Đàn bà luôn có lỗi?

Chị mếu máo: "Đàn bà mình sao khổ vậy má? Chồng có bồ, chung quy lại cũng là lỗi tại vợ. Vậy có công bằng không?”.

Chị điện thoại mời ba má và các anh chị chồng đến nhà, nói có việc cần thưa. Ai cũng thắc mắc, không biết đã xảy ra chuyện gì.
Mọi người đông đủ, chị bày đĩa trái cây và mấy ly nước. Má chồng sốt ruột, hối: “Có chuyện gì bây cứ nói, bày đặt nước nôi”. Chị vừa mở lời thì mắt đã ầng ậng nước. Chị thưa, anh Tiến chồng con đang có bồ. Trước đây là cô đối tác, giờ là cô thư ký mới vào làm. Quay sang chồng, chị nghẹn ngào: “Trước mặt ba má và các anh chị đây, anh nói xem em có lỗi gì khiến anh chán chê, phải đi tìm người khác”. Má chồng vừa nghe đã nổi nóng: “Vợ mày nói đúng, mày nói coi, nó có lỗi gì?”. Anh bối rối cúi đầu, tự hỏi lòng: Vợ có lỗi gì?...
Chị sụt sịt kể, ngày mới cưới, thấy anh đi làm bằng chiếc xe cà tàng, chị không nỡ, nên gom hết vàng cưới, tiền mừng, đổi chiếc xe mới cho anh. Hàng tháng, anh chỉ đưa chị ít tiền, phần còn lại là để xã giao bạn bè, mở rộng quan hệ, chị cũng không dám cằn nhằn. Để có tiền chi tiêu cho gia đình, chị phải nhận sổ sách về làm thêm, còn tranh thủ đi bán bảo hiểm. Từ chiếc ti vi, tủ lạnh, máy giặt… đều từ chị cày bừa, nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm từng đồng để mua. Anh muốn đổi điện thoại, mua laptop, chị đều đáp ứng. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lâu lâu, anh lại nói chị đưa tiền để hùn hạp với bạn bè làm ăn. Dù tiền lời anh đưa về chẳng bao nhiêu, chị cũng không hạch hỏi, để anh “tập tành làm ăn cho vui”. Ở nhà, việc đưa đón con, chợ búa, cơm nước, chị đều gánh hết, để chồng… yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp. Mỗi chiều anh đi làm về, mâm cơm nóng sốt đã được dọn ra. Ăn xong, anh chỉ việc nhàn tản thả bộ ra đầu hẻm chơi cờ, tán gẫu hoặc hứng lên, rủ chiến hữu ra quán chém gió, mặc chị với mớ công việc bộn bề. Tối muộn, khi con đã lên giường, chị mới lôi sổ sách ra làm thêm và đợi cửa chồng.
Không những chu toàn việc nhà, việc nhà chồng chị cũng tình nguyện gánh vác. Nhà chồng có đám, chị về trước một ngày lo dọn dẹp, nấu nướng. Ba má chồng nằm viện, chị xin nghỉ mấy hôm để chăm lo. Có món gì ngon, chị lụi hụi xách về biếu… Cần mẫn như con ong thợ bấy nhiêu năm, có lúc chị cũng mỏi mệt, cũng tủi thân, nhưng rồi chị tự an ủi, gái có công chồng chẳng phụ. Chị nghĩ, đàn ông ra ngoài tòm tem là để tìm em nào chiều chuộng, ngọt ngào, không càm ràm những chuyện vặt vãnh. Những thứ đó chị đã cho chồng đủ, hẳn anh sẽ không có nhu cầu… kiếm thêm.
Từ ngày anh lên chức trưởng phòng, chị rất hãnh diện, sắm ngay cho chồng chiếc xe tay ga, mua một loạt quần áo mới để anh… ra dáng sếp. Chị thì quanh năm vẫn tới lui mấy bộ, vẫn kiểu tóc kẹp sau gáy. Bạn bè cảnh báo “diện cho chồng lắm vào, bản thân thì không chịu nâng cấp, có ngày mất chồng”. Chị tỉnh rụi: “Dễ gì, ổng tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy có em nào chiều chuộng được hơn em này”…
Giờ thì lời cảnh báo của bạn bè đã thành sự thật. Chị đau như có ai cầm dao đâm thấu tim. Những hy sinh của chị, nhọc nhằn của chị, coi như đổ sông đổ biển.
Thấy anh cứ ngồi cúi đầu im lặng, má chồng lại quát: “Giờ muốn ở hay thôi? Mày mà bỏ vợ, ba má từ luôn”. Chị chồng cũng bênh em dâu: “Vợ em đảm đang vén khéo, đốt đuốc cũng khó tìm, em dại thiệt, muốn tan cửa nát nhà mới chịu sao?”. Anh ấp úng xin lỗi vợ, nói vợ không có lỗi gì, chỉ tại anh ham vui. Chị chồng kéo chị sang một bên, thầm thì: “Chị nói thẳng em đừng buồn, thằng Tiến có bồ cũng là tại em… cũ quá, mòn mẻ nhiều quá, lại không chịu làm mới bản thân. Đàn bà biết nâng cấp chồng lên thì bản thân cũng phải nhón lên để ngang ngửa với chồng. Em cứ lẹt đẹt tuốt đằng xa, nên đã lạc mất chồng”.
Má chồng nắm lấy tay choàng lấy vai chị dỗ: “Thôi, tha thứ cho nó đi con. Đàn ông mà, đi ta bà tứ xứ rồi cũng quay về với vợ con. Má thấy chị con nói đúng, lỗi cũng có phần tại con. Thời nay đã khác thời của má, đâu cứ phải nhịn ăn nhịn mặc, hy sinh hết cho chồng là giữ được chồng. Thời bây giờ đàn bà phải biết yêu bản thân, sống cho mình mới được. Vậy chồng mới không chán”. Chị mếu máo: "Đàn bà mình sao khổ vậy má? Chồng có bồ, chung quy lại cũng là lỗi tại vợ. Vậy có công bằng không?”. Má thở dài: “Số phận là vậy rồi, biết làm sao được, hả con?”. Chị không cãi má, bụng nhủ thầm: “Ừ thì con trai má, má phải bênh vực thôi, chứ mình mà se sua, chưng diện thử xem, liệu cái gia đình này có được như bây giờ, liệu chồng mình có chễm chệ cái chức trưởng phòng mà dòm em này ngó em kia. Mà thôi, nói gì thì cuối cùng lỗi cũng là tại mình. Từ giờ, không thèm khóc nữa, chăm con, chăm chồng nhưng sẽ “chăm” cả mình, để xem ai liếc ai”.

Bình yên đã quay về

Mẹ con chị từng có những năm tháng sống trong nơm nớp lo sợ những trận đòn tàn ác của người chồng, người cha vũ phu ấy. 

Nhưng giờ đây, bầu trời u ám và đẫm nước mắt chị không còn nữa. Trong căn nhà cấp 4 còn sơ sài nhưng khá ấm cúng của 3 mẹ con chị Đinh Thị Thùy, nhà ở Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chị đang chuẩn bị bữa cơm chiều, cậu con trai lớn vừa đi học về đã giúp mẹ tắm cho em, dọn dẹp nhà giúp mẹ. Không ai nghĩ, cuộc sống của 3 mẹ con chị chỉ thực sự bình yên khi về căn nhà này được gần 1 năm nay.

Thời gian này năm ngoái, đúng ngày chị nộp đơn ly hôn ra tòa rồi cùng cậu con trai lớn (16 tuổi) bỏ về nhà mẹ đẻ ở, đứa con trai nhỏ (5 tuổi) vẫn ở lại với bố, để đợi tòa giải quyết. Tức giận vì gọi chị không về, anh chồng đã đánh đứa con nhỏ, thằng bé gào khóc rồi chạy sang nhà hàng xóm kêu cứu và đòi mẹ. Bác hàng xóm vội gọi điện cho chị Thùy về. Thương con, chị vừa bế con vào lòng, anh chồng đến lôi sềnh sệch chị về nhà đóng chặt cửa như mọi lần rồi cứ thế thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con. Chị bị chảy máu mồm, cổ, gáy, mặt nhiều vết thâm tím, bụng bị anh ta đạp nhiều lần, quằn quại dưới nền nhà. Thằng bé khóc thét lên sợ hãi. Trong lúc xây xẩm, tối tăm mặt mũi, chị vẫn cố ôm con mở cửa chạy thoát ra ngoài, lên xe ôm bỏ chạy về nhà ngoại. Ngày nào chị cũng lo lắng, hoang mang không biết có nên báo công an phường? Có cho con đi mẫu giáo không? Vì chị sợ lại bị chồng đánh, chồng lại cướp con đi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lấy chồng cách đây 18 năm, khi đó, chị đã tốt nghiệp Cao đẳng, hiện là nhân viên ngành Bưu điện, còn anh chỉ hết cấp 3, ở nhà làm nghề sửa chữa xe máy. Hạnh phúc chỉ trọn vẹn 5 năm đầu. Từ khi con đầu lòng được 4 tuổi, chồng chị bắt đầu đổ đốn, ham mê cờ bạc, sau đó bỏ nhà đi với gái nhiều ngày. Chị đau khổ khóc lóc tìm chồng về, nhưng anh ta cứ về là đòi tiền để đi đánh bạc và cho gái. Lúc chị có bầu và sinh con thứ 2, anh ta bỏ nhà đi gần 2 tháng, không đoái hoài đến mẹ con chị, khi về đến nhà lại đòi tiền, chị không đưa, anh ta đánh. Một số đồng nghiệp biết chuyện đã khuyên chị làm đơn báo công an phường, báo cho Hội phụ nữ phường biết, nhưng thương con, chị lại cố chịu đựng những trận đòn roi của chồng, chỉ để các con có đầy đủ bố mẹ.

Sau trận đòn thừa sống thiếu chết hôm ấy, được cậu con trai lớn động viên, chị mạnh dạn nộp đơn ra tòa. Nhận thêm trận đòn của người chồng vũ phu, anh ta bắt chị phải rút đơn và dắt con quay về nhà.

Thật may mắn, được người bạn mách bảo, chị tìm đến trung tâm tư vấn, hỗ trợ phụ nữ để nhờ giúp đỡ. Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình, hiểu rõ pháp luật và rất nhiều đoàn thể địa phương giúp đỡ, bảo vệ, chị đã được tòa đồng ý cho nuôi 2 con.

Chị Thùy cho biết, cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con vẫn còn muôn vàn khó khăn. Hàng tháng, chị phải trả tiền thuê nhà, cậu con lớn chuẩn bị vào Đại học, cậu út đi học tiểu học. Đồng lương công chức ít ỏi. Ngoài giờ đi làm, chị mở cửa hàng điện thoại để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Dù không nhận được đồng nào tiền chu cấp nuôi con của chồng cũ, nhưng mẹ con chị tằn tiện cũng đủ nuôi nhau qua ngày. Chị bảo “Những khó khăn hiện nay chẳng nhằm nhò gì so với những năm tháng tối tăm trước đây khi còn ở chung với bố nó”. Tài sản lớn nhất chị có là 2 con trai ngoan ngoãn, học giỏi, thương mẹ. Bình yên đã trở về với căn nhà bé nhỏ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của 3 mẹ con chị.

Góc khuất

Kể từ đó, Ngọc không tâm sự gì với chồng nữa! Cô buồn lắm, đau lắm nhưng mà nghĩ lại cô thấy tội cho chồng mình quá. 

10 năm trôi qua, thời gian hạnh phúc nhất với Ngọc là 2 năm đầu vợ chồng cô mới cưới. Đến khi cô sinh con, Tuấn vẫn chiều chuộng vợ hết mực, nhưng có lẽ vết rạn nứt trong hôn nhân của Ngọc bắt nguồn từ gia đình của Tuấn và tính gia trưởng của anh. Những chuyện tưởng chừng như vặt vãnh nhưng lâu ngày nó chồng chất lên thành nỗi buồn day dứt. Ngọc có rất nhiều bạn bè nhưng không có bạn để tâm sự, vì cô không muốn chuyện riêng của gia đình mình lại đi bày tỏ với người khác. Còn kể cho mẹ ruột và các em nghe, họ chỉ buồn thêm. Ngọc cố nén nỗi buồn của riêng mình vào góc khuất tâm hồn.

Ngọc xuất thân con nhà nghèo, Tuấn lại là con nhà giàu có tiếng ở chợ tỉnh. Khi yêu Tuấn, Ngọc biết hai người sẽ khó đến với nhau. Trải qua 8 năm chờ đợi, khi cưới được nhau rồi, cô những tưởng mình đã “chiến thắng”, nhưng Ngọc đã lầm!

Vợ chồng Ngọc dành dụm tiền cất nhà riêng ở thành phố, cách quê nhà 60 cây số đường. Tuấn là con út nhưng anh ở lại thành phố để làm việc, nên người anh kế trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ ở quê. Mỗi cuối tuần vợ chồng anh về quê thăm cha mẹ. Hầu như lần nào về quê, Ngọc cũng gặp rắc rối. Những chuyện chẳng ra làm sao nhưng cô lại vướng vào, thật mệt mỏi. Khi nào về nhà có đám tiệc lại càng áp lực hơn với cô. Có lần về đám giỗ, vốn biết Ngọc không biết cắt cổ gà, vịt, mà cô em chồng đưa cho cả chục con gà, vịt cùng một cây dao bảo cô mần thịt chúng. 

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa. 
May sao lúc đó, người cô chồng bắt gặp, bà quay sang bảo với em chồng cô: “Mai mốt đừng bắt chị dâu con làm mấy việc này nhe, nó có biết cắt cổ gà vịt bao giờ”. Rồi cô chồng quay sang Ngọc cười thông cảm: “Con đừng lo, có cô đây, mấy việc này để cô làm cho”. Nhưng đâu phải lần nào Ngọc cũng may mắn gặp được người cô này. Trong khi tính của Tuấn rất gia trưởng. Anh yêu vợ nhưng lại sợ mang tiếng là mình sợ vợ nên khi có việc gì mà người thân trong gia đình anh không hài lòng anh đều bắt Ngọc “xin lỗi trước”. Anh bảo rằng trước mặt người thân bạn bè phải cho anh giữ thể diện!

Năm ngoái, chị dâu của Tuấn lên thành phố mua đồ ghé nhà vợ chồng Ngọc nghỉ trưa. Lúc này, em gái Ngọc mới sinh con về ở nhờ đó để mẹ đẻ Ngọc tiện chăm sóc các cháu. Trong lúc Ngọc không có ở nhà, bà chị dâu này hỏi em gái Ngọc một loạt những việc hết sức riêng tư của gia đình như: “Sao không ở nhà chồng mà về ở chung với chị gái, không ngại anh rể sao?”, “Bác sui gái bỏ bác sui trai ở quê một mình không buồn sao?”, “Chừng nào bác sui gái về quê luôn?”, “Nhà bên quê có mấy công ruộng? Làm khá không?”… Mẹ Ngọc nghe hết mọi việc, bà rất buồn nhưng khuyên con gái nên im lặng. 

Quá bực bội trước nhiều sự việc đã xảy ra mà mình đã phải nhẫn nhịn chịu đựng lâu nay, nay thêm việc này, Ngọc đã điện thoại cho chị dâu của chồng: “Chị hỏi những việc ấy có chi không? Sao chị lại hỏi những điều hết sức riêng tư của gia đình em vậy?”. Chị này cũng không vừa, hỏi gặn lại Ngọc: “Thím hỏi tui như vậy có chuyện gì không? Tui chỉ quan tâm đến gia đình thím thôi!”. Ngọc cảm ơn chị dâu về sự quan tâm đó nhưng cô khẳng định: “Đó là chuyện riêng tư của gia đình em nên sau này chị đừng hỏi như vậy nữa!”.

Sóng gió ập đến gia đình nhỏ của Ngọc! Đích thân cha chồng lên nhà Ngọc để xử lý vụ việc này! Ông giận dữ nói với Ngọc: “Chị dâu bây nói đúng đó! Nhà bên bây ở đây như vầy, nó hỏi vậy có gì sai đâu! Bây giỏi chữ nghĩa mà cư xử như vậy hả?”…

Trước việc này, Tuấn lại còn trách Ngọc ích kỷ, bênh vực chị dâu: “Chị hỏi thăm, chị quan tâm đến gia đình mà! Người ở quê nghĩ sao nói vậy mà”. Ngọc không thể giải thích thêm gì được nữa. Tuấn lại đi nhậu nhẹt nhiều hơn. Ngay cả đứa cháu gọi anh bằng cậu, nó biết tính của cậu mình nên hay lên giọng với Ngọc. Mấy ngày sau đó, đứa cháu này rủ Tuấn đi nhậu qua hơn 12 giờ đêm mới về. Khi đưa Tuấn về tới nhà, nó đã chỉ thẳng vào Ngọc, nói: “Mợ cư xử đàng hoàng với nhà chồng nhe. Tui quen biết với xã hội đen không đó!”. Ngọc như bị tát nước lạnh vào mặt, trong khi chồng cô đứng kế bên đứa cháu, mặt lừ đừ say rượu, không biết anh có nghe thấy cháu mình nói gì không mà dường như anh đã không nghe thấy gì. Anh say rượu mà! Ừ, Ngọc cũng hiểu, người say thì còn biết gì nữa chứ! Sáng hôm sau, đợi chồng tỉnh hẳn, Ngọc kể lại sự việc hồi tối. Tuấn nói: “Trời ơi, nó đang say, nói vậy thì có ý gì đâu! Nó khoe nó quen biết với xã hội đen nên đừng lo cho nó mà!”. Dường như cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, Tuấn cũng đều nói: “Em là người lớn, phải biết thông cảm cho mấy đứa nhỏ!”

Kể từ đó, Ngọc không tâm sự gì với chồng nữa! Cô buồn lắm, đau lắm nhưng mà nghĩ lại cô thấy tội cho chồng mình quá. Anh đã chịu áp lực rất lớn từ gia đình rồi! Cho dù ai nói gì, làm gì cô vẫn giữ im lặng và giữ khoảng cách với những người thân của anh để được yên ổn.

Kiếp chồng chung

Má chồng quy định, ba ngày chồng tôi ở nhà, bốn ngày còn lại thì ở với mẹ con cô ấy. Lúc chồng bên đó, tôi không dám làm phiền.

Tôi về làm dâu nhà chồng, vừa siêng năng lại biết an phận nên ba má chồng rất vừa ý. Điều làm cả nhà không vui là tôi sinh liền một lúc hai con gái.

Thấy ba má chồng sớm tối ước ao có cháu trai, tôi liều mạng sinh thêm đứa nữa. Sau khi siêu âm biết đứa bé lại là gái, cả nhà vô cùng thất vọng. Kể từ đó chồng tôi hay đi sớm về khuya. Bằng linh cảm của người vợ, tôi biết chồng đã có người phụ nữ khác nhưng không dám hỏi. Mỗi ngày tôi lo việc nhà chu đáo, luôn dịu dàng chiều chuộng mỗi khi chồng về, hy vọng chồng thương tôi mà thức tỉnh.

Thời gian sau, nghe đồn anh đã có đứa con trai với người tình, tôi vừa đau khổ vừa lo sợ cho tương lai mấy mẹ con. Ba má chồng tôi dường như cũng biết chuyện. Năm đó ba chồng tôi đau nặng. Lúc tỉnh táo, ông gọi chồng tôi đến, hỏi: “Ba nghe nói con đã có con trai, nếu có, đưa về cho ba gặp mặt”. Mọi ánh mắt đều quay sang tôi, chờ đợi. Không thể làm khác hơn, tôi bình tĩnh nói với chồng: “Nếu đó là sự thật, anh hãy là theo ý nguyện của ba”. 

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vài giờ sau, một phụ nữ xuất hiện cùng thằng bé khoảng ba tuổi, giống chồng tôi như tạc. Ba chồng tôi rưng rưng ôm lấy thằng bé. Trước lúc tắt hơi, ông còn dặn: “Đây là cháu đích tôn của nhà mình, nhớ chăm nó cho tốt, đừng để bị thiệt thòi gì”. Trong đám tang ba chồng, mẹ con cô ấy trở thành nhân vật chính. Em chồng tôi còn nói: “Đưa thằng cháu này về sớm hơn, biết đâu ba mừng quá, sống thêm được mấy năm”.

Dựa vào lời trăn trối của ba, má chồng tôi bàn nên rước mẹ con cô ấy về. Nghĩ đến cảnh mỗi ngày vô ra phải đụng mặt mẹ con họ, tôi rất phẫn uất. Khi biết tin, cô ta liền phản đối, đòi chồng tôi mua nhà riêng và cả vốn liếng để mở cửa hàng bán điện thoại. Tôi cay đắng nhìn của cải đội nón ra đi mà không dám có ý kiến. Má chồng tôi quy định, ba ngày chồng tôi ở nhà, bốn ngày còn lại thì ở với mẹ con cô ấy. Lúc chồng tôi ở bên đó, tôi không dám làm phiền. Còn lúc chồng tôi ở nhà, cô ta liên tục gọi sang, bảo con đòi cha, đòi đưa đi chơi…Mỗi lần thằng nhỏ hắt hơi sổ mũi, má chồng bắt tôi mua quà cáp sang thăm để chứng tỏ tôi rộng lượng, hiểu chuyện. Con tôi bị sốt xuất huyết phải nằm viện, cô ta chẳng đi thăm còn gọi chồng tôi về đưa con đi công viên. Cô ta còn kề điện thoại thu tiếng thằng bé đang khóc thét để hối chồng tôi về liền. Má chồng tôi an ủi: ‘Ráng nhịn đi con, để nó giận, ôm thằng nhỏ đi mất thì nhà mình tuyệt giống”.

Có lần cãi nhau với chồng, tôi đòi ly hôn. Chồng nói: “Em nghĩ kỹ chưa? Em không có nghề nghiệp nên ba đứa nhỏ phải theo anh. Xa con em đành lòng sao? Nếu em dắt con đi, chỉ tội ba đứa nhỏ phải sống khổ. Anh không bạc đãi mẹ con em, luôn chu cấp thừa mứa, còn đòi gì nữa”. Không muốn các con phải sống khổ, tôi đành cắn răng chịu đựng. Nhưng nghĩ đến cảnh suốt đời phải chịu cảnh chồng chung, tôi lại giận mình sao quá yếu hèn.