Ngày 18/12, HĐQT Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) thông báo về quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong năm 2025.
Lý do tạm ngừng được PVR đưa ra là không có kinh phí để duy trì hoạt động. Công ty cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp, phương hướng hoạt động kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Như vậy, đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp, PVR dừng hoạt động kinh doanh. Trước đó, giữa tháng 11/2023, PVR xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến giữa tháng 11/2024. Lý do cũng là để sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Trong Nghị quyết của HĐQT hồi cuối tháng 10/2023, PVR cho biết công ty bị phong toả tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của Toà án và năm 2023 công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, dự kiến năm 2024 vẫn không có kinh phí.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động trước thời hạn từ ngày 19/09 do HĐQT PVR cần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 và sắp xếp lại bộ máy nhân sự chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh thời gian tới. Sau đó, Công ty quyết định tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thêm 1 năm như thông tin trên.
|
Dự án Hanoi Time Tower |
Về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, Chủ tịch PVR cho hay Công ty không có khả năng về tài chính nên các khoản nợ không giải quyết được, các khoản vay ngắn hạn của HĐQT và cổ đông lớn chưa có khả năng trả nợ; Công ty đang tập trung giải quyết các vụ kiện dở dang. Vì vậy, chưa có giải pháp kinh doanh trong thời gian tới.
PVR tiền thân là Công ty CP Dầu khí Tản Viên, một thành viên của PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 11/2006 để đảm nhiệm lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.
PVR còn được biết đến là chủ đầu tư dự án chung cư Hanoi Time Tower. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, gồm 41 tầng, địa điểm tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2010 và dự kiến bàn giao trong năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công.
Xét về tình hình kinh doanh của PVR cũng không mấy khả quan, công ty không ghi nhận doanh thu xuyên suốt 3 năm qua, chủ yếu lợi nhuận đến từ mảng tài chính.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, PVR tiếp tục trắng doanh thu, trong khi các chi phí vẫn phải duy trì nên Doanh nghiệp lỗ ròng gần 1,4 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, PVR lỗ lũy kế hơn 88 tỷ đồng. Tổng tài sản PVR hơn 976 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Trong đó, gần 693 tỷ đồng là hàng tồn kho tại dự án Hanoi Time Tower.
Nợ phải trả còn 517 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với gần 503 tỷ đồng; trong đó, khoản khách hàng trả tiền trước còn gần 257 tỷ đồng, toàn bộ từ dự án Ha Noi Time Tower. PVR cũng còn hơn 14 tỷ đồng vay nợ tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVR cũng đang nằm trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch của sàn HNX. Giá cổ phiếu của công ty hiện chỉ còn 1.000 đồng/cp.