Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những sản vật dân dã, gắn liền với đồng ruộng, sông nước. Trong vô vàn loại rau mọc dại ven bờ ruộng, kênh rạch, cây cù nèo từng bị xem là loại rau “nhà nghèo” nay trở thành đặc sản quý hiếm được nhiều người săn lùng.

Cù nèo vốn là cây mọc như cỏ dại, nay lên đời thành đặc sản ở thành phố
Cây cù nèo thường mọc hoang ở các vùng đất thấp, bùn lầy của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn qua, nó khá giống cây lục bình nhưng rễ lại bám chắc vào lòng đất, không trôi nổi như người “anh em họ hàng” trên mặt nước kia. Lá cây mọc vươn lên, cuống dài, phiến lá có hình thuôn dài hoặc hơi bè, phần đầu nhọn, gốc lá mỏng, mép hơi xoăn, màu xanh sáng.
Vào mùa nước nổi, khi lũ tràn đồng, nhiều loại cây cỏ thân mềm bị cuốn trôi theo dòng nước, thì cây cù nèo lại kiên cường trụ vững. Nó vươn lên từ lòng bùn, đón lấy ánh nắng và nước trời để phát triển xanh tốt. Chính đặc tính sinh tồn mạnh mẽ ấy khiến cù nèo có thể sinh trưởng quanh năm và cho năng suất cao, đặc biệt trong mùa lũ.
Ngày xưa, cù nèo chỉ là món rau hái vội cho qua bữa đói của những gia đình miệt vườn nghèo khó. Người ta luộc sơ, chấm với nước cá kho hay kho quẹt, ăn cùng cơm trắng. Nhưng rồi chính hương vị giòn giòn, dẻo nhẹ, ngọt thanh của rau cù nèo lại khiến nhiều người nghiện. Dần dần, rau cù nèo len lỏi vào các hàng quán, lên tận thành phố và trở thành món đặc sản không thể thiếu trong thực đơn của nhiều nhà hàng phục vụ món miền Tây.
Có cầu ắt có cung, nhu cầu tiêu thụ cù nèo ngày càng tăng mạnh, kéo theo các mô hình trồng cù nèo chuyên canh bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa phương miền Tây. So với nhiều loại rau màu khác, cù nèo dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và có thể hái liên tục. Sau khi trồng khoảng 45 ngày, cây bắt đầu cho thu hoạch và đặc biệt có thể hái mỗi ngày, không cần đợi lâu hay cách lứa như các loại rau khác.

Cù nèo có thể làm thành nhiều món ăn hấp dẫn
Nhiều nông dân miền Tây đã thu được nguồn lợi đáng kể nhờ trồng rau cù nèo, thay thế cho các loại cây trồng kém hiệu quả khác. Rau cù nèo ăn sống là ngon nhất, giữ được trọn vẹn hương vị thiên nhiên, thường được dùng để chấm kho quẹt, nước mắm kho cá, mắm nêm… Vị ngọt thanh của rau hòa với vị đậm đà của nước chấm tạo nên sự kết hợp tuyệt vời.
Với cánh đàn ông miền Tây, cù nèo xào với tôm, thịt, lòng non là món nhậu yêu thích. Nhưng ngon nhất, hấp dẫn nhất vẫn là khi cù nèo góp mặt trong nồi lẩu mắm, mắm kho, canh chua, những món ăn đặc trưng của miền Tây sông nước. Nhiều người nói, lẩu mắm mà thiếu cù nèo thì không còn trọn vẹn hương vị, dù có đủ bao nhiêu loại rau đi nữa.

Trong các nhà hàng ở miền Tây, các món ăn từ cù nèo được du khách gần xa ưa chuộng
Theo y học dân gian, cây cù nèo có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc. Người dân thường hái đọt non, nụ hoa để làm rau, phần thân và lá cũng được sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Đây là loại rau vừa ngon, sạch, rẻ lại tốt cho sức khỏe, rất phù hợp với xu hướng ăn uống xanh – sạch – lành hiện nay.