Chiều 14/7, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp với 126 xã, phường về tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường.
Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng - giám đốc Công an Hà Nội - cho biết hiện Công an Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động 261 camera AI gắn với 10 tiện ích trên toàn địa bàn.
Ngồi tại trung tâm chỉ huy có thể "soi" đến Bến Đục (khu vực chùa Hương), có thể xác định từng người ngồi trong thuyền, theo giám đốc Công an Hà Nội.

Hiện Công an TP Hà Nội đang khẩn trương lắp đặt thêm hệ thống camera để phục vụ lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khi hoàn thành về an ninh trật tự cơ bản đảm bảo.
Về hệ thống camera mới lắp đặt, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng thông tin khi triển khai đầy đủ hệ thống trên, dự kiến đến ngày 18/12 giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Nêu lý do, ông Tùng cho biết hệ thống mới có khả năng nhận diện biển số, điều khiển giao thông theo làn xanh, lượng giao thông, điều tiết đều có khả năng xử lý.
Đặc biệt, hệ thống có khả năng nhận diện khuôn mặt, nếu có đối tượng truy nã ở đâu camera có thể nhận diện tự động báo về trung tâm chỉ huy.
"Gói thầu thứ 2 đến quý 3-2026, toàn bộ camera AI sẽ nhận diện được môi trường vỉa hè, hành động vứt rác không đúng quy định sẽ được chụp để xử lý, khi đó mới thay đổi hành vi của người dân về môi trường.
Dự kiến tháng 6/2026, hệ thống sẽ vận hành, khi đó sẽ đảm bảo được nề nếp quy củ kể cả trật tự vỉa hè, đô thị" - ông Tùng cung cấp thông tin rõ hơn.

Trung tâm chỉ huy giao thông của Công an Thành phố theo dõi dữ liệu từ hàng trăm camera được lắp đặt khắp các tuyến phố. Ảnh: Công an TP Hà Nội
Việc ứng dụng AI trong quản lý giao thông và trật tự đô thị không chỉ là bước tiến kỹ thuật, mà còn là cuộc chuyển đổi tư duy quản trị đô thị. Công nghệ giúp giảm gánh nặng cho lực lượng chức năng, tăng tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong xử lý vi phạm.
Từ người kinh doanh, lái xe, doanh nghiệp dịch vụ đến giới luật sư - mọi ý kiến đều đồng thuận rằng: AI là tương lai tất yếu. Khi được vận hành đúng luật, minh bạch, có giám sát độc lập, hệ thống này sẽ góp phần định hình văn hóa giao thông mới, nơi người dân tự giác chấp hành và tôn trọng luật pháp, vì sự an toàn và văn minh chung của Thủ đô.
Luật sư Phạm Quốc Thanh (Văn phòng luật sư Quốc Thái) nhận định, áp dụng AI vào quản lý giao thông là giải pháp hiện đại, có khả năng giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột giữa lực lượng chức năng và người dân. “Việc xử phạt vi phạm giao thông, nếu có hình ảnh, dữ liệu cụ thể từ hệ thống AI sẽ giảm thiểu tranh cãi, khiếu nại. Đây là biện pháp phòng ngừa tiêu cực hiệu quả. Người dân được bảo vệ, còn lực lượng thi hành pháp luật cũng giảm tải và tránh những tiếp xúc dễ phát sinh rủi ro về đạo đức công vụ”, luật sư Thanh cho biết.
Từ những người lái xe, người kinh doanh, đến chuyên gia pháp lý, tất cả đều cùng quan điểm rằng: nếu được triển khai bài bản, đúng pháp luật, AI là công cụ hỗ trợ đắc lực và công bằng cho cả người dân lẫn chính quyền.