Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?

(Kiến Thức) - Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chiều 23/10, với đại đa số đại biểu tán thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.
Chu tich nuoc co nhung nhiem vu va quyen han gi?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. 
Theo Điều 88, Chương VI, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;
3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;
4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;
5. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
6. Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.
Ngoài ra, Hiến pháp 2013 cũng quy định, Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn. Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử Chủ tịch nước

(Kiến Thức) - Chiều 23/10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội. Theo kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước, 99,79% số đại biểu đã thống nhất bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

15h20: Sau lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi đến Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bó hoa tươi thắm, cùng những lời chúc tốt đẹp nhất.

Tong bi thu Nguyen Phu Trong dac cu Chu tich nuoc-Hinh-2
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi đến Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bó hoa tươi thắm cùng những lời chúc tốt đẹp nhất.

15h18: Sau lời tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng lên thông báo: "Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng".

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố kết thúc lễ tuyên thệ và mời tân Chủ tịch nước phát biểu.

Mời quý vị độc giả xem video Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước.

15h15: Nghi lễ nhậm chức bắt đầu, trong tiếng nhạc được cử hành, cờ và hiến pháp được đội nghi lễ đưa vào lễ đài. Từ hàng ghế đại biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bước lên cúi mình trước cờ Tổ quốc trước khi đứng vào bục và đọc lời tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào Cử tri cả nước. Tôi Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Tong bi thu Nguyen Phu Trong dac cu Chu tich nuoc-Hinh-3
 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên tuyên thệ. Ảnh Zing

15h14:  Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên tuyên thệ.

15h12: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lệnh cho đội nghi lễ vào vị trí để tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch nước. Ba cảnh vệ đưa Hiến pháp lên bục, cờ Tổ quốc giương cao trang nghiêm trên lễ đài. Các đại biểu Quốc hội đứng lên chứng kiến lễ tuyên thệ.

15h10: Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả bầu Chủ tịch nước. Theo kết quả công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước cho thấy, 99,79% số đại biểu đã thống nhất bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tổng số đại biểu Quốc hội là 485 đại biểu, số có mặt 477 đại biểu, số phát ra 477, số thu về 477 phiếu, đều hợp lệ. Số phiếu hợp lý 476 phiếu, bằng 99,79% tổng số đại biểu có mặt. Số phiếu không đồng ý là 1 bằng 0,29% tổng số đại biểu Quốc hội. Căn cứ Hiến pháp, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức trở thành Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

15h05: Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường sẽ công bố kết quả bầu Chủ tịch nước lúc 15h15.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Bộ trưởng Bộ TT&TT

(Kiến Thức) - Với 95,05% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại phiên họp sáng nay 24/10, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng bỏ phiếu kín.