách được hạt. Ăn bùi béo, dẻo mềm, trẻ con thích lắm. Nhà nào có con nhỏ, nấu cháo hay làm sữa hạt từ mắc ten vừa bổ vừa dễ ăn. Không chỉ luộc hay rang ăn vặt, hạt mắc ten còn được dùng để nấu canh, hầm gà, hầm xương, món nào cũng dậy mùi thơm, vị ngọt thanh tự nhiên".

Thứ quả này vào mùa trong khoảng thời gian ngắn nên các chị em thành phố tranh thủ tìm mua để thưởng thức
Loại quả này chỉ kéo dài trong vòng một tháng. Sang tháng 9, quả bắt đầu mọc mầm, ăn không còn ngon nữa. Vì thế, nhiều người tranh thủ mùa thu hoạch để mua tích trữ, thậm chí để ngăn đá dùng dần quanh năm.
Trên thị trường hiện nay, mắc ten được bán với ba dạng: loại còn nguyên vỏ xanh, loại đã chuyển sang vỏ đen và loại chỉ lấy nhân. Giá dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg tùy loại. Những ai bận rộn thường chọn mua phần nhân tách sẵn để tiện chế biến.
Cả nhà đều thích ăn mắc ten nên năm nào đến mùa, chị Lan Hương (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đặt mua 3kg quả nguyên vỏ để ăn dần. Mặc dù biết rằng loại quả này cần khá nhiều thời gian để sơ chế, chị vẫn rất hào hứng.

Hạt mắc ten trắng ngà và béo ngậy
“Khi mang về, mình tự tay đập từng quả để lấy hạt. Một nửa thì đem nấu canh xương, phần còn lại dùng làm sữa hạt cho con uống. Dù công đoạn tách vỏ có phần lỉnh kỉnh nhưng bù lại món canh và ly sữa hạt thơm lừng, ngậy béo khiến ai trong nhà cũng thích mê”, chị chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của chị Hương, việc đập tách vỏ không quá phức tạp nếu làm đúng cách. Chị hướng dẫn: “Chỉ cần đặt quả dựng đứng, rồi dùng búa gõ nhẹ hai bên là có thể tách được lớp vỏ cứng mà không làm nát phần nhân. Tuy nhiên, nếu không quen tay, rất dễ làm hạt bị giập, mất ngon. Vì thế, ai không rành có thể nhờ người bán tách sẵn cho, vừa nhanh gọn, vừa giữ được nguyên vẹn phần nhân béo ngậy bên trong”.