![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tôi nghĩ mình thật xui xẻo khi bị mẹ và chị hai bắt gặp tại trận đang đi cùng Tuyết Anh ngoài đường. Nói xui xẻo là vì ít khi nào mẹ tôi ra khỏi nhà mà lại đi xa như vậy. Bộ Sài Gòn hết chỗ ăn, chỗ chơi rồi hay sao mà xuống tận quận 10 vậy trời!
Hôm đó tôi chở Tuyết Anh đi ăn hủ tiếu sa tế ngoài Chợ Lớn về. Xe đang chạy bon bon thì tắt máy. Tôi nhảy xuống, gồng mình đỡ để xe khỏi ngã vì người yêu tôi vẫn ngồi nguyên trên xe.
Tôi hoàn toàn có thể thông cảm cho Tuyết Anh bởi hôm đó nàng mang giày mới, giày lại cao đến 8 phân nên chân nàng bị đau. Tôi biết điều đó ngay khi ghé vô quán hủ tiếu. Người yêu tôi nhăn nhó vì đau khiến tôi phải dìu từng bước trước ánh mắt dò xét của mọi người. Tô hủ tiếu hôm đó mất ngon một nửa.
Cái xui còn theo đuổi tôi đến tận đường về. May mà xe bị ngộp xăng chớ nếu bị xẹp vỏ thì cái thân ròm của tôi không biết làm sao mà dắt nổi chiếc xe xẹp bánh mà trên đó chất thêm một người! Nếu như hôm đó có ai thấy một gã đàn ông còng lưng dắt xe trên đường Ngô Gia Tự, quận 10; trên xe có một cô gái mặc váy, mang giày cao gót ngồi vắt vẻo, mặt tươi như hoa thì đó chính là tôi. Thật tình là khi xe dừng đèn đỏ, tôi đã nghe giọng ai đó sát bên tai: “Nhìn thật chướng, sao không nhảy xuống đi mà ngồi đó bắt người ta đẩy như vậy?”. Tôi nghe mà chẳng bận tâm. Họ đâu biết người yêu tôi đau chân đâu mà nói này, nói nọ?
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mẹ tôi nắm lấy cổ xe, trừng mắt nhìn Tuyết Anh: “Bộ cháu không có chân hả? Xuống ngay!”. Vừa nói mẹ tôi vừa túm lấy Tuyết Anh kéo xuống khiến người yêu tôi loạng choạng suýt ngã. Nàng lí nhí gì đó mà tôi nghe không rõ.
Đến lượt chị hai tôi đay nghiến: “Em giỏi quá hén, ở nhà không làm động móng tay, vậy mà ra đường làm trâu ngựa cho người ta”. Quay sang Tuyết Anh, chị hai tôi sầm mặt: “Cô có phải là con người hay không vậy? Dắt chiếc xe đã mệt, đằng này cô lại ngồi chình ình trên đó, thật chướng. Tôi nghĩ cả nước này chắc có một người lành lặn mà hành xử như cô. Chưa là gì cả mà cô đã trèo lên đầu nó như vậy, mai mốt lấy về chắc nó để cô lên bàn thờ mà thờ”.
Tôi nói với mẹ: “Thôi, để con kêu taxi cho Tuyết Anh về, mẹ với chị hai đừng nói nữa”. Tôi gọi taxi cho Tuyết Anh. Chờ nàng lên xe rồi, tôi mới nói với chị hai: “Chị thật độc mồm, độc miệng. Cô ấy mang giày mới, lại cao quá nên chân bị đau, đàn bà con gái với nhau sao không thông cảm?”. Chị hai tôi nguýt dài: “Nói ra là bênh chằm chặp! Rước cái thứ đó về để nó trèo lên đầu mày mà ngồi à? Dẹp đi, mẹ với chị từ lâu đã không ưa cái cô tiểu thư nửa mùa đó, nghèo mà cứ học đòi làm sang”.
Có gì đâu mà chị hai tôi lại nặng lời như vậy chứ? Tuyết Anh là con một, con cưng nên dẫu nhà có nghèo thì cha mẹ nàng cũng cưng con như trứng, hứng như hứng hoa. Tiểu thư thì đã sao? Nàng nghèo nhưng nàng đẹp, rất đẹp; đẹp từ làn da, giọng nói, tướng tá, nét mặt, mái tóc…
Người yêu tôi là dân Pleiku chính gốc nên “má đỏ, môi hồng”, tôi không phải yêu mà là si mê nàng. Bất cứ điều gì làm nàng vui là tôi sẵn sàng, kể cả chuyện để nàng trên chiếc xe xẹp bánh để đẩy đi. Tôi nghĩ, nếu mai mốt cưới nàng về, tôi sẽ không để nàng làm động móng tay. Tôi sẽ làm hết chuyện trong ngoài để nàng không phải vất vả, không phải hao mòn sức khỏe và sắc vóc… Nếu cưới được nàng thì dù nàng muốn trèo lên đầu hay lên chỗ nào khác tôi cũng vui lòng.
Ấy vậy mà bây giờ ước muốn của cả đời tôi có nguy cơ tan thành mây khói. Lấy lý do bị mẹ và chị tôi làm nhục giữa “bàn dân thiên hạ” nên Tuyết Anh quyết liệt đòi chia tay. Nàng bảo: “Bây giờ chưa là gì cả mà họ còn đối xử với em như vậy; mai mốt trở thành con dâu, chắc họ xem em như ô-shin quá. Thôi, em chả dại”. Tôi năn nỉ: “Em lấy anh và sống với anh chớ có sống với họ đâu mà lo? Nếu em sợ, cưới xong, chúng mình dọn ra ở riêng liền”. Nhưng người yêu tôi vẫn khăng khăng: “Thôi, em sợ lắm”.
Tôi cứ tưởng Tuyết Anh làm nũng thế thôi, nào ngờ nàng vẫn kiên định lập trường. Nàng nói rằng quen tôi hơn 1 năm đã đủ để nàng hiểu và quyết định. Nàng không chọn tôi không phải vì bản thân tôi mà vì cha mẹ, anh chị tôi. “Mẹ và chị hai anh cứ sợ anh bị em trèo lên đầu, lên cổ. Nhà anh hắc ám muốn chết, cứ nghĩ đến phải sống chung với họ là em đã sởn tóc gáy”.
Nghe nàng nói vậy, tôi đâm giận mẹ và chị hai tôi. Nếu họ đừng nặng lời với người yêu tôi thì bây giờ tôi đâu khốn khổ như vầy? Họ không phải là tôi nên không đau khổ, còn tôi mỗi ngày trôi qua mà Tuyết Anh chưa hết giận thì tôi còn ăn không ngon, ngủ không yên.
Đã vậy chị hai tôi còn lải nhải mãi bên tai: “Đàn bà con gái gì mà đễnh đoảng, tới nhà bạn trai chơi mà cứ ngồi ở phòng khách bắt người ta phục vụ; ăn cơm xong không biết lau bàn, rửa chén; nói năng thì cứ õng à, õng ẹo… Bỏ nó đi rồi chị kiếm cho cô khác còn ngon hơn gấp mấy lần…”. Nghe mà bực mình. Đễnh đoãng gì thì cũng là của tôi chớ của họ đâu mà họ lo? Người yêu của người ta, tự dưng xúi bỏ là sao?
Tôi giận mẹ và chị hai tôi nhưng tôi không thể dứt tình với họ để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Đơn giản là vì nếu ra khỏi nhà, tôi sẽ không biết làm gì để sống? Đến giờ dù đã đi làm nhưng tôi vẫn phải ngửa tay nhận “viện trợ” từ mẹ và chị hai bởi đồng lương công chức của tôi không thể nào đủ để chi xài. Mà tôi thì không biết ăn hối lộ.
Trời ơi, tôi phải làm sao để dung hòa giữa hai bên tình và hiếu đây? Được yêu và làm tất cả cho người mình yêu là hạnh phúc mà không phải ai cũng có, thế mà sao những người thân yêu của tôi lại cho đó là tội tình?
Lúc mới quen, cô rất nể phục anh vì tính chịu khó, siêng năng và tinh thần cầu tiến, ham học hỏi dù anh đã có một cơ ngơi đáng kể.
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em nên anh luôn muốn thoát khỏi cái nghèo bằng mọi cách. Trong nhà anh, chỉ có anh thành đạt nên anh nghiễm nhiên là trụ cột kinh tế và là niềm tự hào của cả gia đình.
Lẽ ra cô phải hạnh phúc khi có được một người chồng như thế nhưng mặt trái của những ưu điểm đó đã bộc lộ khi hai người thành vợ chồng. Thành đạt từ lúc còn khá trẻ nên anh rất tự mãn, coi thường người khác nếu họ thua kém anh. Anh luôn xem tiền là thước đo của mọi giá trị, lúc nào cũng nghĩ đến việc làm sao để có thật nhiều tiền, bất chấp mọi điều, kể cả lòng tự trọng và sĩ diện. Cô không cho rằng sự gian khó thuở ấu thơ đã ám ảnh anh đến mức tôn thờ đồng tiền đến vậy, bởi nhiều người cũng nghèo, thậm chí còn nghèo hơn anh mà người ta có nô lệ đồng tiền đến vậy đâu? Người quen đến nhà chơi với bộ dạng không được tươm tất thì y như rằng anh cho là họ muốn nhờ vả gì đó, tỏ thái độ khinh khỉnh ra mặt, khiến họ chẳng muốn lui tới thêm lần nào nữa.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cô khuyên anh rất nhiều, rằng cuộc sống không chỉ cần có tiền nhưng anh bảo cô sống giữa thời buổi này mà cứ như người trên mây, không thực tế. Mâu thuẫn giữa họ trở nên trầm trọng khi cả hai ngày càng tiến về hai thái cực đối nghịch nhau: cô sống thiên về tinh thần, tình cảm; còn anh quá nặng về vật chất. Cứ mở miệng ra là họ cãi nhau. Cô thấy lo sợ vì đây là khởi điểm dẫn đến sự tan vỡ của nhiều cặp vợ chồng. Dần dần, cô có thói quen câm lặng, nín nhịn mọi thứ cho nhà cửa đỡ ồn ào, con cái đỡ bị tổn thương nhưng cứ như vậy hoài xem ra cũng không ổn.
Kể lại với tôi, cô kết thúc bằng câu hỏi: với người chồng chỉ biết có tiền, thậm chí xem tiền quan trọng hơn cả vợ con, cô phải sống vì lẽ gì: vì tình, vì nghĩa hay vì con?
Khi ly hôn, việc phân chia tài sản thường được nhiều cặp vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết. Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên trên thực tế có nhiều vụ rất phức tạp, kéo dài. Khó ngay từ khâu đầu tiên - kê khai tài sản. Là tài sản chung của vợ chồng nhưng mỗi người lại kê khai theo cách riêng, cốt sao mình có lợi nhất.
“Ém” đồng nào hay đồng nấy
Trong một buổi trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), lúc chương trình vừa kết thúc, chị Thanh Hà (*) rón rén theo chân các luật sư thuộc Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 khi đoàn chuẩn bị ra về. Níu vai một nữ luật sư, chị ngượng ngùng kể: Vợ chồng chị đang làm thủ tục ly hôn, nhờ tòa chia tài sản. Biết chị có gửi tiết kiệm, chồng đòi chia phần. Cho đó là khoản tiền tích cóp riêng, chị không chấp nhận. Chồng lục tung cả nhà, lấy sổ tiết kiệm, giấy chứng minh nhân dân của chị và chứng nhận kết hôn, ra ngân hàng rút tiền, nhưng không được vì không phải là chủ tài khoản. Sau đó, chồng giấu giấy tờ của chị và lên tòa án bổ sung số tiền trong sổ tiết kiệm vào danh sách tài sản đã kê khai.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Thâu tóm
Chị Kim Hồng (ngụ Q.7, TP.HCM) ít quan tâm đến công việc làm ăn của chồng. Giỏi giang, năng động, quan hệ rộng, anh Nguyễn Hải, chồng chị kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, khi thì hùn hạp mở quán ăn, khi thì góp vốn vào dịch vụ mát xa, karaoke, khi lại “đánh” sang mảng tập thể hình… Anh chị sống ở nhà ba mẹ chồng, hai căn nhà mua được thì cho thuê, anh thu tiền hàng tháng. Khi cần vốn đầu tư, anh Hải đề nghị ký giấy bán nhà, chị Hồng không mảy may nghĩ ngợi.
12 năm chung sống, không có con, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần. Anh có vợ bé, con rơi. Từ chỗ lén lút, anh dần “chơi bài ngửa”: “Đàn ông phải năm thê bảy thiếp. Cô vô sinh, không biết thân biết phận còn đòi hỏi. Cô muốn sống êm ấm, sướng thân thì phải chấp nhận, còn không thì cứ tay trắng ra đi”. Không chịu nổi, chị Hồng nộp đơn ly hôn và nhờ tòa giải quyết vấn đề tài sản.
Của cải khá nhiều nhưng hiện chị Hồng chỉ “nắm” được mỗi cái nhà mua bốn năm sau ngày cưới. Nhà đang ở là của ba mẹ chồng, chị chỉ có thể chứng minh đã góp ít tiền sửa chữa. Chị phỏng đoán tiền vốn trong tay chồng không dưới hai tỷ đồng nhưng chẳng biết làm sao để chồng kê khai đầy đủ. Hỏi đến, chồng chị trả lời nhát gừng: “Làm ăn thua lỗ hết rồi. Bây giờ chỉ làm công ăn lương cho mấy thằng bạn”. Nhìn cách tiêu xài và thái độ của chồng, chị biết chồng đang giấu.
Suốt thời gian dài, chị Hồng loay hoay khổ sở thu thập manh mối tài sản. Chị quyết định kê khai tất cả những công ty, cơ sở, dịch vụ mà trước đây chồng từng nói có hùn vốn, gồm 11 nơi, “thà nhầm hơn bỏ sót”.
So với “của nổi” thì “của chìm” dễ tẩu tán hơn, nhất là khi mối quan tâm, hiểu biết về vợ/chồng đã lỏng lẻo trong giai đoạn tiền ly hôn. Cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi. Kéo nhau ra tòa, nhiều người mới hối hận vì trước đây đã quá vô tư, không biết bạn đời đã lấy phần tài sản, thu nhập của gia đình để cho người khác mượn, gửi hoặc đầu tư nơi nào. Dù đó là tài sản chung của vợ chồng nhưng khi gửi tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phần… không cần khai báo tình trạng hôn nhân như khi mua bất động sản, dẫn đến chuyện một người toàn quyền giao dịch. Trường hợp đối phương không khách quan, trung thực khi kê khai tài sản, người còn lại phải chịu thiệt hay vẫn có cách để bắt những “hộp đen” mở miệng?