Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản

Sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), với quy định mới “cấm” các doanh nghiệp bảo hiểm dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào bất động sản, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) nói gì?

Từng kiến nghị sửa đổi Điều 150

HoREA đã từng kiến nghị sửa đổi Điều 150 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng "cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư bất động sản theo quy định của Chính phủ" để phù hợp với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị.

Theo HoREA, Nghị quyết 39-NQ/TW "Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế" đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, đến năm 2035, "nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn"; đến năm 2045, "nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn" và quyết định nhiệm vụ, giải pháp "hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế"…

HoREA nhận thấy việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng "vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ" để "đầu tư tài chính, đầu tư vốn" vào một số lĩnh vực là rất cần thiết, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Nhiều nước đã cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính. Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, nếu được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ áp lực cho các tổ chức tín dụng.

HoREA còn kiến nghị bổ sung quy định về "bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai". Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản thì khách hàng thường là "bên yếu thế", nhất là người tiêu dùng mua nhà để ở, hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ so với chủ đầu tư dự án bất động sản thường là "bên có lợi thế".

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng khi không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Đây là quy định bắt buộc.

Doanh nghiep bao hiem khong duoc dau tu bat dong san
 Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), với quy định mới “cấm” các doanh nghiệp bảo hiểm dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào bất động sản.

Bảo hiểm không phải là một kênh đầu tư

Về vần đề này, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Người dân khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm, tức là họ mua sự an toàn cho chính mình khi xảy ra các tình huống rủi ro như tai nạn, bệnh tật,... Vì vậy, dòng tiền của ngành bảo hiểm phải tuyệt đối an toàn.

“Bảo hiểm không phải là một kênh đầu tư, người mua bảo hiểm cũng không phải là đầu tư. Vì vậy, dòng tiền khi rót vào bảo hiểm sẽ không phải đối mặt với rủi ro thắng hay lỗ”, ông Tuấn nói.

Do đó, trong trường hợp Quốc hội cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trực tiếp vào thị trường bất động sản, điều này đồng nghĩa với việc đưa tiền của người dân vào thế rủi ro, có thể lỗ. Như vậy là trái nguyên tắc của ngành bảo hiểm.

“Trên thực tế, tại Việt Nam, trước đây cũng đã có doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào bất động sản, lợi nhuận thì không thấy đâu, chỉ thấy toàn lỗ. Thậm chí, cho tới nay, nhiều dự án bất động sản của doanh nghiệp này vẫn đắp chiếu, chưa triển khai, khiến dòng tiền của người dân khi rót vào bảo hiểm bị lãng phí rất lớn”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với nhận định này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm không chú tâm vào ngành nghề chính, mà đưa dòng tiền đi đầu tư bất động sản. 

Nhiều trường hợp, lãi thì ít, nhưng lỗ thì nhiều, gây ra một hệ quả rất lớn cho cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản.

“Tôi cho rằng, nếu để các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư bất động sản sẽ làm thị trường bát nháo”, ông Hiển nói.

Theo TS Đinh Thế Hiển, tiền của doanh nghiệp bảo hiểm giữ của người dân nên họ chỉ được khai thác ở những lĩnh vực tài chính an toàn và luôn luôn có thanh khoản. Khi các doanh nghiệp này bước vào thị trường bất động sản có thể sẽ "làm méo" nguồn vốn vào lĩnh vực này, dòng tiền của công ty bảo hiểm rất lớn nhưng tiền này lại không phải tiền của họ.

Thêm vào đó bất động sản không phải là lĩnh vực chuyên môn của các công ty bảo hiểm nên họ không thể có năng lực kinh doanh hiệu quả.

Thực tế, có các tập đoàn bảo hiểm của nước ngoài không tham gia vào lĩnh vực bất động sản vì họ biết tính rủi ro của thị trường này. 

"Thường các công ty bảo hiểm nước ngoài như là Manulife, Prudential không tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Họ làm đúng dịch vụ quản lý tiền của họ trong vấn đề bảo hiểm", ông Hiển cho biết.

Sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), với quy định mới “cấm” các doanh nghiệp bảo hiểm dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào bất động sản, HoREA đã hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó đã chấp thuận ý kiến đề xuất của Hiệp hội tại Văn bản số 37/2022/CV-HoREA về việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để kinh doanh bất động sản, nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “tái đầu tư trở lại vào nền kinh tế” theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và theo quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của Chính phủ, để đảm bảo sự phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị…

Theo HoREA, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng là quyết định rất đúng, rất trúng phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

“Thực hiện khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ vừa cung ứng thêm một nguồn vốn “xã hội hoá” từ nguồn vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp bảo hiểm cho những doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán là các doanh nghiệp có tính minh bạch cao và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vừa tạo được kênh đầu tư cho doanh nghiệp bảo hiểm, vừa hạn chế rủi ro trong đầu tư cho chính doanh nghiệp bảo hiểm và vừa góp phần chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng”. HoREA nhận định.

>>> Mời độc giả xem thêm video Những chiêu thức lừa đảo trong môi giới bất động sản:

(Nguồn: VTV24)

Hữu Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN