![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trời nhá nhem tối mới nghe tiếng xe của anh dừng trước nhà. Chị xem như không có chuyện gì, im lặng ngồi đút cháo cho con. Anh vào nhà, người nồng nặc hơi men, giả lả cười với con rồi đi thẳng vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, anh vờ như mình vô tội, âu yếm ôm eo vợ định hôn vào má. Chị nghiêng đầu tránh, lạnh lùng gỡ tay anh. Biết vợ đang giận, anh dỗ ngọt, nhưng chị bực bội quát lên: “Tui là vợ anh chứ không phải con rối để anh đùa giỡn. Buông ra!”. Anh sững lại nhìn chị, hầm hầm dắt xe đi.
Biết mình hơi quá nhưng đang trong cơn giận nên chị không kềm được. Cứ nghĩ lát nữa chồng về lại cười giả lả làm huề như mọi lần nên chị yên tâm ngồi nhà chờ. Ngờ đâu, anh đi một mạch đến tối mới khật khưỡng về. Đã vậy, còn chẳng dắt nổi xe vào nhà, quăng xe ngã rầm ngoài sân rồi nằm đại trên chiếc xích đu ngoài sân ngủ. Chị thở dài, ra sân dựng xe lên đẩy vào nhà, quay ra đem theo cái mền đắp cho anh.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Không để chị phải đợi lâu, cuối tuần, anh hẹn với mấy ông bạn “không say không về”. Đêm đó, cả hội ngủ lại quán vì không ông nào còn tỉnh táo để nhớ nhà mình ở đâu.
Hừng sáng, anh vội vã chạy về nhà. Anh nhè nhẹ mở cửa rồi rón rén bước vào như mèo ăn vụng. Anh định lẻn vào nhà tắm xóa tan dấu vết, nhưng chưa kịp đến nơi đã giật thót mình vì nghe tiếng vợ gắt, sao anh không đi luôn đi, đây đâu phải nhà của anh, nhà của anh là quán nhậu, vợ con anh là mấy ông bạn nhậu, dọn đồ ra đó mà ở. Anh gầm lên, tui là tù nhân của cô chắc, riết rồi tui không có quyền kết bạn sao? Chị cãi, nếu anh đã coi bạn bè quan trọng hơn vợ thì đừng ở đây nữa, ly hôn đi rồi tha hồ tự do, muốn đi đâu thì đi không ai cằn nhằn, cấm cản. Anh quắc mắt, đó là cô nói đấy nhé, viết đơn đi tui ký. Chồng lên lầu, vợ ngồi lại trong nước mắt ràn rụa. Đêm đó, chồng trằn trọc không ngủ được, vợ cũng thức trắng cặm cụi viết đơn.
Chị đặt lá đơn trên bàn khi anh vừa bước vào nhà. Anh không thèm nhìn, quay lưng dắt xe đi tiếp. Chị khóc tức tưởi, không ngờ một chút tôn trọng cuối cùng anh cũng không dành cho mình. Lát sau, nghe tiếng xe của anh quay lại, chị đi thẳng vào phòng khóa trái cửa. Tờ đơn ly hôn vẫn đặt trên bàn.
Bỗng chị nghe tiếng gõ cửa, rồi giọng của mẹ chị, con ra đây cho mẹ nói chuyện. Thì ra, anh thấy tờ đơn ly hôn nên biết tình hình “chiến sự” đã rất xấu. Trước đây, nếu anh tỏ ra hối lỗi là chị tha thứ, nhưng một khi chị đã viết đơn thì chuyện khó có thể cứu vãn. Trong lúc nguy cấp, anh bỗng nhớ đến... mẹ vợ, người chị luôn thương yêu và kính nể. Cách hay nhất lúc này là nhờ “nhạc mẫu” can thiệp thôi.
Chị cất tờ đơn vào ngăn tủ sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi nghe mẹ mắng… cả hai về cái tội lớn rồi mà không biết suy nghĩ. Hai vợ chồng không ai nghĩ cho con mà chỉ lo hơn thua nhau. Chị khóc rấm rứt. Anh lí nhí xin lỗi mẹ và vợ, hứa sẽ không la cà nhậu nhẹt sau giờ làm nữa. Hòa bình được lập lại. Chuyện cũ đó qua đã lâu nhưng tờ đơn đến giờ vẫn còn được chị cất giữ cẩn thận, không phải để “hù dọa” anh mà để nhắc nhở mình không được quyết định vội vã trong cơn tức giận. Phải biết kiềm chế để suy nghĩ thấu đáo. Đừng chỉ nghĩ cho riêng mình mà phải nghĩ cho cả tổ ấm bấy lâu mình đã vun đắp.
Tôi đã ly hôn chỉ vì câu trả lời của chồng khi tôi hỏi: “Anh có em rồi mà còn đi gác tay gác chân; đi tăng 2, tăng 3. Anh thấy họ thế nào?”. Chồng tôi thản nhiên trả lời: “Cũng vậy thôi mà!”
Có người cho tôi là hâm, là dở người vì đã có thể chấp nhận chuyện chồng mình “ăn bánh trả tiền” mà lại không thể chấp nhận một câu nói… bình thường như thế. Sự thật, tôi là loại người vợ hèn yếu, nhẫn nhịn, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng một lần, khi nằm cạnh nhau trong một lần anh đi hai ngày mới về nhà, tôi đã lấy hết can đảm hỏi anh câu hỏi đó, để biết cảm giác của anh là gì khi làm chuyện đó với những người phụ nữ bán thân nuôi miệng. Câu trả lời của anh như đâm một nhát dao chí mạng vào tim tôi. Vậy là với anh, tôi không khác gì họ. Với anh, tôi không phải là người vợ được tôn trọng, thương yêu; thậm chí còn tệ cả họ, là một món đồ chơi không dùng được. Mọi chịu đựng, cố gắng của tôi đã sụp đổ. Tôi hiểu ra rằng, mình còn thấp kém hơn những cô gái đó. Họ bán thân nuôi gia đình, nuôi con cái, nuôi chính bản thân; còn tôi, tôi chẳng có gì để bán nên chấp nhận mua anh làm chồng bằng sự im lặng chịu đựng những khinh rẻ, nhục nhã anh dành cho tôi.
Tôi đã làm đơn ly hôn trong nỗi đau mà tôi biết khó bao giờ mình có thể gột rửa, xóa nhòa.
Về đến đầu hẻm, Huy ngạc nhiên khi thấy nhiều người trong xóm xúm đen xúm đỏ, như thể sắp được… xem phim. Hóa ra, vợ anh đang cãi nhau với chị Hằng chung xóm! Những lời hăm dọa sẽ “làm cho ra lẽ” của vợ, tưởng chỉ nói cho vui, ai dè đến mức như vậy.
Chẳng hiểu vì sao vợ anh nhìn đâu cũng thấy… nguy hiểm. Từ nữ đồng nghiệp của chồng đến mấy cô đối tác qua thực tập, ngay cả chị hàng xóm hoặc bà giúp việc trong nhà cũng không thoát. Cứ như thể, sểnh ra một cái là chồng bị “bắt” ngay.
Huy tất nhiên là không thấy dễ chịu gì vì chuyện đó. Tự kiểm, anh cũng đâu phải dạng người thích ham vui đèo bòng hay từng có “phốt” gì để vợ nghi ngờ xét nét. Anh thẳng thừng nói, em làm như chồng mình… báu lắm không bằng. Trên răng dưới… dép, lúc nào cũng tất bật, ai mà thèm ngó. Vợ anh không vì câu tếu táo của chồng mà nới lỏng giám sát. Thậm chí, chị còn tăng cường quan tâm với suy nghĩ, phải có gì thì chồng mình mới tỏ ra nhún nhường, tự xem thường bản thân như thế chứ!
![]() |
Ảnh minh họa. |
Huy có thói quen ra đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê. Từ hồi chị hàng xóm độc thân bày dăm bộ bàn ghế kiếm thêm đồng ra đồng vào, anh đã trở thành khách quen. Việc này không lọt khỏi đôi mắt đa nghi của vợ anh. Không ít lần, chị bóng gió xa gần cái việc “mê ai mà cứ phải la cà ngoài đó vậy”. Lâu ngày, chị lật bài “lại ra thăm bồ già đấy à?”. Huy vô tư bảo, em chỉ giỏi suy diễn, chẳng qua là ủng hộ lối xóm, có gì đâu mà ầm ĩ…
Ba anh già cả, nhớ quên lẫn lộn, ở nhà một mình cả ngày chắc buồn, cũng hay ra “quán” của chị Hằng ngồi chơi, hóng mát. Chẳng rõ ông già tỉ tê chuyện nhà những gì mà Hằng tỏ vẻ thương cảm, nấu món gì ngon cũng hay bưng qua biếu. Huy vừa ngại vừa khó xử. Những hôm mâm cơm có món lạ, không khí nhà anh nặng trĩu. Vợ đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ. Những lần cãi nhau của vợ chồng bắt đầu xuất hiện cụm từ “cô Hằng của anh”…
Hóa đơn điện thoại của anh được gửi về nhà. Vợ anh tìm thấy số của Hằng trong đó. Nghĩ mãi, anh mới nhớ ra, có một lần anh gọi cho ông cụ không được, định nhờ ai đó ra quán cà phê xem thử, nhưng gọi người xung quanh không được, anh mới nhớ tới Hằng. Rồi nhắn tin trao đổi mấy câu. Anh lịch sự cảm ơn, vậy thôi. Không có gì khuất tất.
Nhưng, giải thích sao đây với người đang hừng hực lửa ghen? Sự nhiệt tình thái quá của Hằng đã gây tai họa. Anh nghe con thuật lại “hiện trường”, chiều nay, vợ anh ở sau bếp, nghe Hằng hỏi hai đứa nhỏ, mẹ đâu sao không cho ông nội ăn tối. Ông nội qua quán cô kêu đói nè. Giọt nước tràn ly, những lời khó nghe của vợ anh: “Rảnh quá xen vào chuyện nhà người ta”, “Thứ đàn bà vô công rỗi nghề cứ muốn dan díu với chồng người khác”, “Chắc ổng qua nhờ con dâu hụt là cô cho ăn giùm đó” làm cho Hằng không nhịn được. Những câu xúc xiểm của Hằng cũng làm anh không kém phần choáng váng. “Chồng chị tự ý qua lại, nhờ vả, nhắn tin hỏi han, chứ báu lắm à? Chị về xem lại gia đình mình đi, đũa mốc đòi chọc mâm son sao? Tưởng gì”… Trận võ mồm diễn ra trong sự cười cợt của mọi người.
Khó khăn lắm, Huy mới kéo được vợ về nhà, giải tán cái đám đông đang háo hức chờ xem “xáp lá cà”. Vợ anh vùng vẫy chửi rủa trong cảm giác “tức nước vỡ bờ”, tới đâu thì tới. Huy thật sự không hiểu nổi đàn bà nghĩ gì, ganh tức gì mà phải hạ nhục nhau như vậy. Chút thiện cảm dành cho Hằng bấy lâu cũng bay biến. Rồi phải làm sao để vợ bớt ghen tuông kiểu này, nếu không chẳng biết còn chuyện đáng tiếc gì sẽ xảy ra…