Ngày 30/9, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đã nhận được đơn từ nhiệm của bà Vũ Đặng Hải Yến xin thôi các chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực và Thành viên HĐQT.
Trong đơn, bà Yến cho biết bản thân có các kế hoạch, định hướng cá nhân khác. Để không ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu hoạt động và quan điểm điều hành của FLC, bà xin thôi các vị trí này. "Về công việc cần bàn giao, với tư cách là Thành viên HĐQT không tham gia điều hành, tôi tham gia hoạt động tại Tập đoàn FLC để biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền HĐQT dưới hình thức các cuộc họp HĐQT. Hiện tại, không có nội dung công việc nào cần bàn giao" - bà Yến chia sẻ.
|
Chân dung bà Vũ Đặng Hải Yến |
Bà Vũ Đặng Hải Yến (sinh năm 1978) là tiến sĩ Luật Kinh tế. Bà được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc FLC lần đầu vào tháng 3/2017. Bà cũng từng là Trợ lý HĐQT của Tập đoàn FLC, Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC (hãng luật do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập). Ngoài ra, bà cũng có thời gian làm thành viên HĐQT của 2 doanh nghiệp liên quan FLC là CTCP Xây dựng Faros và CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD.
Trước khi gia nhập FLC, bà Vũ Đặng Hải Yến từng giữ vai trò Trưởng ban Pháp chế của Tổng côngty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại (Trường Đại học Luật Hà Nội).
Cùng ngày, ông Ngô Hoàng Anh cũng xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC với lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ.
"Kể từ hôm nay (29/9), tôi chỉ tham gia các cuộc họp HĐQT liên quan đến thủ tục triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ. Đối với các vấn đề khác, tôi đề xuất không tham gia và không có ý kiến biểu quyết về tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT công ty. Đề nghị HĐQT chủ động tổ chức các buổi họp mà không cần sự tham gia của tôi. Đề nghị Chủ tịch HĐQT dừng việc thông báo triệu tập/mời họp tới tôi kể từ ngày hôm nay cho đến khi ĐHĐCĐ thông qua quyết định từ nhiệm" - trích nội dung đơn từ nhiệm của ông Ngô Hoàng Anh.
Hai Thành viên HĐQT FLC rời đi trước thềm doanh nghiệp này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 vào ngày 15/10.
Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh việc lấy ý kiến miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát; sửa đổi quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, ban kiểm soát; các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông bất thường.