Ra đời ngay trước CTTG thứ 2
Năm 1938, Liên Xô đã thử nghiệm một mẫu xe tăng hạng nặng 58 tấn đặt tên là T-100, thiết kế này có hai tháp pháo riêng biệt, một gắn pháo chính cỡ 76,2mm và một gắn pháo cỡ 45mm – và cần một kíp lái tăng lên tới 8 người. Giáp bảo vệ chỗ dày nhất đạt 60mm và sử dụng động cơ làm mát bằng nước công suất 800 mã lực. Tuy vậy chiếc tăng vẫn quá chậm chạp và màn thể hiện kém cỏi trong chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1939-1940) dẫn tới chỉ có hai mẫu thử nghiệm được hoàn thành.
Trong khi đó, yêu cầu của Hồng quân Liên Xô là tìm kiếm một mẫu xe tăng hạng nặng thực sự hiệu quả, mà thiết kế xe tăng nhiều pháo/nòng pháo vốn mang đậm âm hưởng của Chiến tranh Thế giới 1, vào thời điểm 1938 thực sự là đã lỗi thời. Cũng may là một Cục thiết kế số 2 đã mượn thiết kế của T-100 để nghiên cứu ra phiên bản tăng hạng nặng một pháp tháo, kích cỡ nhỏ hơn, nhẹ hơn trong khi có giáp và độ cơ động tốt hơn, cũng như có nhiều đặc điểm kỹ thuật giống với dòng xe tăng T-34. Mẫu thiết kế xe tăng hạng nặng này được đặt tên là KV-1, theo tên của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Kliment Voroshilov.
![]() |
Xe tăng hạng nặng KV-1 lăn bánh trên đường phố mùa đông Moscow. |
Vũ khí chính của xe tăng hạng nặng KV-1 năm 1942 là pháo 76mm cơ số đạn 111 viên (lúc đầu là loại L-11), cùng với 3 khẩu súng máy DT gắn ở đằng sau tháp pháp, ở giáp trước thân xe và đồng trục với pháo chính. Một số mẫu KV-1 còn có một khẩu súng máy gắn ở nóc tháp pháo để bắn máy bay. KV-1 lúc đầu sử dụng pháo 76mm nòng ngắn và khi đến bản KV-1A năm 1940 sử dụng pháo 76mm nòng dài F32 L/41, khối lượng xe tăng đạt khoảng 46 tấn với độ giày vỏ dáp từ 37 đến 78mm, sử dụng động cơ V2K công suất 550 mã lực giúp KV-1 có tốc độ tối đa 35km/giờ, tầm hoạt động 225km.
![]() |
Nhà máy sản xuất tăng KV-1. |
Bên cạnh xe tăng hạng nặng KV-1 thì KV-2 cũng được phát triển, điểm khác giữa chúng là KV-2 sử dụng tháp pháo giống như một khối hộp vuông vức, trên đó gắn khẩu pháo ML-10 cỡ 152mm. Thực tế thì KV-2 được sử dụng với vai trò hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, hơn là một cỗ máy diệt xe tăng, vì kích thước quá khổ và chậm chạp của nó.
![]() |
Xe tăng hạng nặng KV-2 với tháp pháo "vĩ đại". |
Chiếc xe tăng vô địch những ngày đầu chiến tranh
Vào thời điểm cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Đức nổ ra, ngày 22/6/1941, Liên Xô có 693 xe tăng KV (gồm các biến thể KV-1, KV-2...). Tại thời điểm đó, KV có thể bắn hạ bất cứ loại tăng nào của phát xít Đức, trong khi chiều ngược lại là gần như không thể. Thực tế đã chỉ ra vài chiếc KV đơn lẻ đã chặn đứng cả một hướng tiến quân của Đức, ví dụ như một chiếc xe tăng KV-1 đã chiếm lĩnh vị trí bên ngoài Ostrov, trên con đường đến Leningrad, hoàn toàn “khóa” quân Đức vượt qua đây trong vài ngày, bắn hạ 7 xe tăng, một pháo chống tăng, một pháo 88mm cùng với một số lượng xe bọc thép và bộ binh Đức. Về sau nó chỉ bị hạ bởi một khẩu pháo phòng không 88mm.
Tuy vậy, đôi khi cũng xuất hiện vài câu chuyện “nói quá” về sự vô địch của KV, trong đó đến từ những sĩ quan chỉ huy Đức thêu dệt lên một loại xe tăng “thần thánh” của Liên Xô để che đậy cho những yếu kém về năng lực của mình. Ví dụ như Freiherr von Langermann, chỉ huy sư đoàn 4 tăng Đức, báo cáo trong trận đánh tại vùng Orel: “Lần đầu tiên, trên mặt trận phía Đông, ưu thế vượt trội của xe tăng 26 tấn (xe tăng hạng trung T-34) và 52 tấn (xe tăng hạng nặng KV-1) được thể hiện một cách tuyệt đối trước xe tăng Panzer III và IV, xe tăng Liên Xô dàn thành hình vòng cung và khai hỏa pháo 76mm từ khoảng cách 1.000m một cách chính xác và uy lực”.
![]() |
Một chiếc KV-1 với tháp pháo đầy vết đạn....không xuyên từ quân Đức. |
Vì thực tế bắn chính xác và uy lực ở tầm 1.000m là một điều quá xa xỉ đối với pháo 76mm trên KV-1, hơn nữa chỉ giáp trước của KV là mạnh nhất, còn giáp hông và đằng sau KV thì không phải quá dày, hơn nữa KV lại không phải chiếc tăng có khả năng xoay trở nhanh nhẹn cho lắm.
Có một điều khá thú vị là xe tăng hạng nặng Liên Xô như KV thời kì đầu chiến tranh, giống như tăng hạng nặng Đức như Tiger 2, Jagdtiger thời kì cuối CTTG 2, thường bị mất do hỏng hóc trên chiến trường nhiều hơn nhiều so với bị bắn hạ. Xe tăng KV giai đoạn này chủ yếu bị hạ bởi lựu pháo 105mm và pháo phòng không 88mm của Đức, còn xe tăng Panzer III và IV dường như là miễn nhiễm với KV.
![]() |
KV-1 tung hoành trên chiến trường. |
![]() |
Quân Đức thu giữ và sử dụng lại KV-1. |