Vội vàng

Anh chị gặp nhau, rồi vội vàng cưới nhau chỉ sau vài tháng. Bây giờ thì cả hai bắt đầu chán nhau. Họ đã tính đến chuyện chia tay...

Họ đâu còn trẻ mà bảo nông nổi? Anh đã bước sang tuổi bốn mươi. Chị ở tuổi ba sáu. Anh là nhà thiết kế máy cơ khí của một công ty chế tạo thiết bị chuyên dùng. Chị là bác sĩ ở một bệnh viện lớn của thủ đô. Anh không thuộc loại xấu trai. Chị thuộc loại xinh gái. Nói tóm lại, là họ đủ sự từng trải và sự khôn ngoan, để tiến tới một cuộc sống gia đình.
Họ biết nhau trong trường hợp khá tình cờ. Mọi khi chị về nhà sớm. Nhưng hôm đó xe hỏng. Cái xe SH mới cứng bỗng dưng dở chứng. Không thể thuê một chiếc xe chở hàng mini chở về. Không có cửa hàng cửa hiệu quanh đây. Vậy là chị tính bài dắt bộ. Khi chạy, nó là một cỗ xe rất đáng yêu. Nhưng khi chết máy, thì đúng là thứ của nợ. Chị vừa dắt vừa thở.
Thế rồi gặp anh. Anh ta đang đi, bỗng giảm tốc độ, rồi dừng hẳn chờ chị dắt tới. “Chị để gọn vào đây. Tôi chỉ sửa loáng cái, là chạy ngon thôi mà”. Chị có vẻ lưỡng lự. Lòng tốt vô tư, hay có mưu đồ gì đây? Chị nghĩ vậy, nhưng đã quá mệt, đành làm theo lời anh ta.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh ta có vẻ rất thành thạo với chiếc xe. Lấy túi đồ nghề từ cốp xe, dường như anh ta đã đoán được xe hỏng ở chỗ nào. Quả thật, chỉ trong vòng mươi phút, chiếc xe đã nổ máy ngon lành.
“Anh ơi! Hết…hết bao nhiêu?”. “Hết gì cơ?”. “Là muốn hỏi anh, anh sửa…hết bao nhiêu?”. Anh ta vừa lau tay, vừa cười phá lên: “Tôi có phải thợ sửa xe đâu? Tôi giúp chị thôi mà. Có lẽ hôm qua trời mưa, xe chị đi, dính nước”. Chị bối rối: “Rất cảm ơn anh. À, tôi ở bệnh viện…Nếu có lúc nào cần khám, hoặc tư vấn, xin anh đến khoa tiêu hóa”.
Anh ta nhìn chị, cầm cái danh thiếp chị đưa và ngắm nghía. Rồi anh ta rút điện thoại, bấm bấm, gọi cho ai đó. Chị bỗng giật mình khi thấy điện thoại đổ chuông. Chị lấy máy ra. Anh ta cười: “Số của tôi đó. Nếu cần, thì chị lưu lại. Tôi là kỹ sư cơ khí, có cần gì…tôi rất hân hạnh được giúp chị. Chị tên? À, đây rồi. Hoàng Phương Lan. Tên hay quá. Tên tôi là Túc. Lê Huy Túc".
Vậy là họ quen nhau. Anh không đến khám ở phòng chị, nhưng đã hai lần mời chị đi uống cà phê. Và họ cũng nhanh chóng hiểu hoàn cảnh của nhau. Chị lỡ một lần kết hôn. Còn anh thì đã li dị vợ ba năm nay. Tóm lại, là họ có thể đến với nhau. Có thể thành một tổ ấm. Mà xem ra, lại rất ăn ý. Rất “môn đăng hộ đối”.
Ít lâu sau (cái “ít lâu” này, chỉ tính bằng tháng) họ đi đến hôn nhân. Đám cưới thuê ở phòng cưới sang trọng. Cô dâu mặc váy trắng quết đất. Chú rể đóng bộ củ sẫm màu. Có dẫn chương trình. Có nổ sâm-panh. Nghĩa là đủ cả.
Không biệt thự. Nhưng căn phòng chung cư rộng tám mươi mét vuông, cũng đủ trở thành mênh mông với đôi vợ chồng. Họ cũng tổ chức một tuần trăng mật. Bố trí về hai quê thăm họ hàng. Tóm lại, đó là cặp đôi hoàn hảo, trên cả mức đẹp đôi thường tình. Một cặp vợ chồng hẳn sẽ hạnh phúc. Chí ít, thì con mắt bên ngoài nhìn vào, đều thấy như vậy.
Cũng theo nhận xét bên ngoài, đôi vợ chồng này có sinh ra một tá con (nếu Luật hôn nhân cho phép) thì họ cũng không có vấn đề gì về kinh tế. Phần lương “cứng” của hai vợ chồng đã hơn chục triệu. Phần lương “mềm” tức là làm thêm, thưởng quý, năm…bình quân cũng cỡ hơn chục triệu nữa. Vậy thu nhập của họ cỡ gần ba chục triệu mỗi tháng. Có ăn vàng cũng chả hết.
Ấy vậy mà mới sống được nửa năm, đã có vấn đề phát sinh. Mới đầu cũng nhỏ, khó chịu tí chút, dần dần trở thành nghiêm trọng.
Các cụ có nhận xét, lấy nhau mà không có con ngay, là dễ sinh chuyện. Còn nếu có con ngay, thậm chí cả “giống ngắn ngày” tức là vừa cưới xong đã có con, thì chả có vấn đề gì. Mọi chuyện sẽ bị xếp sang một bên, thậm chí xếp xó, khi cả hai vợ chồng phải chăm sóc đứa con. Thế nhưng không hiểu sao đã nửa năm trôi qua, mà cô vợ chưa thấy “tín hiệu” gì. Có ai hỏi, cô vợ chỉ thủng thẳng trả lời: “Cơm chưa ăn, gạo còn đó. Đi đâu mà vội”. Những người chậm hiểu, không rõ cô nàng trả lời thế, là có ý gì.
Vấn đề phát sinh có phải do chậm con, thì chưa rõ. Nhưng rõ ràng có sự trục trặc giữa hai vợ chồng.
Đầu tiên từ phía cô vợ. Cái bệnh nghề nghiệp đã khiến cô kỹ tính đến mức thái quá trong ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp. Thức ăn thừa buổi sáng, chiều đã cho vào sọt rác rồi. Từ rau, củ, quả…bất cứ thứ gì cũng sục ô-zôn, đến mức ăn rau sống mà cứ như ăn rau tái.
Quần áo của chồng thì thôi rồi! Chưa bẩn đã giặt. Có hôm sơ ý, cô còn cho cả giấy tờ, tiền, chìa khóa vào…máy giặt. Chồng phải thường xuyên tắm, gội đầu. Đánh răng cũng phải “chuẩn” chứ không được cọ cọ, cào cào mấy cái cho xong chuyện. Ông chồng dần dần bị cấm uống rượu, hút thuốc, bia, cà phê…
Thứ hai, là từ phía anh chồng. Khi lấy nhau rồi, cô vợ mới phát hiện ra anh chồng không chỉ làm việc ở cơ quan, mà còn lôi việc về nhà. Nào là máy móc, chai lọ, hóa chất…Cứ y như một phòng thí nghiệm. Đi làm thì chớ, cứ về đến nhà là lao vào phòng thí nghiệm tự tạo ấy cho đến tận đêm khuya.
Có hôm cô vợ hoảng hồn vì nghe thấy tiếng nổ trong phòng. Rồi khói trắng khói đen mù mịt. May chưa cháy nhà, chết người. Ấy vậy, nhưng chỉ dừng được vài hôm, rồi đâu lại vào đó. Nghe nói cô vợ cũ không thể chịu nổi, nên đã vội vã… bỏ của chạy lấy người.
Bây giờ thì cả hai bắt đầu chán nhau. Họ đã tính đến chuyện chia tay. Mà sự tính toán này nghiêm túc đấy. Chỉ có điều, vào thời điểm nào thôi. Cũng may họ chưa có con. Có người nhận xét rằng, nếu có con sớm, có khi chuyện đổ vỡ lại không xảy ra.

Ly hôn - chẳng qua là hạnh phúc đến chậm

Tôi có đứa bạn có ông chồng ngoại tình. Bạn tôi đến đánh ghen nhưng thế nào về sau lại yêu luôn chồng của tình địch. Sau thì họ kết hôn với nhau. Cuộc hôn nhân sau thậm chí còn dài hơn cuộc hôn nhân trước. Đúng là kỳ lạ. Ly hôn chắc chắn không phải điều tồi tệ đâu.

Yêu người nghiện thuốc lá?

(Kiến Thức) - Trong những người đang theo đuổi em, anh ấy là người xuất sắc nhất, em cũng có tình cảm nhiều với anh, chỉ có điều anh nghiện thuốc lá.

Trong những người đang theo đuổi em, anh ấy là người xuất sắc nhất, em cũng có tình cảm nhiều với anh, chỉ có điều anh nghiện thuốc lá. Anh ấy không hút trước mặt em, nhưng lại hồn nhiên kể rằng mỗi ngày ít nhất anh phải đốt hết một bao. Em vốn dị ứng với khói thuốc lá, nghe anh ấy nói vậy em thấy rất thất vọng, buồn bã, em cũng đã chia sẻ điều này với anh ấy. Anh ấy hứa với em sẽ bỏ thuốc và anh đã làm được, người bạn thân của anh cũng đã chứng thực điều này với em. 
Nhưng em nghe một vài chị có gia đình nói, đàn ông có thể bỏ vợ chứ chẳng bỏ được thuốc, họ chỉ làm thế để chinh phục được mình, lấy nhau rồi đâu lại vào đấy, chồng các chị cũng vậy. Em hoang mang quá, nếu quả thực như vậy thì chẳng biết em có nên tiến xa với anh ấy hay không, sống cùng với một người chồng nghiện thuốc lá thì chắc chắn với em sẽ là địa ngục - Nguyễn Lan Anh (Hải Phòng).

Bi kịch cưới... ép

Rơi vào tình cảnh khó nghĩ, mẹ lại đau bệnh, không muốn mẹ buồn, Thúy Vi đành nhắm mắt, gật đầu. Đám cưới diễn ra...

Không hiểu sao ở thời đại này, vẫn có những cô gái nhắm mắt đưa chân vào những cuộc hôn nhân do gia đình ép buộc. Chấp nhận cưới ép chẳng khác nào tự đưa mình xuống vực thẳm bất hạnh.

Cưới vì... bị ép

Đang là một cô nhân viên thực tập giỏi giang, năng động, có tiềm năng được giữ lại công ty để tiếp tục phấn đấu thì Ngô Thúy Vi (Vĩnh Long) phải khăn gói về quê lấy chồng. Nguyên nhân là mẹ cô bệnh khá nặng, Thúy Vi là con gái duy nhất, bà muốn trước lúc chết được nhìn thấy con gái mình lên xe hoa.

Trước kia, khi cô đi học trung cấp ở TP. Cần Thơ, trong những lần về nhà, mẹ và người nhà sốt ruột thấy con gái mình quá hai mươi mà vẫn chưa chồng, đã mai mối, giới thiệu Thúy Vi cho một thanh niên cùng xóm.

Anh này làm kinh doanh nước giải khát với gia đình, thu nhập ổn định, cũng sáng sủa và có tương lai. Hồi ấy, còn trẻ, chưa có người yêu, nên Thúy Vi cũng đồng ý hẹn hò. Khi cô đi học là những cuộc gọi, cánh thư qua lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Đến lúc lên Sài Gòn làm, hòa nhập vào môi trường mới, gặp gỡ nhiều người, Thúy Vi đã quên dần tình cảm hồi bồng bột ấy, và cô cũng tự thấy mình chưa có tình cảm gì với người thanh niên kia. Thế mà, khi mẹ Thúy Vi bị bệnh, hai gia đình đã nói chuyện và tự sắp xếp ngày để mang lễ vật qua hỏi.

Thúy Vi dù thấy lấn cấn và buồn, nhưng không biết làm sao, vì trong mắt mọi người cô và chàng thanh niên nọ đã là "một đôi đính ước", không sớm thì muộn sẽ đến được với nhau. Nay lúc khẩn thì cưới luôn là quá tốt rồi.

Rơi vào tình cảnh khó nghĩ, mẹ lại đau bệnh, không muốn mẹ buồn, Thúy Vi đành nhắm mắt, gật đầu. Đám cưới diễn ra...

Cũng Như Thúy Vi, Hạ Vân (TP.HCM) cũng còn rất trẻ. Cô mới là sinh viên năm 3 đại học. Hạ Vân học về sư phạm, tương lai sẽ là một cô giáo. Gia đình căn bản, lại xinh xắn, đáng yêu. Người yêu của cô là bạn trai cô từ thời lớp 12, tình yêu từ mối tình học trò mà phát triển lên, bền vững qua mấy năm trời đại học. Thế mà, còn một năm rưỡi nữa Hạ Vân ra trường thì bỗng dưng nhà trai đòi... cưới gấp.

Khi Hạ Vân đề nghị bạn trai và gia đình chờ thêm một thời gian nữa, đến khi ra trường hãy cưới, thì cả anh lẫn gia đình phản ứng quyết liệt. Bạn trai Hạ Vân còn đưa ra nhiều cớ khác nhau để thuyết phục cô: "Cưới xong, em vẫn tiếp tục đi học được mà, anh sẽ nuôi em ăn học. Mẹ anh đi coi mấy thầy bói, nói nếu năm nay không cưới thì phải 5, 6 năm nữa mới được tuổi, còn liều cưới thì tan nhà nát cửa. Trước hay sau gì thì tụi mình cũng cưới...".

Cha mẹ Hạ Vân nghe chuyện nhà trai muốn cưới gấp không ưng ý lắm, nhưng tôn trọng con, họ để Hạ Vân quyết định. Thế là, sau năm lần bẩy lượt gia đình bạn trai đến thuyết phục, Hạ Vân đồng ý cưới sớm hơn kế hoạch hai năm, vì nghĩ thôi, yêu nhau, cưới sớm ổn định sớm cũng yên tâm...

Và những kết cục buồn

Hai năm sau khi "cưới chạy", Thúy Vi đơn phương đâm đơn ra tòa ly hôn. Từ lúc lấy nhau về, cô đã thấy đầy rẫy những bất ổn: Cô và chồng chưa tìm hiểu nhau kĩ, chưa có thời gian chính thức yêu nhau, chưa hiểu gì về nhau. Cưới chồng rồi, Thúy Vi phải chấp nhận bỏ công việc ở thành phố phồn hoa, nhà chồng xin cho một công việc an nhàn ở xã để có thời gian chăm sóc gia đình.

Chồng cô, lớp 12 đã nghỉ học, buôn bán nên tính cách có phần bỗ bã. Về văn hóa, nhận thức của cả hai cũng nhiều khác biệt. Thúy Vi mơ mộng, lãng mạn, yêu văn chương, nghệ thuật, còn chồng cô tương đối thực dụng, tất cả đều quy ra giá trị đồng tiền.

Cứ thế, những rạn nứt ngày càng lớn dần lên. Thúy Vi giữ không để mình có thai. Chờ đến sau ngày giỗ đầu của mẹ, cô xin ly hôn, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Với Hạ Vân, kết cục cũng buồn bã không kém. Cưới xong chưa được ít lâu, cô phát hiện ra lý do thật sự của việc ép cưới: Do chồng Hạ Vân chỉ làm nhân viên bán hàng quèn cho một cửa hàng, gia cảnh thì cũng chẳng khá giả gì. Trong khi Hạ Vân vừa xinh, gia đình khá giả, lại đang học một trường danh giá, hứa hẹn ra trường nghề nghiệp ổn định. Nhiều người nói đến tai bà mẹ chồng (khi ấy là mẹ chồng tương lai), là nếu vuột mất đứa con dâu như vậy thì chẳng có cơ hội tìm ai ngang bằng, vì con trai bà chả có gì nổi trội, chẳng qua do chúng nó yêu nhau từ cấp 3 nên con bé mới chịu đến bây giờ. Sau này, con bé ra trường rồi, nhiều mối theo đuổi, thì chắc chắn con bà sẽ ra rìa.

Chính vì lý do đó mà bà mẹ chồng phân tích, hối thúc con trai và tìm mọi cách để "ép" Hạ Vân về làm con dâu mình. Biết chuyện, Hạ Vân bị sốc, buồn và tổn thương vô cùng.

Trịnh Lê Phương Trinh, cũng đang là sinh viên đại học, đã gửi lời tâm sự của mình lên diễn đàn dành cho phụ nữ: "Em đang học năm cuối đại học. Từ năm ngoái, em đã lỡ lầm dọn đến sống chung nhà với người yêu, anh ấy đã ra trường đi làm.

Hồi đó, em cứ nghĩ ra trường sẽ lấy nhau nhưng sau khi sống chung, em đã phát hiện nhiều điều bất ổn từ phía bạn trai, và dần dà tình cảm của em cũng hết. Em muốn chia tay, dọn ra khỏi nhà trọ và bắt đầu lại một cuộc sống mới. Nhưng bạn trai của em không để em yên, anh ấy nói nếu em dọn đi và chia tay thì anh ấy sẽ báo cho cha mẹ em biết là em đã sống chung như vợ chồng với anh ấy hơn một năm qua và xin ba mẹ em cho cưới gấp.

Bây giờ em không biết phải làm sao, lấy anh ấy thì em hầu như không còn tình cảm lấy về sẽ khổ sở lắm, còn nếu không theo ý thì anh ấy sẽ báo cho ba mẹ em, mà ba mẹ em nghiêm, khó tính lắm, chắc em không sống nổi... Biết làm thế nào bây giờ".

Chia sẻ của Phương Trinh đã nhận được rất nhiều đồng cảm và lời khuyên. Hầu hết những người có kinh nghiệm đều khuyên Phương Trinh nên dũng cảm đối mặt, kể cả sự giận dữ của gia đình, vì gia đình sẽ không bao giờ bỏ mình.

Chuyện tình cảm, cưới hỏi là chuyện hệ trọng của cả đời người, nếu chỉ vì bị dọa, bị ép mà phải nhắm mắt đưa chân, tức là tự đưa mình vào vực thẳm bất hạnh, sau này càng không có lối thoát. Dũng cảm đối mặt và dừng lại trước khi quá muộn, chính là cách tốt nhất để cứu cuộc đời mình…