Dòng người đổ về "địa chỉ đỏ" Truông Bồn tri ân dịp 27/7

Nhân dịp kỉ niệm 78 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, hàng chục nghìn du khách đã về "địa chỉ đỏ" Khu di tích Truông Bồn để thắp nén tâm nhang, tri ân và tưởng nhớ.

Chiều 26/7, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Bạch Hà), Cục Chính trị Quân khu 4 phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình trao tặng quà tri ân các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

truong-bon.jpg
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tặng quà cho các đối tượng chính sách. Ảnh: Minh Quân

Truông Bồn, một đoạn đèo dốc nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (cũ) nay là xã Bạch Hà, tỉnh Nghệ An.

Đã gần 57 năm (1968 - 2025) trôi qua với biết bao đổi thay, địa danh Truông Bồn một thời khói lửa ấy nay đã trở thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn - nơi lưu giữ những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom, một thời oanh liệt hoa lửa của những chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.

img-8610.jpg
Vào những ngày tháng 7, hàng chục nghìn du khách từ khắp mọi miền tổ quốc đã về “địa chỉ đỏ” Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn để thắp nén tâm nhang, tri ân, tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Hơn 50 năm trước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối liền huyết mạch giao thông: Mốc số 0 đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, nơi đây trở thành “tọa độ chết”. Biết bao tấm gương anh dũng kiên cường bám trụ dưới bom đạn ác liệt, biết bao người đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này để lại nỗi đau khôn cùng cho quê hương, đất nước.

anh777.png
Ảnh chân dung 14 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2 được in ra, đặt trang trọng ở lối ra vào nhà truyền thống.

Chứng tích xưa còn đó tạc ghi trên tượng đài sừng sững hiên ngang, trên những tấm bia liệt sĩ sau làn nhang khói và trong lòng mỗi người còn sống mỗi lần nhớ lại một thời bom đạn khốc liệt của chiến tranh nhưng rất đỗi hào hùng.

img-8612.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Thế Tùng cùng đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn ngày 21/7/2025.

Đó là những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Đầu năm 1967, nhất là năm 1968, sau khi bị thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng liên tục ném bom đánh phá miền Bắc với tên gọi là chiến dịch “Sấm rền”. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An mà trọng điểm là tập trung đánh phá Truông Bồn.

img-8616.jpg
Truông Bồn - "tọa độ lửa" trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi ghi dấu bao đau thương mất mát, cũng là nơi thể hiện khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Ngày 27/5/1965, Tổng đội (Thanh niên xung phong) TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An được thành lập với 5 đại đội, trong đó có Đại đội 317 là đơn vị được tổ chức tốt, cán bộ có tinh thần xung phong nên được Ban Chấp hành Tổng đội xem như là đơn vị chủ lực của toàn lực lượng TNXP tỉnh, liên tục được điều động đi ứng cứu khắc phục hậu quả giao thông ở nhiều trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Đến ngày 19/2/1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn. Thời điểm này, Truông Bồn đang là địa điểm bị đánh phá ác liệt nhất.

img-8613.jpg
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cùng đoàn về dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Ngày cao điểm, máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Cùng với bộ đội phòng không, bộ đội công binh Quân khu 4, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của Tiểu đội 2, Đại đội 317: “Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập - nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là động lực mạnh mẽ thôi thúc các lực lượng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

img-8617.jpg
Cuối tháng 7, mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách, cựu binh đến viếng 13 liệt sĩ thanh niên xung phong cũng như phần mộ của những liệt sĩ khác trong khuôn viên di tích Truông Bồn.

Thế rồi, cái ngày vô cùng đau đớn đó - vào lúc 6h 10, ngày 31/10/1968, một tốp máy bay Mỹ oanh tạc Truông Bồn, đã trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, lúc này đây Truông Bồn chìm trong mịt mù khói lửa. Trận bom cùng lúc đã vùi lấp 14 chiến sỹ TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317. Ngớt tiếng bom, toàn đại đội cùng nhân dân xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương) đã nỗ lực tìm kiếm nhưng chỉ tìm được Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thông. Còn lại 13/14 chiến sĩ (11 nữ, 2 nam) quê ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên đã anh dũng hy sinh.

img-8615.jpg
Với nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong về thăm Truông Bồn là về lại chiến trường xưa, nơi họ đã một thời cống hiến tuổi xuân cho đất nước.

Thật xót xa, tiếc nuối bởi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc. Chỉ ngày mai thôi, 7 nữ chiến sĩ của đại đội TNXP 317 sẽ xuất ngũ. Người sẽ lên đường nhập học, người trở về với vòng tay gia đình và đặc biệt, anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm sẽ được làm cô dâu, chú rể trong một đám cưới mà cả hai ước mong, đợi chờ. Lẽ ra, các anh, các chị không phải ra chiến hào ngày hôm đó. Nhưng vì huyết mạch Truông Bồn, các anh, các chị vẫn cầm súng, cuốc, xẻng để làm nhiệm vụ.

img-8614.jpg
Nhiều đoàn du khách lưu lại những hình ảnh sẽ là những kỷ niệm khó quên khi về với Truông Bồn.

13 cuộc đời mãi mãi gác lại ở độ tuổi xuân thì. Trong cuộc quyết chiến giành độc lập, đâu chỉ có chị Tâm, anh Hòa, mà còn biết bao cô gái nhỏ bé, bao chàng trai can trường đã phải gác lại hạnh phúc riêng để tròn trách nhiệm với quê hương và Tổ quốc.

img-6996.jpg
Truông Bồn không chỉ là một trong những "địa chỉ đỏ " trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà đã trở thành một điểm du lịch tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về với Nghệ An.

Chiến tranh đã lùi xa, Truông Bồn - "toạ độ lửa" năm xưa, Khu Di tích lịch sử Quốc gia hôm nay mãi là biểu tượng về sức mạnh quật cường, dũng cảm của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hà Tĩnh truy điệu, an táng 4 hài cốt liệt sỹ hi sinh tại Lào

Tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức lễ truy điệu, an táng 4 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào.

Ngày 26/5, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan long trọng tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng 4 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào.

Tại lễ truy điệu, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh Hà Tĩnh đọc điếu văn bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dành trọn tuổi xuân, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Diễu hành “Binh đoàn bất tử”, Việt Nam - Nga cùng tri ân các Anh hùng liệt sỹ

Sáng 6/5, Đại sứ Nga tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã tổ chức lễ diễu hành "Binh đoàn bất tử" tri ân các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam và Liên Xô/Nga đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Sự kiện ý nghĩa này do Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 71 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Dự buổi lễ có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Việt Nam - đối tác thân thiết của Đại sứ quán Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, cựu chiến binh Việt Nam, học sinh Việt Nam...

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, số phận kỳ lạ trang viết nữ liệt sỹ

Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm làm công việc đặc trưng cho người phụ nữ trong chiến tranh là phụ trách một bệnh viện huyện. Từ đó, đã tạo cho mình một số phận và cả những trang viết của chị.

Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thuỳ Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.