Dù chẳng biết thực hư, hàng trăm người mê tín vẫn tìm đến Lệ, giao tính mạng cho bà “Thánh” này. Quá trình vào cuộc tìm hiểu theo phản ánh của bạn đọc, PV báo đã phát hiện trò “buôn thần, bán thánh” và cách chữa bách bệnh phản khoa học của kẻ lừa bịp này.
![]() |
“Thánh ông” Trần Thị Lệ (bên phải) đang “chẩn bệnh”. |
Thời gian qua, cái tên “Thánh ông” Trần Thị Lệ (còn có tên gọi khác là “Thánh Lê Mẹo”-PV) thực sự trở thành “cái gai” nhức nhối với bà con khu phố Phước Hòa. Hầu như ngày nào, ngôi nhà của Lệ cũng tấp nập người đến đây nhờ “Thánh ông” này xem giúp vận mạng và chữa bệnh. Vào tới đầu khu phố hỏi nhà Lệ, chúng tôi được chị T. (chủ quán tạp hóa-PV) gọi lại bảo: “Các chú đã hẹn trước chưa. Tới đột xuất thì chưa chắc đã đến lượt đâu. Cái nhà cô Lệ ấy, lúc nào cũng đông nghẹt người”. Lân la hỏi về “tài” chữa bệnh của “Thánh ông”, chúng tôi được chị Lệ cho biết: “Người nơi khác cứ đua nhau tìm đến. Còn ở đây, bà con chúng tôi không bao giờ lai vãng đến cửa nhà Lệ. Bởi thực tế là trước khi tự xưng “Thánh ông”, “Thánh bà” gì đó, Lệ là người bình thường, làm gì có khả năng chữa bệnh. Các chú không tin, cứ vào xem tôi nói có đúng không”.
![]() |
Rất đông người chầu chực đợi “Thánh ông” giúp đỡ. |
Lần mò đến nhà “Thánh ông”, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà tráng lệ, bên ngoài tường bao kiên cố. Đặc biệt, cánh cửa chính thì đóng im ỉm. Nhưng bên ngoài khoảng sân rộng, từ sáng sớm xe cộ đã xếp chật kín, tấp nập người ra kẻ vào. Địa điểm “làm việc” của “Thánh ông” là một căn phòng rộng ở tầng 2 ngôi nhà. Tại đó, “Thánh ông” đặt duy nhất một chiếc bàn để mình ngồi tiếp con bệnh. Phía dưới sàn, bà Lệ trải 2, 3 chiếc chiếu để khách ngồi chờ. Theo quan sát của chúng tôi thì mới chưa tới 10h sáng, căn phòng đã chật ních với hàng chục người chầu chực xếp hàng để đợi đến lượt mình “diện thánh”. Họ nằm, ngồi ở tất cả mọi nơi có thể, đa số đều có vẻ uể oải vì chờ đợi quá lâu trong bầu không khí oi bức, ngột ngạt.
Ngồi tựa vào góc nhà chờ tới lượt, chị Hoàng Thị Hương L. (quê ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bắt chuyện: “Em mới tới đây lần đầu tiên hay sao mà đi muộn thế. Chị tới đây từ lúc chưa tới 6h sáng, tưởng là sớm rồi nhưng nhiều người còn đến sớm hơn nên bây giờ vẫn chưa tới lượt. Ở đây đông lắm nên ai muốn đến nhờ “ông” hoặc phải liên hệ trước hoặc là “khách quen” chứ không thì phải chờ vài tiếng, xui xui thì đợi đến chiều, tối”. Theo lời kể của chị L. thì quá trình “coi bệnh” của “Thánh ông” cho một người thường kéo dài từ 1 – 1,5 tiếng đồng hồ. Chính vì thế, “Thánh ông” đã “chu đáo” chuẩn bị sẵn chiếu để các con bệnh… ngả lưng.
Vị “Thánh ông” mà mọi người nhắc đến là một phụ nữ có thân hình cao ráo, tóc đen dài, da trắng tuy nhiên giọng nói lại ồm ồm như đàn ông. Lúc này, “Thánh ông” vận bộ quần áo lam, ngồi chễm chệ trên chiếc ghế xoay, miệng thì nói liên tục không ngừng nghỉ. Còn những con bệnh, kẻ ngồi, người quỳ, thậm chí có người nằm lăn dưới sàn. Đặc biệt, trong số đó có cả người già và trẻ em. Phía trước mặt, “Thánh ông” đặt một tập giấy trắng, một cây bút và một chiếc đĩa sứ đựng 2 đồng tiền xu dùng để gieo quẻ cho những vị khách nào có nhu cầu xem bói vận mệnh, tương lai. Dù tuổi chưa được bao nhiêu nhưng trong lúc giao tiếp với con bệnh từ già tới trẻ, “thánh ông” luôn miệng xưng “ông” và “đệ” với vẻ đầy nghiêm trang. Cách khám bệnh của “Thánh ông” cũng vô cùng kỳ lạ. “Thánh ông” không hề sử dụng một loại dụng cụ y tế nào mà chỉ cần nhìn vào sắc mặt, nghe bệnh nhân trình bày triệu chứng là “đoán chính xác” được bệnh tình. Khi bắt đầu chẩn bệnh cho bất kỳ người nào, “Thánh ông” đều hỏi tên, tuổi, quê quán, tên cha, tên mẹ cụ thể, rõ ràng mới bắt đầu khám.
Tiến đến bàn khám, chị Đinh Thị H. (quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) trình bày rằng: Hai đứa con của mình đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng thường xuyên đau ốm và học hành sa sút. Bởi thế, chị phải lặn lội đến cầu cứu “Thánh ông”. Tuy nhiên, vì điều kiện nên chị không thể đưa hai con đi cùng. Vậy mà chỉ cần nghe đến tên của hai đứa con của chị H., “Thánh ông” đã tìm ra được nguyên nhân cũng như cách chữa bệnh. “Thánh ông” nghiêm giọng: “Đệ sơ ý quá đấy. Chính vì đệ đặt tên con sai nên làm cho hai đứa nhỏ đứa thì cáu gắt, ích kỷ đứa thì lầm lỳ, khổ tâm. Hay sổ mũi, sốt, ho là bình thường, năm ni (nay-PV) có khi đứa con đầu của đệ còn gặp đại nạn”.
Hoảng hốt trước lới phán của “Thánh ông”, chị H. chắp tay lạy như tế sao, tha thiết mong “ông” ra tay giúp đỡ. Đến lúc này, “Thánh ông” bắt đầu trầm giọng trấn an: “Đệ không cần phải hoảng hốt như thế. Cứ từ từ rồi “ông” sẽ giúp cho. Chuyện này đối với “ông” không thành vấn đề. Quan trọng là đệ phải làm theo lời “ông” nói”. Nói rồi, “ Thánh ông” rút 3 tờ giấy để trên bàn rồi dùng bút lông hí hoáy viết mấy dòng chữ mà không ai đọc hay hiểu được nội dung là gì. Sau đó, “Thánh ông” đưa lên miệng huýt sáo ba tiếng biến tờ giấy lộn thành… bùa phép. Chưa dừng lại ở đó, “Thánh ông” còn liên tục niệm chú “mô phật, mô phật, mô phật” để… chữa bệnh từ xa. Hoàn tất mọi thủ tục, “Thánh ông” bảo chị H. hãy đem 3 tờ giấy đó về đốt, hòa tro với nước uống dần thì nhất định sẽ “tai qua nạn khỏi”. “Thánh ông” còn nói thêm: “Đây chỉ là giải pháp nhất thời, nếu được thì qua năm đệ đổi tên hai đứa con đệ luôn đi. Trước khi làm thì nhớ bày cái lễ ở nhà để cúng bái và trình thần linh. Không ai cho không ai cái gì đâu nghe”.
Tất cả những người tới đây đều có bệnh khác nhau. Nhưng sau nhiều giờ quan sát, chúng tôi phát hiện bà Lệ chỉ áp dụng duy nhất một phương thức chữa bệnh nói trên cho tất cả. Theo lời kể của chị L. thì chị đã đến đây lần thứ 2. Chồng chị hay đau ốm nhưng gia cảnh nghèo khó không đủ tiền chạy chữa. Bởi vậy khi nghe đồn về “Thánh ông” trị bách bệnh, chị mới lân la tìm đến, với hy vọng giúp chồng khỏe lại. Lần trước, chị cũng được “Thánh ông” cho 2 tờ “giấy bùa phép rồi đem về đốt thành tro cho chồng uống. Nhưng qua hơn 1 tháng, bệnh tình của anh càng trở nên trầm trọng hơn.
Điều đáng nói là thay vì tỉnh ngộ, đưa chồng đến cơ sở y tế, chị L. (cũng giống như nhiều bệnh nhân tìm đến đây-PV) lại mê muội tin lời bà Lệ. Với trường hợp nào, “Thánh ông” bịp bợm này cũng dùng lời ngon ngọt, khẳng định họ cứ kiên trì uống nước bùa là sẽ khỏi bệnh, kể cả ung thư bệnh viện trả về. “Không biết có hiệu nghiệm thật không nhưng tôi nghe nói phải tin tưởng và làm theo cách của “Thánh ông” thì bệnh mới hết”, chị L. tâm sự.
Trong quá trình “chẩn bệnh”, “Thánh ông” không quên lặp đi lặp lại một nội dung: “Sự muốn thành thì phải có cái tâm. Đệ cúng cho ông thần đĩa trái cây 100 ngàn thì đương nhiên khác đĩa trái cây năm chục ngàn. Ông thần sẽ nghĩ đệ: “Cái con này mình giúp người nhà nó khỏi bệnh, vậy mà nó keo kiệt”. Như vậy, ổng sẽ không phù hộ lần sau đâu…!?”. Từ những câu nói bóng gió, đưa đẩy này, con bệnh đã ngầm hiểu, không ai bảo ai nhưng tất cả đều lúi húi nhét những phong bì dày cộm vào thùng công đức trước khi lạy tạ “Thánh ông” ra về.
![]() |
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng. Ảnh: Khải Hoàng. |