Hai chàng trai “vàng” Olympic quốc tế: Vui, tự hào trong ngày khai giảng

Em Phạm Việt Hưng và em Võ Hoàng Hải – hai học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ niềm xúc động trong ngày khai giảng.

Phạm Việt Hưng: Không phải một ngày ngủ dậy thấy yêu Toán
Ngày 05/09/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ Khai giảng và đánh trống khai trường năm học mới tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao logo chân dung Bác Hồ cho các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic Quốc tế trong năm học vừa qua. Các em cũng được nhận bằng khen của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho những thành tích xuất sắc.
Hai chang trai “vang” Olympic quoc te: Vui, tu hao trong ngay khai giang
 Em Phạm Việt Hưng với nụ cười tươi trong Lễ Khai giảng của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Mai Loan.
Chia sẻ cảm xúc với PV Tri thức và Cuộc sống, em Phạm Việt Hưng, huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế năm 2022 cho biết, em rất “vui và tự hào” khi được nhận những món quà ý nghĩa trong ngày khai trường, đặc biệt là logo Bác Hồ từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2022, Phạm Việt Hưng là học sinh lớp 11 duy nhất, nhỏ tuổi nhất trong đội tuyển. Tuy nhiên, với số điểm 39/40, Hưng đã xuất sắc cùng với Ngô Quý Đăng (cũng là học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) đoạt Huy chương Vàng kỳ thi.
Hưng cho biết, bố mẹ em làm văn phòng, không ai làm trong ngành giáo dục cũng như theo đuổi lĩnh vực Toán học. Bản thân em cũng không biết yêu Toán từ khi nào.
“Điều này rất khó nói, nó là quá trình dần dần tạo nên đam mê, chứ không phải một ngày ngủ dậy bỗng dưng thấy yêu Toán. Nhưng nếu nói về thời điểm thì có lẽ bắt đầu từ khi em học cấp 2”, Hưng chia sẻ.
Hưng cho hay, em cũng không có bí quyết gì đặc biệt trong việc học môn Toán, chỉ là mỗi ngày học một chút rồi kiến thức được tích lũy dần dần. Tuy nhiên, theo em, việc tự học là rất quan trọng và bất cứ học sinh nào muốn thành công cũng cần phải có kỹ năng này.
Với Hưng, em luôn đặt ra các mục tiêu cho mình, kể cả khi đã không muốn học tiếp thì em vẫn phải hoàn thành xong mục tiêu mới thôi. Điều đó, không chỉ rèn cho em tính kiên nhẫn, lòng quyết tâm, thói quen tự học mà đôi khi cũng đem lại cho em những kết quả tốt khi em tìm ra lời giải cho bài toán khó.
Luôn đề ra “kỷ luật” cho chính mình mà thực hiện rất nghiêm túc, chăm chỉ, tuy nhiên, trước ngày thi em không học gì để cho đầu óc được thoải mái, nghỉ ngơi và có được tâm thế tốt nhất khi bước vào phòng thi.
Hưng cho biết, năm học vừa qua, em đã đạt thành tích cao nhất – huy chương Vàng, năm nay em tiếp tục nỗ lực học tập nhưng không áp lực đặt mục tiêu phải giữ được thành tích đó. “Vì nó quá khó”, Hưng cười.
Năm học mới, chàng trai “vàng” của Olympic Toán Quốc tế gửi lời chúc tới tất cả các bạn, luôn có thật nhiều nỗ lực, quyết tâm để thực hiện được những ước mơ của mình.
Võ Hoàng Hải: Thành công đến từ tình yêu học vô tư
Gương mặt sáng, nụ cười tươi, em Võ Hoàng Hải, huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) năm 2022 chia sẻ, em cảm thấy “hạnh phúc và vinh hạnh” khi được nhận những bằng khen, phần thưởng trong buổi Lễ khai giảng, đặc biệt là logo Bác Hồ từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hai chang trai “vang” Olympic quoc te: Vui, tu hao trong ngay khai giang-Hinh-2
 Em Võ Hoàng Hải chia sẻ, em cảm thấy "hạnh phúc" trong ngày khai giảng.
Tại kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế (IPhO) năm 2022, Hoàng Hải là học sinh nhỏ tuổi nhất khi mới học lớp 10. Tuy nhiên, Hải đã giành được thành tích ấn tượng.
Hải cho biết, em và các thành viên đội tuyển đã nhận được sự quan tâm của nhà trường, thầy cô, gia đình và bạn bè với tình cảm chân thành. Điều đó cũng chính là động lực to lớn giúp Hải và các bạn đạt được những thành tích tốt.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Thầy Nguyễn Công Toản, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Hoàng Hải là một học sinh có năng khiếu và đam mê với môn Vật lý và đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi trước đó.
Năm lớp 8, Hải đã đoạt giải ba Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Vật lý. Năm lên lớp 9, Hải đã giành giải Nhất ở kỳ thi này. Được tuyển thẳng vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Hải được bồi dưỡng, tiếp tục với đam mê của mình.
Thầy Toản cho biết, ở Hải có sự đam mê tìm hiểu và chủ động học hỏi những kiến thức. Khi các thầy có hướng dẫn đọc sách tham khảo thêm, Hải luôn tìm tòi và đọc sách để hiểu rõ hơn.
Trong kỳ thi vừa rồi, kết quả của Hải không phải là một điều bất ngờ với các thầy hướng dẫn đội tuyển. Bởi trong quá trình học tập và phấn đấu, Hải luôn thể hiện là một học sinh có sự hào hứng trong học tập, tinh thần tươi vui nhưng cũng rất điềm tĩnh. Kết quả mà Hải đạt được cũng là niềm hy vọng mà các thầy đã đặt ra, mặc dù không gây áp lực cho em.
“Để có được thành tích như vậy, theo tôi là do Hải có tố chất về năng lực, khả năng tự học, nhưng đặc biệt là sự vô tư trong học tập, một sự hồn nhiên, chân phương. Hải không đặt ra cho mình phải đạt được những thành tích này, kia. Có thể nói là một tình yêu với sự học một cách thuần túy.
Chính điều này đã khiến Hải học một cách tự nhiên, không bị áp lực, căng thẳng. Ngoài ra, cũng phải kể tới sự hỗ trợ từ các giáo viên, những anh chị cùng đội tuyển và một gia đình luôn có sự khích lệ, đồng cảm với con”, thầy Toản cho hay.
Với một học sinh như Hải, theo thầy Toản, cần nuôi dưỡng niềm đam mê cho em, và vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư. Điều đó, sẽ giúp em trong việc chinh phục được những kiến thức chuyên sâu sau này, gặt hái được những thành công một cách tự nhiên.
Phát biểu tại buổi Lễ Khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích của thầy và trò của 05 khối chuyên Trường ĐH Tổng hợp (trước đây) và Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (hiện nay) đã dày công vun đắp trong 57 năm qua. Đây ngôi trường giàu thành tích nhất cả nước về đào tạo học sinh giỏi, đang dần khẳng định vị thế trong những trường THPT danh tiếng của khu vực và thế giới.
Từ những thành công của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và nhiều trường chuyên trong cả nước, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT và toàn ngành giáo dục quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn cho phù hợp, hiệu quả hơn.
“Để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai đất nước”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hai nhà khoa học xúc động khi nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 được trao cho hai nhà khoa học thuộc lĩnh vực toán học và hóa học là GS.TSKH Ngô Việt Trung và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu.

Sáng 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng các lãnh đạo các bộ, ngành, Viện nghiên cứu.

GS Ngô Việt Trung: Cơ chế tự chủ đào tạo tiến sĩ giúp các "lò ấp" hồi sinh

Nếu chấp nhận tiêu chuẩn thấp như Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành thì chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của chúng ta sẽ suy yếu chỉ sau vài thế hệ.

Những ngày này, dư luận sôi sục chuyện 'luận án tiến sĩ cầu lông'. Đầu tiên người ta tưởng là chuyện đùa nhưng té ra là thật. Không những thế còn có ít nhất 6 'luận án cầu lông' khác.

Sau đấy người ta lại phát hiện ra hàng loạt luận án kiểu "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh ..." của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.

GS Ngo Viet Trung: Co che tu chu dao tao tien si giup cac

Dư luận cho rằng các luận án này chỉ là những báo cáo chuyên đề về địa phương nào đấy, cán bộ hành chính nào cũng soạn được. Hơn thế nữa, các luận án đều có lời lẽ và nội dung na ná giống nhau kiểu "chép và dán". Nếu tìm thêm chắc còn nhiều luận án kiểu thế này.

Nếu chúng ta không xác định được nguyên nhân của hiện tượng này và các cơ quan quản lý không đưa ra những biện pháp đúng đắn thì những câu chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí còn tinh vi hơn.

Lỗi hệ thống

Trước tiên phải thấy đây là lỗi hệ thống, không phải từ các cá nhân hay hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ.

Có phải 'tiến sĩ cầu lông' làm luận án vì háo danh? Anh ta là giảng viên đại học nên có nhu cầu chính đáng trở thành tiến sĩ để phục vụ công tác giảng dạy.

Ở các nước phát triển, bằng tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu đối với giảng viên đại học. Theo quan niệm của thế giới, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất đòi hỏi người có học vị "phải có những kết quả nghiên cứu độc đáo vượt khỏi các tri thức đã biết". Khác với bằng cấp đại học là chứng chỉ về kiến thức, bằng tiến sĩ được coi là chứng chỉ về khả năng nghiên cứu sáng tạo kiến thức, không phải cứ học là được. Vì thế người ta thường dùng từ "làm tiến sĩ" chứ không phải "học tiến sĩ".

Vậy thì luận án của 'tiến sĩ cầu lông' có xứng đáng là luận án tiến sĩ không?

Theo quan điểm nhiều nhà khoa học, luận án chỉ xứng tầm luận án tốt nghiệp đại học. Vấn đề ở đây là người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ gồm những chuyên gia trong ngành đã thông qua luận án. Họ không hiểu yêu cầu đối với luận án tiến sĩ hay sao? Tất cả đều thực hiện theo đúng quy trình. Bộ GD-ĐT có tiến hành hậu kiểm đi nữa cũng phải dựa ý kiến của các chuyên gia trong ngành. Liệu họ có dám kết luận các đồng nghiệp của mình không đủ trình độ hay không.

Tất cả những điều này phản ánh thực tế là nền khoa học Việt Nam quá yếu kém, không đủ sức đánh giá chất lượng thực sự của luận án trong nhiều chuyên ngành. Việc hậu kiểm của Bộ GD-ĐT chắc chắn không giải quyết được vấn đề này.

Chúng ta còn nhớ có thời kỳ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đào tạo cứ 3 ngày được 2 tiến sĩ. Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra năm 2017 và kết luận những sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, nhưng không có tiến sĩ nào bị rút bằng hay cơ sở nào bị đình chỉ đào tạo cả.

Vậy làm thế nào có thể đánh giá chất lượng các luận án tiến sĩ một cách khách quan?

Nhiều nước thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng chính vì họ muốn có một sự thẩm định từ bên ngoài. Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD-ĐT cũng quy định luận án tiến sĩ phải có ít nhất một công bố trên các các tạp chí quốc tế có uy tín và một công bố trong nước. Ngoài ra, người hướng dẫn luận án tiến sĩ cùng phải có công bố quốc tế. Quy chế 2017 đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở tất cả các cơ sở đào tạo. Các "lò ấp" tiến sĩ không tuyển được nhiều nghiên cứu sinh nữa vì các luận án kiểu trên không thể công bố được ở các tạp chí quốc tế nghiêm túc.

Mặc dù Quy chế 2017 mới được áp dụng từ năm 2020 cho các nghiên cứu sinh tuyển vào từ năm 2017, nhưng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới năm 2021. Quy chế mới không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế như Quy chế 2017. Thậm chí, nó cho phép luận án tiến sĩ và người hướng dẫn chỉ cần có công bố trên các tạp chí làng nhàng trong nước thấp hơn cả tiêu chuẩn đầu ra của quy chế trước năm 2017 là thời kỳ có nhiều tiêu cực.

Khi ban hành quy chế Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021, Bộ GD-ĐT giải thích là Quy chế 2017 “thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và “bối cảnh đã thay đổi” nên Quy chế mới chỉ “đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Làm như vậy Bộ đã vô tình hợp pháp hoá việc đào tạo tiến sĩ chất lượng thấp, đi ngược lại mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế do chính Bộ đặt ra khi bắt đầu soạn thảo quy chế 2021.

Các luận án được nhắc đến ở trên cho thấy nhiều cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước sẵn sàng cho ra lò các luận án tiến sĩ chất lượng ngờ nghệch đến nỗi dư luận bị "choáng".

Tóm lại, có thể kết luận cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng đào thải trong đào tạo tiến sĩ, không ngăn cản được việc các "lò ấp" tiến sĩ hồi sinh.

Xã hội sẽ không còn ai tin vào học vị tiến sĩ nữa?

Có một số ý kiến nói rằng nền khoa học chúng ta yếu kém, chế độ đãi ngộ lại thấp nên tiêu chuẩn đầu ra tiến sĩ cũng chỉ nên thấp thôi. Tiến sĩ trình độ thấp sẽ đào tạo các tiến sĩ trình độ thấp hơn nữa. Nếu chấp nhận tiêu chuẩn thấp như Quy chế 2021 thì chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của chúng ta sẽ suy đồi chỉ sau vài thế hệ.

Đúng ra, Bộ GD-ĐT phải đặt chuẩn đầu ra của tiến sĩ tiệm cận dần trình độ thế giới. Ngay yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế 2017 vẫn còn thấp hơn một số nước quanh ta. Với việc quy chế 2021 không còn yêu cầu công bố quốc tế, có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.

Nhiều ý kiến cho rằng đang tồn tại các chính sách khuyến khích việc háo danh thông qua việc sử dụng bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng tiến sĩ là một cấu thành không thể thiếu được trong hệ thống giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở bất kỳ nước nào. Đó chỉ là chứng chỉ năng lực cho những người làm việc trong các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu.

Trên thực tế, bậc lương khởi điểm của tiến sĩ chỉ hơn bậc lương khởi điểm của người tốt nghiệp đại học một bậc lương, tương đương khoảng 500.000 đồng. Có bằng tiến sĩ cũng không có nghĩa sẽ trở thành phó giáo sư nếu không có nhiều công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Như vậy, không thể nói có chính sách khuyến khích háo danh thông qua việc sử dụng bằng tiến sĩ trong hệ thống giảng dạy và nghiên cứu.

Vấn đề ở đây là đầu ra thấp sẽ tạo điều kiện cho những người háo danh ở các cơ quan quản lý nhà nước gắn mác tiến sĩ, nhất là khi nhiều cơ quan có những quy định chuẩn hoá tiến sĩ cho các vị trí quản lý không cần gì đến khả năng nghiên cứu sáng tạo cả. Những người này sẽ tìm đến những "lò ấp" tiến sĩ để có được cái bằng. Chính chuẩn đầu ra thấp đã hợp thức hoá việc đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở này. Nếu chúng ta đào tạo "tiến sĩ thật" theo các chuẩn mực quốc tế thì làm gì có chỗ cho nạn háo danh phát triển.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín là tiêu chuẩn đánh giá khách quan duy nhất đối với một "tiến sĩ thật".

Có người sẽ thắc mắc tạp chí quốc tế cũng có thể mua được. Đúng là có nhiều tạp chí mới ra đời gần đây kinh doanh bằng cách duyệt bài “thần tốc” và bắt tác giả phải trả tiền. Bộ GD-ĐT chỉ cần loại bỏ các tạp chí này ra sẽ loại bỏ được hiện tượng mua bài. Trong bất kỳ chuyên ngành nào cũng có những tạp chí nghiêm túc không bắt tác giả phải trả tiền khi đăng bài. Cũng cần phải chú ý rằng, tạp chí quốc tế có uy tín ở đây cũng bao gồm các tạp chí trong nước được xếp hạng trong các danh mục tạp chí có chất lượng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Không có một tiêu chuẩn khách quan thì những quy định đầu vào hay yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật v.v. không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Điều tai hại nhất của Quy chế 2021 là tạo ra hành lang pháp lý cho việc này.

Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế 2021 thì thật giả sẽ lẫn lộn, xã hội sẽ không còn ai tin vào học vị tiến sĩ nữa.

Tôi rất hy vọng Bộ GD-ĐT can đảm sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 theo hướng nâng cao chất lượng đầu ra, giữ yêu cầu luận án có công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế có uy tín với những điều chỉnh thích hợp cho các ngành còn yêú về công bố quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Trong một xã hội liêm chính thì có thể dùng cái tốt át cái xấu, còn trong một xã hội chưa liêm chính thì phải có chế tài không cho cái xấu phát triển!

GS.TSKH Ngô Việt Trung

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)