Lan đột biến tiền tỷ rao bán rẻ như rau, người trong cuộc nói gì?

Những chậu hoa lan đột biến từng có giá lên đến hàng tỷ đồng nay được rao bán khắp nơi trên chợ mạng, thậm chí là bày ra vỉa hè với giá chỉ từ 20-30 nghìn đồng/chậu khiến nhiều người bất ngờ.

Từng tạo nên cơn sốt vào năm 2020, những cái tên như 5 cánh trắng Phú Thọ, Bạch Tuyết, Minh Châu, Yên Thủy, Bảo Duy… đã trở nên “hot” bao giờ hết khi những chậu lan đột biến này được giao dịch lên tới vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng.

Trong cơn “ngáo giá” của hoa lan, nhiều thương vụ mua bán, trao đổi, đấu giá tiền tỷ diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Đặc biệt hơn, những chậu lan chưa ra hoa, mới chỉ là những mầm mới lên được định giá lên đến hàng tỷ đồng cho mỗi cm.

Mầm lan từng được đấu giá thành công với số tiền 15 tỷ đồng vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, những cái tên như Hiển Oanh, Phú Thọ, Bảo Duy, Bạch Tuyết… bỗng được rao bán với giá rẻ hơn rau muống. Thậm chí, trên các chợ online hay các sàn thương mại điện tử, hàng ngày có cả trăm người livestream quảng cáo bán lan với giá chỉ từ vài chục nghìn/chậu.

Thậm chí, vài ngày gần đây, hình ảnh rao bán những chậu hoa lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ và 5 cánh trắng Hiển Oanh với giá chỉ 50-100 nghìn đồng tại lề đường ngã tư Công viên Cầu Trắng, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bất ngờ.

Lan đột biến được rao bán với giá rẻ như rau tại quận Bình Tân vừa qua.

Tương tự, hình ảnh những nhà vườn rao bán lan đột biến với đầy đủ các chủng loại, màu sắc, giá chỉ từ vài chục nghìn đồng/chậu không còn mấy xa lạ trên các diễn đàn và trên chợ mạng.

“Các anh chị mua lan về chơi đi, em bán combo 4 chậu lan gồm 01 chậu lan phi điệp 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 01 chậu 5 cánh trắng Phú Thọ; 01 phi điệp hồng Minh Châu, 01 phi điệp hồng Yên Thủy, bao nở Tết, bao ship cho mọi người. Nếu cân lên, 04 chậu này phải 1,5kg mà em chỉ bán 198 nghìn đồng”, một người bán lan tên V. rao trên chợ mạng.

Trong cơn sốt giá, những giao dịch tiền tỷ được diễn ra công khai khiến nhiều người không khỏi bất ngờ với số tiền lớn để chi trả mua 1 chậu lan mới mọc mầm.

Chỉ vào chậu lan 5 cánh trắng Bạch Tuyết, anh V. chia sẻ, anh mua chậu lan này lúc đỉnh với giá 1,5 tỷ đồng. Khi đó, chậu lan này gồm 1 thân và 1 nhánh, chưa có hoa. Mỗi cm được anh mua với giá 100 triệu đồng.

Nghĩ rằng nếu mua về, chăm sóc tốt và tách kie, nhân giống ra nhiều chậu khác, thế nào cũng ăn lãi gấp đôi nên anh V. quyết định đầu tư hàng chục loại lan đột biến với trị giá vài chục tỷ đồng khác.

“Cả 2 nhành lan khi ấy là 17-18cm nhưng tôi được bớt, chỉ còn phải trả 1,5 tỷ đồng. Bây giờ, sau 2 năm, chậu lan ra được 7 cành, mỗi cành từ 20-30cm. Nếu giữ giá thì tôi có vài chục tỷ nhưng hiện tại bán cả chậu không được 20 triệu đồng”, anh V. nói.

Mặt hoa lan có giá hàng chục tỷ đồng gây "sốt" một thời.

Cũng “tất tay” vào mua chậu lan 4 tỷ đồng vào tháng 7/2020, ông H., người chơi lan tại Hoà Bình cho biết, ông đã chứng kiến trực tiếp hàng chục cuộc mua bán, trao đổi. Người chơi lan chi hàng chục tỷ đồng để sở hữu những kie lan vài cm, tiền chất thành đống trong mỗi cuộc giao dịch.

“Thấy nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ xuống tiền chơi lan, tôi cũng mua 2 cây lan Bạch Tuyết và Á Hậu với giá 4 tỷ đồng nhưng không ngờ giá cứ thế xuống. Sau vài tháng, có người trả tôi 2 tỷ đồng nhưng tiếc tiền không bán, giờ thì để ngắm chơi chứ không ai mua nữa”, ông H. nói.

Những chậu lan tiền tỷ giờ mất giá, được rao bán rẻ như rau.

Là người chơi lan hơn 20 năm tại Hà Nội, anh Hoàng Hiếu, trú tại Đống Đa cho biết, những người thua lỗ trong việc đầu tư lan đột biến rất nhiều nhưng toàn bộ đều là người đầu cơ, lướt sóng, mang lan ra để đầu tư kinh doanh chứ không có niềm đam mê chơi thật sự.

“Những người có niềm đam mê với lan họ vẫn chơi bình thường, dù giá xuống hay giá lên họ cũng không bận tâm vì với họ, lan không phải hàng hoá. Như tôi hiện tại vẫn đi tìm mua những cây và mặt hoa mà mình chưa có vì tội gì giá rẻ mà mình không mua để chơi”, anh Hiếu nói.

Anh Hiếu chỉ ra những kie lan có giá trị mà mình sưu tầm được.

Ngoài ra, theo anh Hiếu, những người chi tiền tỷ vào đầu tư, kinh doanh họ không am hiểu về cây lan đó và không am hiểu thị trường dẫn đến thua lỗ. Khi thua lỗ quá nhiều thì họ chấp nhận “giải tán” để chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác.

“Làm gì cũng vậy, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Đặc biệt là đối với “tay mơ” mang tiền tỷ đi đầu tư thì thua lỗ là chuyện bình thường. Còn đối với những người chơi lan chân chính, để tìm được một mặt hoa thật sự đẹp để được gọi là “đột biến” là rất vất vả, mất trăm ngàn khó khăn chứ không phải dễ dàng nên dù có xuống giá đến đâu họ vẫn giữ, không bán”, anh Hiếu khẳng định.

Cuộc chiến âm thầm vẫn diễn ra, lan đột biến sắp 'nóng' trở lại?

Tuy lan đột biến đã rớt giá thảm và không còn gây sốc như trước nhưng ít ai biết, những người chơi vẫn đang cạnh tranh nhau gay gắt.

Bởi thế, trên thị trường, không ít người quyết găm hàng chờ lan đột biến lấy lại được "vị thế" trước kia. Không ai bảo ai nhưng đã là "luật bất thành văn", tất cả đều âm thầm ganh đua với nhau về giá cả, để không bán phá giá thị trường, giữ cho lan đột biến luôn là "siêu cây". Những ai trót dại bán tháo với giá rẻ lập tức bị người khác “bóc phốt”, thậm chí là "tẩy chay".

“Không hiểu những anh em mua hàng bao lãi 15% trong 3 tháng sẽ đi về đâu khi tối hôm trước bán 3 triệu/ mắt ngủ, hôm sau bán công khai 1 triệu/mắt ngủ. Một ngày xuyên thủng các loại đáy của nhiều mã. Xin phép chặn một con sâu mọt của ngành lan, anh đừng cho thông tin gì hiện trên trang cá nhân của tôi nữa...”.

Đây là bài “bóc phốt” của anh N.V.T - người chơi lan đột biến (lan var) - khi anh cho rằng một nhà vườn có tiếng trên địa bàn quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã có hành vi phá giá thị trường. Kể chuyện với VTC News, anh N.V.T cho biết hiện đã chặn liên lạc và theo dõi trên mạng xã hội đối với nhà vườn này. Đồng thời đưa hẳn thông tin "kẻ phá giá" lên mạng xã hội để cảnh báo cho những người khác cùng biết.

Người chơi lan đột biến "bóc phốt", cạch mặt nhau trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Theo anh T., anh chơi và đầu tư cả chục tỷ đồng vào lan đột biến khi thị trường bắt đầu sốt, được nhiều nhà đầu tư săn đón. Thời gian gần đây, khi thị trường “chạm đáy”, anh vẫn quyết định giữ hàng không bán phá giá với hy vọng thị trường sẽ sớm sôi động trở lại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện nhà vườn bán lan đột biến với giá rẻ khiến anh phải bức xúc lên tiếng.

“Ngày 4/3, anh em hội lan Hải Phòng tới vườn chơi, nói mãi tôi mới bán giao lưu một đốt lan var với giá 7,5 triệu/cm. Vậy mà ngay tối hôm đó, anh ta livestream trên mạng xã hội bán với giá 5 triệu đồng. Anh ta lý giải rằng đó là bán rẻ cho người mới để kích cầu thị trường, nhưng lại đi ép giá các nhà vườn quen bán buôn với giá thấp hơn nữa. Việc này đã định hình một mức giá mới cho lan var, phá giá chung của thị trường. Điều này không được phép”, anh N.V.T nói.

Phân tích thêm về thị trường lan đột biến hiện tại, anh T. cũng cho biết, một số nhà vườn lợi dụng danh nghĩa chơi lan var để trục lợi và lừa người tiêu dùng. Cụ thể, trên thị trường có những kẻ bán hàng giả là loại cây cấy mô, thân lá có đặc điểm giống 70-80% cây thật nhưng hoa thì khác hoàn toàn. Nhiều nhà vườn mua phải giống cây giả này rồi bán lại cho người khác, đến khi lớn lên phát hiện không phải là lan đột biến, những nhà vườn trên phải đền bù cho khách hàng. Để giảm số tiền phải đền bù, nhiều nhà vườn đã đăng bán với giá rẻ, phá thị trường.

“Đền bù cây được tính theo độ dài của ngồng lan, vì thế số tiền đền bù có thể sẽ rất lớn. Thay vì phải đền 10 triệu cho 1cm thì các nhà vườn này sẽ đăng loạn giá về 4-5 triệu/ 1cm để chỉ phải đền bù với số tiền thấp hơn này”, anh N.V.T phân tích.

Người tiêu dùng cho rằng lan đột biến đang dần quay lại với giá trị thực của nó. (Ảnh minh họa)

Khoảng 3 năm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hình ảnh những vụ gia dịch lan đột biến với mức giá “trên trời” từ vài trăm triệu cho đến vài chục tỷ. Những thương vụ chưa được xác minh chính xác này đã nhanh chóng đẩy thị trường lan đột biến lên cơn sốt khi thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo thông tin các cuộc giao dịch này thường rất mập mờ; hoa lan được định giá tự do, không có cơ sở pháp lý. Đó là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây hấp dẫn giả tạo để dụ người khác tham gia.

Khi có người mới tìm mua, họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và giới thiệu người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Qua nhiều lần mua bán thấy lời, người chơi mới sẽ sẵn sàng “trút hầu bao”, thậm chí vay mượn để đầu tư nhưng sau đó không bán ra được. Trường hợp khác, việc mua bán, trao đổi chỉ là hình thức giữa các đối tượng trong một nhóm, khi bán được cho người ngoài sẽ ăn chia, hưởng lợi.

Chưa hết, việc mua bán hoa lan giá trị lớn nhưng không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư” dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội.

Thời gian gần đây, tuy cơn sốt lan đột biến đã hạ nhiệt, không còn thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng như trước nữa nhưng nhiều người cho rằng, mặt hàng này đang dần nóng trở lại khi được rao bán tràn trên các diễn đàn. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hết cảnh nợ nần vì trót dốc quá nhiều tiền vào lan đột biến và đang tìm mọi cách thúc đẩy thị trường sôi động như xưa.

Loạt thương vụ lan đột biến khiến người mua giờ chỉ muốn... “đột tử”

Những thương vụ lừa đảo lan đột biến đã khiến nhiều người đầu tư trở thành nạn nhân, mất đi hàng tỷ đồng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay.

“Ôm” lan đột biến… mất tiền tỷ
Là một trong những người đầu tư số tiền lớn vào lan đột biến nhưng phải nếm trái đắng vì không thể bán được, anh Nguyễn Trọng Hùng (ở Phú Thọ) chia sẻ với báo chí rằng anh có mua một giỏ lan “Hồng Yên Thủy” với giá 120 triệu đồng từ năm ngoái, nhưng nay không thể tìm được khách mua. Trong khi đó, chủ vườn bán cho anh đã cao chạy xa bay chỉ sau chưa đầy 1 tháng.

Lan đột biến rớt giá cả trăm lần, người mua tan giấc mộng vàng

So với thời "hoàng kim" vào đầu năm 2020, hiện giá lan đột biến đã rớt cả trăm lần, nhiều người xót xa nhìn đống tiền giờ trở nên vô dụng.

Sau cơn sốt điên cuồng cách đây không lâu, lan đột biến dần chìm vào quên lãng. Nhưng, những người từng bỏ ra đống tiền để mua, mong làm giàu thì vẫn không ngừng nuối tiếc, xót xa.

Rớt giá 100 - 200 lần

Đó là nhận định của anh Nguyễn Hòa Bình, một người chơi lan đột biến tại Phú Thọ. “So với lúc tôi mới vào thị trường, lan đột biến bây giờ mất giá từ 100 - 200 lần. Ví dụ một cây lan đột biến thời điểm đó giá khoảng 2 tỷ đồng thì hiện tại giá là 2 triệu đồng, thậm chí là chỉ 1 triệu đồng", anh Bình nói.

Anh Bình kể: Khoảng tháng 2/2020, sau khi ăn lãi "một gấp đôi" nhờ vào một kie (mầm mọc ra từ mắt ngủ trên thân) lan đột biến “Lúa non HO”, anh Bình quyết định đầu tư tiếp hơn 500 triệu đồng vào thú chơi mới mẻ này. Nhưng đến giờ, vườn lan đột biến 500 triệu đồng của anh vẫn giữ nguyên, chưa bán bất kỳ một cây nào.

“Giờ có bán cũng chẳng ai mua, hoặc là rẻ còn hơn rau muống. Nên tôi giữ lại không bán", anh Bình nói.

Bên cạnh vườn lan 500 triệu đồng này, anh Bình từng vay mượn của người thân, bạn bè được số tiền hơn 4 tỷ đồng để đầu tư, hòng đổi đời nhờ lan đột biến. Thế nhưng sau đó, anh đã mất trắng số tiền trên vì sập bẫy gian thương.

Ông Nguyễn Việt H., một người chơi lan đột biến khác ở Hoà Bình cho biết, thời đỉnh điểm, các giò lan gốc có người trả giá hàng chục tỷ đồng để được sở hữu. Ông H. được chứng kiến nhiều cuộc mua bán, trao đổi tiền chất thành đống trong cộng đồng chơi lan. Người chơi không tiếc bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để được sở hữu cây lan bé tí tẹo có cái tên mỹ miều như: “Bạch Tuyết”, “Người đẹp Bình Dương”, “Người đẹp không tên”…

Bản thân ông H. hồi tháng 4/2021 cũng có lần mang theo máy đếm tiền để giao dịch lan đột biến tiền tỷ. Ông bán 2 cây lan “Bạch Tuyết" và “Á Hậu" cho một người chơi lan ở miền Trung với giá 4 tỷ đồng. Ngay sau đó, ông H. được biết người mua lan của ông đang bán sang tay cho một đại gia đồng hương và kiếm lời hàng tỷ đồng.

Sau cuộc giao dịch này chưa đầy một tháng, thị trường lan đột biến bất ngờ lao dốc. Mỗi kie lan đột biến có giá vài trăm triệu đồng tụt xuống chỉ còn vài chục triệu đồng (cho đến hiện tại, những kie này có trung bình dưới 1 triệu đồng, cao lắm cũng chỉ gần 2 triệu đồng).

Thời điểm đó, vẫn không tin lan đột biến sẽ giảm sâu hơn nữa nên ông H. đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để "bắt đáy". Nhưng không ngờ rằng có đáy lại có đáy sâu hơn. Giá lan đột biến cứ thế "tụt dốc không phanh", đến giờ đã mất đi vài trăm lần giá trị so với lúc "cơn sốt" đỉnh điểm.

Vỡ mộng đổi đời, của cải đội nón ra đi

Anh Nguyễn Hòa Bình kể, khoảng cuối 2019 đầu 2020, khi thị trường lan đột biến bắt đầu “lên cơn sốt", ban đầu anh nghe ngóng nhưng chưa đầu tư ngay. Sau này, thấy anh em bạn bè đầu tư lan đột biến có tiền mua nhà, mua xe đủ kiểu anh Bình mới bắt đầu lao vào thị trường này.

Lan đột biến Hiển Oanh (HO). (Ảnh: Vườn lan rừng Tây Chi)

"Khi "cơn sốt" lan đột biến càng ngày càng nóng, tôi không thể ngồi im được nữa. Mỗi kie lan loại 5 cánh trắng Phú Thọ, HO đã có giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền từ loài lan này, tôi quyết định “chơi lớn” một lần hòng đổi đời. Tôi tiếp tục vay mượn người thân và gia đình được số tiền hơn 4 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào lan đột biến mà không hề biết rằng sẽ trở thành một nạn nhân “mất cả tiền lẫn tình" như ngày hôm nay", anh Bình kể.

Theo anh Bình, mỗi ngày, anh nhận được hàng chục cuộc điện thoại để hỏi mua cây lan anh mới sở hữu, giá được trả liên tục tăng "nóng".

Thông qua hội nhóm, nhóm của anh Bình kết nối với 2 người đàn ông là Nguyễn Trung T. và Nguyễn Chí T. ở Bình Dương. Người thân của anh Bình vào tận nơi mua cây mang về, còn anh Bình ở nhà đăng bài lên mạng xã hội để bán. “Tôi không “ăn dày” nên chỉ bán sang tay. Mỗi khi mua được cây, tôi đăng lên mạng xã hội rao bán. Được người trong giới tin tưởng, tôi đăng bài lên là 1-2 tiếng sau bán được cây ngay".

Chỉ trong vòng một tháng (9-10/2020), nhóm của anh Bình đã mua của 2 người đàn ông tại Bình Dương khoảng 100 cây lan đột biến, bao gồm “Bạch Tuyết", “Hồng Yên Thuỷ", “Hồng Minh Châu", với số tiền gốc bỏ ra khoảng hơn 4 tỷ đồng. Kinh doanh thuận lợi, anh Bình thu về gần 2 tỷ đồng tiền lãi.

Lan đột biến Phi điệp "Hồng Yên Thủy". (Ảnh: Vườn lan rừng Tây Chi)

Khi còn đang ở trên đỉnh của sự giàu sang nhờ lan đột biến, được bạn bè kiêng nể, người thân yêu chiều, hết lời ca tụng vì “khởi nghiệp thành công" thì anh Bình bắt đầu nhận "quả đắng".

Tháng 4/2021, một khách hàng ở Vĩnh Phúc báo với anh rằng cây “Hồng Yên Thuỷ" người này mua của anh với giá hơn 400 triệu đồng ra hoa không đúng. “Vì khi kinh doanh, tôi luôn bảo hành cây cho khách hàng cho đến khi ra hoa, đúng hoa thì mới thôi. Đúng như bảo hành, tôi đã đền tiền cho người ta".

Liên tiếp trong tháng 4-5/2021, có cây thì ra nụ sai, có cây thì thân lá sai. Khách hàng mua lan đột biến của anh Bình liên tục đòi trả cây lấy lại tiền. Toàn bộ cây không đúng như cam kết đều là những cây mà nhóm anh Bình đã mua của nhóm 2 người đàn ông trong Bình Dương.

Lúc bấy giờ, anh Bình mới nhận ra mình đã bị lừa. Tìm mọi cách liên lạc với nhóm bán cây ở Bình Dương không được, anh Bình buộc phải bỏ toàn bộ vốn liếng, lãi lời ra đền cây cho khách hàng.

“Số tiền gốc hơn 4 tỷ đồng bào gồm 2 tỷ đồng bố mẹ tôi dành dụm cả đời, gần một nửa còn lại là vay mượn bạn bè người thân bây giờ mất sạch. Bố mẹ thì thất vọng, bạn bè thì đòi tiền vay bằng được, đến cả người yêu thương nhất là cô vợ sắp cưới yêu 3 năm cũng rời bỏ. Bây giờ là tay trắng!”, anh Bình buồn bã nhớ lại.

Quyết tìm mọi cách để lấy lại số tiền đã mất, anh Bình đã bay vào Bình Dương để tìm gặp hai đối tượng lừa bán lan đột biến giả để đòi lại tiền.

“Tôi vào đến nơi, vẫn gặp được hai người đó nhưng họ dẫn theo gần 30 người khác đi theo để dằn mặt. Họ cãi bay chối biến dù tôi có đưa ra những đoạn video giao dịch lan trước đó".

Sau đó, anh Bình buộc phải gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng tố giác hành vì lừa đảo của nhóm này. Tuy vậy, số vốn anh Bình bỏ ra vẫn nguy cơ khó đòi về, vì tất cả giao dịch chỉ qua lời nói. Anh Bình xót xa nói: "Đây là kinh nghiệm xương máu, không ai làm giàu dễ thế cả. Tôi đã sai lầm khi đổ hết vốn liếng vào một thị trường ảo mà không hiểu rõ được bản chất thực sự".

Còn ông Nguyễn Việt H., sau khi đã bỏ ra 2 tỷ đồng để bắt đáy, ông đã sở hữu thêm hàng loạt cái tên đình đám, nào là Hồng Tiên Sa, Hồng Yến, Bạch Tuyết, Á Hậu...Nhưng đến bây giờ, cả vườn lan đột biến của ông H. cũng chỉ để ngắm chơi, càng nhìn càng xót ruột.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.