Ngày 23/6 vừa qua, bức ảnh chụp tại bảng địa phận Trà Vinh (cũ, nay là Vĩnh Long) đã khép lại hành trình dài hơn 3 năm của Nguyễn Quyết Sơn (SN 2000, quê Long An cũ, nay thuộc Tây Ninh), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM.

Từ một ý tưởng ngẫu hứng khi chụp bảng địa phận tại quê nhà Long An đầu năm 2022, Sơn đã biến chuyến đi ngắn thành hành trình dài hàng chục nghìn cây số, với mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng của các bảng địa phận trước khi bản đồ hành chính Việt Nam bước sang giai đoạn mới.

Không đơn thuần là hoài niệm
Khi thông tin sáp nhập đơn vị hành chính được triển khai tại nhiều tỉnh thành, thay đổi tên gọi và ranh giới địa phương, Sơn quyết định tăng tốc hoàn tất dự án nhiếp ảnh của mình. Bộ ảnh không mang tính hoài cổ hay tiếc nuối, mà là một cách gìn giữ lịch sử hành chính bằng lăng kính cá nhân.

“Đây không phải là hành động níu giữ cái cũ. Tôi ủng hộ việc tinh gọn đơn vị hành chính. Nhưng tôi tin rằng mỗi cái tên, mỗi bảng địa phận là một phần ký ức, văn hóa và tình cảm của người dân địa phương. Việc lưu giữ chúng là cách tôi thể hiện sự trân trọng với những gì đã từng tồn tại”, Sơn nói.
Trong suốt hành trình, Sơn không chỉ chụp một tấm ảnh rồi đi tiếp. Có địa phương, anh quay lại đến ba lần chỉ để chờ khoảnh khắc đẹp: trời trong, ánh sáng tốt, phông nền rõ. “Không phải bảng nào cũng dễ tìm. Có bảng nằm giữa ruộng, có bảng khuất sau lùm cây, có bảng mờ chữ. Nhưng tôi luôn cố gắng để mỗi bức ảnh đều có giá trị lưu giữ lâu dài”, Sơn kể.
Vượt bệnh tật để đi tiếp
Giữa hành trình, năm 2023, Sơn phát hiện mình mắc bệnh và phải điều trị trong thời gian dài. Hành trình bị gián đoạn hơn một năm, nhưng cũng trong giai đoạn nằm viện ấy, những tấm ảnh cũ lại trở thành nguồn động lực để anh tiếp tục.
Ngay sau khi hồi phục, tháng 4/2024, Sơn khởi động lại với hành trình kéo dài 40 ngày, đi qua 49 tỉnh thành, quãng đường hơn 10.000km, chi phí khoảng 17 triệu đồng. Ngoài bảng địa phận, anh còn tranh thủ check-in các cột mốc biên giới, khám phá đặc sản vùng miền và ghi lại những khoảnh khắc bình dị dọc đường đi.

Tuy nhiên, khi còn vài bảng chưa kịp ghi lại, thông tin chính thức về việc sáp nhập được công bố. Không chần chừ, đầu tháng 6 vừa qua, Sơn tiếp tục lên đường, lần lượt đi qua các địa danh như An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, và kết thúc tại bảng Trà Vinh (cũ) – tấm ảnh cuối cùng trong bộ sưu tập 63 bảng tỉnh thành cũ.
Điểm dừng là khởi đầu
Với Sơn, bức ảnh tại bảng Long An (cũ) có ý nghĩa đặc biệt khi vừa là nơi bắt đầu hành trình, vừa là quê hương ruột thịt. Còn Trà Vinh (cũ) là nơi kết thúc – khép lại một hành trình ba năm và mở ra một chặng đường mới.
“Khi các tỉnh thành hoàn thiện bảng địa phận mới, tôi sẽ lên đường lần nữa. Bộ ảnh sắp tới sẽ là hành trình song hành cùng sự đổi thay của đất nước. Lần này là lưu giữ hiện tại cho tương lai”, Sơn chia sẻ.
Hơn cả một bộ ảnh
Không chỉ là dấu ấn cá nhân, Sơn hy vọng những tấm hình này sẽ trở thành tư liệu cho mai sau. "Tôi mong rằng một ngày nào đó, khi nhìn lại, thế hệ sau sẽ biết rằng đã từng có một Việt Nam với 63 bảng địa phận như vậy – mỗi cái tên mang trong mình lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và ký ức của cộng đồng cư dân."

Bộ ảnh của Sơn – chụp lại những tấm bảng sắp biến mất – không ồn ào, không giật gân. Nhưng chính sự bền bỉ, chỉn chu và ý nghĩa sâu sắc phía sau lại khiến nó trở thành một hành trình đáng nhớ – như một cuốn lưu bút của thanh xuân, viết bằng ảnh, bằng bánh xe và bằng tình yêu với đất nước hình chữ S.