
Vào sáng ngày 13/6, Israel đã bất ngờ khai hỏa chiến dịch Am KaLavi (Sư tử trỗi dậy), sau 12 ngày giao tranh, cả Mỹ, Iran và Israel đều “tuyên bố chiến thắng”. Vậy Iran và Israel rút ra cho mình được “bài học kinh nghiệm” gì, sau màn đấu súng “hoành tráng”?

Theo nhà phân tích người Nga Yuri Baranchik, sau khi nghiên cứu cuộc chiến giữa Israel và Iran và những gì đã xảy ra, ông cho rằng “cả hai bên đều thất bại”. Israel không thể phá hủy chương trình hạt nhân của Iran và lật đổ chế độ Hồi giáo cầm quyền; Iran không thể phá hủy Israel; Tổng thống Trump không thể tìm ra phương án để phá hủy mối đe dọa địa chính trị của Iran. Nhưng các bên đều tuyên bố mình là bên chiến thắng.

Theo ông Baranchik, Tel Aviv đã nhận ra rằng nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp từ Washington, khả năng gây thiệt hại lâu dài cho Iran của Tel Aviv là không lớn. Điều này đặc biệt đúng đối với các cuộc tấn công mạng và chiến lược.

Đối với Israel: Cái giá mà Israel phải trả về mặt chính trị và kinh tế, cho sự leo thang mà không có sự hỗ trợ của đồng minh là quá cao. Ngoài ra, nó đe dọa làm tổn hại đến mối quan hệ với Moscow và Bắc Kinh, và một Liên minh châu Âu bất mãn với cả Mỹ và Israel. Đặc biệt là các cuộc biểu tình trong chính nội bộ Israel, vấn đề không nên bị coi nhẹ.

Có thể nhận thấy hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa của Israel, đã được truyền thông cường điệu quá mức, xứng đáng nhận được chú ý đặc biệt. Hóa ra, trước các cuộc tấn công kết hợp của Iran, với hàng loạt UAV và tên lửa khác nhau, hệ thống phòng thủ của Israel đã bị phá vỡ.

Lúc đầu, người Israel đã đánh chặn thành công mọi thứ. Nhưng mỗi ngày trôi qua, càng có nhiều bệ phóng ở Israel bị người Iran phát hiện và phá hủy. Mặc dù Israel sở hữu hệ thống phòng không dày đặc nhất thế giới, nhưng kết quả là hệ thống phòng không bị suy yếu đến mức toàn bộ cơ sở hạ tầng của họ đều bị đe dọa.

Điều này cho thấy rằng, cuộc chiến với Tehran không phải là một cuộc xung đột theo kiểu “dạo chơi”, tác động trả đũa sẽ được tất cả người Israel cảm nhận, vì đất nước của họ nhỏ bé. Người dân phải sống trong hầm trú bom rất bất tiện, và có thể mọi thứ trên bề mặt sẽ bị tên lửa Iran quét sạch.

Một cú sốc nhất định từ sự cô lập chính trị và câu thần chú "người Do Thái đang bị xúc phạm" đã không hiệu quả lần này. Việc các đồng minh, bao gồm cả EU, từ chối hỗ trợ công khai trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công tiếp theo, khiến cần phải thay đổi đường lối bên ngoài hoặc xây dựng một liên minh ổn định hơn, ông Baranchik phân tích.

Israel có thể sẽ cần thuyết phục một số quốc gia tạo ra một hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa, để chống Iran trong khu vực. Hợp tác chặt chẽ hơn với Jordan, UAE, Saudi Arabia và Azerbaijan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc này. Nhưng Tel Aviv sẽ phải nhượng bộ một số vấn đề.

Ngoài ra Israel cũng sẽ nghĩ đến việc mở rộng phạm vi các phương tiện phòng thủ. Ví dụ, họ sẽ phát triển các hệ thống tự động (laser và các hệ thống khác), có khả năng bắn hạ UAV và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đồng thời tiến hành các cuộc chiến tranh thông tin, trong trường hợp có một cuộc tấn công mới vào Iran.

Một “đặc sản” của người Israel chính là các lực lượng điệp viên cài cắm sâu, tổ chức hoạt động phá hoại nhằm làm mất ổn định từ xa các cơ sở năng lượng và hạt nhân của Iran. Đồng thời Tel Aviv càng chú ý xây dựng mạng lưới các nhóm "ngủ đông", nhằm thanh trừng giới lãnh đạo Iran theo nhiều cách khác nhau.

Đối với Iran: Iran đã tuyên bố là bên chiến thắng và họ sẽ tự rút ra kết luận của riêng mình. Bất chấp sự bất ngờ và quy mô của cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV, tác động chiến lược trong đòn tấn công trả đũa ban đầu của Iran đối với Israel là rất nhỏ. Điều này cho thấy rằng, chỉ có một cuộc tấn công kết hợp lớn, mới có thể dẫn đến kết quả có lợi cho Iran.

Sẽ rất khó khăn cho Iran, khi chiến đấu mà không có “đồng chí”. Các phản ứng từ "trục kháng chiến Trung Đông" như Hezbollah, Houthis, Hamas và các nhóm dân quân Iraq thân Iran, nếu có, thì không nhất quán về thời gian và hướng đi. Điều này chứng minh sự thiếu chỉ huy và quản lý thông tin trong một môi trường hỗn hợp.

Nhưng có thể nhận thấy thế hệ tên lửa đạn đạo mới của Iran (Fateh-110 và Zolfaghar) tỏ ra hiệu quả hơn UAV tự sát tầm xa, điều này có thể sẽ định hướng lại các khoản đầu tư trong tương lai vào các loại vũ khí như vậy. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ Iran sẽ tạo ra những phiên bản UAV tiên tiến hơn.

Những gì Iran thể hiện như một sự “trả đũa hoành tráng”, trên thực tế cũng không gây nhiều thiệt hại cho Israel. Nhiều khả năng, Tehran sẽ thành lập một bộ chỉ huy ủy nhiệm, cải thiện hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa và các biện pháp đối phó với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa của Israel.

Ngoài ra các công nghệ tên lửa mới với mồi nhử, đầu đạn cơ động và các công nghệ khác sẽ được người Iran chú ý phát triển (hoặc mua). Cùng với đó là phân tán cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là các cơ sở hạt nhân, mở rộng và đào sâu các căn cứ ngầm. Tăng cường các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở năng lượng, giao thông và cung cấp nước ở Israel.

Tóm lại là cả hai nước đều nhận ra rằng cuộc chiến giữa họ không đạt được kết quả chiến lược cuối cùng như mong muốn, và chiến thắng chính trị là một kết luận đã được dự đoán trước. Thỏa thuận này phù hợp với tất cả mọi người, không ai muốn hoặc có thể tiếp tục chiến đấu. Nhưng sự yếu kém của mỗi bên đã trở nên rõ ràng, ông Baranchik kết luận. (nguồn ảnh IRNA, Al Jazeera, The Time of Israel).
Lực lượng tình báo Mossad của Israel, luồn sâu vào lãnh thổ Iran, thực hiện các hoạt động ám sát trong chiến dịch Am KaLavi. Nguồn IRNA