Hôm nay, tòa tuyên án 14 bị cáo buôn hàng lậu trong đại án Nhật Cường

Hôm nay, TAND Hà Nội sẽ tuyên án 14 bị cáo trong vụ án Công ty Nhật Cường buôn lậu hàng điện tử, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Sau 1 tuần xét xử, chiều nay (10/5), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án 14 bị cáo trong vụ “Buôn lậu”, "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường.
Trong quá trình xét xử, VKS cho rằng, trong vụ án này, bị can Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường) có vai trò chủ mưu cầm đầu nhưng đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) giữ vai trò phạm tội sau Huy, giúp sức tích cực cho chủ mưu buôn lậu. Các bị cáo trong vụ án đều thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên, biết rõ là buôn lậu nhưng vẫn làm theo ông chủ Bùi Quang Huy.
Hom nay, toa tuyen an 14 bi cao buon hang lau trong dai an Nhat Cuong
Các bị cáo trong vụ Nhật Cường.
VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trần Ngọc Ánh mức án cao nhất 15-16 năm tù về tội "Buôn lậu" do giúp sức tích cực cho chủ mưu.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án 5-6 năm về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và 9-10 năm tù về tội "Buôn lậu", tổng hình phạt 14-16 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng về tội "Buôn lậu", VKS đề nghị bị cáo Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng Công ty Nhật Cường) 13-14 năm tù, Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) 9-10 năm tù; Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường), Bùi Quốc Việt (nhân viên, anh trai ông chủ Nhật Cường) 7-8 năm tù, Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc), Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu), Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn) cùng bị đề nghị từ 7-8 năm tù.
Nguyễn Bảo Trung (ở Hà Nội) bị đề nghị mức án 12-13 năm tù, Ngô Đức Tùng (ở Hà Nội) 3-4 năm tù, Phạm Văn Hiệp (ở Hải Phòng) 12-13 năm và Đỗ Văn Dũng (ở Hải Phòng) từ 7-8 năm tù.
Trong phần tự bào chữa, 14 bị cáo đều cho rằng VKS đề nghị mức án như vậy là quá nặng và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, Công ty Nhật Cường thành lập năm 2001, do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc. Từ năm 2013 đến 2019, doanh nghiệp này kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, Công ty Nhật Cường nhập hàng của nước ngoài về bán tại Việt Nam không qua hải quan, không nộp thuế.
Trong đó, giai đoạn 2014 – 2019, Nhật Cường bán hơn 255.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn 2.927 tỷ đồng. Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72 tỷ đồng để vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Bùi Quang Huy cũng chỉ đạo ghi sổ sách kế toán trên 2 hệ thống, đầy đủ trên hệ thống bí mật, nội bộ và không ghi chép hết trên hệ thống công khai với cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong vụ án này, cảnh sát đã tách hồ sơ các hành vi “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ra xử lý sau do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.

Quá trình điều tra, cảnh sát cũng phong tỏa một số tài khoản trị giá hơn 8 tỷ đồng; tạm giữ gần 2.000 sản phẩm điện thoại, đồng hồ Apple, máy tính.

Vì sao bổ sung vụ Nhật Cường vào diện Trung ương theo dõi?

Bộ trưởng Công an giải thích Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không chỉ xử lý vấn đề liên quan đến tham nhũng, mà kể cả những vụ dư luận, xã hội quan tâm.

Vụ Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường và các đơn vị có liên quan vừa được quyết định bổ sung vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Những ai trốn truy nã cùng Tổng giám đốc Nhật Cường?

Bùi Quang Huy cùng 5 bị can liên quan vụ buôn lậu lô hàng hơn 2.900 tỷ đồng đã bỏ trốn. Một số người trong số này là chủ doanh nghiệp.

Trong cáo trạng vụ buôn lậu hơn 2.900 tỷ đồng tại Công ty Nhật Cường, VKSND Tối cao truy tố 15 bị can về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Nhật Cường) bị xác định chủ mưu nhưng đang trốn truy nã quốc tế.

MBBank nói gì về nguy cơ không đòi được nợ từ Nhật Cường mobile?

(Kiến Thức) - Theo lãnh đạo MBBank, trong trường hợp xấu nhất không thể thu hồi được khoản cho vay với Nhật Cường mobile thì ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.

Thông tin ông chủ Nhật Cường Mobile bị khởi tố những ngày qua thu hút sự chú ý dư luận. Trong quá trình hoạt động, Nhật Cường Mobile từng có quan hệ tín dụng với một số ngân hàng, trong đó "thân thiết" nhất là với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Chính vì thế, nhiều câu hỏi được đặt ra là MBBank sẽ thế nào nếu không đòi được khoản nợ từ phía Nhật Cường mobile.
Mới đây, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo MBbank cho biết khoản vay của Nhật Cường tại ngân hàng này là con số không lớn, khoảng hơn 43 tỷ đồng. Với tư cách là tổ chức cung cấp tín dụng, khoản cho vay của MB với Nhật Cường thực hiện trên cơ sở có tài sản đảm bảo theo quy trình thông thường.