Câu trả lời muộn màng

Lúc đó, em đã không thể gạt qua tự ái trẻ con để trả lời anh, để giờ đây em có nói điều gì cũng đã muộn màng rồi.

Nghe hàng xóm nói, anh đã thành lập công ty riêng chuyên về sửa chữa đồ điện tử. Công ty mới mở hơn một năm đã tạo được uy tín và hài lòng của khách hàng. Em nghe mà lòng vui như thế đó là thành công của mình. Vậy là cuối cùng anh đã thực hiện được giấc mơ ngày xưa, chỉ có điều trong giấc mơ đó không còn có em nữa…
Anh là thợ làm bánh lâu năm nhất ở xưởng sản xuất bánh in của nhà ngoại em. Em vẫn còn nhớ rõ cậu bé rụt rè ngày ấy, làm việc rất chăm chỉ, thành thạo nhưng lúc ngồi vào bàn ăn cơm chỉ ăn vỏn vẹn một chén cơm trắng chan xì dầu rồi vội vàng ra gốc cây mận ngồi làm chỗ nghỉ trưa. Một lần bà ngoại nấu chè, kêu em múc chè mang lên gác cho cậu nhóc lầm lầm lì lì là anh. Lúc đó là 8 giờ tối, những người thợ làm bánh khác đã đi chơi hết, chỉ còn anh nằm úp mặt xuống sàn nhà, chăm chú đọc đọc, viết viết gì đó. Em tinh nghịch tới gần, giật cuốn vở mới biết hóa ra anh đang làm toán lớp 11. Mặt anh đỏ lên, giọng nói nghèn nghẹn pha lẫn chút trách móc: “Nhi đừng làm như vậy” rồi chạy ra gốc mận ngồi. Đó là lần đầu tiên anh nói chuyện với em sau 6 tháng vào làm bánh. Em ngờ ngợ, anh đã biết tên em từ khi nào nhỉ?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lân la tìm hiểu cuối cùng em cũng biết sau cái dáng vẻ lầm lì, ít nói của cậu bé chỉ trạc tuổi em là một câu chuyện thật buồn. Gia đình anh bị vỡ nợ, ba trốn đi biệt xứ, anh phải bỏ học đi làm để phụ mẹ trang trải nợ nần. Bà ngoại thở dài: “Thằng bé trước đây hoạt bát, học giỏi lắm, từ lúc nhà xảy ra chuyện nó không buồn nói chuyện với ai, tội nghiệp”. Em nghe mà trong lòng trĩu nặng, nhớ đến ánh mắt u buồn của anh lúc ngồi trầm ngâm dưới gốc mận mà thương quá đỗi.
Trong bữa cơm, em cố tình bới cho anh một tô cơm to bỏ sẵn thật nhiều đồ ăn rồi nói: “Nếu thích, D cứ ra gốc mận ngồi ăn, nhưng nhất định phải ăn cho hết nghen”. Tối tối, tranh thủ lúc anh đi tắm giặt, em mang sách tham khảo mua ở hiệu sách cũ để trên gối. Những lúc rảnh rỗi em xuống chỗ làm bánh phụ ngoại, cố tình kể vài truyện cười để mong nhìn thấy một nụ cười trên gương mặt của anh. Em cũng không biết tại sao em làm như vậy, có điều gì đó cứ thôi thúc trong lòng khiến em không thể nào ngừng quan tâm tới anh.
Vậy mà anh vẫn thờ ơ, lạnh nhạt, đến cả cái nhìn khi lướt qua nhau anh cũng chẳng thèm. Rồi một lần em đang nấu cơm dưới bếp, loay hoay thế nào lại bị dao cắt vào tay một nhát sâu chảy máu. Lúc em đang rơm rớm vì đau mà không biết làm thế nào, anh xuất hiện như một vị cứu tinh, lấy rau tía tô trong rổ bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi đắp vào vết thương cho em. Em sững sỡ, giật tay lại. Anh nhăn mặt, vẻ đầy lo lắng: “Vết cắt sâu quá, đắp lá này vô cho cầm máu đỡ”. Em biết anh không lạnh nhạt với em như vẻ ngoài đâu mà.
Từ đó, những người thợ làm bánh thường thấy em lẽo đẽo theo anh, cùng làm, cùng học, cùng chơi, cùng đọc sách. Trong một lần cùng nhau leo lên mái nhà ngắm trăng sao, lúc đó chỉ còn vài tháng nữa là em thi đại học, anh kể cho em nghe về giấc mơ vào học trường Đại học Bách khoa, về giấc mơ trở thành một kỹ sư cơ khí. Mắt anh sáng lấp lánh như ngôi sao tuyệt đẹp trên bầu trời. “Bây giờ D chỉ muốn trả hết nợ nần cho mẹ, đi học bổ túc văn hóa rồi học nghề sửa đồ điện. Sau đó, D sẽ tích góp tiền để mở một tiệm sửa đồ điện ngay ngã tư kia kìa. Vừa nói, tay anh vừa chỉ về phía con đường trước mặt. Em không nhìn con đường đó, em chỉ nhìn anh, buột miệng hỏi: “Trên con đường của D có chỗ dành cho Nhi không? Anh quay lại, vẻ mặt nhìn em đầy u uẩn rồi bỏ đi, để lại em với khoảng trời mênh mông trước mặt.
Giờ thì, sau 10 năm, em đã có câu trả lời cho mình. Sáng nay, bà ngoại chìa cho em tấm thiệp cưới màu hồng của anh. Những kỉ niệm thuở nào ùa về trong em. Câu hỏi ngày xưa anh hỏi trước lúc tiễn em lên xe xuống Sài Gòn học vẫn còn văng vẳng đâu đây: “D biết, Nhi đối với D chỉ là thương hại mà thôi, đúng không? Lúc đó, em đã không thể gạt qua tự ái trẻ con để trả lời anh rằng: “Em thích anh, là thích, chứ không phải thương hại”, để giờ đây em có nói điều gì cũng đã muộn màng rồi.

Mẹ chồng “soi bóng”… nàng dâu

Chị lấy chồng sớm nên hơn 40 tuổi đã “lên chức” mẹ chồng. Từ ngày có con dâu, nhà thêm người nên có chút xáo trộn nếp sinh hoạt...

Ngày trước, chị dù nắm quyền “lãnh đạo” nhưng cũng kiêm “nhân viên” phục vụ của ba bố con. Đi thì chớ về đến nhà là quần áo, giày dép bố con thay ra vứt từ tầng dưới lên tầng trên. Họ ngồi góc nào là góc ấy tàn thuốc lá, bã chè, bàn cờ tướng, báo chí bừa bãi. Dù nói thế nào, chị cũng chẳng thay đổi nổi mấy bố con. Vậy là chị tay làm miệng nói, lâu dần trở thành người phụ nữ lắm điều trong nhà. Cũng vì cách sống ấy mà chị không được lòng mẹ chồng nhiều. Bao năm nay, mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu cứ như lửa với nước.

Giờ con dâu chị không cần “lắm điều” nhưng lại đưa mọi người vào khuôn khổ đâu vào đấy. Tuần đầu, nó quan sát nếp sinh hoạt nhà chồng, tuần sau rủ mẹ chồng đi chợ. Hôm đó, nó mua mấy cái sọt nhựa lớn về đặt ở trước cửa mỗi phòng ngủ nhẹ nhàng bảo: “Từ nay công việc giặt giũ quần áo cả nhà con sẽ đảm nhiệm thay mẹ. Vì không tiện vào phòng mỗi người thu dọn quần áo bẩn nên bố mẹ và chú út thay xong cho vào sọt hộ con”. Chỉ một yêu cầu nhỏ ấy của con dâu nhưng đã thay đổi cả thói quen vứt quần áo bẩn bừa bãi của mấy bố con. Đơn giản thế mà sao trước đây chị không nghĩ ra. Cứ thế những việc trước đây, chị nhắc nhở, la mắng thế nào bố con nó cũng chẳng thay đổi nhưng con dâu lại âm thầm làm được điều đó mà không gây ức chế, khó chịu cho người nào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đi làm thì thôi, về đến nhà là con dâu luôn miệng “mẹ ơi”. Vào bếp dù làm được hay không nó cũng “mẹ ơi, con làm thế này được chưa”, “mẹ ơi, xem hộ con cái này”, “mẹ ơi, con sắp xếp thế này được không ạ”. Rõ ràng là nó làm được, hỏi cho có lệ nhưng sao chị vẫn thấy mát lòng mỗi khi được nó xin ý kiến. Mỗi lần nó có làm hỏng việc, chị chẳng nỡ buông lời trách mắng. Khi nó mới về, chị thấy khó chịu với cái từ “mình ơi” của con dâu gọi chồng. Bởi sau mỗi từ đó là con trai chị như một con rối để cho nó sai vặt. Nào là “mình ơi, giúp em cái này”, “mình ơi, lấy hộ em cái kia”…

Nhưng sau một thời gian, chị thấy cái từ “mình ơi” ấy khiến vợ chồng chúng nó lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, con trai sống có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ việc nhà với vợ và mẹ. Cứ mỗi lần nghe con dâu ngọt ngào “mình ơi” với con trai, chồng chị lại nhìn vợ nháy mắt: “Đàn ông mà lúc nào vợ cũng gọi như vậy thì bảo đi vá trời cũng làm”. Cái từ “mình ơi” hóa ra có tác dụng rất đặc biệt với đàn ông, chỉ là chị không biết cách sử dụng nó.

Chị dâu trưởng gọi điện sang báo mẹ chồng ốm phải nằm viện điều trị ít lâu. Chị theo nếp cũ: “Mẹ tính đưa cho bác trưởng ít tiền thuê người chăm bà ở viện như mọi lần”. Bên kia, bác trưởng cũng đồng ý với phương án đó nên mọi chuyện liên quan đến việc nằm viện của bà nội đều được giải quyết bằng các dịch vụ từ ăn uống đến chăm sóc hàng ngày. Thế mà, con dâu chị cứ cách ngày lại hì hục nấu cháo mang vào bảo đổi món cho bà. Mỗi lần vào viện, nó “kể công” vất vả nấu cháo để ép bà ăn. Suốt một tháng trời, cả nhà cứ vì nồi cháo nó cần mẫn nấu nên thay nhau mang vào viện cho bà liên tục. Không giống như trước kia chỉ thỉnh thoảng đảo qua thăm bà chớp nhoáng rồi về lo công việc.

“Nhà chị thật có lòng với mẹ chồng, lại khéo dạy dâu hiếu thảo với bà cụ quá. Chẳng bù cho nhà tôi…”. Nghe bà cụ nằm chung phòng bệnh khen, lòng chị thoáng chút ngại ngùng. Nếu không vì nồi cháo của con dâu, chắc chị cũng chẳng có cơ hội nhận được lời khen này. “Thấy cháu dâu bảo dạo này mẹ nó hay đau đầu chóng mặt. Mẹ nó mang cái này về bồi bổ, mọi người cho nhiều quá mẹ dùng không hết”. Mẹ chồng chị vừa nói, vừa đưa lấy ra hộp sâm. Lòng chị ngèn ngẹn: “Sắp tới bác trưởng đi chăm con dâu ở cữ, mẹ về nhà con sống ít lâu nhé!” – chị vừa bóp chân cho mẹ chồng vừa mở lời. Ánh mắt bà cụ nhìn chị trìu mến, bao năm làm dâu lần đầu tiên chị cảm thấy mọi khúc mắc mẹ chồng nàng dâu trước đây biến mất. Chị thầm cảm ơn cô con dâu trẻ người mà không non dạ nhà mình.

“Rảnh tay” sau ly hôn

Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”.

1. Sau một tháng ly hôn, anh trở thành vị khách thường xuyên nhất của văn phòng Tâm Giao. Mỗi lần đến tìm mã số mới, câu hỏi duy nhất của anh là: “Có mã số nào mới còn độc thân, hoặc ly hôn nhưng không vướng bận con cái không?”. Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”. Rồi anh tiếp tục phân bua như để thanh minh cho tiêu chí tìm bạn của mình: “Hôn nhân có con chung, con riêng phức tạp lắm…”.

Với tài ăn nói và hình thức khá điển trai, anh nhanh chóng kết nối thành công với một mã số nữ trẻ trung xinh đẹp, chưa kết hôn lần nào. Ai cũng bảo anh có tài tán vợ, có tuổi lại qua một lần đò mà vẫn cưới được gái tân xinh đẹp.

Mỗi lần ngồi với mấy ông bạn cũng một lần đổ vỡ, đang sống trong những cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại”, nghe họ kể chuyện đau đầu khi sống cảnh “con anh con em”, anh lên giọng: “Các ông chẳng biết tính toán cho mình gì cả, cứ như tôi đây “nhường” hết quyền nuôi con cho vợ cũ vừa được tiếng lại được miếng. Hai đứa trẻ không phải chia cách nhau, còn mình có điều kiện dễ dàng tái hôn hơn. Thỉnh thoảng về thăm chúng một lần, chu cấp thêm một ít, đỡ phức tạp cho cả đôi bên. Lựa chọn đối tượng phải tìm “gái tân” không thì cũng phải tìm người “rảnh tay” giống mình, có như vậy mới không đau đầu!…”. Nghe anh nói, mấy ông bạn gật gù trong hơi men khen anh “sáng suốt”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
2. Lấy nhau hơn 10 năm, chị thấm thía nỗi khổ của một cuộc hôn nhân bất hạnh. Lá đơn ly hôn được chị viết sẵn nằm sâu trong góc tủ, mấy lần lấy nó ra để ký tên nhưng nhìn hai đứa con còn quá nhỏ chị lại không đành. Cho đến lúc đứa thứ hai lên 5 tuổi, chị mới quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy. Khi hai người ký vào đơn, đề cập chuyện thỏa thuận chia tài sản và nuôi con. Ngay lập tức, anh “nhường” hết quyền nuôi con cho chị với lý do “không đành chia cắt hai đứa trẻ”. Anh cũng tỏ vẻ hào phóng khi dành “phần hơn” tài sản cho chị để nuôi con. Ra tòa, phần cấp dưỡng, anh xin đóng “một cục”. Nhận toàn quyền nuôi hai đứa con, chị nghĩ âu cũng có cái may, mẹ con không phải chia lìa.

Cuộc sống sau ly hôn ban đầu có vẻ ổn nhưng sau đó thì những điều bất ổn xuất hiện. Việc nuôi dạy hai đứa con lớn lên khi hôn nhân đổ vỡ không hề dễ dàng đối với một người phụ nữ bận rộn như chị. Tìm anh đề cập đến vấn đề nuôi dạy con cái nhưng chỉ nhận được thái độ thờ ơ bất hợp tác. Giờ anh đã có hạnh phúc mới, chuyện đó chị phải chủ động vì đã “toàn quyền” với chúng.

Chị nghĩ đến việc tìm hạnh phúc mới để làm điểm tựa. Nhưng gánh nặng nuôi con sau ly hôn đã vô tình trở thành vật cản lớn. Đàn ông đều muốn một người phụ nữ rảnh rang, ít ai muốn san sẻ cái gánh nặng mà người đàn ông trước “cố tình” bỏ lại. Chị lại tìm đến chồng cũ đề nghị thay đổi quyền nuôi con để anh đảm nhận việc nuôi dạy một đứa. Anh viện đủ lý do để từ chối, thậm chí cảnh báo việc “mẹ ghẻ” ghê gớm có thể làm khổ thằng bé.

Nhân có quyết định nhận công tác một thời gian ở nước ngoài, chị cho con về sống bên bố. Được một thời gian ngắn, anh về điều đình với bố mẹ vợ cũ cho con về đó “sống tạm”. Chưa được bao lâu, anh được công an phường mời lên “xác nhận” là người thân của một đối tượng trong băng nhóm cướp giật trên đường phố. Nhìn đứa con trai chưa đến tuổi thành niên, học hành dang dở, nhìn bố với ánh mắt hận thù qua song sắt phòng tạm giam, anh mới thấm thía cái giá của việc muốn… rảnh tay.