Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc đề xuất các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Theo Sở, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền rồi quảng cáo là dự án bất động sản. Điều này đã gây nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý. Tuy nhiên trong quá trình xem xét hồ sơ pháp lý của các trường hợp này, cơ quan chức năng phát hiện một số nội dung vướng mắc, đặc biệt là quy định về kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản và Điểm a Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đảm điều kiện sau:
"1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật".
Sở Xây dựng cho rằng, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP chưa quy định rõ về bất động sản quy mô nhỏ, hoạt động không thường xuyên phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Vì vậy, một số cá nhân đã thu gom đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sang đất ở hoặc phân lô đất ở để chuyển nhượng cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, tạo nên các khu dân cư mới không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
|
Nhiều đồi chè, cà phê tại Bảo Lộc bị cọc trọc để phân lô bán nền. Ảnh: Intretnet. |
Qua kiểm tra tình hình phân lô bán nền diễn ra tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Sở Xây dựng phát hiện nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.
Để ngăn chặn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 473 tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp này giúp hạn chế tình trạng thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, phân lô bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của một số cá nhân, hộ gia đình phân lô tách thửa với mục đích chính đáng.
Thực tế ngoài các trường hợp tách thửa với mục đích kinh doanh bất động sản, có nhiều trường hợp cá nhân, hộ gia đình tách thửa với mục đích thừa kế, cho tặng người thân và điều này là quyền lợi chính đáng của người dân.
Do vậy, nhằm kiểm soát tình trạng “núp bóng” việc tách thửa để làm dự án "ma", Sở Xây dựng đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, có văn bản hướng dẫn bất động sản quy mô nhỏ, kinh doanh bất động sản không thường xuyên, các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý trong quản lý thị trường bất động sản.
Cụ thể, đối với việc tách thửa với mục đích thừa kế hoặc cho tặng người thân mà thuộc trường hợp được miễn lệ phí trước bạ, hoặc để chuyển nhượng thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân thì không phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong đó, với mỗi hồ sơ đề nghị tách thửa thì mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được nhận tối đa 1 quyền sử dụng đất thông qua thừa kế, cho tặng quyền sử dụng đất.
Các trường hợp tách thửa mà số lượng thửa đất sau khi tách vượt quá số lượng các thành viên trong gia đình nêu trên được xem là có dấu hiệu tách thửa đất với mục đích kinh doanh. Với trường hợp này bắt buộc phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để tổ chức theo dõi quản lý theo quy định.
Bên cạnh đó, có thể quy định cụ thể quy mô, diện tích đất tại khu vực đô thị, nông thôn khi thực hiện tách thửa đất phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Lâm Đồng tạm dừng giải quyết thủ tục phân lô, tách thửa
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn trên địa bàn.
Theo văn bản, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, nhưng thực chất hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo, giao dịch tương tự các dự án bất động sản mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian gần đây, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành ngày 1/3/2022. Để công tác quản lý về đất đai nói chung và việc tách thửa, xây dựng nhà ở riêng lẻ nói riêng trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế tại địa phương.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn
Các trường hợp tách thửa đất hình thành nhiều thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh cho đến khi Nghị định số 2/2022 có hiệu lực. Đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn tỉnh ngoài các trường hợp nêu trên, các sở, ngành địa phương liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan đơn, vị liên quan, rà soát kỹ các quy định pháp luật có liên quan đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với việc tách thửa để xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh như nêu trên cho phù hợp với quy định hiện nay, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 12/2.