Chiều 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
đề xuất không sử dụng trang phục, phụ kiện gắn logo doanh nghiệp
Góp ý dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, nghị trường là nơi thể hiện tiếng nói của nhân dân và sự trang nghiêm của thể chế, là biểu tượng cho tinh thần thượng tôn pháp luật, đối thoại dân chủ và trí tuệ lập pháp quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua, Nội quy kỳ họp Quốc hội vẫn chưa quy định đầy đủ về các chuẩn mực ứng xử, bao gồm trang phục, biểu tượng cá nhân và những hành vi bị nghiêm cấm hoặc cần được khuyến khích.
Khoảng trống này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của từng đại biểu mà còn có thể làm giảm sút sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền nhà nước trước nhân dân và bạn bè quốc tế.
Đại biểu kiến nghị bổ sung vào Nội quy nghiêm cấm ĐBQH sử dụng trang phục, phụ kiện có gắn logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân dễ gây hiểu nhầm về lợi ích của đại diện; cấm ghi hình ghi âm, phát trực tiếp phiên họp khi chưa được phép của chủ tọa phiên họp và văn phòng quốc hội; cấm rời khỏi hội trường khi đang họp mà không có lý do chính đáng, đặc biệt khi đang diễn ra thảo luận hoặc biểu quyết.
Cấm phát biểu thông tin cá nhân dùng ngôn ngữ mỉa mai, xúc phạm hoặc xuyên tạc nội dung đã được thảo luận gây rối trật tự hoặc làm nhiễu loạn thông tin; cấm đại biểu sử dụng thời lượng phát biểu cho mục đích không đúng trọng tâm nghị sự hoặc lặp lại nội dung đã trình bày nhiều lần.
“Các hành vi nêu trên cần được đồng bộ với quy định tại Luật Tổ chức quốc hội về nghĩa vụ của đại biểu, cũng như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tiết kiệm chống lãng phí, trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương, trung thực, minh bạch, chuẩn mực trong hành vi công vụ”, đại biểu nói.
khuyến khích không cầm giấy đọc
Nêu thực tế vấn đề ĐBQH cầm giấy phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, vấn đề này thu hút sự chú ý không chỉ ở hội trường mà còn cả ngoài xã hội, đặc biệt trên mạng xã hội.
Ông cho rằng: “Việc đọc các nội dung không phải do mình soạn ra, đặc biệt là những nội dung đó do ai nhờ đọc hộ và trùng lặp hoặc viết sai là không nên. Còn cầm giấy đọc bài phát biểu do mình chuẩn bị kỹ, đúng trọng tâm, có cân nhắc ngôn từ, đảm bảo thời gian cho phép thì rất tốt”.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, nên khuyến khích phát biểu không cầm giấy đọc, tôn trọng thời gian, làm chủ cảm xúc. Tuy nhiên, việc phát biểu nội dung do mình chuẩn bị chu đáo, sâu sắc với thời lượng phù hợp, tôn trọng ĐBQH, tôn trọng Quốc hội, tôn trọng cử tri thì phát biểu bằng cách cầm giấy đọc hoặc không, đều được.
Giải trình ý kiến ĐBQH, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, các ĐBQH đề nghị cần cải thiện triệt để tiến độ gửi hồ sơ tài liệu đến ĐBQH để đảm bảo thời gian nghiên cứu kỹ trước khi phát biểu ý kiến góp ý. Ban soạn thảo xin tiếp thu, tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp và khắc phục triệt để việc gửi chậm tài liệu cho ĐBQH.