![]() |
Ảnh minh họa. Tác giả: Sơn Phạm |
![]() |
Ảnh minh họa. Tác giả: Sơn Phạm |
Câu chuyện tiền nong trong mối quan hệ hôn nhân, hình như chưa bao giờ là chuyện cũ.
Cách đây vài tháng, lớp đại học của tôi tổ chức 10 năm ngày ra trường. Cuối màn ăn uống, cả lớp thống nhất mỗi người nộp vào quỹ một khoản tiền, vừa để chi trả cho bữa ăn hôm đấy, vừa để làm một quỹ dự phòng để thăm hỏi lẫn nhau. Một câu bạn tôi mở ví ra, móc tay vào trong ngăn trong cùng, rất khuất của chiếc ví, moi ra vài tờ năm trăm ngàn cuộn nhỏ, rồi vuốt thẳng đưa cho cô bạn thủ quỹ trong tiếng trêu đùa của bạn bè. Cậu cười cười giải thích, quỹ đen, phải cất thật kỹ để vợ không tìm thấy…
Từng là bạn khá thân của cậu, tôi đã từng gặp người yêu của cậu hồi ấy, và cũng được nghe kể nhiều. Tôi biết vợ cậu là người “ghê gớm”. Từ hồi sinh viên, mới chỉ yêu nhau, tiền làm thêm gia sư hàng tháng của cậu đã bị nàng giữ hết, thậm chí, thỉnh thoảng đi chơi với bạn, cậu vẫn phải xòe tay xin tiền người yêu. 10 năm sau, tình hình có vẻ chẳng mấy thay đổi.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Thú thật, tôi không phải tuýp phụ nữ có khả năng quản lý chồng theo cách của mẹ. Tôi cho rằng, tình yêu phải dựa trên sự chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau. Như cậu bạn tôi chẳng hạn, cuối cùng cũng tìm được cách để “qua mặt” vợ – nhét tiền vào góc khuất nhất của chiếc ví. Một người đàn ông, khi họ muốn qua mặt vợ, thì chuyện lập một tài khoản ngân hàng khác, thậm chí mua một ngôi nhà khác, ăn ở với một người phụ nữ khác mà vợ vẫn hoàn khoàn không biết – có lẽ không phải là chuyện quá khó làm! Mà nói chung, khi ai đó cố tình giấu diếm điều gì, chắc cũng không dễ dàng phát hiện, nhất là khi những người phụ nữ vốn đã quá bận rộn với cửa nhà, bếp núc, con cái, công việc.
Tôi với chồng chọn cách ứng xử khác với tiền. Chúng tôi cùng công khai thu nhập, vạch rõ những khoản phải chi tiêu hàng tháng, nếu còn dư, thì để dành (có thể để trong tài khoản của vợ, hoặc chồng đều được) cho những mục tiêu dài hạn đã thống nhất. Mục tiêu của chúng tôi lúc đầu chỉ là làm sao trả hết các khoản nợ mà chồng đã vay hồi làm nhà, trước khi lấy vợ. Rồi những mục tiêu nhỏ, là cả nhà mỗi năm đi du lịch được hai lần. Và giờ, khi nợ nhà đã hết, chúng tôi lại đang lên mục tiêu mua một cái ô tô để chở con đi học lúc mưa, lúc nắng… Cứ như thế, cuộc sống trôi qua khá suôn sẻ, chưa khi nào chúng tôi phải cãi nhau về tiền.
Thẳng thắn, minh bạch trên tinh thần chia sẻ, tôi vẫn nghĩ đó là cách hay nhất để ứng xử với tiền. Và khi hai người có những mục tiêu chung phải phấn đấu để vun vén cho gia đình, chắc chẳng anh chồng nào nỡ mang tiền… cho gái!
Hiện tại tôi đang là ông bố độc thân. Cuộc sống của tôi đang rất thoải mái, nhẹ nhàng. Sở dĩ tôi nói như thế vì tôi vừa trải qua một cuộc hôn nhân tồi tệ.
Sau mười hai năm tưởng chừng hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan, phút chốc tôi bàng hoàng nhận ra sự phản bội của người vợ mình yêu thương. Có ai ngờ rằng, món quà đầu tiên và cũng là cuối cùng cô ấy tặng tôi chính là tờ đơn ly dị.
Ngày xưa, bố mẹ tôi rất nghèo nên con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Từ anh lớn đến con út, đứa nào cũng chỉ mới năm tuổi là đã phải đội mâm bánh bò đi bán dạo khắp các con hẻm. Bố tôi lầm lì, ít nói, lại thêm thất chí vì gia cảnh nên không khi nào ông ngọt ngào với mẹ. Đã vậy sau này, ông còn sinh tật đề đóm, rượu chè. Càng ngày càng bê tha, ông say xỉn suốt ngày, luôn hầm hè bắt con, bắt vợ phải nộp hết tiền cho ông nướng vào số đề.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tưởng như thế là đủ đầy cho hạnh phúc nhưng tôi đã lầm. Vợ tôi không suy nghĩ giống tôi, cô ấy kết tội tôi chỉ biết chạy theo đồng tiền mà không nghĩ đến vợ con. Tôi đã không quan tâm xem vợ cần gì và muốn gì ở chồng. Vợ tôi cần tiền nhưng vợ tôi cũng cần một người đàn ông biết yêu thương và chia sẻ.
Tôi công nhận là mình đã sai khi không nghĩ đến cảm giác của vợ nhưng mọi việc tôi làm đều là vì cô ấy, vì con cái. Suốt ngày quần quật với công việc, tôi về nhà mệt mỏi đến mức không còn muốn ăn cơm. Nhưng, rảnh lúc nào là tôi lại chở vợ con đi du lịch đây đó, thế thì tôi đâu phải ông chồng quá vô tâm? Thay vì tâm sự với tôi, cô ấy lại đem nổi niềm trút hết vào ông hàng xóm… Quan hệ bất chính đó kéo dài gần bốn năm thì bị vợ ông ta phát hiện. Bà ấy kéo cả dòng họ qua nhà tôi chửi rủa, gây náo loạn cả xóm. Vừa đau khổ vì bị lừa dối, vừa ê chề với mọi người, tôi giận dữ lao vào tát cho cô ấy một cái chảy cả máu miệng. Ngay hôm đó, vợ tôi dẫn con về nhà ngoại, tuyên bố ly thân.
Nhớ lại tình yêu trong quá khứ, tôi vẫn bàng hoàng không dám tin người vợ ấy đã phản bội mình, vì cô ấy quá hiền lành và an phận. Trong suốt thời gian sống chung, chúng tôi chưa từng to tiếng hay nặng lời xúc phạm nhau. Vậy mà khi sự việc xảy ra, vợ tôi khăng khăng đổ hết tội lỗi lên đầu tôi, cho rằng cô ấy mới là nạn nhân. Khi đưa đơn ra tòa, cô ấy giành quyền nuôi con. Ngoài việc đòi tài sản chia đôi, cô ấy còn bắt tôi phải trợ cấp hằng tháng để phụ nuôi con. Nỗi đau gia đình tan nát còn chưa nguôi, tôi lại tiếp tục hứng chịu nỗi đau xa con.
Ly dị được hai năm, thời gian đầu, tôi thấy cuộc sống chỉ còn là cô đơn và buồn chán. Ngoài mặt tôi tỏ ra mạnh mẽ nhưng thật sự tôi không còn muốn làm việc, chỉ muốn buông xuôi tất cả. May mà tôi còn có mẹ già bên cạnh, đã an ủi, khuyên bảo tôi rất nhiều. Dần dần, nỗi đau cũng nguôi ngoai. Tôi sống thoáng hơn, không còn bị tiền bạc ghì chặt nữa. Giờ con cái là nỗi quan tâm hàng đầu của tôi và cũng là mục tiêu để tôi phấn đấu. Cuối cùng, tôi lại thấy mình hạnh phúc với hiện tại và chưa muốn thay đổi điều gì khác.
Hẳn ai cũng đã từng một vài lần nghe câu hát được phổ từ thơ Nguyễn Bính:“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn…”. Tôi cũng đã từng nghe một cách thích thú nhưng tự đổi lại “Nhà chàng ở cạnh nhà tôi” cho thích hợp hơn với mình.
Mà cũng đúng thật, ngày bé nhà tôi và nhà hắn cách nhau có mỗi giậu mồng tơi leo lên bụi hàng rào bằng thép gai, cả hai nhà đều có thể hái nấu canh được. Hắn là con trai mà hình như là mụ bà bắt nhầm thì phải, hắn giống con gái hơn. Cả xóm ai cũng bảo là hắn hiền lành, ngoan ngoãn. Mẹ hắn tự hào về hắn lắm. Còn tôi, tôi nghịch ngợm y chang một thằng con trai chính hiệu. Hắn thì trắng trẻo, hiền lành còn tôi thì không những đen thùi lùi mà còn quậy phá, cộng thêm cái đầu tóc ngắn. Ấy thế mà hai đứa lại hợp nhau, chơi thân với nhau nữa mới hay chứ.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Lên cấp 2, cấp 3 mỗi đứa học một lớp khác nhau, lai học khác buổi nữa nên tôi và hắn ít gặp nhau và chơi cùng nhau hơn. Chỉ mỗi tối thứ bảy hoặc chủ nhật thì qua nhà nhau chơi hay hỏi bài nhau. Càng ngày hai đứa càng ít gặp nhau. Dẫu sao tôi và hắn cũng nhiều khác biệt, tính tôi ham vui, thích đi chơi với bạn bè còn hắn thì hay ở nhà, ít đi chơi. Nhiều lúc tôi cứ chọc hắn là “chàng công chúa” bị cấm cung, hắn chỉ tủm tỉm cười mà không đáp lại.
Bây giờ thì đã lớn, hai đứa đều đã vào học đại học. Tôi trở nên nữ tính hơn hồi nhỏ khi chọn cho mình nghiệp sư phạm gõ đầu trẻ, còn hắn đã chững chạc hơn trong bộ trang phục của một anh công an tương lai. Đôi khi gặp lại hắn, tôi lại trêu đùa: “Biết mi đi học về đẹp trai ri thì khi trước tau yêu mi cho rồi!”. Hắn cũng chỉ cười. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu ngày ấy tôi và hắn yêu nhau thì giờ đây tôi có gặp được một người hiểu tôi như anh không? Thật khó mà trả lời được. Có lần tôi đùa với anh: “Biết thằng bạn em giờ đẹp trai, phong độ thế thì ngày xưa em đã yêu nó rồi”. Anh cười: “Ngày xưa thì được còn bây giờ thì em có hối hận cũng muộn rồi người yêu ạ!”. Tôi đã có anh tự nguyện làm người chứa đựng niềm vui, nỗi buồn cho riêng tôi. Còn hắn cũng đã có người trút mọi nỗi niềm cho hắn đón nhận.
Người hàng xóm à! Cũng may là ngày đó mình không yêu nhau nhỉ? Nhưng dẫu sao những kỷ niệm đẹp của một thời vẫn đáng để chúng ta lưu giữ trong trái tim, như một “mối tình đầu” thơ dại.