Cám ơn đời có em và bóng đá

Em ạ, mùa bóng lại một lần nữa đến. Nhìn những món đồ em chuẩn bị cho anh, anh thấy như mình có cả thế giới trong tay.

World Cup 2014 đã bắt đầu. Ngày từ đầu tuần em đã có kế hoạch mua một thùng mì và hai chục hột gà, hai chục cây xúc xích, một giò chả lụa để anh thức khuya xem bóng đá.
Chúng ta đã lấy nhau được hơn hai mùa bóng, tức 10 năm rồi. Bé Ti năm nay đã vào lớp 4 nhưng tình yêu của anh dành cho em hình như ngày càng mãnh liệt bởi không ai hiểu anh, yêu anh và chiều anh bằng em.
Còn nhớ năm 2000 mình quen nhau, nhiều buổi chiều em phải ngồi kế bên anh, hy sinh chiều cuối tuần để anh xem…bóng đá. Em luôn vui vẻ cùng anh theo cái bóng lăn dù với bóng đá em là ngoại đạo. Khi thì Sea Games, lúc thì ngoại hạng Anh, lúc thì Euro…Bạn bè, cũng như gia đình nói chỉ vì anh và em chưa cưới nhau, nếu cưới rồi chưa chắc em chịu để anh xem bóng đá. Còn em luôn cười trả lời mọi người về tình yêu bóng đá của anh: “Ảnh yêu trái bóng mà, có yêu cô nào đâu mà sợ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Năm 2003 mình cưới nhau. Những trận bóng đá trong 10 năm chung sống từ lần đầu đến hôm nay, World Cup 2014, em vẫn vui vẻ mua cho anh mì tôm, giò chả…để anh bồi dưỡng “giữa trận” với điều kiện không được cá độ…Anh cũng giữ lời sẽ yêu bóng đá một cách trong sạch, chơi để vui, đam mê nhưng chỉ là giải trí....
Còn nhớ World Cup 2006, anh còn ở nhờ nhà vợ, em đã ky cóp mua một chiếc tivi nhỏ để trong phòng cho anh xem bóng đá. Rồi mình tiện tặn mua một miếng đất nhỏ, xây lên căn nhà cấp 4 ở quận 8. Điều đáng nói là em đã mua cho anh một chiếc tivi to hơn để xem World Cup 2010. Anh vẫn giữ chiếc tivi nhỏ của mùa bóng trước trong phòng ngủ để trân trọng tình yêu của em.
Em ạ, mùa bóng lại một lần nữa đến. Nhìn thùng mì nằm trong góc phòng, hột gà, xúc xích trong tủ lạnh…Anh thấy như mình có cả thế giới trong tay.
Xin cám ơn đời có em và trái bóng.

“Ly thân” vì… trái bóng

Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”.

Ai bảo tôi quê, tôi chịu, nhưng tôi vẫn khẳng định mình không thích bóng đá và thật sự bực bội với World Cup. Từ ngày thấy chồng tháo bức tranh yêu thích của tôi trên tường để dán lịch thi đấu World Cup lên, tôi bực và thấy... khó ở ghê gớm.

Tôi phải chịu đựng chồng ba mùa World Cup và tôi biết lần thứ tư này cũng chẳng có gì sáng sủa. Giải bóng đá này thường diễn ra vào giờ rất oái ăm là giữa đêm. Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”. Đã thế, sinh hoạt của hai mẹ con tôi còn bị đảo lộn nghiêm trọng.

Căn nhà cấp 4 của tôi không tách biệt được âm thanh giữa phòng khách và phòng ngủ. Đến mùa World Cup, chồng biết thân biết phận, ôm gối ra phòng khách xem bóng đá và ngủ luôn. Tôi vốn khó ngủ, nên dù chồng có để âm thanh rất nhỏ, tôi vẫn nghe thấy. Cuối cùng, chồng cũng nhượng bộ tắt âm thanh, nhưng “khuyến mãi” thêm câu lầm bầm: “Coi đá banh mà không được nghe tiếng, cứ như ăn thịt chó mà không có mắm tôm”. Dù để ti vi "câm" nhưng mỗi khi gặp tình huống gay cấn chồng tôi lại nhảy cẫng lên, hét to. Dù chỉ hét một tiếng rồi im bặt, nhưng đủ làm cho tôi tỉnh giấc. Có lần, nửa đêm, mệt mỏi lại mất ngủ, “bản tính đàn bà” trong tôi nổi lên. Tôi cằn nhằn, giận dỗi, nhưng chồng tôi cứ như “giả điếc”, vẫn cắm mắt vô màn hình ti vi. Tôi không kiềm chế được, tắt phụp ti vi, ném remote vỡ tan. Rõ ràng là tôi đã quá đáng, vượt qua sức chịu đựng của chồng, nên anh nổi giận, lời qua tiếng lại. Sau trận cãi vã lúc nửa đêm, chồng tôi chốt lại: “Từ mai không coi bóng đá nữa”. Vậy mà, hôm sau anh đi làm về, tay cầm remote mới, đon đả lấy lòng vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cái món bóng đá ấy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình trong lúc trận đấu diễn ra, mà còn khiến chồng tôi như người mất hồn, đờ đẫn suốt cả ngày. Buổi tối, cả nhà cùng ăn cơm, mặc cho vợ lụi hụi nấu nướng vất vả, anh cầm đũa hờ hững, mắt dán vào ti vi để xem tin tức World Cup. Con gái thấy vậy, nhắc: “Trong lúc ăn cơm, ba không được xem ti vi, ba dạy con vậy mà”, "quê độ" kèm bực bội (do đội nhà bị thua tan tác) nên anh cứ thế mà quát con. Có lúc nửa đêm, tôi đang ngủ, bị... khều dậy, tưởng gì, hóa ra “anh đói quá, cho anh cái gì ăn tạm”. Tôi phải bò dậy nấu nướng, nấu xong lại càng mất ngủ. Được vài hôm đầu chịu khó chăm sóc chồng, sau đó tôi bỏ mặc, không kham nổi.

Cả nhà đi chung một chiếc xe nhưng vào mùa World Cup, con gái trễ giờ học, vợ trễ giờ làm vì chồng tôi dậy không nổi, ngáp lên ngáp xuống. Có hôm anh ấy còn đòi nghỉ làm để ở nhà… ngủ! Tôi chưa từng có ý nghĩ, một người vốn chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc như chồng tôi lại có thể xin nghỉ phép để ngủ! Tôi nhất quyết không đồng ý, bắt chồng phải đi làm. Có hôm, anh ấy kể, vì quá buồn ngủ nên đã ngủ gục một giấc dài trong nhà vệ sinh cơ quan. Không thể tưởng được!

Tôi không hiểu về bóng đá, nên không biết bóng đá hấp dẫn đến mức nào, nhưng theo cách nghĩ kiểu “đàn bà bé mọn” như tôi, đó cũng chỉ là một môn giải trí, như tôi ghiền phim Hàn là cùng chứ gì! Tôi ghiền phim Hàn nhưng nếu phim chiếu quá trễ, tôi có thể bỏ phim để bảo đảm giấc ngủ; cớ sao chồng tôi bỏ một trận bóng đá mà vật vã như thế?

Tôi biết World Cup bốn năm mới có một lần, nhiều người mong chờ để được thưởng thức. Nhưng, tại sao chỉ vì môn giải trí, mà một người đàn ông vốn sống tình cảm, có trách nhiệm với vợ con lại trở thành một người hoàn toàn khác như vậy? Những giận hờn, khúc mắc thường ngày của hai vợ chồng, những căng thẳng trong công việc của vợ cứ chất chồng ngày nọ qua ngày kia, chẳng có dịp chia sẻ, tháo gỡ. Mỗi khi tôi tỏ ý khó chịu và muốn chồng dành thời gian để trò chuyện, anh ấy vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti vi, còn tỏ vẻ khó chịu. Tôi phát hiện, World Cup còn khiến chồng tôi bẳn tính ra.

Chán nản, tôi chẳng buồn trò chuyện, hỏi han, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng nữa. Chồng tôi cũng vậy, chỉ quan tâm đến thông tin cầu thủ, kết quả trận đấu hơn là việc hôm nay vợ buồn hay vui. Hai vợ chồng chẳng khác nào đang ly thân.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ hiểu được vì sao đàn ông mê xem bóng đá đến vậy. Tôi chịu đựng hết mùa World Cup này đến mùa World Cup khác, chỉ còn biết ngồi đếm cho một tháng World Cup trôi qua thật nhanh. Giờ thì nó chỉ mới bắt đầu. Có cách nào để giúp chồng tôi vừa xem bóng đá vừa để mắt đến vợ con không nhỉ?

Lưỡi tầm sét của người con gái đẹp

Cảm ơn em, bà mối thật mát tay. Những kỷ niệm ấy chợt ùa về khi anh nhớ ra rằng ngày này 8 năm trước, anh đã bị sét đánh…

Hôm qua đứng trú mưa dưới mái hiên một căn nhà, nghe người đứng bên cạnh kể chuyện ai đó đi làm ruộng bị sét đánh nhưng không chết, anh không nhịn được cười và liên tưởng đến chuyện của mình.

Anh cũng là người bị sét đánh mà không chết. Nhưng lưỡi tầm sét đánh trúng anh không phải của thiên lôi mà là của một người con gái đẹp. Tám năm rồi phải không em?

Em sẽ chẳng bao giờ biết được có dạo anh ghét em ghê gớm và cho rằng em chính là nguyên nhân những khổ đau, ê chề của mình. Lần đầu gặp nhau, anh nhìn em không phải bằng mắt mà bằng trái tim của mình. Sau này, anh hay tự hỏi: Người phụ nữ đứng trước mặt mình sao duyên dáng, nhẹ nhàng, đáng yêu như vậy? Chỉ cần được đứng gần hoặc chạm nhẹ vào người ấy chắc cũng hạnh phúc lắm. Thế mà hạnh phúc với anh còn nhiều hơn thế. Em đã đến bên cạnh, mỉm cười và chìa tay ra. Ôi, bàn tay mềm mại, ấm áp làm sao! Anh bối rối nắm lấy và quên cả phép tắc lịch sự là phải buông ra…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lần ấy anh đã trúng lưỡi tầm sét chứ không phải mũi tên của thần tình yêu. Những ai đã từng biết anh đều ngạc nhiên bởi anh vốn nổi tiếng là người nhát gái và lạnh lùng. Chính em đã làm cho anh trở thành cuồng nhiệt, mạnh bạo và… đường đột. Anh đã tìm em và nói yêu em bởi anh sợ nếu mình chậm chân sẽ có người đến trước.

Thế nhưng, câu trả lời dành cho anh là “em đã có người yêu và sắp sửa làm đám cưới”. Có lẽ thấy quá tội nghiệp nên em đã làm mai cô bạn thân cho anh. Thoạt đầu anh rất tức giận nhưng sau đó, anh nhận ra em có một trái tim bằng vàng. Mối lương duyên em đặt vào tay anh mới chính là diễm phúc của đời anh.

Cảm ơn em, bà mối thật mát tay. Hôm nay, những kỷ niệm ấy chợt ùa về khi anh nhớ ra rằng ngày này 8 năm trước, anh đã bị sét đánh…

Vợ yêu thương thái quá

Cứ thấy cái gì đẹp, tốt là chị mang về, cố gắng “trang bị” cho người chị yêu thương, chẳng cần biết họ có vui, có thích, có hợp không.

Càng nghĩ, chị càng thấy cái câu “làm ơn mắc oán” sao cứ vận vào mình. Mỗi lần chị ngồi ngẩn ngơ với cái ý nghĩ đó, anh đi ngang, thòng một câu: “Đọc hoài nên nó vận vô người đó!”. Chị nguýt dài, nhìn theo bóng ông chồng, lại nghĩ, lấy oán trả ơn chị nhiều nhất, chính là cái nhà này, mà cụ thể là ổng - ông chồng đó chớ ai!

Từ Tết tới giờ, hễ đi ngang cái tủ quần áo là anh lại liếc chị một cái: “Cái tủ muốn nổ rồi, bà liệu mà dọn hết ra đi!”. Mười mấy năm nay, cái tủ quần áo luôn là đề tài cãi vã của hai vợ chồng. Từ trước Giáng sinh, chị ra đường cứ phải dáo dác nhìn, thấy chỗ nào bán đồ nam đẹp là mua cho anh mặc Tết. Tết mà, phải bận mỗi ngày mỗi bộ, lại phải đồ màu sáng, trong khi đồ anh cái nào cũng xám xịt. Thế là chị mua bốn, năm cái áo sơ mi, rồi quần, rồi áo ấm... Khổ nỗi, cái nào anh cũng chê õng chê eo, còn kết tội vợ lãng phí, rỗi hơi. Chị vừa tức, vừa tủi. “Anh tưởng đi mua quần áo sướng lắm hả? Tưởng tui thừa tiền hả?”. Nói tới đó là chị rấm rứt khóc. Anh nhẹ giọng, “khổ vậy thì từ nay đừng phí sức nữa”. Chị càng ức, dỗ dành gì mà như tát nước vô mặt. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị giận không nói năng mấy ngày, anh xuống nước, hứa sẽ mặc hết số quần áo vợ mua mới yên chuyện. Tết, sáng anh thức dậy đã thấy một bộ quần áo màu mè ủi phẳng lì, treo sẵn. Anh đau khổ mặc vào, đi tới đâu cũng nhìn trước ngó sau, sợ người ta đàm tiếu cái… màu áo. “Thực hiện” được hai ngày, anh chịu hết nổi. Ngày mùng Ba anh “thất hứa”, lôi mấy cái áo xám xịt ra mặc, phớt lờ ánh mắt thảng thốt của vợ: “Mặc vầy, tui mới tự tin!”. Tới lượt chị sa sầm. Anh chán, không buồn đi đâu nữa. Nhưng, càng nghĩ anh càng ức. Chuyện quần quần áo áo, bao nhiêu năm nay mỗi lần vợ mua đồ mới về là mỗi lần sinh chuyện, sao vợ không chừa? Chị không được hưởng ứng, thì trách chồng không quý công vợ, không biết “sang vì vợ”, nhiều lúc chị còn nửa giỡn nửa thật, mỉa mai anh là “đồ cùi bắp”.

Anh “cùi bắp”, phụ lòng chị đã đành, đến cha mẹ chồng cũng chẳng trân trọng tình cảm của con dâu. Ngày chị về làm dâu, anh mới ra trường đi làm được hai năm, nhà chồng còn khó khăn vì phải nuôi hai đứa em anh đi học. Cái khó chia đều cho cả nhà, ai cũng phải tằn tiện đắp đổi qua ngày. Giờ, kinh tế khá hơn, chị muốn bù đắp cho cha mẹ nên chăm chút từng bữa ăn. Những “món ruột” của cha mẹ bị xóa sổ hết. Nào thịt mỡ, mắm tôm, nào cá vụn kho mặn, chị bỏ hết. Thịt mỡ không tốt cho tim mạch, mắm tôm không vệ sinh dễ gây ngộ độc, các món mặn thì gây hàng trăm căn bệnh khác... Cha mẹ chồng bị chị thuyết phục, cũng ráng tập ăn mấy món nhạt thếch, vì sức khỏe. 

Chị đang tự hào vì cuộc “cách mạng” đó thì phát hiện, những lúc chị đi vắng, mẹ chồng lại ra chợ mua mắm tôm về ăn, xóa sạch dấu vết trước khi chị về. Lần đầu phát hiện, chị kiên nhẫn giảng lại một bài về những món ăn gây hại cho sức khỏe, mẹ chồng lại gật gù “mẹ biết, mẹ biết”. Nhưng, chẳng vì “mẹ biết” mà mẹ thay đổi. Thỉnh thoảng mẹ lại tự ra chợ mua miếng thịt mỡ về kho, rồi lấp liếm: “Lâu lâu mới ăn một lần, chắc chẳng chết được”. Chị đang sốt ruột, chỉ chờ có vậy là “xả” một tràng, rằng là dù chỉ một xíu cũng hại, rằng đã kiêng thì phải kiêng tới cùng… Mẹ chồng vuốt mặt không kịp, chờ con dâu nói xong, bà cắp cái nồi đi một hơi, vừa đi vừa nói: “mẹ làm, mẹ chịu…”. Chị thả miếng cá chim đang định rã đông xuống sàn nhà, thẫn thờ nhìn theo. Mấy chữ mẹ vừa thốt ra như đã đem bao công sức của chị đổ sông đổ biển.

Ngồi điểm những “bất hạnh” của mình, chị lại nhớ chuyện “vô ơn” của em chồng. Ngày đó, em chồng thi rớt đại học ngành văn, đúng thời điểm chị mới về làm dâu. Chị an ủi: “Trong rủi có may, em mà học ngành đó, sau này biết làm gì ăn!”. Rồi, chị tìm cách đăng ký cho em chồng đi học một lớp công nghệ thông tin, để sau này sắp xếp cho nó một chân IT ở công ty gia đình chị. Em chồng đang buồn, cứ thế xuôi theo tính toán của chị dâu. Giờ, em chồng đã ổn định công việc, cả nhà ai cũng mừng, chỉ riêng “nhân vật chính” là suốt ngày ngẩn ngơ, chẳng buồn phấn đấu, tiến thân, lâu lâu lại nghỉ việc, xách đàn đi trại sáng tác. Ngày xưa, chị em còn gần gũi, em thủ thỉ tâm sự, chị từ tốn khuyên răn. Giờ, chị lân la lại gần, hỏi được mấy câu thì mất hứng vì em chồng chẳng hào hứng chuyện trò. Chị nghĩ mà buồn, sao nhà chồng đi đâu cũng khen chị giỏi giang, mà về nhà lại đối xử với chị như thế?

Đang ngồi than thân trách phận, chị nghe mấy cái loa ở bốn góc nhà vang lên một khúc nhạc đồng quê nước ngoài. Anh đẩy cửa phòng, ló đầu vào: “Nghe nhạc giải sầu hen bà thần quần áo!”. Chị vùng vằng: “Anh tắt ngay giùm em đi!”. Anh làm bộ buồn rầu: “Sao em than buồn? Em buồn anh mới mở nhạc mà, đúng là… làm ơn mắc oán!”. Chị cãi: “Ở đâu ra cái kiểu nhạc nhão nhoẹt đó, xưa nay anh có thèm nghe loại nhạc đó đâu!”. Anh nháy mắt: “Thì giờ anh cũng bắt đầu mặc áo xanh đỏ tím vàng đó thôi, nhạc chỉ nghe ngoài tai, nhằm nhò gì!”. Rồi anh khép cửa, chạy biến ra ngoài. Chị giật mình biết mình hớ, hóa ra nãy giờ “lão” chơi khăm chị. Mà, xưa giờ chị toàn yêu thương theo kiểu đó chứ đâu! Cứ thấy cái gì đẹp, tốt là chị mang về, cố gắng “trang bị” cho người chị yêu thương, chẳng cần biết họ có vui, có thích, có hợp không.