![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mặc dù các cuộc hôn nhân không tình yêu không thể hiện các dấu hiệu tiêu cực hay mâu thuẫn quá rõ ràng, nhưng sống chung với người mà mình không yêu thương thì liệu điều đó là giải pháp thông minh hay tai hại?
Cuộc sống luôn luôn thay đổi và đôi khi con người cũng vậy, khi yêu người ta có thể "chết" vì nhau hi sinh tất cả cho nhau tất cả nhưng cái thứ gọi là tình yêu nồng cháy đó không còn hiện hữa nữa thì người ta lại có thể sẵn sàng hành hạ nhau, làm khổ nhau bằng trăm nghìn cách trên đời. Và có người còn thẳng thừng tuyên bố "không ly hôn để hành hạ đối phương của mình".
Chị Nhung một người nhan sắc thuộc hạng mặn mà, chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Hà Nội. Vợ chồng chị sống với nhau cả chục năm trong cảnh cả hai đều đã "ngán" nhau như nước với lửa. Chồng chị Nhung vốn là một ông sếp lớn trong một công ty tư nhân, từ ngày lên sếp anh bắt đầu bỏ bê vợ con nhà cửa, cặp kè với những em chân dài, trẻ đẹp ngang nhiên trước mặt chị. Thậm chí, anh ta còn ngang nhiên dẫn bồ đi dự các cuộc họp, dịp vui chơi với đối tác.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Và cũng đã ngót chục năm sống trong cảnh chứng kiến chồng cặp bồ ngang nhiên, nhưng chị Nhung vẫn không có ý định kết thúc cuộc hôn nhân vốn dĩ đã rất ngột ngạt của mình.
Biết chồng ngoại tình mà vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” cũng là tình trạng mà chị Lan, Đông Anh, Hà Nội đang vướng vào. Tuy nhiên, hoàn cảnh của chị Lan lại khác.
22 tuổi, Lan chưa một ngày đi làm thì đã lấy chồng. Chồng Lan làm sếp trong một doanh nghiệp lớn, anh kiếm được rất nhiều tiền, lo cho mẹ con Lan đủ thứ. Kiếm được nhiều tiền, anh cũng tự cho mình cái quyền điều khiển mọi thành viên trong gia đình theo ý mình, anh bắt Lan nghỉ việc ở nhà chăm sóc con để anh yên tâm công tác.
Từ đó, anh ta đi tối ngày, và cặp kè với hết người này đến người khác. Ban đầu chồng Lan còn giấu giếm, sau đó anh công khai cặp kè với người này người kia trước mặt Lan. Lan chán chồng lắm nhưng lại không thể nhờ sự giúp đỡ từ hai bên gia đình. Bố mẹ chồng Lan thì bênh con trai cho rằng tại Lan đẻ con gái nên chồng mới ngoại tình. Cuộc sống của Lan có tất cả nhưng không có hạnh phúc.
Được thể, chồng Lan mang tiền đi mua cho gái, cô ta chỉ bằng tuổi con Lan. Không thể chịu đựng được, Lan đã từng tìm đến nhà tình địch định cho cô ta một trận, nhưng chưa kịp đánh cô ta thì Lan đã bị chồng đánh. Anh ta bảo tiền do anh ta làm ra, anh ta muốn cho ai thì cho, mẹ con Lan không có quyền gì cả.
Lan muốn một ngàn lần kí vào đơn ly hôn, nhổ toẹt vào bộ mặt hám gái đó trước khi ôm con ra khỏi nhà. Lan muốn chửi một lần cho đã kẻ đã làm cuộc đời cô nên nông nỗi này. Nhưng Lan chưa một lần đi làm, ly hôn rồi ai sẽ nuôi con của Lan? Thêm nữa, có chồng giàu nên cuộc sống sung sướng quen rồi, giờ muốn có tiền cũng ngại làm việc.
Lan tâm sự: "Hiện tại cuộc sống vợ chồng tôi vô cùng nhạt nhẽo, ai làm việc người nấy. Sống cùng một mái nhà nhưng chúng tôi không ăn cùng mâm, không ngủ cùng giường, không chuyện trò hay chia sẻ với nhau bất cứ chuyện gì. Bù lại, chồng tôi vẫn đưa tiền đầy đủ để tôi chi tiêu trong gia đình, thi thoảng đón con, hai bên nội ngoại có việc gì cũng góp mặt, nhưng cũng thường xuyên vắng nhà, qua lại với người tình. Tôi chẳng buồn gào khóc hay lồng lộn đòi gặp mặt tình địch hoặc một mực bắt anh ta chọn tôi hoặc cô ta nữa. Tôi thấy lòng tê dại và không còn yêu chồng. Một tuần chồng về nhà ngủ được 2, 3 đêm là nhiều. Còn lại anh ngủ ở đâu thì không đến phần tôi được tra hỏi. Nhận lương về chồng cho cả chục triệu, ngay cả lúc đưa tiền cũng không nhìn mặt nhau. Tôi tự soi gương thấy mình đâu đến nỗi, điều gì làm chồng ghẻ lạnh đến thế?"
Không giống như Lan, Hoa không chịu ly hôn chồng dù biết chồng mình đang ngang nhiên cặp bồ với cô đồng nghiệp cùng cơ quan. Lí do Hoa đưa ra là cô sợ dư luận đánh giá, sợ người khác nói này nói nọ. Nên đã gần ba năm, Hoa cứ nhắm mắt mặc chồng công khai đi lại với tình địch. Nếu ai đó có mách Hoa về chuyện chồng cô có dấu hiệu "ăn chả" thì Hoa lại tìm cách bao biện. Hoa tâm sự: "Cả nhà em chưa có trường hợp nào vợ chồng phải ly hôn cả. Em mà ly hôn, bố mẹ em chắc sẽ sốc lắm. Hơn nữa, em cũng sợ người khác nói ra nói vào vì bao năm nay trong mắt mọi người chồng em vẫn là người tử tế, đàng hoàng, tự dưng ly hôn người ta sẽ đánh giá em thế này, thế nọ, nhất là con cái em sợ chúng không chịu nổi áp lực...".
Cố duy trì cuộc hôn nhân đến hơi thở cuối cùng, những người phụ nữ này sẽ mất đi cơ hội để nhận được hạnh phúc. Tồi tệ hơn, khi trái tim và tinh thần của bạn không thoải mái, hài lòng, nó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất khác. Bạn sẽ chẳng thể khỏe mạnh và đem lại niềm hạnh phúc cho con cái mình khi cuộc sống vợ chồng không mang lại cho bạn niềm vui, cảm giác trao yêu thương và nhận được thương yêu.
Rất nhiều người, trong cuộc cãi vã, mâu thuẫn, giận dỗi, vẫn lấy tờ đơn ly hôn ra để… dọa đối phương, hả giận mình. Thế nhưng, ít ai biết, hành động “dọa” ly hôn ấy, càng đào sâu thêm hố ngăn cách vợ chồng, và khiến đối phương trở nên “lờn” với sự chia ly.
Tiếng ly hôn nơi… cửa miệng
Tính đến nay, sau 10 năm chung sống, chị Thu Phượng (quận 7, TP.HCM) đã viết, xé ngót nghét đến… hàng chục tờ đơn ly hôn, tức là trung bình, mỗi năm một tờ. Lần đầu tiên, hơn một năm sau ngày cưới, anh Phong, chồng chị phát hoảng khi sau một trận nhậu bù khú đánh mất cả xe gắn máy, sáng dậy thấy lù lù trên bàn ăn là tờ đơn xin ly hôn của vợ. Đận ấy, anh sợ xanh xám mặt mũi. Vợ chồng mới cưới còn nồng nàn thắm thiết, đang có kế hoạch có em bé, thế mà đùng cái, chị đòi ly hôn, anh không sợ sao được. Anh đã phải năn nỉ, van xin, bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày, rồi cuối cùng vợ anh cũng hồi tâm.
Thế rồi, càng những năm về sau, anh càng quen với những tờ đơn ly hôn, theo mật độ ngày một dày lên . Vợ chồng giận nhau: Đơn xin ly hôn; Quên ngày sinh nhật, ngày cưới…: Đơn xin ly hôn; Mâu thuẫn dạy con: Đơn xin ly hôn; Phong thanh chồng có “rung động” bên ngoài: Đơn xin ly hôn; Thời điểm công việc nhiều, phải ngoại giao nhậu nhẹt thường xuyên, ít quan tâm đến vợ con: Đơn xin ly hôn…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Anh Phong, vốn là người đàn ông độ lượng, chỉ coi hành động của vợ như “trò trẻ con”, nên cũng chẳng có hậu quả đáng ngại gì xảy ra. Chứ với nhiều ông chồng, đơn xin ly hôn là hành động nghiêm trọng, làm tổn thương đến bản thân họ và chứng tỏ người vợ không trân trọng hạnh phúc gia đình. Lần thứ ba, chị Nguyễn Cát Lan (Phú Nhuận), chìa lá đơn xin ly hôn ra, chồng chị đã sầm mặt, cầm lấy tờ đơn và kí ngay, sau đó nói: Cô đã kiên quyết thế, tôi cũng chẳng có gì để nói với cô. Cô muốn làm sao thì làm, ra tòa tôi cũng đi.
Đến mấy ngày sau, anh vẫn hỏi: Cô nộp đơn chưa, nếu chưa thì đưa đây tôi đi nộp. Với người vợ hễ chút đòi bỏ chồng bỏ con, không tôn trọng chồng con và hạnh phúc gia đình như vậy, tôi cũng không thể níu giữ mãi. Vì có giữ được lần này, lần sau cô lại cũng đòi chia tay. Đến lượt chị Lan lại đâm ra sợ trước vẻ kiên quyết của chồng. Thay vì tiếp tục giận dỗi, chị lại phải xuống nước, vuốt ve chồng. Từ đó, chị bỏ hẳn cái thói “xin ly hôn”.
Và những hậu quả không ngờ
Bệnh “dọa ly hôn” không chỉ phụ nữ mới mắc phải. Cũng có những người đàn ông, đem chuyện bỏ nhau, chia tay như là cách để “trừng phạt” vợ mình. Ngoài cái tật gia trưởng, anh Trần Văn Phú (Định Quán, Đồng Nai) còn mắc tật hay dọa bỏ vợ. Vợ cãi lại chồng, chồng đòi: “Cô cãi tôi kiểu này là tôi cho cô về nhà mẹ đẻ mà cãi”. Vợ đểnh đoảng khóa cửa không cẩn thận để trộm vô lấy đồ, chồng nói: “Chắc tui bỏ cô sớm, cứ sống kiểu này, có ngày cô cho tui không còn cái quần đùi mà mặc”. Vợ nấu ăn không vừa miệng, cũng đòi bỏ, vì “cô muốn cho tôi ốm yếu rồi đi lấy chồng khác phải không (!)”.
Ban đầu, chị vợ còn bỏ qua, vì cho rằng chồng mình thích nói ngớ ngẩn cửa miệng. Nhưng nghe lâu rồi chị chịu hết xiết. Sau một lần cãi nhau, chị ôm con về nhà mẹ đẻ ở tỉnh khác, bỏ lại lá thư vẻn vẹn mấy chữ: Anh đòi bỏ tôi hoài, thì bây giờ tôi về nhà mẹ đẻ cho anh vừa lòng, khỏi phải khổ vì tôi. Anh chồng vốn chỉ to mồm chứ rất yêu vợ, nay thấy vợ làm mạnh, sợ mất vía, vội đôn đáo chạy về nhà mẹ vợ đón vợ về. Nhưng chị vợ đâu có chịu về ngay. Chị đủng định ở nhà mẹ ruột nửa tháng trời, yêu cầu chồng khi nào bỏ hẳn cái tật “dọa bỏ vợ” thì chị mới về sống, không thì bỏ luôn.
Cái sự dọa ly hôn, không chỉ ảnh hướng đến đời sống vợ chồng, mà vô hình, nó còn làm tổn thương đến những đứa trẻ trong nhà. Với anh Hoàng, chị Tuyết Lan ở Bình Phước, thì khi giận nhau, đòi ly hôn, đòi chia tay là thường. Nhưng một hôm, khi nghe con gái 6 tuổi nói chuyện với cô bé hàng xóm, chị mới hoảng hốt: “Na biết không, mai mốt Na cho Thy (con chị Lan) qua nhà Na ở với nha. Ba mẹ Thy sắp ly dị rồi. Ly dị là ai ở nhà nấy đó. Ba mẹ Thy nói vậy hoài à. Chắc ngày mai hay ngày mốt ly dị thôi. Thy không có nhà, Na cho Thy ở ké nha. Nhà Na sướng, ba mẹ Na không có ly dị”.
Lời con trẻ cộng với cái vẻ mặt rầu rầu già trước tuổi làm chị điếng người, chị không ngờ chỉ chuyện cãi vã dọa dẫm qua lại của vợ chồng lại ảnh hưởng đến suy nghĩ của con như thế. Đem chuyện kể với chồng, chồng chị cũng đâm hoảng.
Lúc nóng giận, chuyện gì người ta cũng có thể nói được, nhất là những lời nói càng làm đau đối phương, thì người ta càng thỏa mãn sự tức tối của mình. Thế nhưng, những lời nói lúc nóng giận ấy, chỉ là những ly dầu đổ thêm vào lửa, khiến những người bạn đời càng làm tổn thương nhau hơn, khiến gia đình chông chênh hơn, và ảnh hưởng cả đến tâm hồn con cái của mình…
Đang đi ngoài đường, tôi phải dừng lại vì tiếng điện thoại reo liên tục. Giọng Hằng, em họ tôi, hét toáng lên trong điện thoại: “Em vừa thấy ông Thanh, chồng chị Loan, vào khách sạn với cô nào đó. Nhìn ông ấy hiền lành thế mà...”. Hằng định nói thêm nữa nhưng tôi tắt máy và gọi ngay cho chị Loan. Tưởng đâu Loan sẽ gào khóc, hỏi ngay địa chỉ khách sạn để đến bắt tận tay, day tận mặt nhưng giọng chị yếu xìu: “Chị biết rồi”.
Vì con?
Chị Loan làm phó giám đốc chi nhánh ngân hàng tại quận 1, TP HCM; còn anh Thanh, chồng chị, làm trưởng phòng của một công ty chứng khoán. Họ có nhà lầu, xe hơi và 2 cô con gái đang du học ở Singapore. Nhìn họ, ai cũng ngưỡng mộ vì sự thành đạt, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Khi biết anh Thanh có người khác, không chỉ Hằng mà tôi cũng sốc nặng. Chị Loan xinh đẹp, giỏi giang thế kia thì anh Thanh còn đòi hỏi gì nữa?
![]() |
Ảnh minh họa. |
Vậy mà mới hôm qua, tôi lại thấy vợ chồng chị tay trong tay đến tham dự đám cưới của một người bà con. Trong mắt mọi người, họ vẫn là cặp đôi rất hạnh phúc.
Sợ bị cười chê
Nhiều cặp vợ chồng cố gắng diễn cảnh hạnh phúc dù gia đình họ đã đứng bên bờ vực tan vỡ. Chỉ có người trong cuộc mới biết mình “gồng” được bao lâu nữa, như trường hợp của Hoa - ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP HCM.
Ngày Hoa lên xe hoa, bà con và bạn bè ai cũng mừng vì cô lấy được chồng giàu có. Nhưng về nhà chồng, Hoa mới té ngửa khi tất cả những gì cô và mọi người nghĩ đều không thật. Ngay trong đêm tân hôn, mẹ chồng Hoa ngọt nhạt: “Bên ngoài bây giờ đầy cướp giật, đeo trang sức nguy hiểm lắm, con đưa đây mẹ giữ cho”.
Điều đó không làm Hoa buồn bằng việc chồng cô hằng ngày phát tiền đi chợ và bắt kê khai mua món gì, bao nhiêu tiền và còn dư bao nhiêu phải trả lại. Thuộc loại người “đo lọ muối, đếm củ hành” nhưng chồng Hoa ra ngoài lại khoe khoang tặng vợ quần áo đẹp, xe xịn, son phấn đắt tiền... “Sao em không vạch mặt anh ta cho mọi người biết?” - tôi thắc mắc. Hoa giải thích: “Xấu chàng hổ thiếp chị ạ. Quan trọng hơn, em sợ ba má ở quê biết được, lo nghĩ thì tội lắm. Cứ để mọi người nghĩ em đang rất hạnh phúc”.
Cũng như Hoa, Bích - bạn tôi - cố gắng tạo một vỏ bọc hạnh phúc hoàn hảo cho mình dù cuộc hôn nhân của cô chỉ tồn tại trên giấy tờ. Mỗi khi có ai hỏi đến Bích, bà Năm - mẹ cô- lại khoe: “Vợ chồng nó hạnh phúc lắm. Mới tháng trước, vợ chồng nó còn gửi tiền về cho thím sửa lại nhà”.
Bà Năm hay khoe con gái lấy chồng giàu, đi xuất ngoại, thường xuyên gửi tiền về... Song, chỉ ai thân thiết mới biết được Bích đang phải cày ngày cày đêm ở xứ người để trả nợ cho hợp đồng kết hôn giả, thỏa mãn ước mơ được ra nước ngoài của cô và gia đình.