Giải cứu trái tim

Không biết mẹ có cảm thông hay lại oán trách đứa con dâu đã để trái tim mình rung động với người đàn ông khác?

Chồng mất sớm vì bệnh nan y, để lại hai đứa con sinh đôi chưa tròn năm, mình tôi vật lộn với cuộc sống đầy gian nan. May mà có gia đình bên nội giúp đỡ, mẹ con tôi mới vượt qua những khó khăn, tạo lập được cuộc sống riêng.
Nhờ trời, sau nhiều năm vất vả, tôi cũng đã tạo lập được một cơ ngơi khá vững vàng. Hai con vào lớp Một cũng là lúc tôi gặp được người đàn ông sẵn sàng cùng tôi chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Anh là một giáo viên, đã ly hôn vì bị vô sinh không điều trị được. Vợ anh đã có gia đình khác, có con. Anh vẫn ở một mình cho đến khi quen tôi. Biết tôi đã có con, anh vẫn muốn tiến tới hôn nhân, hứa sẽ trở thành một người cha tốt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tôi yêu anh nhưng vẫn hoang mang. Tôi đã hứa với mẹ chồng sẽ không đi bước nữa, sẽ ở vậy nuôi con, thờ chồng. Và, quan trọng là tôi không muốn con mình có cha dượng. Vì vậy, tôi đã từ chối anh, chỉ muốn anh làm bạn tình, chứ không phải làm chồng. Anh không đồng ý. Vậy là chúng tôi chia tay nhau. Anh chuyển công tác về quê.
Mẹ con tôi có đầy đủ mọi thứ và tôi tự hào vì đã lo được cho con đàng hoàng mà không cần phải dựa vào người đàn ông nào. Chỉ có điều tôi không dám nói ra, là tôi luôn cảm thấy trống trải. Tôi nhận ra nỗi cô đơn dằn vặt mình trong những đêm dài trăn trở trên chiếc giường rộng, nhận ra có những thứ không thể bù đắp được bằng tiền bạc. Cô đơn với một người phụ nữ còn xuân sắc như tôi thật đáng sợ!
Đôi khi tôi chợt nhớ đến anh, có ý nghĩ đi tìm anh nhưng rồi không dám… Ba năm rồi chưa gặp lại nhau, không biết anh giờ ra sao, có còn giữ tình cảm với tôi hay đã có một bến bờ nào khác? Nhiều lần tôi tự hỏi lòng mình, tôi có thật sự cần anh trong quãng đời còn lại, tôi nên danh chính ngôn thuận đến với anh bằng lễ cưới hay chỉ nên là những người bạn như tôi từng nghĩ? Trái tim tôi như đang thúc giục tôi nên đi tìm hạnh phúc cho mình, còn lý trí lại bảo tôi dừng lại. Hóa ra, khi để vuột khỏi tay một thứ tình cảm sâu đậm mà mình tưởng là không quan trọng, con người ta sẽ chênh vênh và tiếc nuối biết chừng nào.
Nghĩ đến mẹ chồng và các con, tôi nghe lòng chùng lại. Thật sự tôi không biết mình có đủ tự tin để nói lời xin lỗi với mẹ chồng vì đã không giữ lời hứa và xin phép tái hôn? Không biết mẹ có cảm thông hay lại oán trách đứa con dâu đã để trái tim mình rung động với người đàn ông khác?
Trong bóng tối của đêm dài, lòng tôi tràn ngập nỗi cô đơn.

Tình yêu vô điều kiện

Ngày ấy, biết tôi vướng vào ma túy, cô hàng xóm vẫn yêu - một tình yêu vô điều kiện. 

Giữa đêm, tôi giật thót, bàng hoàng. Tôi mơ thấy mình còn nghiện ngập hoặc đang đi cai. Nếu không có vòng tay gia đình, có người vợ chặt dạ thủy chung, chắc giờ này tôi vẫn còn ngập trong cơn ác mộng đó.

Vướng vào ma túy từ năm 1996, khi đang học trung cấp kỹ thuật, tôi được ba mẹ cho cai ở nhà hơn mười lần. Nghe đồn ở đâu có thầy thuốc giỏi về cai nghiện ma túy, dù xa xôi, tốn kém thế nào, ba mẹ tôi cũng tìm đến. Ngày ấy, biết tôi vướng vào ma túy, cô hàng xóm vẫn yêu - một tình yêu vô điều kiện. Cô giấu gia đình chuyện tôi nghiện và một đám cưới rỡ ràng được tổ chức vào năm 2001. Có vợ, tôi có thêm một người để gây tổn thương. Tôi trở thành người gian dối, vô cảm. Tranh thủ lúc vợ sơ hở, tôi lấy tiền dành dụm để mua ma túy. Tôi luôn kiếm cớ để vợ đưa tiền, lúc báo bệnh, lúc khai bị cảnh sát giao thông phạt…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Khi phát giác mọi chuyện, gia đình vợ không muốn con gái tiếp tục chịu khổ. Những lúc vợ buồn giận, bế tắc, quay về nhà, mẹ ruột lớn tiếng đuổi xua: “Con phải bỏ nó, nếu không thì đừng về đây nữa!”. Mặc, vợ tôi vẫn yêu. Vợ chồng đùm túm nhau đến ở nhờ nhà người quen, thuê nhà trọ, kể cả gửi tôi về quê nhằm cách ly với ma túy. Vợ tôi lãnh kết hoa gia công để tôi không “nhàn cư vi bất thiện”. Buổi sáng, vợ đi bán, khóa trái cửa nhốt tôi trong nhà. Tôi bị giam nhưng thức ăn luôn đầy đủ vì vợ chu đáo nấu nướng để sẵn.

Tôi đi cai nghiện tại Trung tâm Phú Đức (Bình Phước) năm 2004. Vợ tôi ở nhà một mình mang thai không có chồng chăm sóc, rồi vượt cạn mồ côi. Ở trường cai nghiện, tôi may mắn được học ngành công tác xã hội của trường ĐH Mở TP.HCM. Đèn sách đến khuya, tôi quay quắt nhớ nhà, nhớ vợ, thương đứa con trai đầu lòng chưa một lần thấy mặt cha. Do sinh nở, nuôi con nhỏ và bận mưu sinh, vợ tôi ít lên thăm nhưng luôn gửi đến tôi những lời động viên. Nghe tin có chuyến xe của thân nhân từ TP.HCM lên trường thăm học viên không may bị lật trên đường, tôi thót tim, nghĩ: “Nếu ba, mẹ, vợ, con… của mình ngồi trên chiếc xe đó thì sao?". Nỗi lo trở thành động lực. Hằng ngày, tôi dồn sức vào việc học tập, giúp đỡ các học viên khác.

Năm 2008, được trả về, tôi đứng lặng hồi lâu trước cổng trường, thầm dặn lòng đừng sa ngã. Gia đình đối xử tế nhị để tôi không mặc cảm “con nợ, sống bám”, nhưng vẫn kiểm soát bằng sự quan tâm để tôi không tiếp xúc trở lại với môi trường xấu.

“Chuyến xe” tình thương của bao người đã đưa tôi về ngôi nhà hạnh phúc. Sợi dây xích cai nghiện tại nhà ngày nào giờ trở thành dây treo bao cát để tôi tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Đôi mắt từng đẫm lệ của vợ tôi giờ đã biết cười…

Bụt nhà không thiêng

Giờ chiếc váy ấy khoác lên người cô bạn, chồng lại thấy đẹp như hoa hậu. Có lẽ với chồng, vợ mặc gì cũng vậy thôi.

Tới giờ cơm, vợ gọi năm lần bảy lượt, chồng mới chịu buông tờ báo xuống. Ngồi vào bàn, chồng uể oải lấy đũa khều khều, xới xới đĩa thức ăn, than: “Ăn uống gì mà chán thế, chẳng có món gì ngon”.

Vợ cố nén bực, hỏi chồng: “Vậy đây chẳng phải là món cà ri dê kiểu Ấn anh khen nức nở bữa ăn tiệc nhà chị Hồng sao? Em học công thức của chị ấy, đã nấu thử ở nhà mẹ rồi, ai cũng khen ngon, bữa nay mới nấu cho anh ăn”. Chồng cười giả lả “vậy sao?”. Chồng gắp miếng thịt, múc muỗng nước xúp, chép chép lắng nghe mùi vị, rồi… im lặng, cắm cúi ăn. Nhìn thái độ của chồng, vợ no ngang.

Vợ vất vả len lỏi giữa các sạp thịt oi nồng, cố lựa cho được miếng thịt ngon. Rồi còn phải mua rau củ, gia vị. Về nhà, vợ mướt mồ hôi cả buổi mới xong món ăn. Tưởng tượng bữa cơm trưa nay chồng sẽ ngạc nhiên lắm và chắc chắn là sẽ khen vợ hết lời. Vấp phải thái độ hờ hững của chồng, hào hứng của vợ tắt ngóm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Mấy tháng trước vợ học bạn bè thêu tranh. Ngày nào đi làm về vợ cũng tất bật lo cơm nước, dọn dẹp cho nhanh để tranh thủ thêu cho xong. Thấy vợ tối nào cũng cặm cụi tới khuya lắc khuya lơ, chồng tới bên lật ra xem rồi chu mỏ “em mà cũng bày đặt thêu với thùa”. Vợ vừa thêu vừa ấm ức. Vợ nghĩ đến lúc thêu xong, mang tới tiệm phun kim tuyến, đóng cái khung hoành tráng mang về treo lên, chồng sẽ kinh ngạc trước sự khéo tay của vợ. Ai dè khi tác phẩm hoàn thành, chồng chỉ liếc qua rồi cười cười, không bình phẩm gì, khiến vợ cụt hứng. Bữa cùng chồng tới nhà bạn chơi, thấy bạn treo bức tranh thêu, chồng ngắm nghía rồi khen: “Ông mua bức tranh này ở đâu vậy? Nhìn sắc sảo, tinh tế, sang trọng quá chừng. Chắc đắt tiền lắm hả?”. Vợ chưng hửng nhìn chồng, trong khi anh bạn hồ hởi khoe: “Của bà xã tôi tự thêu”. Chồng liếc nhanh sang vợ rồi cười cầu hòa. Vợ tức cành hông.

Bữa hai vợ chồng đi dự đám cưới, tình cờ gặp cô bạn học cũ. Chồng tay bắt mặt mừng, miệng tía lia: “Hơn chục năm mà trông em vẫn trẻ đẹp như xưa, chồng em thiệt có phước”. Lúc cô bạn sang bàn khác, chồng cứ ngoái trông theo rồi khều vợ: “Em xem cô ấy ăn mặc tinh tế ghê chưa? Chiếc váy thật nền nã, vừa hợp tuổi vừa hợp mốt”. Vợ tái mặt, muốn… nhéo chồng một cái cho hả giận. Cũng kiểu váy ấy, tuần rồi vợ mới mặc đi dự tiệc cùng chồng. Chồng chỉ nhìn qua, chẳng thấy khen chê. Giờ chiếc váy ấy khoác lên người cô bạn, chồng lại thấy đẹp như hoa hậu. Có lẽ với chồng, vợ mặc gì cũng vậy thôi.

Giọt nước tràn ly, bao ấm ức dồn nén bấy lâu được dịp tuôn tràn. Vợ trách chồng vô tâm, món nào thiên hạ nấu cũng thấy ngon, thiên hạ mặc gì cũng thấy đẹp. Với vợ nhà thì chẳng khen nổi một câu. Chồng cười hề hề tỉnh rụi: “Bụt nhà không thiêng. Nhìn vợ mòn mắt rồi nên cái gì cũng cũ, cũng chán phèo. Món ăn vợ nấu đương nhiên thấy… bình thường. Đàn ông ai cũng vậy mà”. Vợ thở dài ngao ngán. Chẳng lẽ cái số đàn bà là phải vậy, chỉ để thiên hạ ngắm, thiên hạ khen?