Bão số 1 sẽ mạnh lên cấp 9

(Kiến Thức) - Dự báo trong 12 giờ tới, cơn bão số 1 năm 2015 trên biển Đông (tên quốc tế là bão Kujira) sẽ di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc và mạnh dần lên cấp 9, giật cấp 10-11.

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 21/6, vị trí tâm bão số 1 trên biển Đông ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 10-11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và mạnh dần lên cấp 9, giật cấp 10-11.
Con bao so 1 nam 2015 tren bien Dong se manh len cap 9
 Đường đi và vị trí cơn bão số 1 trên biển Đông. Ảnh: KTTVTW.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km. Đến 16h ngày 22/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 3–5m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai lên tới cấp 3. Đến 16h ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa rào, dông mạnh. Sóng biển cao 2-4 mét. Biển động. Trong cơn dông có lốc xoáy.
Từ sáng hôm nay (21/6), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là bão Kujira. Đây là cơn bão số 1 trong năm nay trên biển Đông.
Cơn bão số 1 này được dự báo là cơn bão có cấp gió tăng khá nhanh từ khi mới hình thành vùng áp thấp. Nguyên nhân là do bão nằm trong vùng biển nóng nên được tiếp thêm năng lượng từ nước biển. Theo đó, cường độ, hướng di chuyển của bão số 1 khả năng còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Khẩn trương ứng phó bão số 1 trên biển Đông

(Kiến Thức) - Gần 23.000 tàu, thuyền với hơn 96.000 lao động đã được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 1 trên biển Đông để chủ động phòng tránh.

Liên quan tới công tác phòng tránh cơn bão số 1 trên biển Đông, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6h ngày 21/6, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 22.651 tàu với 96.430 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 1 để chủ động phòng tránh.

Thủ phạm cướp tàu Malaysia bị cảnh sát biển VN bắt khai gì?

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Phú Quốc) cho biết, bước đầu bọn cướp biển khai nhận đã mai phục khu vực biển Indonesia trước hai tuần.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết bước đầu bọn cướp biển thừa nhận chúng không phải bị nạn do đi câu như lúc đầu mà khoảng 2 tuần trước ngày thực hiện vụ cướp (ngày 11/6) nhóm do tên Ruslan (61 tuổi, có hộ khẩu tại Anambas, Natuna, Indonesia) là chủ mưu, cầm đầu gồm 13 tên và dùng một xuồng cao tốc chuyên dụng trên tàu kéo không tên, ra khu vực biển Indonesia để nằm phục.

Đến khoảng gần 21h ngày 11/6, khi phát hiện tàu Orkim Harmony (chở xăng) đi qua, 10 tên hạ xuồng cao tốc bí mật tiếp cận phía sau lái tàu Orkim Harmony, sử dụng cây tre dài có móc sắt để trèo lên tàu.

Thu pham cuop tau Malaysia bi canh sat bien VN bat khai gi?
 Cảnh sát biển Việt Nam đang lấy lời khai của một tên cướp biển - Ảnh: Minh Tuấn
Tên Jonh cầm dao leo lên trước, Ruslan cầm súng leo lên sau. Hai tên dùng súng và dao khống chế một thủy thủ tàu Orkim Harmony và ra hiệu cho sáu tên khác leo lên tàu. Chúng ép thủy thủ này đưa lên buồng thuyền trưởng để khống chế thuyền trưởng.

Chúng phá hủy, ném xuống biển thiết bị định vị vệ tinh và thông tin liên lạc. Đồng thời, buộc thuyền trưởng dùng loa truyền lệnh phục tùng mệnh lệnh của chúng, nếu không sẽ bị xử lý bằng dao, súng nguy hiểm đến tính mạng.

Chúng khống chế toàn bộ 22 thuyền viên (hai thợ máy ở buồng máy, hai ở phòng thuyền trưởng, 18 người còn lại ở phòng ăn) cướp hết tư trang, đồ dùng cá nhân của các thủy thủ như: điện thoại, tiền, máy tính xách tay, máy tính bảng…

Sau khi khống chế các thuyền viên tàu Orkim Harmony thành công, chúng ra hiệu cho hai tên còn lại điều khiển xuồng cao tốc trở lại tàu kéo và về Indonesia tìm mối tiêu thụ số hàng vừa cướp được.

Riêng 8 đối tượng còn lại chúng tiếp tục khống chế và yêu cầu thuyền trưởng điều khiển tàu đi lòng vòng từ ngày 11/6 đến 17/6 để tránh bị phát hiện và đợi người đến mua xăng.

Đến ngày 18/6, bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện yêu cầu chúng điều khiển tàu về Malaysia, chúng đã đồng ý và yêu cầu tàu của lực lượng chức năng giữ khoảng cách 8 - 9 hải lý.

Tuy nhiên, trong quá trình bị lực lượng chức năng Mailaysia theo đuổi cho đến khoảng 20 giờ ngày 18/6, lợi dụng đêm tối chúng đã hạ xuồng cứu sinh trên tàu Orkim Harmony để trốn chạy và ném toàn bộ vũ khí gồm 2 khẩu súng và 8 con dao xuống biển.

Trong quá trình trốn chạy, khi số người trên xuồng phát hiện lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang truy bắt, chúng liền điều khiển tàu vào đảo Thổ Chu để lẩn trốn.

Cảnh sát biển đã sử dụng phương pháp khai thác mâu thuẫn trong lời khai, làm rõ nguồn gốc các đồ vật, phương tiện của 8 người nước ngoài, gồm: 30 chiếc điện thoại di động, trang phục thủy thủ có nhãn hiệu Orkim, chiếc xuồng 8 người sử dụng cập đảo Thổ Chu...

Với nghiệp vụ đấu tranh cùng với những chứng cứ không thể chối cãi, Cảnh sát biển Việt Nam đã buộc các đối tượng phải cúi đầu thú nhận toàn bộ hành vi cướp tàu Orkim Harmony, từ khâu lên kế hoạch, mai phục tìm, tiếp cận và khống chế “con mồi” đến khâu tẩu tán tang vật, trốn chạy, tẩu thoát khi bị phát hiện truy bắt.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, song song với thời gian đấu tranh với 8 tên cướp biển để lấy lời khai, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã gửi ảnh chiếc xuồng mà bọn chúng dùng để tẩu thoát khi vào đến đảo Thổ Chu và ảnh 8 đối tượng cho Cảnh sát biển Malaysia để đối chiếu, xác minh. Phía Malaysia đã xác nhận chiếc xuồng thuộc tàu bị cướp, và 8 đối tượng chính là những đối tượng trực tiếp cướp chiếc tàu ORKIM HARMONY.

Hiện nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tiếp tục đấu tranh làm rõ phương thức, thủ đoạn của bọn cướp biển đồng thời liên hệ với phía Malaysia cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam – cho biết: “Đây là vụ cướp có vũ trang, có tính chuyên nghiệp cao. Đối tượng rất manh động đã bắn 1 thuyền viên bị thương và làm bị thương 11 thuyền viên khác.

Vụ việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến dư luận quốc tế về an ninh hàng hải ở khu vực biển ASEAN. Tàu ORKIM HARMONY sau khi bị cướp đã được sơn lại, thay số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế - PV), tắt AIS (hệ thống nhận dạng tự động – PV) nên khó xác định, nhận dạng, trong khi đó mục tiêu luôn cơ động trên phạm vi rộng nên việc tìm kiếm gặp khó khăn.

Tuy nhiên, chính sự quyết tâm cao của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, triển khai lực lượng kịp thời, tổ chức lùng sục, truy tìm liên tục đã góp phần tạo áp lực buộc bọn cướp bỏ trốn khỏi tàu.

Ngay khi có thông tin và yêu cầu của Malaysia, Cảnh sát biển Việt Nam đã sử dụng lực lượng tham gia chống cướp biển, thể hiện trách nhiệm trước tình hình cướp biển đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, hành động này thể hiện Việt Nam tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về chống cướp biển, cướp có vũ trang tại khu vực Châu Á mà Chính phủ ta đã ký kết tham gia”.

Kinh hoàng nhà trôi tuột xuống sông, 4 người suýt chết đuối

Một vụ sạt lở tại tuyến lộ nông thôn cặp sông Ba Láng (Cái Răng, Cần Thơ) làm 1 căn nhà trôi sông, 4 người may mắn thoát chết.

Căn nhà trôi sông là của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Trang. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, bà Trang cùng 2 con trai và cháu ngoại đang nằm ngủ trong nhà.

“Đang nằm ngủ, tôi nghe một tiếng “rầm” rồi sau đó căn nhà bị sụp xuống. 3 mẹ con và đứa cháu chơi vơi dưới nước. Chúng tôi vội tri hô cho mọi người đến cứu” - bà Trang cho biết.

Nghe tiếng kêu cứu, người dân địa phương khẩn trương đến hiện trường, hỗ trợ đưa 4 người trong gia đình bà Trang lên bờ an toàn.

Kinh hoang nha troi tuot xuong song, 4 nguoi suyt chet duoi
 Lực lượng chức năng vớt tài sản của nhà bà Trang bị sụp xuống sông.

Tại hiện trường, đoạn sạt lở dài 30m, ăn sâu vào đất liền 7m, bao gồm tuyến đường bê-tông nông thôn rộng 3m. Căn nhà cấp 4, ngang 4,5m, dài 10m của gia đình bà Trang chìm hẳn dưới lòng sông cùng nhiều tài sản có giá trị và chiếc xe máy. Vụ sạt lở không gây thương vong về người nhưng thiệt hại tài sản khoảng 120 triệu đồng.

* Khoảng 2 giờ ngày 19/6, tại khu vực Phú Lợi (phường Tân Phú, quận Cái Răng) cũng xảy ra vụ sạt lở với độ dài 30m, ăn sâu vào đất liền khoảng 6m, gây sụp tuyến đường bê - tông nông thôn, gây thiệt hại cho 2 hộ dân.

Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết nguyên nhân 2 vụ sạt lở trên là do tạo hàm ếch và xói mòn dòng chảy. UBND quận Cái Răng đã chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng ngành chức năng rà soát toàn bộ vị trí sạt lở, cắm bảng cảnh báo và di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Trước đó, vào sáng 26/5, tại đường Võ Tánh (cặp sông Cần Thơ, khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng) khi đang thi công cũng xảy ra vụ sạt lở dài 55 m, làm 3 căn nhà trôi sông.

Kinh hoang nha troi tuot xuong song, 4 nguoi suyt chet duoi-Hinh-2
 Vụ sạt lở đường Võ Tánh đang làm vào sáng 26/5.

Theo ông Tâm, vụ sạt lở này đang được các chuyên gia của trường ĐH Cần Thơ khảo sát địa chất để đánh giá nguyên nhân chính xác. Trước mắt, UBND quận đã phối hợp với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tiến hành gia cố để không sạt lở. Đồng thời, đề nghị làm bờ kè đoạn này dài trên 250m.