Dị nhân có mái tóc 'ma làm' hãi hùng ở Quảng Ninh

Hàng trăm, hàng nghìn sợi tóc quấn quít, bấu vít, xoắn xuýt với nhau một cách chặt chẽ, đến độ có cảm giác như mái tóc của ông Thắng là một mảng lớn kết dính thành khối, như thể 'ma làm'.

Mái tóc của ông Thắng dày như bó rơm, bện quấn chằng chịt, tạo ra nhiều hình thù cổ quái, có chỗ hình rắn, chỗ hình mây, chỗ lại khum khum như mai rùa, nếu gỡ ra có lẽ dài hàng mét. Điều đáng nói là tóc của ông trở nên lạ kỳ như vậy chỉ trong khoảng 10 năm gần đây, sau khi ông ốm một trận thập tử nhất sinh.
Ông lão kỳ dị trong ngôi nhà nát
Gọi nơi cư ngụ của ông Nguyễn Thế Thắng (khu 2, phường Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh) là một ngôi nhà dường như hơi quá trịnh trọng. Thực ra, đó chỉ là cái lán chung tường với nhà hàng xóm, lợp tôn qua loa. Cửa chính đóng kín mít nhưng cửa sổ không có song lại mở toang hoác.
Ông Thắng đang lụi cụi chuẩn bị bữa tối, tức là một ít quả đỗ thái sơ qua rồi trộn nhốn nháo với bột canh trong chiếc hộp nhựa.
Đã tìm hiểu từ trước, hàng xóm đều khẳng định thần trí của ông Thắng hoàn toàn bình thường, song, nụ cười tươi hết cỡ phô ra trọn vẹn hàm răng xỉn ố và ánh mắt tràn đầy hoan hỉ nhưng cũng hơi có phần quá đà không khỏi khiến phóng viên giật mình.
Sau này mới biết, chúng tôi là những người khách đầu tiên đến thăm ông Thắng trong ba tháng gần đây, chẳng trách, ông lại mừng như vớ được núi vàng.
Ngoài chiếc giường buông màn kín mít, bên trong lộ ra mấy chiếc chăn gối mốc meo đến mức không rõ màu sắc, trong nhà chỉ còn một cái ghế trường kỷ là nơi ông Thắng để các vật dụng. Ngôi nhà đúng là rất đơn giản và thiếu thốn, nhưng, ông Thắng chẳng màng đến chuyện ấy.
Vuốt chòm râu bạc, ông Thắng mở đầu câu chuyện: “Tôi biết các anh đến xem mái tóc của tôi. Cũng giống như là mười năm trước, người dân ở thành phố này cứ nhìn thấy tôi ở đâu là chỉ trỏ, bàn tán về mái tóc lạ lùng. Nhưng nhìn mãi cũng quen, thành ra, bây giờ họ xem là chuyện thường.
Buổi sáng tôi cứ đi dạo quanh chợ, rồi lại vòng ra đường bao biển, mà chả có anh nào thèm hỏi. Tóc tôi có kết một hay kết mười thì họ cũng mặc kệ. Đây, anh xem, tóc tôi thế này có phải là kết thật không?”.
Di nhan co mai toc 'ma lam' hai hung o Quang Ninh
Người đàn ông “tóc kết’ trước ngôi nhà của mình. 
Ông Thắng gạt tay ra sau lưng, kéo lên một mớ tóc dày nặng nề. Râu và phần trên đỉnh đầu của ông Thắng đều đã bạc, tuy nhiên, phần tóc nặng nề kia lại có màu đen xám. Hàng trăm, hàng nghìn sợi tóc quấn quít, bấu vít, xoắn xuýt với nhau một cách chặt chẽ, đến độ có cảm giác như mái tóc của ông Thắng là một mảng lớn kết dính thành khối.
Thêm nữa, các lọn tóc ôm cuốn lấy nhau tạo ra nhiều hình thù khá kỳ quặc, có chỗ hình rắn, có chỗ hình mây, có chỗ lại khum khum như mai rùa. Ông Thắng bảo, mái tóc này không thấm nước, nên 10 năm rồi ông không gội đầu, hoặc chỉ gội một tý đỉnh đầu.
“Có cảm tưởng mái tóc không thuộc về mình, không có một chút liên hệ vật chất nào trong cơ thể của mình”– ông Thắng phân trần – “Có cảm giác mái tóc không phải trong đầu mình mọc ra mà nó xuất hiện từ đâu đó mà không rõ nguyên nhân, chỉ thấy đầu càng ngày càng nặng thêm”.
Trận ốm 6 tháng và những chuyện ly kỳ
Nhắc đến hai chữ “nguyên nhân”, sắc mặt ông Thắng từ chỗ vui vẻ bỗng sầm xuống. Bản thân ông cũng không thể lý giải tại sao hiện tượng hiếm hoi này lại xuất hiện trên cơ thể mình. Đó đơn thuần là ngẫu nhiên, hay đằng sau đấy là câu chuyện liên quan đến tâm linh.
Là người từng buôn bán ngang dọc từ thời còn trai trẻ, ông Thắng đủ trí tuệ để tìm hiểu về câu chuyện của những người có “tóc kết”, đa phần trong đó đều trở thành đồng cô, đồng cậu, hay gọi đơn giản là “được ăn lộc Thánh”. Chẳng lẽ, ông cũng “được ăn lộc”? Nếu đúng vậy thì lạ quá, vì từ bé đến lớn, ông chẳng bao giờ tín tâm vào thần thánh hay ma quỷ gì.
Trong trí nhớ của ông Thắng, hiện tượng các sợi tóc trên đầu ôm bó dính với nhau như vậy xuất hiện sau một trận ốm nặng, tựa hồ sắp chết.
Bằng giọng hơi khàn khàn, ông Thắng kể: “Hôm đó tôi đi ra phố, vừa đi được nửa đoạn đường bỗng người cảm thấy lạnh toát hết cả lên. Tôi tự nhiên không thở được, tim thì đập rất mạnh cảm tưởng như sắp vỡ ra vậy, về nhà nằm vật ra ốm luôn.
Tôi ốm ròng rã 6 tháng trời, lạ là chỉ thích ngủ và giống như người phụ nữ ốm nghén vậy. Trạng thái cơ thể lúc đó rơi vào vô thức, khi tỉnh dậy thì thấy nặng đầu, sờ lên tóc đã dài đến ngang vai, nó xoắn tết và bện chặt lại với nhau không tài nào gỡ ra được”.
Hỏi kỹ ông Thắng về trận ốm năm ấy, ông cũng không nhớ gì cụ thể, không rõ bệnh gì, chữa trị ra sao. Thành ra, lời kể của ông mỗi lúc một mơ hồ, thậm chí có thể coi là ma mị: “Gọi là ốm nhưng không phải là ốm, mà trạng thái lúc đó cơ thể chìm sâu vào vô thức, không còn một ý niệm nào về sự sống và môi trường xung quanh.
Di nhan co mai toc 'ma lam' hai hung o Quang Ninh-Hinh-2
Ông Thắng cười nói khi có khách đến thắm 
 Thời gian đó, tôi lúc mê lúc tỉnh, sống nằm đó như người đã chết. Sau khi tôi khỏi ốm, liên tiếp sự lạ xảy ra. Tôi nhiều lần cảm tưởng có ai bắt mình phải đi, đi khắp nơi cũng chả biết đi vì lý do gì và đi tới đâu.
Có lúc hễ thấy xe đạp là nhảy lên, xuống chỗ nào và nghỉ chỗ nào là có ai đó đã dẫn đường và định hướng trước cho mình rồi. Kể cả lúc đi bộ cũng vậy nhưng cuối cùng vẫn tìm được đường để về nhà. Khi tỉnh, mọi người nói lại mới giật mình nghĩ tới việc ma quỷ dẫn dắt mình đi”.
Cố nhiên, ý nghĩ về ma quỷ chỉ xuất hiện trong đầu ông Thắng một chốc lát rồi biến mất ngay. Ông vốn không tin vào chuyện huyễn hoặc như vậy. Hơn nữa, ông cũng chẳng để tâm tìm hiểu làm gì. Tóc cứ kết vào với nhau, thì ông sống chung với mái tóc kết vậy.
Tại sao mái tóc ông Thắng bị “kết”?
Một số nhà khoa học cho rằng, hiện tượng “tóc kết” là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới, có tên quốc tế là: Trico Ressi Nodosa. Thông thường, căn bệnh trên là do di truyền gây ra và có dấu hiệu từ lúc mới sinh. Tuy nhiên, mãi đến gần 60 tuổi, ông Nguyễn Thế Thắng mới bị “tóc kết”, nên sự giải thích khoa học như trên có phần chưa đúng.
Vài người hàng xóm cho rằng, nguồn gốc mái tóc như bịch bông cũ của ông Thắng chẳng qua do ông lười tắm gội, lâu dần, tóc bết lại thành hình khối.
“Có lẽ đến 10 năm rồi, ông ấy không tắm táp gì hết, nếu có cũng chỉ là té nước lên người xoa xoa mấy cái mà thôi. Hỏi thì ông ấy bảo không có tiền mua xà bông, nhưng, tôi đoán là vì ông ấy lười. Đàn ông ở một mình, ai cũng lười. Lười tắm quá nên tóc bết lại, có gì lạ đâu!” – bà Nguyễn Thị Hạnh, hàng xóm sát vách nhà ông Thắng, chia sẻ.
Cùng lý giải về chuyện này, ông Đỗ Quang Vinh (trưởng khu dân cư nơi ông Thắng cư trú) lại cung cấp thông tin khác: “Nhiều người nói rằng ông Thắng bị như vậy là vì ông ấy tiếc của. Hồi thanh niên, ông ấy cũng có thể coi là thành phần ngang dọc đấy. Lúc làm công nhân ở nhà máy than, ông ấy là kíp trưởng cơ mà.
Di nhan co mai toc 'ma lam' hai hung o Quang Ninh-Hinh-3
Mái tóc lạ lùng của ông Thắng. 
Sau, ông ấy đi buôn từ Nam chí Bắc, còn ra nước ngoài buôn bán nữa. Có dạo, ông ấy đưa cả gia đình sang Hồng Kông làm ăn. Nhưng, vụ ấy ông Thắng thua lỗ nặng, phải bỏ về nước.
Vợ và ba người con của ông ấy bây giờ ở ngoài phố, còn ông Thắng lại lủi thủi một mình, không mấy khi tiếp xúc với ai. Có lẽ, thất bại, mất mát trong làm ăn khiến ông ấy suy nghĩ nhiều quá nên mới sinh ra sự tình “tóc kết” như vậy”.
Ai đồn đoán ra sao, ông Thắng không quan tâm. Hiện giờ, ông sống một cách đơn giản nhất, mỗi tháng 13 cân gạo được “tài trợ”, hết gạo thì ông ăn rau ăn cỏ, hoặc nhịn đói cũng không phải hiếm.
Có nhiều người thắc mắc tại sao ông Thắng không cắt mái tóc hàng kg đó đi cho đỡ nặng đầu? Nhưng có lẽ với ông, những biến cố buồn trong cuộc đời khiến ông chẳng muốn quan tâm gì đến đầu tóc nữa. Ông mặc kệ mái tóc quái quỷ kia ra sao thì ra.
“Cuộc sống chơi mình vậy, thì mình chơi lại nó, xem ra như thế nào ...” – ông cười hềnh hệch, rung cả tóc cả râu, thong thả kết lại cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Gặp gỡ người đàn ông dị tật là khắc tinh của rắn độc

Người đàn ông có dị tật ở lưng được mệnh danh là khắc tinh của các loại rắn và được mọi người dân ở xã miền núi Tiên Sơn yêu mến.

Sẵn sàng chiến đấu với... rắn
Đó là ông Nguyễn Thế Quốc- biệt danh Quốc “rắn”, nổi tiếng khắp xã Tiên Sơn và mấy xã lân cận. Hôm chúng tôi hỏi chuyện về  khắc tinh của các loại rắn, hầu như người dân nào cũng biết và sẵn sàng dẫn đến nhà, nhưng gặp được ông hay không lại là một chuyện khác, bởi ông luôn “trên từng cây số” từ sáng đến chiều, thậm chí cả đêm để bắt rắn.

“Dị nhân” giữa rừng và chuyện ngôi miếu thiêng trong rừng Rú Chá

Rừng Rú Chá là rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn tồn tại trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Rừng Rú Chá rộng khoảng 5ha thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 15 km. Theo dân địa phương sở dĩ gọi là “Rú Chá” vì “rú” nghĩa là “rừng”, còn “chá” là vì trong rừng toàn cây “chá”.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, Rú Chá còn chứa trong lòng nó một “di nhân” có nhà nhưng 30 năm qua chỉ thích ở trong rừng và ngôi miếu Thánh Mẫu linh thiêng với nhiều câu chuyện huyền bí khiến nhiều người tò mò.

Lãnh đạo Hải Phòng nói về việc thu phí cảng biển gây tranh cãi

(Kiến Thức) - TP Hải Phòng vừa triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển đã gặp sự phản ứng. Lãnh đạo thành phố đã có những lý giải xung quanh việc này.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, TP Hải Phòng triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng. Theo thông báo số 1548/TB-UBND của UBND quận Hải An (đơn vị được TP Hải Phòng ủy quyền thực hiện thu phí) thì mức thu thấp nhất là 2.000đ/tấn hàng rời không đóng container và 20.000đ/tấn hàng rời, hàng lỏng và cao nhất là 4.800.000đ/container 40feet hàng lạnh. Tuy nhiên, ngay khi việc thu phí được triển khai, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng khi cho rằng, mức thu phí hàng rời như trên là quá cao và việc triển khai vấn đề thu phí nên xảy ra ách tắc thông quan hàng hóa. Hơn nữa, việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm cũng như giá xuất nhập khẩu hàng hóa và làm giảm năng lực cạnh tranh của các cảng tại Hải Phòng do nhiều đơn vị sẽ không hợp tác với Hải Phòng nữa mà chuyển hướng sang các tỉnh, thành phố khác.