Hại gan, vô sinh vì nhịn ăn giảm cân

(Kiến Thức) - Nhiều người cho rằng, nhịn ăn sẽ giảm cân nhanh, nhưng trên thực tế điều này không có tác dụng, thậm chí còn gây béo và mang nhiều bệnh hơn.

Cả ngày không một hạt cơm
Chị Trần Thị Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) càng ngày càng béo phì, vì thế chị nhịn ăn nhằm mong muốn có thân hình vừa ý. Theo suy nghĩ đơn thuần của chị, nhịn ăn tức không cung cấp calo cho cơ thể, thay vào đó lượng mỡ thừa trong cơ thể sẽ được tiêu hao để nuôi chính mình. Mỗi ngày chị chỉ ăn sáng qua loa, lúc cái bánh mỳ, khi chiếc bánh gạo... Còn bữa trưa và tối chị không ngó ngàng đến thức ăn, cơ thể không được nhận hạt cơm nào vào bụng. 
Chị chia sẻ, nhiều ngày nhịn ăn nên cơ thể cũng cảm thấy mệt mỏi, suy yếu, tay chân bủn rủn, tim đập nhanh, chóng mặt. Sau cả ngày làm việc, đứng dậy đi về chị như không còn sức. Nhiều người trong cơ quan luôn lo lắng chị ngã quỵ bởi nhìn chị lúc đó như người ốm nặng: Khuôn mặt hốc hác, da luôn xanh xao, xám xịt.
Về đến nhà, chị cũng không muốn động tay vào bất cứ việc gì. Sự uể oải, không hứng thú làm việc hay cười nói cùng ai luôn thường trực trong chị. Chồng chị lâu ngày trở nên sinh chán, chỉ muốn ăn ở ngoài mới về nhà đi ngủ thay vì mỗi lần bước chân vào cửa lại thấy khuôn mặt vợ rầu rĩ, nằm hết góc giường này đến góc giường khác... 
Đánh giá về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Sơn, Bệnh viện Việt Nam Ba Lan cho rằng, đây là quan niệm sai lầm của nhiều chị em đang áp dụng. Phương pháp này không những không giảm cân mà còn gây suy nhược cơ thể, thay đổi nội tiết gây béo phì hơn, hại gan thận...
Nhịn ăn khiến quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể bị rối loạn dẫn đến rối loạn nội tiết tố.
Nhịn ăn khiến quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể bị rối loạn dẫn đến rối loạn nội tiết tố.  
Sai lầm, rước thêm nhiều bệnh 
Vị chuyên gia y tế phân tích thêm, thức ăn con người đưa vào được chuyển hóa nuôi cơ thể. Tùy vào sự vận động, suy nghĩ... sẽ tiêu hao mức năng lượng khác nhau. Nhịn ăn đồng nghĩa năng lượng đó không có nên cơ thể phải lấy nguồn dự trữ từ gan ra làm việc, nhưng nguồn này không cao nên không bao lâu sẽ cạn kiệt theo. Tuy nhiên, để duy trì sự sống, toàn bộ các bộ phận cơ thể đều phải làm việc "cầm hơi". Ví dụ, tim, phổi chỉ đập nhưng không hiệu quả, cơ bắp vận động theo chỉ dẫn của thần kinh nhưng tỏ ra yếu ớt, mệt mỏi, uể oải... 
Ngoài ra, nhịn ăn tức cơ thể sẽ thiếu các chất như canxi, vitamin... khiến cơ thể không hoạt động được bình thường. Điển hình như thiếu canxi nên khả năng đàn hồi của cơ kém, co bóp cơ tim cũng giảm. Khi làm việc cảm thấy mệt mỏi, thở dốc, vã mồ hôi hay nói cách khác thể lực yếu kém lười vận động, mệt mỏi kéo dài. 
"Nhịn ăn khiến quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể bị rối loạn dẫn đến rối loạn nội tiết tố. Các chị em không những giảm sắc đẹp mà còn suy yếu một số bộ phận cơ thể quan trọng như suy thận, suy gan. Các bệnh tim mạch, huyết áp gia tăng. Thậm chí nhịn ăn còn làm tăng cân hơn vì những rối loạn này", BS Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Theo các chuyên gia, để giảm cân thông qua bữa ăn có thể áp dụng gồm: Thức ăn nên có đủ 4 nhóm cung cấp chất bột đường, chất béo, chất đạm và vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tuy nhiên, cần giảm bớt các đồ ăn béo, chất bột đường, hoa quả ngọt, ăn tăng rau và hoa quả ít ngọt. Nên xem xét các thực đơn ít calo nhưng vẫn duy trì được năng lượng, vitamin cho cơ thể. Mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, thay vào đó nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhai kỹ.
TS Nguyễn Thanh Chò, Học viện Quân y nhấn mạnh, nhịn ăn làm cho cơ thể suy mòn, suy đa thận dẫn đến tử vong. Một trong các biểu hiện đầu tiên của việc suy mòn cơ thể là rụng tóc vì do thiếu dinh dưỡng cho máu, cho cơ thể. Kéo dài tình trạng này sẽ gây ra nhiều biến chứng như kinh nguyệt kém dẫn đến vô sinh, tổn thương tế bào não, loãng xương...

Tử vong do tưởng “giết” ung thư bằng nhịn ăn

(Kiến Thức) - Nghe đồn "dao kéo" khiến ung thư phát triển nhanh nên bà T. nhịn ăn, uống nước lã... kết quả là khối u ngày một to, di căn và... tử vong.

Bà Nguyễn Thị T. (64 tuổi ở Hà Nội) bị ung thư vú được chỉ định phẫu thuật nhưng vì nghe đồn thổi đụng dao kéo u phát triển nhanh hơn nên bà đã về nhà thực hiện nhịn ăn, ăn kham khổ, uống nước lã... để bỏ đói khối u hy vọng khối u tiêu đi hoặc không phát triển. Không ngờ khối u của bà ngày càng phát triển to, di căn hạch nách, phù nề cánh tay và vỡ. Khi được cấp cứu vào viện, bà đã trong tình trạng suy kiệt, u di căn nhiều nơi... và tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Lời bàn: Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cách chữa của bà T. là phản khoa học. Nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn. Bệnh nhân ung thư nên duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, chuyên biệt, đảm bảo đủ số lượng calo.

Tốt nhất là ăn uống theo sở thích và nhu cầu, khuyến khích ăn nhiều rau xanh và hoa quả, tránh các chất cay nóng, thức uống có cồn. Nên ăn các loại thực phẩm tốt như súp lơ, nấm, cà chua, hoa quả... 

Nhịn ăn có chữa được ung thư?

- Người bị ung thư thường sợ chất dinh dưỡng đi vào nuôi khối u nên phải nhịn ăn để bỏ đói khối u, khối u sẽ chậm phát triển hoặc chết. Điều này có đúng?

Bệnh nhân đang điều trị hóa chất tại Bệnh viện K.
Bệnh nhân đang điều trị hóa chất tại Bệnh viện K.
Chỉ giết mình chứ không giết được khối u

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam): Nhịn ăn hoặc không ăn chất đạm để giết khối u là một quan điểm phản khoa học và rất nguy hiểm đối với người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đã nghe theo và áp dụng. Việc nhịn đói hay không nhịn đói tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn.

Trên thực tế, tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt... sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng thì ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu "đói", bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.

Hơn nữa, có đến 50% bệnh nhân khi phát hiện ra ung thư đã có biểu hiện sụt cân, suy dinh dưỡng. Việc điều trị cũng cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu nhịn ăn thì chắc chắn bệnh nhân ung thư sẽ chết do suy kiệt. Nếu một người bình thường một ngày cần 25 - 30kcal/kg cân nặng thì bệnh nhân ung thư cần từ 35 - 50kcalo/kg, tương tự protein ở người bình thường là 0,8g/kg thì bệnh nhân ung thư là 1,5 - 2g/kg. Do đó, khi điều trị ung thư, bệnh nhân tuyệt đối không thể nhịn ăn hoặc kiêng khem mà ngược lại, muốn khỏi bệnh bệnh nhân phải duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt.

Chỉ thực hiện nhịn ăn giảm béo

BS Dư Quang Châu (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Dưỡng sinh Năng lượng) cho biết: Nhịn ăn là cách hữu hiệu nhất nhằm gột rửa các chất độc ra khỏi cơ thể, cân bằng âm dương, cải thiện sự tuần hoàn và hô hấp. Sinh lực đáng lẽ phải dồn vào trong công việc tiêu hoá thức ăn thì nay được dành để chữa trị, bù đắp các tạng phủ, cơ quan bị suy tổn. Thần kinh hệ được thư giãn, bắp thịt thoải mái, nghỉ ngơi, các nội tạng làm việc ít đi, sinh lực con người được cải tạo, nhờ đó mà ảnh hưởng tốt đến trí não và nhận thức. Bởi vậy, ai cũng có thể nhịn ăn, giảm béo, chữa bệnh, nhưng không thể nhịn tuỳ tiện, mà tuyệt đối tuân theo những hướng dẫn cụ thể.

Nhịn ăn chữa ung thư là theo nguyên tắc bỏ đói khối u nhưng không nên áp dụng bởi rất nguy hiểm. Nếu muốn thực hiện phải có một đội ngũ y tế chuyên nghiệp theo dõi chăm sóc nếu không rất dễ tử vong.Tốt nhất chỉ nên thực hiện nhịn ăn giảm béo nhưng phải theo dõi và đảm bảo theo đúng quy trình. Những người bị ốm, thân thể đang suy kiệt, người bị bệnh cấp tính, ác tính, người đang có thai, cho con bú... không được nhịn ăn.

Ăn các thực phẩm tạo môi trường kiềm

Chị Hoàng Thị Kim Hà (Gia Lâm, Hà Nội) kể: Tôi bị ung thư buồng trứng đã phẫu thuật 2 lần sau đó truyền hóa chất. Tôi không nhịn ăn bỏ đói khối u mà vẫn tiến hành điều trị và thực hiện theo chế độ ăn kiêng riêng cho ung thư. Tôi chỉ ăn những loại thực phẩm tạo môi trường kiềm như các loại hải sản, các loại thịt trắng chứ không ăn thịt đỏ và uống sữa. Tôi được biết ung thư phát triển là do môi trường axit phát triển mạnh chế ngự môi trường kiềm, vì vậy, ăn thực phẩm tạo môi trường kiềm là để chế ngự các tế bào ung thư không cho nó phát triển và dần dần bình phục.
Nghiên cứu cho thấy, 50 - 90% bệnh nhân ung thư có sụt cân, trên 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có suy kiệt. Hiện tượng giảm cân rồi suy mòn ở ung thư dạ dày (87%), ung thư tụy tạng (83%), ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (54%)... Đây là nguyên nhân khiến 20 - 30% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt trước khi tử vong do bệnh.
Thúy Nga (Thực hiện)
[links()]