Trong phiên giao dịch ngày 22/12, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim dừng quanh mức 24.300-24.500 đồng/cp. Thị giá của NKG cũng đã tăng gần 40% kể từ đầu tháng 10. Đây cũng là mức cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 5/2022.
Trong thời gian gần đây, nhiều thông tin tích cực của thép Nam Kim được tung ra. Ngày 4/12, quỹ thành viên KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund thuộc Kim Vietnam Fund Management đã mua vào 1 triệu cổ phiếu NKG.
Qua đó, tăng sở hữu của quỹ thành viên này lên 4 triệu cổ phiếu và của cả nhóm quỹ Kim Vietnam Fund Management lên 13,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,2% vốn, trở thành cổ đông lớn của NKG. Đây là một diễn biến đi ngược lại với thị trường chung khi trong năm vừa qua các quỹ ngoại liên tục bán ròng các cổ phiếu khác trên thị trường.
|
NKG bứt phá trong nhiều phiên gần đây. |
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Chứng khoán DSC, Thép Nam Kim đã lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhà máy này có công suất dự kiến là 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Việc xây dựng nhà máy sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài trong ba giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn) đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).
Tại thị trường nội địa, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm tôn mạ của Nam Kim bắt đầu hồi phục, đạt 353.718 tấn trong tháng 9, tăng 18% so với cùng kỳ. DSC cho rằng việc chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ cho thị trường bất động sản, mức nền giá thép, tôn mạ thấp và nhu cầu ngành xây dựng phục hồi tốt hơn khi mùa mưa kết thúc sẽ là động lực đẩy nhanh sản lượng tiêu thụ tôn mạ của doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Gần đây, giá HRC ở thị trường Trung Quốc và Mỹ, đang quay trở lại xu hướng tăng và có khả năng đã tạo đáy dài hạn từ tháng 10/2023. Điều này xảy ra là do chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra quyết sách hỗ trợ thị trường Bất động sản; lượng hàng tồn kho HRC tại nước này đã tiệm cận mức đáy và FED bớt diều hâu hơn trong quyết định về lãi suất.
Trong quý 3/2023, Nam Kim đã hạ 34,3% hàng tồn kho nguyên vật liệu so với đầu năm, đồng thời giảm gần một nửa khoản trích lập dự phòng. Đây là một tín hiệu cho thấy giá hàng tồn kho của NKG đang tiến gần với giá HRC thế giới.
Do giá HRC tăng trong khi lượng hàng tồn kho nguyên vật liệu giá rẻ của Nam Kim ở mức thấp, và việc chuyển toàn bộ phần tăng chi phí đầu vào vào giá bán thường có độ trễ, nhất là khi thị trường tiêu thụ nội địa còn yếu; có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận của Nam Kim, khi so sánh với “ông lớn” cùng ngành là Hoa Sen (HSG).
Trong quý 3/2023, Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.262 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 420 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Nam Kim ghi nhận 14.136 tỷ đồng doanh thu và 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 25% và 62% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu 20.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
|
Cổ phiếu NKG lầm lũi đi lên. |
Cơ hội cho Thép Nam Kim năm 2024
Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2023 ước tăng 1,8% so với năm 2022, cải thiện tích cực so với mức giảm tới 3,3% của năm ngoái.
Sang năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự báo tiếp tục tăng 1,9%, đạt mức 1,84 tỷ tấn với động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực Liên minh châu Âu (EU) (tăng 5,8% so với năm 2023), Ấn Độ (tăng 7,7%), và khu vực ASEAN (tăng 5,2%).
Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho một số doanh nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là Thép Nam Kim - công ty hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thép lớn nhất Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm tôn mạ. Hơn 60% sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này là đến từ các thị trường xuất khẩu với các thị trường chủ lực là EU, ASEAN và Australia.
Bên cạnh đó, Thép Nam Kim đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp nhất ở nhiều thị trường tiềm năng với ngành thép Việt Nam như Canada, Mexico, Australia và Malaysia.
Dữ liệu mới nhất cho thấy các thị trường chính của Nam Kim đều nằm trong nhóm có sự phục hồi sản lượng thép tích cực trong 10 tháng năm 2023 như khu vực EU (tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2022) và Australia (tăng 9,1%).
Hiện Thép Nam Kim đang nằm trong top 3 doanh nghiệp tôn mạ có thị phần lớn nhất tại Việt Nam (chiếm 17,3% thị phần, tính đến cuối quý 3/2023). Đáng chú ý, đối với sản phẩm ống thép, Thép Nam Kim đang có sự tăng trưởng thị phần tiêu thụ liên tục trong các năm gần đây.
Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ống thép của Thép Nam Kim đã cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành, chiếm 7,4% toàn thị phần.