![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trong mắt người xung quanh, họ là những cặp đôi hoàn hảo khi có tất cả những điều mà mọi người mơ ước: học vấn, địa vị, tiền bạc nhưng bất ngờ, họ lại tuyên bố chia tay.
Gần 0 giờ, nghe chuông điện thoại reo, tôi bật dậy. Đầu kia là tiếng thút thít của chị Hương: “Xin lỗi, chị biết trễ lắm rồi nhưng không gọi cho em, chị không biết gọi ai. Anh chị sẽ ly hôn”. Tôi nghe mà giật mình vì trong mắt tôi, vợ chồng chị là cặp đôi kiểu mẫu khiến nhiều người mơ ước.
Lỗi tại ai?
Vợ chồng chị Hương cùng là bác sĩ, từng đi tu nghiệp ở nước ngoài về. Anh Bình, chồng chị, là trưởng khoa của một bệnh viện ở quận Phú Nhuận; còn chị cũng là trưởng phòng khám tư tại quận 1, TP HCM. Chưa đầy 40 tuổi, anh chị đã có trong tay nhiều thứ mà mọi người mơ ước: tiền bạc, địa vị và một đứa con xinh xắn. Bất ngờ, Hương muốn ly hôn vì “anh chẳng còn quan tâm đến chị nữa”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
“Ngày chị phẫu thuật, anh cũng đi trực ở bệnh viện, vào thăm một lát lại mất hút. Đến lúc chị được về nhà, anh qua phòng con ngủ cũng chẳng thăm hỏi xem vợ có hết đau chưa, ăn uống như thế nào? Thủ tục, viện phí, ăn uống… trong suốt thời gian phẫu thuật chị đều trông cậy vào bạn bè và mấy đứa cháu chứ anh cũng không quan tâm. Vậy thì vợ chồng sống với nhau làm gì hả em?” - giọng chị buồn buồn.
Tôi phải chờ sáng hôm sau để đến gặp anh Bình. Anh cũng buồn bã không kém. “Em biết tính Hương rồi, cái gì cũng tự quyết định theo ý mình. Anh sắp xếp gì, Hương có nghe theo đâu! Cả việc ly hôn, cô ấy cũng tự quyết chứ anh nào muốn”.
Tôi ra về mà lòng nặng nề, tiếc nuối cho một cặp đôi hoàn hảo.
Thiếu sự kết nối
Bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng Gia đình hạnh phúc TP HCM, cho biết tỉ lệ ly hôn tại TP ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn: xuất hiện người thứ 3, mâu thuẫn về tiền bạc, vợ chồng kiểm soát lẫn nhau, không còn quan tâm nhau, quan hệ vợ chồng “lệch pha”, thay đổi địa vị, lối sống…
Đặc biệt, một nguyên nhân ly hôn khá phổ biến của nhiều gia đình hiện nay là thiếu sự kết nối giữa vợ và chồng. Đây không phải là vấn đề trò chuyện mà là sự thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau. Rất nhiều cặp vợ chồng cũng thường xuyên hàn huyên, trò chuyện nhưng không có sự kết nối.
Bà Tâm An kể bà từng tư vấn cho trường hợp chia tay của một “cặp đôi vàng” V. và T. (ở quận 3, TP HCM) một thời được mọi người ngưỡng mộ. T. và V. đều là trai tài, gái sắc, sinh ra trong gia đình giàu có. Họ học chung lớp, yêu nhau từ năm lớp 12 và là đôi bạn cùng tiến trong học hành. Cuộc tình của họ được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ, gia đình hai bên vun đắp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, V. sang Anh học thạc sĩ báo chí 3 năm. V. vừa về nước thì T. cũng lên đường sang Úc du học ngành công nghệ thông tin. Sau khi T. về, họ cưới nhau. V. và T. được gia đình hai bên hỗ trợ mua nhà và họ sinh được cô công chúa xinh xắn. Ai nhìn vào gia đình họ cũng ngưỡng mộ vì sự đẹp đôi, tài sắc và hạnh phúc. Thật bất ngờ, họ lại thông báo đường ai nấy đi khi T. muốn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, V. cũng không muốn bỏ công việc giảng dạy tại trường đại học của mình. Họ chia tay vì chẳng ai muốn nhường ai.
Ai cũng biết, tình yêu chỉ duy nhất, nhưng những thứ tương tự như tình yêu thì nhiều, nhiều lắm, dễ làm cho người trong cuộc lầm tưởng vô cùng. Yêu một người, là mong hạnh phúc bền lâu, mãi mãi. Thế nhưng, tình yêu cũng như bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời này, có thể thay đổi, có thể lụi tàn, có thể mất đi…
Liệu khi đó, người ta có quyền được nói lời chia tay để tự giải thoát mình, để tìm một “con đường màu xanh” khác hay không? Lời chia tay có dễ nói, nói như thế nào khi tình đã phai nhạt mà không bị người còn lại cho rằng bị phản bội, thay lòng? Quả là nan giải.
Hãy thử nghe tâm sự của người trong cuộc.
Khi đã cùng cô ấy tính tới chuyện hôn nhân, thì tôi gặp em, và chợt nhận ra, em mới là tình yêu đích thực của mình. Không phải kiểu sét đánh hay ham hố nhan sắc gì, vì em chỉ là cô gái bình thường, so với cô ấy, em còn kém cạnh hơn nhiều điều. Thế nhưng, ở bên em, tôi cảm nhận được niềm vui, sự ấm áp và bình yên, những cảm giác mà đã lâu lắm rồi, khi ở bên cô ấy, tôi không còn tìm thấy nữa. Cô ấy là đồng nghiệp, nhanh nhẹn, thạo việc, giỏi tính toán, giải quyết các vấn đề đầy quyết đoán và có phần lạnh lùng. Sự hòa hợp trong những hợp đồng làm ăn đã dẫn chúng tôi đến với nhau, và chừng đó thời gian chung sức đã tạo nên thói quen cần có nhau, và chúng tôi đã nghĩ đến chuyện cưới nhau. Chẳng ai còn nhỏ nhít gì để chờ đợi thêm nữa.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Băn khoăn của người đàn ông kể trên cũng là tâm trạng của nhiều người đang muốn “thay ngựa giữa đường”. Không kể những kẻ tệ bạc cố tình lựa chọn, đánh đổi, thì đa phần những người yêu đương nghiêm túc đều khổ tâm khi nhận ra tình cảm của họ đang bắt đầu đi lạc, không còn theo quỹ đạo lâu nay nữa. Cư xử sao đây cho vẹn toàn? Có cố lắm thì cũng không thể giữ bí mật trái tim dài lâu được. Miễn cưỡng dối lòng, tiếp tục đóng tròn vai bên cạnh người mình đã không còn chút cảm xúc như thuở ban đầu ư? Khó lắm, rồi thì sự rạn nứt cũng hiện ra, có khi còn tệ hơn so với khi bạn dám đối mặt với sự đổi thay của lòng mình. Bởi “mãi yêu” chỉ là khái niệm trong tiểu thuyết mà thôi.
Tất nhiên, tình cảm yêu đương không thể nào tự dưng mà biến mất, nó là cả một quá trình từ nhàm chán, đơn điệu, mâu thuẫn, mỏi mệt… mới dần phai nhạt. Vô vàn lý do để một mối tình “chết yểu”. Và chắc chắn người trong cuộc phải nhận ra sự èo uột của mối tình mình đang có. Nhưng, khai tử nó như thế nào, có quyền đường đường chính chính tuyên bố chia tay hay không đây?
Nếu bạn nói lời chia tay kèm theo những giải thích vu vơ rằng, chúng ta không hợp, tự dưng thấy chán, bỗng dưng muốn… bỏ, thì chẳng ai có thể tin được. Nếu bạn thẳng thừng hơn, bảo rằng, đã hết yêu rồi, thì tình hình có khi không kém phần… bi kịch. Nước mắt, oán hờn, ghen tuông, trả thù… là những phản ứng thông thường nhất có thể thấy. Im lặng chờ thời gian trả lời, mọi thứ sẽ tự đi vào trật tự của nó ư? Khó lắm, có chăng là tình hình ngày càng tệ hơn, nếu như “người thứ ba” bị “phát hiện”. Chừng đó, tình ngay lý gian, biết giải thích sao đây để tránh tiếng bội bạc, lừa tình? Có khi còn bị mất hết cả mới lẫn cũ ấy chứ!
Đa số các anh sẽ ủng hộ phương án “sự thật mất lòng”, dù không ít người hãi hùng trước nước mắt, cào cấu và vô vàn chiêu nắm níu được phụ nữ mang ra xài khi muốn giữ chân người yêu, kể cả có khi chỉ nhằm thỏa mãn cái tự ái “ta chỉ quen phụ người chứ không chấp nhận được người phụ ta”. Có gì mạnh mẽ và ghê gớm hơn một người đàn bà đáng oán hận, muốn trả thù tình?
Phụ nữ, đa phần yếu đuối hơn, hay dùng dằng, khó dứt, càng dễ dẫn đến những hệ lụy kéo dài, nếu như không có lực “đẩy và kéo” của một người nào đó. Đôi khi, cuộc tình hiện tại chỉ toàn là độc đoán, kiểm soát, ghen tuông, sở hữu, đau khổ… nhưng họ vẫn không thể dứt khoát thoát ra. Dù lòng nhiều khi hết yêu từ lâu. Càng thêm vướng bận bởi tâm lý, tình yêu là một thói quen, mất đi cũng hụt hẫng làm nhiều chị em cố chèo chống. Đến khi hết sức chịu đựng, nản lòng muốn buông tay thì càng không đơn giản chút nào.
Cũng có khi, tình yêu đã nhàm chán mong manh lắm rồi, cả hai đều bỏ bê, không còn muốn vun đắp, nhưng lại không đành hoặc không dám thừa nhận. Ai cũng muốn “đẩy trách nhiệm” về phía đối phương, không muốn mình là người mở miệng nói ra cái sự thật hiển nhiên nhưng dễ gây mất lòng đó. Khi nào rảnh rảnh rồi tính... Câu ngụy biện đầy bận rộn này đẩy cuộc tình hờ hững trôi mãi trong ủ ê kéo dài. Lúc này, chia tay không chỉ là sự kết thúc nhẹ nhõm cho cả hai mà còn là cơ hội để họ tìm cho mình nửa khác phù hợp hơn, tránh để thời gian đi qua vùn vụt trong tẻ nhạt ơ hờ đầy tiếc nuối.
“Cố đấm ăn xôi”, gắng gượng chịu đựng chưa bao giờ là phương án hay ho khi tình yêu đã phai lạt. Bạn hoàn toàn có quyền kết thúc cuộc tình không còn mang lại niềm vui, hạnh phúc, yêu thương cho mình. Thế nhưng, chia tay như thế nào cho êm thấm, để người và ta giữ mãi được hình ảnh đẹp, dẫu không còn tình thì sự tôn trọng nhau còn đó, là cả một nghệ thuật.
Lựa chọn cách “bày tỏ” như thế nào để phía bên kia không cảm thấy bị tổn thương, thời điểm nào là phù hợp mà không gây… choáng, “khi (hết) yêu đừng nói lời cay đắng” cái gì cần rạch ròi, cái gì không… đều đáng được suy xét và cân nhắc cẩn thận. Cũng giống như khi tỏ tình, bạn hồi hộp, chăm chút biết bao, thì khi… cạn tình, bạn cũng không thể hời hợt, nóng vội, dễ gây nên… hậu quả khó lường. Làm sao, để có thể thanh thản nói cùng nhau rằng: Một mai xa nhau, xin nhớ cho nhau nụ cười, là được…
Khi chị mang thai đứa con đầu lòng được hai tháng, anh bị tai biến. Sau hai tháng nằm viện, anh về nhà với một cánh tay bị liệt, một chân đi tập tễnh. Từ vị trí trụ cột gia đình, anh lui về “hậu phương”, nhường “tiền tuyến” cho chị.
Thời con gái, chị luôn ao ước lấy được một người chồng khỏe mạnh để có chỗ dựa. Anh là chủ một cửa hàng điện gia dụng, kinh tế ổn định; vóc người lại to khỏe, rắn chắc. Vừa có sức khỏe, vừa có điều kiện kinh tế, anh khiến chị yên tâm sẽ có một bờ vai vững chãi cho tương lai. Ngày chị cấn thai, anh đã bàn chị sẽ nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Anh tự tin có thể lo cho chị và con một cuộc sống ổn định.
Anh ra như thế, chị chết đứng. Nghĩ đến tương lai hai mẹ con, chị gần như hoảng loạn, bế tắc. Nhưng, tình yêu thương chồng con đã vực chị dậy. Những đêm nằm ôm con, chị suy nghĩ rất nhiều về những gì phải làm sao để thay chồng lo cho gia đình, khi con còn quá nhỏ. Chị không thể vừa làm chồng, vừa làm vợ nên quyết định bàn với anh việc chị và anh “đổi vai”. Khi nói thẳng với chồng ý định đó, chị lo anh sẽ tự ái, không ngờ anh đồng ý ở nhà cáng đáng việc nội trợ, chăm con để chị yên tâm ra ngoài kiếm tiền.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Không chỉ “luyện” chồng cách chăm sóc con, chị còn phải hướng dẫn việc bếp núc. Những ngày đầu, cá chiên cháy đen, nồi canh mặn chát. Anh nản. Chị nhẫn nại khuyên chồng. Việc thuyết phục anh chịu đi chợ là điều khó khăn nhất với chị. Khi chưa bị bệnh, anh rất ngại phải trả giá những khoản vụn vặt. Mỗi ngày cùng chồng ra chợ, chị chỉ anh cách lựa thực phẩm tươi sống, chỉ những hàng quen chị hay lui tới mua để anh không phải ngại chuyện “cò kè bớt một thêm hai”.
Con được ba tháng, chị yên tâm giao cho anh. Chuyện bếp núc, nhà cửa anh cũng hoàn thành chu đáo. Chị xin làm thợ cắm hoa ở một tiệm lớn, mỗi tháng lương ngót nghét chục triệu. Những ngày lễ Tết, chị lấy hoa ra đường bán thêm, kiếm tiền trang trải cho gia đình. Những khi đi làm về sớm, chị thường vào bếp giúp chồng. Chưa bao giờ chị nặng nhẹ với anh nửa lời, vợ chồng vui vẻ chia sẻ công việc nhà với nhau.
Nhiều người đến nhà, ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của anh chị vẫn yên ấm, hạnh phúc. Chị quan niệm, sống phải luôn linh hoạt; không ai quy định đàn ông phải là trụ cột, phải ra ngoài kiếm tiền còn phụ nữ phải ở nhà nội trợ. Tùy vào tính chất công việc, sức khỏe của từng người để có sự phân công lao động hợp lý, rõ ràng. Cuộc sống luôn biến đổi, không ai chắc chắn có thể sống khỏe mạnh cả đời, nên việc chuẩn bị cho chồng những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ vợ những khi gia đình xảy ra biến cố là điều mỗi phụ nữ nên làm. Chữ công, dung, ngôn, hạnh ngày nay đã khác xưa, chính những người đàn ông cũng phải tập tành với bốn chữ ấy, không phải chỉ trông vào vợ.