Lấy nhau rồi mới biết...

Họ thất vọng về nhau ngay từ những ngày đầu chung sống. Cũng vì khi yêu, ai cũng cố tạo cho mình vẻ ngoài thật hoàn hảo…

Ngày cưới, bạn bè mừng vì anh lấy được người con gái xinh đẹp, dịu dàng. Ba mẹ anh vốn khó tính nhưng cũng hài lòng với con dâu. Nào ngờ, cưới nhau chưa đầy ba tháng, vợ chồng anh đã ra tòa ly hôn. Cả hai thuận tình ly hôn, lý do đưa ra là “không hợp nhau”.
Nhưng, nguyên nhân thực sự là do họ thất vọng về nhau ngay từ những ngày đầu chung sống. Cũng vì khi yêu, ai cũng cố tạo cho mình vẻ ngoài thật hoàn hảo…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lấy nhau rồi anh mới biết, vợ mình lười nhác và thích đùn đẩy việc cho người khác. Ngày trước, khi còn yêu, nhà anh có việc gì cô đều về phụ giúp nhiệt tình, thể hiện mình là người đảm đang, khéo léo. Anh tự hào về vợ và cảm thấy mình may mắn. Nhưng, sau ngày cưới, những ngày giỗ chạp, vợ anh luôn tìm cách trốn việc, kiếm cớ để khỏi tham gia hoặc đến thật trễ, khi cỗ bàn đã xong xuôi. Áo quần bẩn của hai vợ chồng, cô dồn thành từng đống, anh thấy chướng tai gai mắt thì tự đi mà giặt. Nhà cửa bừa bộn cô cũng không thèm dọn dẹp, chỉ thích ngủ khi rảnh rỗi. Những bữa cơm gia đình trở nên nặng nề khi vợ nấu những món không thể nuốt nổi, anh kêu ca thì bị dội ngay gáo nước lạnh “tháng đưa có nhiêu tiền mà đòi hỏi này nọ”…
Còn vợ anh, ngày mới quen, nghe anh giới thiệu đang làm tại dự án X, cô đã nhẩm tính ngay tiền lương hàng tháng của anh và rất hài lòng. Lúc đó, có anh chàng đang làm hải quan ngấp nghé nhưng cô không thèm để ý. Vì vậy, khi nhận tháng lương đầu tiên từ tay chồng, cô suýt xỉu vì vỏn vẹn chưa đầy bốn triệu. Hình ảnh người đàn ông tháo vát, giỏi kiếm tiền của chồng sụp đổ thê thảm. Trái tim cô lại nghĩ về anh chàng nọ và hối tiếc vì sự lựa chọn của mình.
Chỉ chừng ấy thôi đã khiến vợ chồng anh thất vọng về nhau, không ngừng tung hê những cái xấu của nhau ra ngoài. Vợ anh công khai nhắn tin hò hẹn với người tình cũ, anh tìm đến rượu để giải sầu. Tổ ấm nhỏ vừa xây hoang tàn lạnh lẽo…
Giá như hai người chịu tìm hiểu kỹ trước khi cưới thì đâu đến nỗi phải “vỡ mộng” nhanh đến vậy...

Phụ nữ phải biết giữ chồng?

Phụ nữ chẳng biết từ khi nào, từ lúc mặc trên người chiếc váy cưới, đã phải hình thành tâm lý “phải biết giữ chồng”.

Phụ nữ đi học nấu ăn, cắm hoa, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… những mong tổ ấm là nơi chốn lý tưởng cho đàn ông muốn về nhà mỗi tối. Con cái sáng sủa, phổng phao chồng nhìn mới vui, mới ghi nhận đó là công lao, là cái tài của vợ. Cơm ngon canh ngọt là “đòn” truyền thống “đánh thẳng vào cái dạ dày chồng”.

Hoa lá cũng không ngoài mục đích vui cửa vui nhà, thể hiện chủ nhân là người phụ nữ có tâm hồn đẹp, tinh tế, thế mới cuốn hút được đàn ông. Đã thế, phụ nữ còn cố gắng đển chu toàn với cả họ hàng bên chồng để không để ai trách cứ. Trước mặt các cụ thì lăm lăm ý tứ, ngó trước nhìn sau, và tối kỵ việc trái ý bố mẹ chồng. Phải hôm các cụ trái nắng trở trời, bổn phận phải chăm sóc thăm nom.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong bài giữ chồng của phụ nữ còn có cả nghề “điệp viên”, lâu lâu phải thăm hỏi điện thoại, facebook, hộp thư điện tử hoặc nick chat yahoo của chồng một lần. Bắt gặp đối tượng nào khả nghi sẽ hoặc tra hỏi, vặn vẹo “trừ họa” ngay, hoặc ngấm ngầm “điều tra” cho rõ. Rồi phụ nữ thở phào khi thấy mình quá đa nghi, khi nhận được từ chồng một lời giải thích được xem là hợp lý.

Phụ nữ sẽ tiếp tục âm ỉ “giữ chồng” như thế, nếu không có một ngày...

Phụ nữ chợt nhận ra lâu nay mải dồn tâm ý vào phục vụ nhà chồng, chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà mà bản thân đã trở nên nhàu nhĩ, xác xơ. Phụ nữ lại lo cái nết thời nay đánh không chết nổi cái đẹp, nên tức tốc đến spa “tút” tổng thể. Phụ nữ đi tắm trắng bất chấp nguy cơ ung thư da, chịu đựng đau đớn vì hút mỡ, kéo căng vòng một, cắt mí, sửa mũi... hòng níu kéo tuổi xuân.

Phụ nữ trở về nhà, ngỡ mình đã đạt đến đỉnh cao của công phu giữ chồng. Thế nhưng rồi, họ chợt nhận ra, không biết từ bao giờ thời gian mong ngóng chồng bên bàn ăn tối đã kéo dài thêm từ 2 đến 4 tiếng. Có những hôm rất khuya mới nghe tiếng xe nổ máy xình xịch rồi tắt ngấm trước cửa nhà. Họ vội vã chạy ra ôm về cái cơ thể đàn ông mềm nhũn nồng nặc mùi bia rượu, chân nam đá chân chiêu bước qua ngưỡng cửa.

Nửa đêm, thấy điện thoại chồng nhấp nháy, chồng thì đã say, ngủ vùi từ lúc nào, phụ nữ với tay tắt máy thì đập vào mắt mình dòng tin nhắn: “Anh ơi, đêm dài quá, em nhớ anh” từ một số máy được đặt tên là Mèo mun…

Phụ nữ tự hỏi, mình đang sống ở thời đại nào? Mọi điều mình đã làm vì chồng, vì con còn chưa đủ hay sao?

Phụ nữ không hiểu rằng, những gì tự chạy đến để được là của mình và thực sự thuộc về mình thì không cần phải khư khư mà giữ. Đàn ông tốt khắc biết ghi nhận công lao của vợ, biết chung vai gánh vác, cùng vợ vận hành tốt một gia đình. Đàn ông đã sẵn máu trăng hoa thì có cố giữ cũng vậy thôi. Chi bằng vợ cứ sống vui, sống tự tin, biết chăm sóc bản thân để luôn tươi mới cho chồng... phải thèm, cớ gì phải cố giữ chồng bằng những chiêu trò thực chất là tự làm mất giá một cách không cần thiết?

Tiếng ly hôn nơi… cửa miệng

Hành động “dọa” ly hôn ấy, càng đào sâu thêm hố ngăn cách vợ chồng, và khiến đối phương trở nên “lờn” với sự chia ly.

Rất nhiều người, trong cuộc cãi vã, mâu thuẫn, giận dỗi, vẫn lấy tờ đơn ly hôn ra để… dọa đối phương, hả giận mình. Thế nhưng, ít ai biết, hành động “dọa” ly hôn ấy, càng đào sâu thêm hố ngăn cách vợ chồng, và khiến đối phương trở nên “lờn” với sự chia ly.

Tiếng ly hôn nơi… cửa miệng

Tính đến nay, sau 10 năm chung sống, chị Thu Phượng (quận 7, TP.HCM) đã viết, xé ngót nghét đến… hàng chục tờ đơn ly hôn, tức là trung bình, mỗi năm một tờ. Lần đầu tiên, hơn một năm sau ngày cưới, anh Phong, chồng chị phát hoảng khi sau một trận nhậu bù khú đánh mất cả xe gắn máy, sáng dậy thấy lù lù trên bàn ăn là tờ đơn xin ly hôn của vợ. Đận ấy, anh sợ xanh xám mặt mũi. Vợ chồng mới cưới còn nồng nàn thắm thiết, đang có kế hoạch có em bé, thế mà đùng cái, chị đòi ly hôn, anh không sợ sao được. Anh đã phải năn nỉ, van xin, bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày, rồi cuối cùng vợ anh cũng hồi tâm.

Thế rồi, càng những năm về sau, anh càng quen với những tờ đơn ly hôn, theo mật độ ngày một dày lên . Vợ chồng giận nhau: Đơn xin ly hôn; Quên ngày sinh nhật, ngày cưới…: Đơn xin ly hôn; Mâu thuẫn dạy con: Đơn xin ly hôn; Phong thanh chồng có “rung động” bên ngoài: Đơn xin ly hôn; Thời điểm công việc nhiều, phải ngoại giao nhậu nhẹt thường xuyên, ít quan tâm đến vợ con: Đơn xin ly hôn…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Những lần đầu anh còn năn nỉ, sau đó là không quan tâm, và cuối cùng, anh… dọa ngược bằng cách kí thẳng vào đơn, kèm thêm câu: Anh kí rồi đấy, em muốn làm gì thì làm đi, khiến chị tái mặt, lặng lẽ… thủ tiêu tờ giấy. Dù anh đã khuyên nhiều, nhưng chị vẫn không bỏ được tật viết đơn. Chị không biết rằng, cách làm đó của chị chẳng những không dọa được chồng, mà còn khiến chồng thấy chị tức cười, trẻ con, và "lờn" đi với những lời dọa dẫm.

Anh Phong, vốn là người đàn ông độ lượng, chỉ coi hành động của vợ như “trò trẻ con”, nên cũng chẳng có hậu quả đáng ngại gì xảy ra. Chứ với nhiều ông chồng, đơn xin ly hôn là hành động nghiêm trọng, làm tổn thương đến bản thân họ và chứng tỏ người vợ không trân trọng hạnh phúc gia đình. Lần thứ ba, chị Nguyễn Cát Lan (Phú Nhuận), chìa lá đơn xin ly hôn ra, chồng chị đã sầm mặt, cầm lấy tờ đơn và kí ngay, sau đó nói: Cô đã kiên quyết thế, tôi cũng chẳng có gì để nói với cô. Cô muốn làm sao thì làm, ra tòa tôi cũng đi.

Đến mấy ngày sau, anh vẫn hỏi: Cô nộp đơn chưa, nếu chưa thì đưa đây tôi đi nộp. Với người vợ hễ chút đòi bỏ chồng bỏ con, không tôn trọng chồng con và hạnh phúc gia đình như vậy, tôi cũng không thể níu giữ mãi. Vì có giữ được lần này, lần sau cô lại cũng đòi chia tay. Đến lượt chị Lan lại đâm ra sợ trước vẻ kiên quyết của chồng. Thay vì tiếp tục giận dỗi, chị lại phải xuống nước, vuốt ve chồng. Từ đó, chị bỏ hẳn cái thói “xin ly hôn”.

Và những hậu quả không ngờ

Bệnh “dọa ly hôn” không chỉ phụ nữ mới mắc phải. Cũng có những người đàn ông, đem chuyện bỏ nhau, chia tay như là cách để “trừng phạt” vợ mình. Ngoài cái tật gia trưởng, anh Trần Văn Phú (Định Quán, Đồng Nai) còn mắc tật hay dọa bỏ vợ. Vợ cãi lại chồng, chồng đòi: “Cô cãi tôi kiểu này là tôi cho cô về nhà mẹ đẻ mà cãi”. Vợ đểnh đoảng khóa cửa không cẩn thận để trộm vô lấy đồ, chồng nói: “Chắc tui bỏ cô sớm, cứ sống kiểu này, có ngày cô cho tui không còn cái quần đùi mà mặc”. Vợ nấu ăn không vừa miệng, cũng đòi bỏ, vì “cô muốn cho tôi ốm yếu rồi đi lấy chồng khác phải không (!)”.

Ban đầu, chị vợ còn bỏ qua, vì cho rằng chồng mình thích nói ngớ ngẩn cửa miệng. Nhưng nghe lâu rồi chị chịu hết xiết. Sau một lần cãi nhau, chị ôm con về nhà mẹ đẻ ở tỉnh khác, bỏ lại lá thư vẻn vẹn mấy chữ: Anh đòi bỏ tôi hoài, thì bây giờ tôi về nhà mẹ đẻ cho anh vừa lòng, khỏi phải khổ vì tôi. Anh chồng vốn chỉ to mồm chứ rất yêu vợ, nay thấy vợ làm mạnh, sợ mất vía, vội đôn đáo chạy về nhà mẹ vợ đón vợ về. Nhưng chị vợ đâu có chịu về ngay. Chị đủng định ở nhà mẹ ruột nửa tháng trời, yêu cầu chồng khi nào bỏ hẳn cái tật “dọa bỏ vợ” thì chị mới về sống, không thì bỏ luôn.

Cái sự dọa ly hôn, không chỉ ảnh hướng đến đời sống vợ chồng, mà vô hình, nó còn làm tổn thương đến những đứa trẻ trong nhà. Với anh Hoàng, chị Tuyết Lan ở Bình Phước, thì khi giận nhau, đòi ly hôn, đòi chia tay là thường. Nhưng một hôm, khi nghe con gái 6 tuổi nói chuyện với cô bé hàng xóm, chị mới hoảng hốt: “Na biết không, mai mốt Na cho Thy (con chị Lan) qua nhà Na ở với nha. Ba mẹ Thy sắp ly dị rồi. Ly dị là ai ở nhà nấy đó. Ba mẹ Thy nói vậy hoài à. Chắc ngày mai hay ngày mốt ly dị thôi. Thy không có nhà, Na cho Thy ở ké nha. Nhà Na sướng, ba mẹ Na không có ly dị”.

Lời con trẻ cộng với cái vẻ mặt rầu rầu già trước tuổi làm chị điếng người, chị không ngờ chỉ chuyện cãi vã dọa dẫm qua lại của vợ chồng lại ảnh hưởng đến suy nghĩ của con như thế. Đem chuyện kể với chồng, chồng chị cũng đâm hoảng.

Lúc nóng giận, chuyện gì người ta cũng có thể nói được, nhất là những lời nói càng làm đau đối phương, thì người ta càng thỏa mãn sự tức tối của mình. Thế nhưng, những lời nói lúc nóng giận ấy, chỉ là những ly dầu đổ thêm vào lửa, khiến những người bạn đời càng làm tổn thương nhau hơn, khiến gia đình chông chênh hơn, và ảnh hưởng cả đến tâm hồn con cái của mình…