![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Nhiều thứ trên ti vi qua đi không để lại dấu vết, nhưng tin các bà mẹ được nghỉ hộ sản sáu tháng thì bà nội cập nhật rất nhanh, nhớ kỹ và “phát lại” nhiều lần trong những bữa ăn.
Bà mừng lắm, vì cô dâu út là giáo viên, chỉ cần thu xếp chút xíu là có thể được nghỉ thêm mấy tháng hè, khi phải đi làm lại thì cháu bà đã cứng cáp. Mà có khi ở nhà trông con luôn, khỏi phải đi làm là khỏe nhất. Như chị Hai, cũng cử nhân kinh tế, nhưng từ lúc có con là ở nhà luôn tới giờ, tính ra, thời buổi lương ba cọc ba đồng, ở nhà còn đỡ tiền xăng xe, quần áo…
Chồng Út tán thêm, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã quyết định chính phủ sẽ bớt tập trung tiền cho việc xây dựng nhà trẻ, khuyến khích các bà mẹ nhận trợ cấp để ở nhà nuôi con, mỗi bà mẹ có con từ 13 đến 36 tháng có thể chọn phương án ở nhà nuôi con với khoản trợ cấp 150 euro/tháng, tính ra hơn bốn triệu đồng Việt Nam. Tưởng bao nhiêu, chứ chừng ấy tiền, chồng sẵn sàng trả lương để vợ ở nhà nuôi con cho khỏe!
![]() |
Ảnh minh họa. |
Còn nhớ khi mang thai đứa thứ nhất, chồng chị thuyết phục: “Anh đi làm đủ tiền nuôi em và con, em đừng đi làm nữa, vất vả cực nhọc mà lương tiền chẳng bao nhiêu. Có em ở nhà chăm con anh mới yên tâm. Con mình cần mẹ, chẳng ai thay thế em được…”. Sinh bé thứ nhất, niềm vui làm mẹ đầy ắp cùng với cảm giác không thể rời con được khiến chị thấy việc ở nhà chăm con là may mắn của mình. Rồi bé thứ hai ra đời. Năm năm, sáu năm rồi, giờ chị đã ra dáng một bà nội trợ. Kiến thức chuyên môn rơi rụng dần, đến nỗi năm rồi chị đã im lặng từ chối đám bạn rủ họp lớp, vì nghĩ mình đến đó sao lạc lõng quá.
Mai Yên, cô bạn chị lấy chồng nước ngoài, cũng ở nhà nuôi con, hưởng trợ cấp dành cho bà mẹ. Một hôm viết thư than thở: “Mình nhớ cảm giác đi làm. Mình muốn đi làm lại, dù biết chắc chắn là vất vả hơn, lương có khi không bằng tiền trợ cấp…”.
Thực tế, trong gia đình hay trong xã hội, người làm ra tiền thường giữ vai trò quyết định, có tiếng nói ảnh hưởng lớn hơn. Người còn lại trở thành phụ thuộc. Phụ nữ ở nhà có khi quanh quẩn những việc không tên suốt ngày không hết, nhưng những việc ấy lại không trực tiếp làm ra tiền. Sữa, tã cho con, cơm nước, chợ búa, thuốc men… chỉ khiến tiền tiêu đi mà thôi. Những năm đầu tiên chị ở nhà, vợ chồng còn ríu rít những khi anh đi làm về, nhưng càng ngày, chủ đề chung của những câu chuyện càng cạn. Anh ham lai rai quán xá. Chị ít hẳn bạn bè, chỉ còn kết thân với bà bán rau, bán thịt và những bà nội trợ khác chung cảnh đưa con xuống sân chơi buổi chiều. Đã thấy có khi anh chậm đưa tiền mà chị không dám nhắc, bởi biết chắc sẽ nhận được cái cau mặt khó chịu của chồng. Những khi con đau ốm, mình chị quần quật từ nhà tới bệnh viện, vẫn không tránh khỏi những lời bóng gió, sự bực bội, gắt gỏng của chồng và của cả bố mẹ chồng: ở nhà có chừng đó việc mà cũng không xong!
Chị nhớ mình ngày trước, cũng trẻ trung, năng động, nuôi quyết tâm sẽ trở thành một trưởng phòng. Vậy mà giờ đây, ngoại ngữ rơi rụng, sự nhanh nhạy cùn mòn, trước một sự kiện cỏn con cũng thấy lo lắng. Rồi chị lại còn béo ra vì bữa nào cũng “dọn dẹp” đồ ăn thừa cho con, chẳng nghĩ gì đến ăn kiêng, giữ dáng vì cứ quanh quẩn suốt ngày với đồ bộ, quần lửng, áo thun. Đôi khi chạnh lòng nhìn những cô nàng thon thả, nhanh nhẹn, váy bó giày cao gót, chị vẩn vơ lo, liệu chồng mình có vượt qua nổi những “váy ngắn chân trần” long lanh trong công sở kia không.
Chị quyết định đi làm trở lại!
Trẻ con trong nhà đã lớn. Chị bàn với chồng phân công nhau đưa đón con. Anh bảo không quen, giờ giấc sát rạt, hay là nhờ bác Tư xe ôm? Chị phản đối. Anh không thể đơn giản dùng tiền thuê, hay đẩy con cho người lạ, trong khi anh cũng như chị, có một nửa trách nhiệm nuôi dạy con. Nhưng, một vài lần chứng kiến cảnh con bé chín tuổi đứng đợi bố trước cửa trường khi trời đã sập tối, chị hiểu mình đã tạo cho chồng một thói quen không dễ gì thay đổi: thói quen coi mọi việc liên quan đến con cái, nhà cửa, cơm nước là chuyện của đàn bà, vô tư không lo lắng khi biết đã có vợ lo...
Chị phải thu xếp thời gian đón con, nhưng không dễ gì. Đi làm nửa tháng, chị gầy hẳn đi: giờ giấc gò bó, tâm lý không ổn định, áp lực công việc... Người ta chẳng thể nào đi làm “cho vui” trong một cộng đồng mà mọi cá nhân đều phải nỗ lực hoàn thành phần việc của mình.
Nhiều người bảo: ở nhà chồng nuôi, có phước không chịu hưởng, lại muốn lăn lưng ra đời cho vất vả. Nhưng chị biết, mình sẽ tiếp tục cố gắng. Hơn cả tiền bạc, cảm giác được sống bằng năng lực của bản thân, cảm giác mình hữu ích và tự lập là động lực thôi thúc chị. Mạnh hơn nữa là cảm giác được tôn trọng, được tự chủ, cảm giác mình sống bằng chính nghề nghiệp của mình, tiêu đồng tiền do chính mình làm ra.
Chị bảo Út: có người ở trong nhà rồi tự mình đóng kín cửa, chọn một cuộc đời bình an, bình an đến mức có lúc gần như vô nghĩa. Gia đình, xã hội đã cung cấp nền giáo dục, nghề nghiệp để người phụ nữ tìm thấy sự bình đẳng trong quan hệ xã hội và gia đình. Quãng thời gian ở nhà nuôi con lại đẩy người phụ nữ về với công việc nội trợ đơn thuần và phụ thuộc. Lý do thường được viện đến là con, nhưng đó không phải là lý do để người phụ nữ giam mình trong sự phụ thuộc vĩnh viễn.
Luật định cho sáu tháng nghỉ hộ sản, là dành cơ hội để người mẹ trẻ được trở lại với công việc trong một tâm thế ổn định hơn. Việc tổ chức gia đình phải là việc của cả hai vợ chồng, sao cho “ở nhà” là quãng thời gian tiếp thêm sức lực cho người phụ nữ trên bước đường phát triển; sao cho “người ở nhà” vẫn có thể thoải mái tự tin khi bước vào thế giới công việc, vươn lên bằng khả năng của mình.
Nhà chỉ có hai chị em. Thuở bé, em thèm ăn gì là chị nhín tiền quà của mình mua về cho em. Lớn hơn, em trai ước ao có cái máy ảnh kỹ thuật số, chị dành dụm tiền tiêu vặt nhiều tháng để mang lại niềm vui cho em.
Em trai học Y đằng đẵng sáu năm, thêm hai năm chuyên tu. Ba mẹ bảo, em học xong thì cả gia đình được nhờ, trong nhà có bác sĩ còn gì bằng... Từ bé đến lớn, ba mẹ luôn kỳ vọng ở em, con trai mới đích thực là con. Nhà vốn khó khăn nên ưu tiên em đi học, chị là con gái, "thập nữ viết vô", chỉ cần biết đọc biết viết là được… Thời gian đó chị đã đi làm, hàng tháng đều đặn giúi cho em tiền tiêu vặt và bao bạn gái. Bạn gái em không được lòng mọi người trong nhà cho lắm, nhưng chị vẫn tự nhủ, quan trọng là em mình hạnh phúc, những vụn vặt khác nào có đáng gì…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Giờ nhà có bác sĩ, nhưng ba mẹ “đau” triền miên không ai chữa trị được. Cái cảm giác “mất” con, lại là đứa con trai duy nhất mình đã đặt tất cả yêu thương, kỳ vọng, quả là không gì bù đắp được. Việc báo hiếu chỉ được thể hiện qua số tiền hàng tháng chuyển vào tài khoản của ba mẹ. Lời giải thích nhiều hàm ý cho con số hơi nhỏ nhoi trong tin nhắn ngân hàng là vợ chồng con cũng cần phải tích góp nuôi cháu… Muôn đời nước mắt chảy xuôi, chẳng phải là khó hiểu. Nhà vẫn đơn giản, nhưng ba mẹ chẳng tha thiết sửa sang, mua sắm gì nữa. Mỗi khi có việc gì phải gọi đến con cái, ba mẹ buộc lòng kêu chị trong nỗi khó chịu tạm bợ mà chị hiểu, ba mẹ miễn cưỡng lắm mới phải nhờ đến đứa “con của người ta” là chị, trong khi nhà rõ ràng là có con trai...
Mỗi khi nghĩ đến em, chị vừa thương vừa giận. Chị không mong đợi em “đáp lễ” những ân tình chị đã dành cho em, nhưng không khỏi chạnh lòng với ý nghĩ, đứa em trai mình từng thương yêu chăm chút chỉ vừa đủ lông đủ cánh là “quên” ngay ba mẹ, chị em. Bao trái ngọt, vợ con nó hưởng hết. Mà vợ của em trai, ngày xưa chị từng vun vào khi ba mẹ phản đối, nay sao nỡ thản nhiên lạnh lẽo với nhà chồng đến vậy? Chị giận em trai nhu nhược nghe theo mọi sắp đặt của nhà vợ, giận em dâu cư xử vô tâm vô tình…
Trông người lại nghĩ đến ta. Nhà chồng chị đông con, những sáu người, chồng chị là con trai lớn, trước còn một chị gái. Tuy nhà chật vật, nhưng anh được ăn học đàng hoàng, cũng vội cưới chị với lý do “sợ mất” ngay khi vừa tốt nghiệp. Chị thi thoảng nhắc chồng nhớ phụ giúp mẹ, đôi khi chị chủ động mua cho em gái anh ít áo quần, sách vở… Những lúc về quê chồng, chị vui vẻ cảm thấy mình cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với bên chồng.
Nhưng, đàn ông lắm khi cũng vô tâm. Chồng chị hay quên. Có lúc em gái anh điện thoại thẳng thừng bảo, sao anh ích kỷ vô lo quá vậy, mẹ vất vả, không dám gọi vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh, nhưng anh là con, phải tự hiểu chứ! Anh phải biết bổn phận với các em, có đâu như vậy… Chị dâu không cho anh đóng góp nuôi em út ăn học à? Tới đây thì em gái anh tủi thân bật khóc.
Anh về kể lại với chị trong nỗi xấu hổ và day dứt. Không thêm bớt giấu diếm, ngay cả cái câu cuối cùng khó nghe đó. Lâu nay anh thờ ơ với gia đình quá. Sao em không lo giúp anh một tay? Lời trách nhẹ bâng của anh làm chị ngỡ ngàng. Càng bất ngờ hơn khi biết, đã lâu lắm rồi anh chẳng nhớ gửi cho mấy em đồng nào, dù anh chi dùng cá nhân khá rộng rãi. Cũng đôi khi chạnh nghĩ đến mẹ, rồi tự suy diễn rằng, mẹ già rồi, có xài gì đâu. Em út ở nhà thì vẫn nghĩ đến đấy chứ, nhưng lu bu rồi quên mất “hành động thiết thực”… Hai vợ chồng bần thần một lúc, chị nhẹ nhàng bảo, thôi để sau này hàng tháng em lưu ý nhắc anh. Muộn còn hơn không.