Chị em bạn dâu

Từ ngày má mất, thím buồn, ít nói hẳn. Ngày nào thím cũng đảo qua nhà, quét bụi trên bàn thờ má...

Thím Út hay kể, ngày thím chân ướt chân ráo về làm dâu bà nội, có lắm chuyện dở khóc dở cười. Má và thím làm cỏ đậu, thím cầm cuốc không quen, nên xắn luôn cả mấy cây đậu. Lội ruộng cấy lúa, bị đỉa đeo chân, thím sợ quá nhảy tưng tưng, vừa khóc vừa la. Má bèn bày cho thím lấy ni lông quấn vào bắp chân. Lúc ngồi nghỉ trên đê, má bắt mấy con đỉa để trước mặt để thím nhìn riết cho quen. Nhờ vậy mà thím bớt sợ đỉa.
Một lần, má mua mấy công mía, thu hoạch rồi chèo xuồng ra thị xã bán. Bữa đó thím về nhà mẹ ruột, ngang qua chợ, thấy trưa trờ mà đống mía của má vẫn còn nhiều. Thím chất mía lên xe, rao bán dọc các phố. Nhờ thím dẻo miệng, khéo mời, tới xế trưa, đống mía đã bán sạch. Má kể: “Không nhờ thím Út, phen này má mắc nợ”. Mùa lũ năm đó tới sớm, thím Út than: “Nước ngập đầy đồng làm gì có tiền?”. Má rủ thím vớt lục bình chất thành hàng trên ruộng, dùng nọc tre đóng xuống để giữ lục bình không bị nước cuốn trôi. Má cắt rơm rạ chất lên đống lục bình rồi mua meo nấm về gieo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chưa có ai trồng nấm trên ruộng nước như má nên thím Út hồi hộp không yên. Má lo theo, ngày nào cũng ra ruộng thăm chừng. Không ngờ ruộng nấm của má mọc tốt. Đang mùa lũ, thiếu rau, nấm rất được giá. Bán được bao nhiêu tiền, má đưa hết cho thím, bảo để dành sinh con. Thím cảm động không nói nên lời. Thím sinh được ít lâu, bữa đó ba tát đìa được mớ cá lóc, dặn má nấu canh chua. Má nói: “Nấu canh bồ ngót đi ông. Thím Út mới sinh, nghe mùi canh chua thấy thèm mà không được ăn, tội nghiệp”. Thím Út nghe được, thương má đứt ruột.
Mỗi lần má sắm thau nồi ly tách, đều mua luôn hai bộ, cho thím một bộ. Thím may áo mới, may luôn cho má cùng một kiểu. Ra đường, má và thím mặc áo giống nhau, lại thân thiết thuận hòa nên ai cũng ngỡ là chị em ruột. Lúc má đau nặng, thím bỏ hết việc nhà qua chăm sóc má. Thím mếu máo dặn: “Ráng khỏe nha chị Hai, em không có chị là không được đâu”. Má trăng trối: “Chị có bề gì, giao sắp nhỏ lại cho em”…
Từ ngày má mất, thím buồn, ít nói hẳn. Ngày nào thím cũng đảo qua nhà, quét bụi trên bàn thờ má, xuống bếp ngó qua xem đám cháu bữa nay ăn gì. Thím nhắc nhớ đem củi ra phơi, tối nhớ đóng cửa chuồng gà…Mỗi lần đi chợ, thím hay mua bánh da lợn, bắp luộc, xôi vò… mang qua cúng má. Thím vái “ăn bánh nè chị Hai”, y như cách thím nói với má lúc má còn sống. Nhìn dáng lom khom tảo tần của thím, lại thấy rưng rưng nhớ má.

Vợ… dữ

Bao nhiêu năm lấy nhau, chưa bao giờ anh thấy em thể hiện sự dịu dàng của người phụ nữ.

“Dạ! Em nghe sếp ơi!”.

“Alô! Tao nè chứ sếp nào? Mày đâu rồi? Hẹn tụi tao nhậu 7h mà 7h30 chưa có mặt là sao?”.

“Sao anh? Đối tác làm khó mình à? Tình hình căng lắm sao?”.

“Đối tác nào hả? Sao lại kêu tao là anh?”.

“Sao anh? Bên đó chịu đi nhậu rồi à! Anh cứ dắt họ ra nhà hàng chỗ cũ trước đi! Dạ, chừng 30 phút nữa em có mặt. Vừa nhậu vừa bàn bạc lại, hy vọng bên đó đổi ý”.

“À! Hiểu rồi! Tao đợi ở quán nhé. Nhắn với vợ mày là dữ vừa thôi, ai mà chịu cho nổi”.

Kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại “kinh điển” của một thằng đàn ông sợ vợ, anh dắt xe trong ánh mắt đầy hăm dọa và nghi ngờ của em. Đến quán, lại thấy tụi bạn đang hi hi ha ha, vừa cười cợt vừa nghe lại đoạn… ghi âm cuộc nói chuyện lúc nãy. Vừa ngồi vào bàn, có đứa đã hỏi thẳng: “Làm gì mà sợ vợ ghê vậy? Cứ nói thẳng có gì đâu?”. Anh chỉ ấp úng cho qua, bởi nói ra thì vạch áo cho người xem lưng, đám bạn anh làm sao hình dung được cái “sự dữ” của em.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Em có biết, con đã nói gì với anh không? Con nói: “Ba ơi! Con sợ khuôn mặt của mẹ khi giận dữ lắm”. Cũng phải thôi, khi giận, mặt em đỏ phừng phừng, lông mày chau lại, mắt trừng lên, cái miệng cong lên chực chờ tuôn ra những lời quát nạt. Anh chỉ biết an ủi: “Thôi! Con ráng đừng làm mẹ giận!”. Chỉ chút nữa là anh buột miệng: “Ba còn sợ huống gì con!”.

Con còn nhỏ, chuyện gì cũng nên từ từ uốn nắn, vậy mà suốt ngày em quát nạt con. Ai yếu tim chắc không sống được trong nhà mình, bởi thỉnh thoảng lại nghe em hét lên: “Bo! Sao giờ này không đi tắm?”, “Bo! Đã dạy rồi mà sao bài tiếng Anh có bảy điểm! Ăn gì mà ngu thế?”, “Bo! Đếm từ một đến ba mà không tắt máy vi tính là ăn đòn nha!”. Mà, em không chỉ dọa suông, Bo chậm một tý là em xách chổi lông gà ra ngay. Tội thằng bé, một tháng ăn đòn năm-sáu lần, lằn đỏ cả mông.

Đâu chỉ mình Bo bị quát nạt. Anh cũng không thoát: “Sao nói hoài mà ông cứ quên tắt đèn phòng tắm vậy hả?”, “Uống cà phê xong thì phải rửa ly chứ”, “Đi đâu mà giờ này mới về? Nhậu với nhẹt. Có ngày chết bờ chết bụi!”… Giọng em rất tốt nên em hét tận trong nhà mà tuốt đầu ngõ cũng nghe. Mới dọn về xóm này có mấy năm, em đã nổi tiếng, chết tên “Bà La Sát”.

Tự đánh giá bản thân, anh thấy mình cũng là người đàn ông không đến nỗi nào. Anh lo làm ăn, không bồ bịch, không ăn chơi, nhậu nhẹt thì mỗi tháng chỉ một - hai lần với mấy đứa bạn thân. Còn mấy khuyết điểm nho nhỏ đại khái như quên tắt đèn, bỏ đồ dơ lung tung… thì đàn ông nào chả vậy. Chuyện nhỏ như con thỏ mà em cứ phải hùng hùng hổ hổ, quát tháo ầm ĩ mới chịu. Bao nhiêu năm lấy nhau, chưa bao giờ anh thấy em thể hiện sự dịu dàng của người phụ nữ.

Đám bạn cứ bảo anh “sợ vợ”, bảo anh là thằng “râu quặp”, khích anh “Mày cứ vùng lên, làm dữ coi ai sợ ai!”. Có chứ, anh làm dữ mấy lần rồi và rút ra kết luận thảm thương: “Em dữ hơn anh!”. Em la quát, anh im lặng nhẫn nhịn là trật tự quen thuộc của gia đình. Mấy lần anh “vùng lên”, đảo lộn trật tự, quát lại em. Không ngờ, quát em một câu thì em quát lại hai câu, quát em hai câu em quát lại bốn câu. Lần ấy, giận quá, anh tát em một cái, không ngờ em trả đòn dữ dội, hết cào cấu lại đến cắn xé, thậm chí còn chạy ra sau bếp xách cả… dao lên. Anh mà làm dữ nữa chắc có án mạng thật. Hoảng quá, anh đành chạy sang nhà ngoại cầu cứu… má em mới êm chuyện. 

Còn chuyện đi nhậu, có lần em không cho đi, anh cũng cứ đi. Em gọi điện thoại mấy lần, nói: “Có chịu về chưa hả?”. Anh trả lời hùng dũng như đám bạn xúi: “Tôi không phải con của cô nha! Chừng nào muốn về tôi sẽ về!”. Em cúp máy. Nửa tiếng sau, em có mặt tại quán. Em lịch sự cười tươi chào hết đám bạn anh, kéo ghế ngồi xuống cạnh anh. Miệng vẫn cười, em khẽ kéo anh, chỉ cho anh thấy em đang giấu một con dao dưới đùi. Em thì thầm: “Một là ông về liền, hai là có án mạng, ông chọn đi!”. Thế anh đành ra về trong ánh mắt thương hại của đám bạn.

Người ta nói vợ chồng chung sống được với nhau là nhờ tình yêu, nhờ cái nghĩa cái tình. Nhưng, giữa anh và em sao chỉ thấy toàn nỗi ngán ngại. Em có nghĩ, sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn? Già néo sẽ đứt dây?

Băn khoăn chọn chồng bộ đội

(Kiến Thức) - Trong những người đến với em hiện tại, em có tình cảm với anh ấy nhất... đúng mẫu người mà em vẫn tưởng tượng sẽ chọn làm chồng. Nhưng chỉ chán một nỗi, anh lại là bộ đội, mới chuyển công tác lên tận Lào Cai. 

Trong những người đến với em hiện tại, em có tình cảm với anh ấy nhất. Anh vui tính, hiền, tốt bụng, yêu trẻ nhỏ, đặc biệt là rất đẹp trai... đúng mẫu người mà em vẫn tưởng tượng sẽ chọn làm chồng. Nhưng chỉ chán một nỗi, anh lại là bộ đội, mới chuyển công tác lên tận Lào Cai. 
Em suy nghĩ rất nhiều, không biết có nên tiến xa mối quan hệ với anh ấy hay không. Vì nhiều người khuyên em, lấy chồng bộ đội xa nhà rất khổ, nhất là sau này có con cái, chẳng có chồng đỡ đần, thiệt thòi đủ đường. Thực lòng, em cũng rất sợ cảnh vợ chồng Ngâu, nhìn mấy chị hàng xóm cũng có chồng đi xa mà em đã cám cảnh rồi. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ một người như anh ấy em thấy rất tiếc. Xin cho em lời khuyên - Vũ Xuyến Chi (Phú Thọ).