Gái trẻ và lối yêu sa đọa

Sau đó vài tháng, Tuyết đã “kiếm” được một tay người yêu mới để trả thù Thao. Tay đó tên là Lam Sơn - con nhà giàu tỉnh lẻ.

Ông bác sĩ trực cấp cứu hôm ấy ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhăn mũi cau mày hỏi khi thấy chúng tôi đẩy xe cáng bệnh nhân Lê Thanh Tuyết ập vào: “Cô này lại cấp cứu à? Lần trước tự tử, lần này làm sao?”. Chúng tôi chẳng dám nói gì vì nếu trả lời sẽ bị ông bác sĩ mắng ngay lập tức. Ông ấy mắng thì đúng. Nhưng Thanh Tuyết có nghe được đâu vì nó đang mê man bất tỉnh. Chỉ có chúng tôi, những đứa tử tế thì lại phải chịu trận. Tuy thế vẫn phải khai bệnh án. Tôi khai: “Uống nước cọ bồn vệ sinh tự tử”. Tức thì ông bác sĩ gằn giọng xỉ vả luôn: “Việc của chúng tôi cứu người là trọng nên chúng tôi vẫn phải hết sức cứu chữa. Nhưng cứu chữa xong lại muốn chết thì phí công. Lần trước đã uống thuốc tẩy quần áo, suýt chết giờ vẫn muốn chết. Thật khổ cô ta, khổ các bạn và khổ cả tôi”. Ông vừa nói vừa nhanh tay lấy thuốc, gọi kíp trực vào cuộc để cứu Tuyết. Nào tiêm, nào uống, nào hút, nào thọc…
Chuyện của Tuyết thật bi thảm. Nó mới vào năm học thứ nhất đã bập vào yêu đương với tay Thao lớp Công nghệ K30. Thao là tên công tử con nhà giàu, ga lăng nức tiếng. Tuyết ở tỉnh xa về học, trắng trẻo, hồn hậu, ngoan ngoãn nên lọt ngay vào mắt cú của Thao trong lần sinh nhật một bạn ở lớp chúng tôi. Thao rủ Tuyết đi chơi lần đầu đã tặng ngay cái đồng hồ đeo tay. Lần thứ 2 rủ đi ăn tự chọn tại tầng 7 một khách sạn lớn. Ăn xong, Thao giả vờ say rượu, bắt Tuyết vào thuê một phòng rồi đưa Thao vào nghỉ tạm. Tại đó, Thao bắt Tuyết đấm bóp, xoa gan bàn chân rồi lau người cho hắn… Nửa tiếng sau, Thao “tỉnh rượu”. Thế là hắn ôm chầm lấy Tuyết mà ngấu nghiến cho thỏa. Lúc đầu Tuyết sợ. Nhưng thấy Thao dụ: “Trước sau anh cũng cưới em làm vợ. Chiều anh cho được tiếng yêu anh hết lòng”. Thế là Tuyết gật đầu làm theo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hai ngày sau, nhân buổi bố mẹ vắng nhà, Thao liền rủ Tuyết về nhà mình. Tuyết mất tăm cả buổi học sáng hôm ấy theo hắn. Tại nhà Thao, Tuyết lại cùng hắn sống như vợ chồng trên căn buồng ở tầng 3, mặc dù bà giúp việc vẫn đang nấu ăn ở tầng 1. Lần này đi cùng Thao về, Tuyết hỉ hả lắm. Nó nói úp mở với cả phòng: “Ông Thao mết tôi quá, tặng nhiều thứ tôi ngại lắm”. Cái Hà là đứa ghê gớm nhất phòng bảo: “Liệu hồn kẻo bị lão lừa đấy. Mẽ ấy nhiều đứa chết vì lão”. Nhưng Tuyết không tỉnh, cứ lao như con thiêu thân, công khai đi với Thao.
Một ngày kia, chúng tôi thấy Tuyết lén ăn chanh và hay nôn ọe. Lại cái Hà ghê gớm nói thẳng: “Mày nên đi khám Tuyết ơi. Tao nghi mày có thai”. Tuyết chừng mắt: “Đừng độc mồm”. Thế là từ hôm ấy chẳng ai thèm hỏi han gì. Tuyết vẫn lén ăn chanh và đi chơi với Thao. Rồi một ngày không bình yên đã đến. Công an phường mời cán bộ quản lý sinh viên của trường đến nhận Tuyết ở trụ sở vì họ cứu được Tuyết trong vụ định nhảy cầu xuống sông. “Cô ấy vừa leo qua lan can cầu thì chúng tôi giữ được”, họ nói với chúng tôi. Tuyết trở về phòng trong bộ dạng đau đớn tuyệt vọng. Nó thét lên: “Thằng Thao đồ đểu! Con mày mà mày không nhận. Tao sẽ rạch bụng lấy con ném vào nhà mày!”. Cả phòng chúng tôi ghê khiếp vì lời Tuyết. Nhưng ngay đêm hôm ấy, Tuyết đau bụng dữ dội. Chúng tôi phải đưa nó vào viện cấp tốc. Thì ra vụ nhảy cầu đã làm Tuyết hỏng thai. 
Bố mẹ Tuyết ở quê bán ngay con bò rồi ôm tiền về thành phố cứu con gái. Thao những ngày đó đi Úc một tuần du lịch với anh chị hắn, coi như không biết gì. Hết tuần, Thao trở về lại tìm đến Tuyết quỳ xuống khóc lóc xin tha thứ và hứa hết năm thứ ba sẽ cưới Tuyết làm vợ. Tuyết tha thứ. Hai người lại tiếp tục con đường tình ái vui vẻ. Nhưng một buổi sáng, Tuyết gọi điện không thấy Thao thưa máy. Nó vội đến nhà hỏi thì được bà giúp việc nói lạnh lùng: “Cậu ấy đang bận với một cô trên phòng”. Tuyết ức quá xồng xộc chạy lên. Nó bắt gặp Thao đang cùng với một cô bé trẻ xinh hơn nó đang hú hí. Tức quá không chịu nổi, Tuyết vớ ngay chai nước tẩy quần áo ở bếp nhà Thao và uống ừng ực tại chỗ. Bà giúp việc phải gọi taxi đưa Tuyết đi cấp cứu trước khi gọi cho chúng tôi. Ông bác sĩ hôm nay chính là người rửa ruột cứu sinh mạng Tuyết. Khi Tuyết ra viện, ông còn dặn: “Dù thế nào cũng không được dại dột mà cướp công cha mẹ nuôi mình”.
Thế mà hôm nay ông vẫn gặp lại Tuyết trong tình trạng hôn mê vì tự tử, thì sao ông không tức. Tuyết tự tử vì tên Thao chối phắt: “Tôi không thể cưới cô làm vợ. Nhà cô không xứng với nhà tôi. Cô không xứng với tôi”, làm Tuyết ức. Thế là có chai nước cọ nhà trong phòng vệ sinh, Tuyết lại chộp lấy tu. May sao còn phúc đức nên Tuyết tai qua nạn khỏi vụ này. Tất cả nhờ ông bác sĩ giàu kinh nghiệm và yêu thương con người hết sức. Ông mắng thế nhưng vẫn hết lòng cứu chữa.
Sau đó vài tháng, Tuyết đã “kiếm” được một tay người yêu mới để trả thù Thao. Tay đó tên là Lam Sơn - con nhà giàu tỉnh lẻ. Hai người thuê hẳn một phòng riêng chung sống như vợ chồng.
Và hôm nay, sau hơn một năm bỏ Thao, sống với Lam Sơn, Tuyết lại một phen bị Lam Sơn làm cho đau đớn. Đó là, đang đêm nằm với Tuyết, tưởng Tuyết ngủ say, Lam Sơn liền mò sang phòng trọ bên cạnh “thăm” cái Khang. Tuyết vùng dậy xông sang phòng Khang bắt được quả tang liền kêu thét như cháy nhà. Kêu mãi, chẳng còn bấu víu vào ai, Tuyết liền vớ con dao đâm phập vào ngực mình và ngã gục ngay trong ngôi nhà trọ...

Giấc mơ có “cái mậm gừng“

Đời nhiều khi lắm trớ trêu. Khổ sở, vất vả chồng chất nhưng anh Quyết không nguôi giấc mơ có "cái mậm gừng".

Mỗi lần vợ bầu bí là một lần anh Quyết hy vọng, nhưng cuối cùng chỉ thêm thất vọng vì vợ toàn sinh "hoàng tử đái ngồi". Và bi kịch gia đình cũng bắt nguồn từ tư tưởng cổ hủ ấy.

Kết hôn sớm, "sản xuất" liền tù tỳ 4 thị mẹt nên mới ngoài băm mà gương mặt chị Thu, vợ anh trông như ngoài 40. Chị teo tóp, gầy như con cá mắm. Anh Quyết cũng thế, mặt sạm đen chằng chịt vết chân chim. Để có tiền nuôi đàn con lít nhít, anh ra phố làm thợ xây. Chị ở nhà cày cấy mấy sào ruộng. Khi nông nhàn, chị đạp xe cà tàng buôn rau về nội thành bán. Lời lãi chẳng bao nhiêu, có khi lỗ chổng vó vì buôn tươi bán héo. Thế nhưng hai tay vày lỗ miệng không xong nên nợ nần chồng chất. Mấy sào lúa toàn bán non.

Đến mùa lại vay ăn. Họ được gọi bằng biệt danh "chúa chổm". Xóm giềng ai cũng ái ngại khi nhìn đàn con trứng gà trứng vịt nhếch nhác trong căn nhà đất ẩm thấp. Ngủ gật gặp chiếu manh, một lần đi chợ Vồng (Đồ Sơn, Hải Phòng), có người môi giới cho chị đi làm ô sin ở Hàn Quốc. Dù không muốn, nhưng anh Quyết đành chấp nhận cho vợ đi với hy vọng gia đình sẽ bớt khổ. Món tiền cầm sổ đỏ vay ngân hàng giúp chị thỏa ước mơ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chị gửi tiền về đều đặn giúp bố con anh trả được nợ và chi tiêu bớt eo hẹp. Thoát nỗi khổ vật chất, anh Quyết lại đương đầu với sự vất vả trong việc dạy bảo các con. Vừa làm bố, vừa làm mẹ, anh vấp bao khó khăn khi nuôi dạy 4 con gái đang tuổi lỡ cỡ. Chúng lớn lên khi thiếu vắng vòng tay thương yêu của mẹ. Tâm sinh lý có nhiều biến đổi, không có người tư vấn, dạy bảo nên mấy đứa trẻ "mù" kỹ năng sống. Hồng bắt đầu đua đòi rồi sa ngã khi học hết lớp 8. Bắt chước mấy bạn hư, Hồng ăn chơi, bỏ bê học hành.

Nhìn Hồng trang điểm lòe loẹt, ăn diện hở hang, ai cũng nghĩ gia đình Hồng khá giả. Hồng thường bỏ học đi chơi qua đêm với bạn trai. Hồng nói dối bố xin tiền học thêm để đi mua điện thoại. Có tiền, Hồng cùng bạn chở nhau lên phố huyện mua điện thoại di động. Nhìn Hồng xinh như nụ hoa, lại có vẻ thích ăn diện, anh chàng thuê nhà bán điện thoại tên Tuấn biết đây là mồi ngon nên tán tỉnh. Thấy anh ta ga lăng, ăn nói có duyên, Hồng cũng "siêu đình đổ quán". Biết "ăng ten" đã bắt đúng sóng, khi Hồng trả tiền, anh ta không ngần ngại rút tờ 500.000 đ đưa lại cho "người đẹp" với lời tán ngọt như mật:

- Người đẹp làm anh "cảm" nặng rồi đấy!

Thế rồi chỉ sau vài lần qua lại, Hồng bỏ nhà đến ở với người yêu và thành vợ hờ từ đấy. Hàng ngày, Hồng vẫn cắp sách đến trường, nhưng chả có chữ nào vào đầu vì còn lo cho "gia đình". Tan học là Hồng vội vàng đạp xe về nấu nướng. Chiều đến đi chợ mua thức ăn. Tối đến, cả hai cùng chát chít, xem đĩa đen. Khi được bạn bè của con mách, anh Quyết tìm tận nơi lôi con về. Hôm sau đi làm về, anh đã thấy con cuốn gói hết quần áo bỏ đi. Điên tiết, anh đến chửi rủa Tuấn quyến rũ con mình. Tuấn nhâng nháo nói:

- Ai quyến rũ con ông. Báu lắm đấy! Ông rước của nợ về cho tôi nhờ.

Đau xót, anh đánh con một trận cùng những lời rủa ráy thậm tệ. Trò tình yêu, càng cấm càng say. Cô học trò chưa đủ khôn để nhận ra cạm bẫy nên yêu mù quáng như thiêu thân, cứ nhất quyết đến ở với người tình. Của vớ được nên Tuấn dùng vô tư. Thế là vừa dậy thì, mấy lần nạo phá thai, Hồng đã suy kiệt thân thể, sức khỏe.

Ở tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu mà Hồng xanh xao, héo hon. Khi no xôi chán chè, lại có đối tượng khác hấp dẫn hơn, Tuấn đã ruồng rẫy Hồng. Đêm đêm, Hồng bị người yêu đánh đập, chửi rủa dã man. Có hôm Hồng phải nghỉ học vì mặt mũi sưng húp, thâm tím. Thầy cô, bạn bè khuyên thế nào Hồng vẫn bám riết lấy tên "họ Sở" cáo già.

Thấy con như vậy, anh Quyết thốt lên một cách bất lực, xót xa:

- Hết thuốc chữa!

Bi kịch hơn, Lan, em tiếp Hồng cũng học chị yêu đương sành điệu. Mới hơn chục tuổi đầu mà đã sành sỏi tình trường. Đang học lớp 6, Lan đã bỏ đi làm ở nội thành. Gần năm sau, một buổi tối nó vác cái bụng khệ nệ về nhà. Nó bị người yêu bỏ của chạy lấy người. Bà ngoại cắn răng đưa cháu đi bệnh viện nhưng bác sỹ khuyên để sinh vì thai đã 30 tuần tuổi, nếu bỏ sẽ nguy hiểm tính mạng sản phụ nhí.

Xấu hổ, buồn bã, anh Quyết vùi đầu vào rượu, thứ mà trước nay anh chưa bao giờ dùng. Chỉ khi say khướt, anh mới về, chửi mắng đánh đập hai đứa nhỏ khiến chúng khiếp sợ phải đến ở với bà ngoại. Còn chị, vì sốc khi nghe tin ấy nên đổ bệnh phải nằm bệnh viện hàng tháng trời. Nếu phá hợp đồng để về nước, chị lấy đâu tiền để đền bù?

Anh rất ân hận, nhưng mọi chuyện đã quá muộn.

Tình yêu hay là sự đọa đầy?

Tình yêu giống như ánh đèn trong đêm, nó hút người ta bằng ánh hào quang ma mị và kiêu hãnh. 

Chị nói với tôi rằng chị giống một con thiêu thân đã dùng hết sức bình sinh để lao vào cuộc hôn nhân hào nhoáng đó. Tình yêu giống như ánh đèn trong đêm, nó hút người ta bằng ánh hào quang ma mị và kiêu hãnh. Anh là một người đàn ông lý tưởng, vừa đẹp trai vừa thành đạt lại sinh ra trong một ra đình có thế lực.

Chị mê đắm anh vì nhiều lẽ dù tính cách hai người trái ngược nhau và trái tim anh ngay từ khi bắt đầu đã không còn thuộc về chị nữa. Trói buộc anh bằng một đứa con, chị mặc kệ những lời can ngăn, những hệ quả có thể lường trước được. Chị lao vào quầng sáng ấy dẫu nó khước từ chị để rồi tự thiêu rụi mình bằng những ngày sống cảnh vợ chồng ngột ngạt và nhạt nhẽo. Anh coi chị giống như chiếc bóng trong nhà, vô hình đến tội nghiệp. Chị vẫn bền bỉ với thứ tình yêu ấy mong một ngày nào đó anh ngoảnh lại nhìn mình. Nhưng chị mãi cũng vẫn chỉ nhìn thấy chiếc gáy của người đàn ông mình yêu. Tôi nhìn chị và nghĩ ngôi nhà ấy thực ra từ lâu đã biến thành ngôi mồ chôn cất cuộc hôn nhân gượng ép một cách mù quáng. Chị như bông hoa tự thắp lửa mong sưởi ấm khu vườn nhưng ngọn lửa ấy cuối cùng lại tự thiêu rụi từng cánh mỏng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh ngang nhiên yêu một người đàn bà khác. Mua nhà cửa và lui tới thường xuyên chốn ấy như thể đó mới là mái ấm. Sau những ngày dài chỉ biết ngồi đợi chờ mòn mỏi chị đã đứng dậy khuấy động ngôi nhà bằng vài quyển sách nấu ăn, những bình hoa dậy mùi hương sắc, những bộ váy gợi cảm, hay kiểu tóc đã được dày công chau chuốt… Nhưng mỗi lần anh trở về chỉ để gặp con, mua cho thằng bé vài món đồ chơi, kiểm tra qua loa chuyện học hành của nó. Anh còn không buồn nán lại ăn một bữa cơm thì làm gì có thời gian để thưởng hoa và nhìn chị đang mỗi ngày vì anh mà gắng đẹp. Dù không yêu chị và đã chán ngấy cuộc hôn nhân ấy nhưng anh chưa một lần nhắc đến chuyện ly hôn, để chị thấy tuổi xuân của mình giam cầm trong cuộc hôn nhân mà chị tự dấn thân. Nó giống như sự trả giá câm lặng nghiệt ngã dành cho chị.

Trong ngôi nhà đó mọi cố gắng vun đắp là không tưởng. Những ngày nắng chị mở toang tất cả những cánh cửa sổ ngồi ngoẹo cổ trông ra cổng chờ một tiếng dừng xe. Những ngày mưa gió xám xịt và u ám chị không dám rời khỏi giường vì sợ chút hơi ấm cuối cùng cũng bỏ mình mà đi. Những ngày đau ốm hai mẹ con chăm nhau, thìa cháo chưa chạm môi đã đắng ngắt tận tim can. Tôi tự hỏi chị định sống như thế đến bao giờ? Đó gọi là tình yêu hay là sự đọa đầy?

Bỗng một ngày tôi nhận được một cuộc gọi từ chị, cứ nghĩ chị nhắc tôi ghé thăm cho nhà cửa bớt buồn. Không nhờ khi đó chị đã rời thành phố mang theo cậu con trai trở về sống tại quê nhà. Tôi hỏi về sự giải phóng cho cuộc hôn nhân nặng nề ấy? Chị cười bảo “Vì còn có con. Vì không có quyền được chết giống một con thiêu thân nên chị đã chọn cách lầm lũi lê lết bò ra khỏi quầng sáng ấy. Bây giờ thì chị thấy thanh thản hơn nhiều”.

Tôi nghe trong giọng chị như có mưa, hẳn là chưa thể tươi vui khi vừa bước qua mùa giông gió. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi ngang ngôi nhà cũ to đẹp của chị, tường rào bao quanh im ỉm không phát ra một tiếng động nào. Tôi vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ rằng chính nơi này đã từng giam hãm tuổi thanh xuân của người đàn bà từng lấy tình yêu làm lẽ sống. Ơn trời là những ngày tháng ấy đã qua…

Đàn ông nam tính đâu phải lạnh lùng

Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương.

Con đón sinh nhật lần thứ 18, ba muốn nói với con nhiều điều với tư cách là một người đàn ông đi trước chia sẻ với người đàn ông đi sau, chàng trai của ba!

Con đã phụng phịu khi nhận từ mẹ món quà không ưng ý. Ba biết là con thích món quà đắt tiền hơn, nhưng mẹ không đủ khả năng để đáp ứng. Mẹ đã cố gắng giải thích để con vui lòng, vậy mà con tỏ thái độ lạnh tanh. Một người đàn ông nhận quà từ phụ nữ, mà có thể lạnh tanh như vậy sao? Ba thật sự buồn, nhất là khi người đàn ông đó lại là con ba.

Trong nhà mình, chẳng phải ba đã thỏa thuận với con rằng, hai người đàn ông chúng ta phải học cách yêu thương và chiều chuộng người phụ nữ là mẹ con, con không nhớ sao? Có lần, con khen một nhân vật trong phim Hàn là “đầy nam tính” bởi anh ấy lúc nào cũng lạnh lùng, không bao giờ mở miệng nói xin lỗi bạn gái, để cuối cùng cô bạn gái phải hạ mình xin lỗi ngược hòng giữ tình yêu. Nhưng con ơi, cái lạnh lùng và bất cần chẳng làm nên nam tính đúng nghĩa đâu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương. Thay vì cố tạo ra ánh mắt lạnh lùng, bất cần đời như nhân vật trong phim, con hãy tập quan tâm đến người khác, để ánh mắt con luôn trìu mến. Vài năm nữa thôi, con sẽ có bạn gái, và sau đó sẽ có vợ. Rồi con sẽ hiểu, người phụ nữ yêu người đàn ông của họ vì rung động trước những cử chỉ quan tâm, đỡ đần, bảo vệ…

Ba cũng không hài lòng khi con đã lớn mà chưa biết làm những việc cơ bản cho bản thân. Con luôn muốn có một đôi giày thời thượng, nhưng con lại lúng túng trong cách xỏ dây giày, phải nhờ đến ba. Con sung sướng khi có một chiếc áo hiệu đắt tiền, nhưng con không biết cách ủi nó, cũng không biết cách xếp nó. Ba cũng đồ rằng, con chưa biết cách thắt cà vạt. Đó là lỗi của ba. Ba sẽ dạy con cách xếp một chiếc áo sơ mi vào vali như thế nào để không bị nhăn, dạy con cách xỏ dây giày cơ bản, dạy con cách thắt cà vạt. Có thể, đó là những việc lặt vặt, nhưng một người đàn ông phải bắt đầu trở thành người “lớn” bằng cách làm thật tốt những việc nhỏ. 

Con cần phải phân biệt được các chất liệu vải để biết loại nào có thể giặt máy, loại nào phải giặt bằng tay, loại nào chỉ phơi trong mát chứ không phơi ngoài nắng. Con cũng cần tập quan sát những đôi giày của phụ nữ, để biết từng loại đế, từng loại da. Khi con có gia đình, người phụ nữ của con có thể hờ hững với số tiền lớn con mang về, nhưng sẽ rất xúc động và yêu con thật nhiều khi chồng biết giúp vợ giặt đồ, âm thầm sửa lại đôi giày cho vợ…

Ba cần nhấn mạnh với con rằng, người đàn ông nam tính không phải là người khệnh khạng bước vào nhà hàng, nói năng trịch thượng với người phục vụ, ngồi ăn ung dung, lạnh lùng. Đó phải là người nhã nhặn với mọi người, thuần thục trong động tác kéo ghế cho người phụ nữ đi cùng và quan tâm, chăm chút đối với người cùng bàn.

Có thể, khi đọc những dòng này, con sẽ nghĩ, nhà mình có người giúp việc rồi, sao con vẫn phải quan tâm đến những chuyện vặt vãnh như vậy? Con ạ, người giúp việc có thể giúp chúng ta đỡ đần việc nhà, nhưng bản lĩnh của một người đàn ông là có thể làm được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, từ đó làm chủ mình. Nếu con đang rảnh, con tự tay ủi chiếc áo cho mình, trông con sẽ nam tính hơn là lạnh lùng “lệnh” cho người giúp việc ủi áo.

Và, ba cần nhắc lại rằng, trước một người phụ nữ, kể cả người đó là mẹ con, việc yêu chiều, quan tâm, nâng đỡ sẽ tô đậm nét nam tính hơn là lạnh tanh, lười động tay vào những việc nhỏ.

Ba mong, sau này, khi không còn ba bên cạnh nhắc nhở, con vẫn là người đàn ông ấm áp yêu thương trong ánh mắt, nhẹ nhàng và dịu dàng trong hành động, nhất là đối với phụ nữ; và luôn ở tâm thế quan tâm, chia sẻ với người khác trong từng việc nhỏ nhất, con nhé!