TS Đỗ Nguyên Hưng, Bí thư chi bộ cơ quan Hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh như trên khi trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống về đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Đảng tại Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), yêu cầu khách quan và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn mới.

Chuyển đổi số là chiến lược chính trị có tầm nhìn dài hạn
- Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng hướng tới tổ chức hạ tầng số, nền tảng số tổng thể, đồng bộ, hiện đại; tăng cường năng lực, tái cấu trúc hạ tầng kỹ thuật và tổ chức, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu theo kiến trúc thống nhất, chuyên gia có nhìn nhận ra sao?
Trong thời đại số hóa, chuyển đổi số không chỉ là một xu thế toàn cầu mà còn là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng. Đối với Đảng bộ VUSTA, có 56 chi bộ, với 743 đảng viên, là nơi quy tụ hội viên là các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, việc áp dụng CNTT và chuyển đổi số vào công tác Đảng không chỉ giúp nâng cao chất lượng chỉ đạo, quản lý và điều hành mà còn góp phần thúc đẩy sự lan tỏa tri thức, gắn kết đội ngũ trí thức cả nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về cơ sở chính trị, pháp lý của công cuộc chuyển đổi số, tôi cho rằng, đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng hướng tới tổ chức hạ tầng số, nền tảng số tổng thể, đồng bộ, hiện đại; tăng cường năng lực, tái cấu trúc hạ tầng kỹ thuật và tổ chức, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu theo kiến trúc thống nhất.
Cùng với đó, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng đã và đang được xác lập nền tảng vững chắc thông qua hàng loạt chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ.
Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số là đột phá quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ, xác định ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong truyền thông và lãnh đạo tư tưởng.
Quyết định số 204-QĐ/TW ngày 29/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, xác định mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống hạ tầng số và phần mềm dùng chung, kết nối thông suốt giữa các cấp ủy.
Như vậy, chủ trương chuyển đổi số không chỉ là định hướng kỹ thuật mà là chiến lược chính trị có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên số.
Cần quyết liệt hoạch định, triển khai chiến lược số hóa
- Từ phân tích trên, chuyên gia đánh giá thế nào về thực trạng công tác chuyển đổi số tại Đảng bộ VUSTA?
Trước hết, từ các yêu cầu, hướng dẫn và thực tế yêu cầu chuyển đổi số, đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, chúng ta cần hướng tới tổ chức hạ tầng số, nền tảng số tổng thể, đồng bộ, hiện đại; tăng cường năng lực, tái cấu trúc hạ tầng kỹ thuật và tổ chức, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu theo kiến trúc thống nhất; tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu, phục vụ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan đảng từ Trung ương đến cơ sở; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật và xác thực thông tin theo quy định của pháp luật; phù hợp, tương đồng với Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Dù nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu, tính cấp thiết của chuyển đổi số, song việc triển khai cụ thể tại Đảng bộ VUSTA hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.
Cụ thể, chúng ta chưa có hệ thống phần mềm quản lý điều hành chung giữa Đảng ủy và các chi bộ trực thuộc; việc báo cáo, trao đổi vẫn chủ yếu qua văn bản giấy và email, mạng xã hội. Cơ sở hạ tầng CNTT còn hạn chế, cần nâng cấp mới có thể ứng dụng triệt để các nề tảng số và khai tác tài nguyên số. Chưa hình thành kho dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên. Một thực tế khác, nguồn lực cán bộ thực hiện chuyển đổi số còn mỏng, hạn chế chuyên môn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Điều đó cho thấy cần có một bước chuyển toàn diện và quyết liệt hơn trong việc hoạch định và triển khai chiến lược số hóa công tác Đảng tại VUSTA và các đơn vị.
- Theo chuyên gia, yêu cầu cầu chuyển đổi số gắn với đặc thù hoạt động của Đảng bộ VUSTA là gì?
Đảng bộ VUSTA có tính chất đặc thù như lãnh đạo hệ thống các Hội ngành nghề khoa học & kỹ thuật có đội ngũ trí thức trình độ cao; các đơn vị hội viên hoạt động độc lập và phân bổ rộng trên cả nước. Có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành và địa phương. Là trung tâm kết nối tri thức, chia sẻ chuyên môn khoa học – công nghệ trong nước và quốc tế.
Do đó, chuyển đổi số ở đây không chỉ là hiện đại hóa điều hành nội bộ mà còn là xây dựng một nền tảng số thống nhất kết nối toàn hệ thống hội viên. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào công tác tổng kết thực tiễn và xây dựng nghị quyết…Đồng thời đặt ra yêu cầu thúc đẩy công tác chính trị, tư tưởng qua nền tảng số, góp phần lan tỏa định hướng chính trị trong cộng đồng trí thức.
Đây là một số yêu cầu chính đối với các mặt công tác, do vậy bài toán chuyển đổi số quản lý cần mang tính tổng thể, toàn diện. Quá trình triển khai cần có lộ trình phù hợp để đồng bộ, đảm bảo các nguồn lực con người, kinh phí, nền tảng số, dữ liệu số,…
Giải pháp để Đảng ủy Liên hiệp Hội đi đầu trong chuyển đổi số
- Chuyên gia có đề xuất giải pháp gì để Đảng bộ VUSTA, với vị thế là đầu mối của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước đi đầu trong chuyển đổi số?
Từ thực trạng, đặc thù công tác và yêu cầu thực tiễn, tôi đề xuất Đảng bộ VUSTA cần tập trung xây dựng và triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, xây dựng đề án chuyển đổi số riêng cho Đảng bộ VUSTA gắn với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đảm bảo tương thích với các phần mềm, nền tảng của Trung ương.
Thứ hai, thành lập Tổ chuyển đổi số thuộc Văn phòng Đảng ủy, kết hợp với bộ phận chuyên trách về công nghệ của VUSTA, có thể mời thêm các chuyển gia công nghệ thông tin, chuyển đổi số tham gia.
Thứ 3, phát triển nền tảng quản lý công tác Đảng để triển khai đồng bộ, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, hỗ trợ lập kế hoạch, ban hành nghị quyết, tổ chức sinh hoạt chi bộ trực tuyến, lưu trữ tài liệu, đánh giá chất lượng đảng viên,…
Thứ 4, cần thực hiện hiện số hóa tài liệu Đảng: nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, báo cáo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu có phân quyền để các đảng viên dễ tra cứu, cập nhật.
Ngoài ra cần thực hiện một số giải pháp như tổ chức các lớp đào tạo định kỳ về kỹ năng số và bảo mật thông tin cho cán bộ, đảng viên, chú trọng đội ngũ cấp ủy, văn phòng. Đề xuất với các cấp ủy, ban ngành trung ương hỗ trợ kinh phí, cơ sở hạ tầng, tư vấn kỹ thuật cho quá trình thực thi. Tích cực hợp tác với các hiệp hội thành viên, viện nghiên cứu để khai thác nguồn lực trí tuệ, công nghệ hiện có phục vụ chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là điều kiện nền tảng để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong giai đoạn mới. Đảng bộ VUSTA, với vị thế là đầu mối của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước, càng cần đi đầu trong chuyển đổi số, không chỉ trong nội bộ mà còn để lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến toàn xã hội. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số sẽ góp phần xây dựng tổ chức Đảng thực sự gắn bó với thực tiễn, hiện đại trong quản trị, hiệu quả trong chỉ đạo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò, đóng góp của đội ngũ trí thức trong công cuộc phát triển đất nước thời đại số.
Xin cảm ơn TS Đỗ Nguyên Hưng!