Biến chủng BA.4, BA.5 của Omicron đã xuất hiện tại TP HCM
Biến chủng BA.4 và BA.5 của Omicron hiện đã có mặt tại TP HCM qua tầm soát ngẫu nhiên. Trong đó, 1 ca tại Củ Chi và 2 ca tại TP Thủ Đức.
Thông tin này đã được ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM đưa ra trong hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI ngày 5/7/2022.
Dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại khi tình trạng miễn dịch không được thường xuyên củng cố bằng cách tiêm nhắc lại vắcxin định kỳ mỗi 6 tháng.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, mặc dù biến chủng BA.4, BA.5 không nguy hiểm như biến chủng Delta trước đây nhưng diễn biến sắp tới rất khó lường.
Bên cạnh đó, bí thư Thành ủy TP HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết trên địa bàn cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, TP HCM đã có 11 ca tử vong vì sốt xuất huyết.
Vì vậy, ông Nên yêu cầu TP HCM cần quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 và sốt xuất huyết. Nếu để “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế là hiện hữu, nguy cơ đứt gãy hệ thống y tế khó tránh khỏi.
Trước đó, ngày 30/6, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho hay biến chủng BA.5 là biến chủng phụ mới của Omicron, có khả năng lây nhiễm đột phá dù đã tiêm 2 mũi vắcxin.
Do đó, dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại khi tình trạng miễn dịch không được thường xuyên củng cố bằng cách tiêm nhắc lại vắcxin định kỳ mỗi 6 tháng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát, còn Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”.
Bà Sorroco Escalante, Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, sự xuất hiện và gia tăng của BA.5 ở một số quốc gia trên thế giới đã khiến tỷ lệ nhập viện, hồi sức cấp cứu do Covid-19 gia tăng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19:
Số người nhiễm biến thể BA.5 ở Việt Nam có thể tăng
Theo các chuyên gia, biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2 từ 10-13%. Việt Nam đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể mới BA.5 tại Hà Nội.
Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, biến thể phụ BA.2 của Omicron chiếm ưu thế, có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Đến nay, Việt Nam đã công bố 3 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 tại Hà Nội.
Điều này hoàn toàn nằm trong dự báo do số ca mắc BA.5 bên ngoài Việt Nam tăng liên tục, tăng hàng tuần. Việc đi lại, giao thương mở cửa nên biến thể mới xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian.
Biến thể BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh minh họa.
Bộ Y tế cũng khẳng định, hiện nay, BA.2 chiếm chủ yếu nhưng BA.5 có nguy cơ lấn át biến thể cũ. Số ca mắc biến thể mới này có thể tăng cao trong thời gian tới.
Giáo sư Phan Trọng Lân dẫn chứng, biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2 từ 10-13%. Đồng thời, có khả năng thoát miễn dịch - nghĩa là người đã mắc BA.1, BA.2 có thể mắc BA.4, BA.5.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vắc xin Covid-19 vẫn chứng tỏ hiệu quả với các biến thể mới của SARS-CoV-2. GS Phan Trọng Lân khẳng định, vắc xin giúp cơ thể có miễn dịch, giảm nguy cơ mắc, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong khi nhiễm bệnh. Tiêm vắc xin mũi 3-4 sẽ củng cố và duy trì miễn dịch của cơ thể.
Theo GS Lân, bản chất của virus SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường, trong phạm vi vừa phải sẽ xuất hiện các biến thể mới. Thậm chí, biến thể nhiều hơn nữa và trở thành biến chủng. “Nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xảy ra”, GS Phan Trọng Lân cảnh báo.
"Đối với kịch bản hiện nay, các biến thể còn khả năng đáp ứng của vắc xin, không nặng hơn, tiêm vắc xin đúng chỉ định, dù biến thể mới có lây lan nhanh hơn nhưng vẫn đáp ứng được”.
Mặc dù thế, Việt Nam vẫn phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất: xuất hiện biến thể mới mà vắc xin không còn hiệu quả, lây lan nhanh, nặng, chẩn đoán khó khăn.
“Bên cạnh các biện pháp kinh nghiệm trong thời gian qua, biện pháp hành chính xã hội có thể sẽ phải thiết lập để bảo vệ tính mạng người dân trên hết và trước hết”, GS. Phan Trọng Lân dự báo.
Việt Nam đẩy mạnh tiêm mũi 3-4 vắc xin Covid-19.
TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân với tỉ lệ rất cao. Vắc xin hiện tại có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5. Đây là lý do Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân nên tiêm các mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 2/2022, các mũi tiêm cơ bản vắc xin Covid-19 trên cả nước gần như được phủ kín. Đến nay, sau 4 -6 tháng, miễn dịch với những người này đã giảm.
"Đặc biệt, người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, miễn dịch sẽ giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm mũi nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập", GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Ngày 2/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước bối cảnh xuất hiện biến thể mới BA.5 của virus SARS-CoV-2 và đã xâm nhập vào Việt Nam, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên.
Hà Nội có 3 ca nhiễm biến chủng Omicron BA.5Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương, cho biết trong họp báo quý II do UBND TP Hà Nội tổ chức vào chiều nay.
BA.5 có khả năng lây truyền cao và ít nhạy cảm với vaccine. Nhưng dường như nó ít khi gây bệnh nặng, tử vong, nhất là ở người đã được tiêm vaccine Covid-19.
Được xác định lần đầu tiên ở Botswana và Nam Phi vào tháng 11/2021, biến chủng Omicron nhanh chóng vươn lên thống trị toàn cầu, nhanh hơn bất kỳ chủng nào trước đó. Trong suốt mùa đông, Omicron đã gây ra làn sóng Covid-19 mới trên hàng loạt quốc gia, đẩy nhiều hệ thống bệnh viện đến bên bờ “vỡ trận”.
Ngoài khả năng lây lan nhanh, Omicron còn có rất nhiều chủng phụ, mỗi chủng phụ lại sản sinh ra nhiều nhánh phụ khác khiến nó trở thành biến chủng đột biến nhiều nhất lịch sử.