Nói sao khi chia tay?

Lời chia tay có dễ nói, nói như thế nào khi tình đã phai nhạt mà không bị người còn lại cho rằng bị phản bội, thay lòng? 

Ai cũng biết, tình yêu chỉ duy nhất, nhưng những thứ tương tự như tình yêu thì nhiều, nhiều lắm, dễ làm cho người trong cuộc lầm tưởng vô cùng. Yêu một người, là mong hạnh phúc bền lâu, mãi mãi. Thế nhưng, tình yêu cũng như bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời này, có thể thay đổi, có thể lụi tàn, có thể mất đi…
Liệu khi đó, người ta có quyền được nói lời chia tay để tự giải thoát mình, để tìm một “con đường màu xanh” khác hay không? Lời chia tay có dễ nói, nói như thế nào khi tình đã phai nhạt mà không bị người còn lại cho rằng bị phản bội, thay lòng? Quả là nan giải.
Hãy thử nghe tâm sự của người trong cuộc.
Khi đã cùng cô ấy tính tới chuyện hôn nhân, thì tôi gặp em, và chợt nhận ra, em mới là tình yêu đích thực của mình. Không phải kiểu sét đánh hay ham hố nhan sắc gì, vì em chỉ là cô gái bình thường, so với cô ấy, em còn kém cạnh hơn nhiều điều. Thế nhưng, ở bên em, tôi cảm nhận được niềm vui, sự ấm áp và bình yên, những cảm giác mà đã lâu lắm rồi, khi ở bên cô ấy, tôi không còn tìm thấy nữa. Cô ấy là đồng nghiệp, nhanh nhẹn, thạo việc, giỏi tính toán, giải quyết các vấn đề đầy quyết đoán và có phần lạnh lùng. Sự hòa hợp trong những hợp đồng làm ăn đã dẫn chúng tôi đến với nhau, và chừng đó thời gian chung sức đã tạo nên thói quen cần có nhau, và chúng tôi đã nghĩ đến chuyện cưới nhau. Chẳng ai còn nhỏ nhít gì để chờ đợi thêm nữa.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế nên, tôi không biết phải làm sao đây để có thể bày tỏ với cô ấy, tôi đã nhận ra sự gắn bó bấy lâu hoàn toàn chẳng phải là tình yêu, mà chỉ là ngộ nhận. Sự xuất hiện của em làm tôi đâm khó xử, sợ mình mang tiếng Sở khanh, bạc lòng, đặc biệt là khi giữa tôi và cô ấy tuy chưa kết hôn nhưng đã có sự chung sống như vợ chồng bấy lâu. Tôi cũng thương cô ấy thiệt thòi… Phải làm sao đây? Tôi có quyền được nói lời chia tay không, khi mối quan hệ đã không tồn tại tình yêu nữa?
Băn khoăn của người đàn ông kể trên cũng là tâm trạng của nhiều người đang muốn “thay ngựa giữa đường”. Không kể những kẻ tệ bạc cố tình lựa chọn, đánh đổi, thì đa phần những người yêu đương nghiêm túc đều khổ tâm khi nhận ra tình cảm của họ đang bắt đầu đi lạc, không còn theo quỹ đạo lâu nay nữa. Cư xử sao đây cho vẹn toàn? Có cố lắm thì cũng không thể giữ bí mật trái tim dài lâu được. Miễn cưỡng dối lòng, tiếp tục đóng tròn vai bên cạnh người mình đã không còn chút cảm xúc như thuở ban đầu ư? Khó lắm, rồi thì sự rạn nứt cũng hiện ra, có khi còn tệ hơn so với khi bạn dám đối mặt với sự đổi thay của lòng mình. Bởi “mãi yêu” chỉ là khái niệm trong tiểu thuyết mà thôi.
Tất nhiên, tình cảm yêu đương không thể nào tự dưng mà biến mất, nó là cả một quá trình từ nhàm chán, đơn điệu, mâu thuẫn, mỏi mệt… mới dần phai nhạt. Vô vàn lý do để một mối tình “chết yểu”. Và chắc chắn người trong cuộc phải nhận ra sự èo uột của mối tình mình đang có. Nhưng, khai tử nó như thế nào, có quyền đường đường chính chính tuyên bố chia tay hay không đây?
Nếu bạn nói lời chia tay kèm theo những giải thích vu vơ rằng, chúng ta không hợp, tự dưng thấy chán, bỗng dưng muốn… bỏ, thì chẳng ai có thể tin được. Nếu bạn thẳng thừng hơn, bảo rằng, đã hết yêu rồi, thì tình hình có khi không kém phần… bi kịch. Nước mắt, oán hờn, ghen tuông, trả thù… là những phản ứng thông thường nhất có thể thấy. Im lặng chờ thời gian trả lời, mọi thứ sẽ tự đi vào trật tự của nó ư? Khó lắm, có chăng là tình hình ngày càng tệ hơn, nếu như “người thứ ba” bị “phát hiện”. Chừng đó, tình ngay lý gian, biết giải thích sao đây để tránh tiếng bội bạc, lừa tình? Có khi còn bị mất hết cả mới lẫn cũ ấy chứ!
Đa số các anh sẽ ủng hộ phương án “sự thật mất lòng”, dù không ít người hãi hùng trước nước mắt, cào cấu và vô vàn chiêu nắm níu được phụ nữ mang ra xài khi muốn giữ chân người yêu, kể cả có khi chỉ nhằm thỏa mãn cái tự ái “ta chỉ quen phụ người chứ không chấp nhận được người phụ ta”. Có gì mạnh mẽ và ghê gớm hơn một người đàn bà đáng oán hận, muốn trả thù tình?
Phụ nữ, đa phần yếu đuối hơn, hay dùng dằng, khó dứt, càng dễ dẫn đến những hệ lụy kéo dài, nếu như không có lực “đẩy và kéo” của một người nào đó. Đôi khi, cuộc tình hiện tại chỉ toàn là độc đoán, kiểm soát, ghen tuông, sở hữu, đau khổ… nhưng họ vẫn không thể dứt khoát thoát ra. Dù lòng nhiều khi hết yêu từ lâu. Càng thêm vướng bận bởi tâm lý, tình yêu là một thói quen, mất đi cũng hụt hẫng làm nhiều chị em cố chèo chống. Đến khi hết sức chịu đựng, nản lòng muốn buông tay thì càng không đơn giản chút nào.
Cũng có khi, tình yêu đã nhàm chán mong manh lắm rồi, cả hai đều bỏ bê, không còn muốn vun đắp, nhưng lại không đành hoặc không dám thừa nhận. Ai cũng muốn “đẩy trách nhiệm” về phía đối phương, không muốn mình là người mở miệng nói ra cái sự thật hiển nhiên nhưng dễ gây mất lòng đó. Khi nào rảnh rảnh rồi tính... Câu ngụy biện đầy bận rộn này đẩy cuộc tình hờ hững trôi mãi trong ủ ê kéo dài. Lúc này, chia tay không chỉ là sự kết thúc nhẹ nhõm cho cả hai mà còn là cơ hội để họ tìm cho mình nửa khác phù hợp hơn, tránh để thời gian đi qua vùn vụt trong tẻ nhạt ơ hờ đầy tiếc nuối.
“Cố đấm ăn xôi”, gắng gượng chịu đựng chưa bao giờ là phương án hay ho khi tình yêu đã phai lạt. Bạn hoàn toàn có quyền kết thúc cuộc tình không còn mang lại niềm vui, hạnh phúc, yêu thương cho mình. Thế nhưng, chia tay như thế nào cho êm thấm, để người và ta giữ mãi được hình ảnh đẹp, dẫu không còn tình thì sự tôn trọng nhau còn đó, là cả một nghệ thuật.
Lựa chọn cách “bày tỏ” như thế nào để phía bên kia không cảm thấy bị tổn thương, thời điểm nào là phù hợp mà không gây… choáng, “khi (hết) yêu đừng nói lời cay đắng” cái gì cần rạch ròi, cái gì không… đều đáng được suy xét và cân nhắc cẩn thận. Cũng giống như khi tỏ tình, bạn hồi hộp, chăm chút biết bao, thì khi… cạn tình, bạn cũng không thể hời hợt, nóng vội, dễ gây nên… hậu quả khó lường. Làm sao, để có thể thanh thản nói cùng nhau rằng: Một mai xa nhau, xin nhớ cho nhau nụ cười, là được…

Có nên buông tay hạnh phúc vì thị phi?

Người phụ nữ chu đáo, khiêm nhường trước mặt anh và người đàn bà ngoại tình trong lời đồn đại mơ hồ của thiên hạ, đâu mới là vợ anh?

Bảy giờ tối, anh rồ ga lao lên dốc, loạng choạng vào nhà. “Mẹ đâu?”. “Dạ… mẹ chưa về”, con bé lớn ấp úng khi nhìn thấy gương mặt đỏ bừng của anh.

Anh rút điện thoại, bấm. Tiếng chị vang lên lẫn trong tiếng nhạc xập xình. Chị cố hét to để át bớt tiếng ồn nhưng anh chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Anh a lô mấy lần, rồi bực tức ném cái điện thoại vào góc nhà, vỡ tan tành. Chỉ kịp nghe con bé lớn á lên một tiếng, anh xông vào, hất tung chiếc bàn ăn, mâm cơm tung tóe, cái lồng bàn lăn long lóc. Con bé nhỏ chạy ra, ôm anh khóc nức nở. Nhưng nó không níu được chân anh. Anh kéo xềnh xệch nó lại tủ chén bát, định đập vỡ mọi thứ. Con bé lớn hét lên: “Ba!”. Anh nhìn gương mặt thất thần của con rồi như sực tỉnh, cúi xuống gỡ bàn tay nhỏ xíu đang ôm lấy chân mình, buồn bã bỏ vào phòng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nằm một mình trong phòng, những cảnh báo của đám bạn nhậu lại ong ong trong đầu, anh chỉ muốn lao thẳng lên cơ quan chị để bắt quả tang đôi “gian phu dâm phụ”. Chuyện vợ ngoại tình anh đã nghe xầm xì từ lâu. Lúc đầu, ông bạn nhậu chỉ ỡm ờ: “Mày phải xem lại vợ mày”. Anh gạt phắt. Anh là tài xế, chị là cán bộ huyện. Anh thương vợ, chị trọng chồng, đôi bên lúc nào cũng vừa lòng nhau, chẳng thể có chuyện chị chê anh mà ngoại tình.

Lần tiếp theo, trong một bàn nhậu đông người, đang bàn chuyện đàn bà lăng nhăng, bạn nhậu làm như cao hứng cụng ly với anh một cái, “khen”: “Nhịn nhục như mày mới lấy được vợ có chức!”. Anh chột dạ. Nhân lúc đám bạn lè nhè say, anh tranh thủ tìm hiểu. Chuyện này người ta truyền tai nhau đã lâu, vì “khó nói” nên bạn bè anh “im lặng nhìn anh bị cắm sừng”. “Tình địch” của mình anh biết rất rõ, là sếp lâu năm của chị, hai người thân như anh em. Anh bán tín bán nghi, nóng lòng về nhà gặp vợ để hỏi cho ra lẽ. Đêm đó, vừa về tới nhà, thấy chị cơm nước sẵn sàng ngồi chờ chồng; vui vẻ, dịu dàng dù chồng đã say khướt, anh cười khẩy vào nỗi hoài nghi của mình. Chị đảm đang, vẹn toàn với chồng con thế, lấy đâu ra năng lượng mà… hư hỏng?

Từ ngày chị được thăng chức, “dư luận” càng thêm ồn ã. Anh nghe ra bao nhiêu mỉa mai trong những lời chúc mừng của đồng nghiệp. Thằng bạn thân nhất cuối cùng cũng chịu làm “bạn tốt”, khi thân mật quàng vai anh, nói khẽ: “Thiệt tình, vợ ông đàn bà con gái, lại không thân không thế, làm sao leo lên được cái chức đó nếu không nhờ gã kia”. Anh thật sự mất bình tĩnh khi anh bạn an ủi: “Mà nghĩ lại, nó leo cao thì chồng con nó được nhờ, mà chồng con nó là cha con ông chớ ai!”. Anh ta còn buông một câu: “Khổ nỗi, đã vậy thì khó mà còn thời gian cho chồng, kiểu gì cũng tới lúc ông dài cổ chờ vợ bên mâm cơm thôi”. Anh đứng phắt dậy, không nói không rằng, xách xe chạy thẳng về nhà. Y như rằng, chị không có nhà, còn anh thì lần đầu tiên trở thành người cha hung dữ trước mặt con gái.

Anh gác tay lên trán, lần giở lại từng ngày tháng năm đã qua, rồi nhận ra mọi biểu hiện của vợ sao mà trùng khớp với lời đồn. Chị đi sớm về muộn, mở miệng ra là một sếp, hai sếp. Chuyện chị khéo vun vén gia đình cũng dễ hiểu thôi, vì đã làm điều tội lỗi nên chị càng muốn bù đắp cho gia đình, đó cũng như một cách che mắt. Càng nghĩ, anh càng tuyệt vọng.

Ngoài kia, anh nghe hình như vợ đã về. Tiếng thút thít của con bé nhỏ mỗi lúc một to lên như đang kể tội cha với mẹ nó. Anh nhớ, sáng đi làm chị đã báo trước là tối nay trên cơ quan có tiệc tân niên. Mặc kệ, biết đâu đó chỉ là một cái cớ. Anh ngồi dậy, lại chỗ máy tính, vào google, gõ “cách làm thủ tục ly hôn”. Bên ngoài vọng vào tiếng mảnh vỡ thủy tinh va vào nhau rất khẽ, chị đang lặng lẽ dọn dẹp tàn tích sau cơn giận của chồng. Trên màn hình hiện lên rất nhiều đường dẫn, chỉ cần kích vào một trong số đó, anh sẽ rành rõ cách bước ra khỏi cuộc hôn nhân này. 

Nghe tiếng bước chân vợ tiến gần về phía cửa phòng, anh rời bàn máy, thả lưng xuống giường. Chị đẩy cửa bước vào, tiến lại chiếc máy tính đang sáng màn hình, định toan tắt đi như thường lệ. Chị khựng lại mấy giây trước dòng từ khóa trên màn hình, rồi quay sang chồng, cười buồn: “Anh biết bấm dấu rồi sao?”. Anh len lén tủi hờn, nhớ những đêm vợ kiên nhẫn dạy chồng cách sử dụng máy tính. Đôi tay anh suốt ngày chỉ biết cầm vô lăng cứ cứng đờ, gõ phím như… gà mổ, chị vẫn khăng khăng “anh làm được”, rồi bắt anh phải học cả cách gõ dấu tiếng Việt.

Người phụ nữ chu đáo, khiêm nhường trước mặt anh và người đàn bà ngoại tình trong lời đồn đại mơ hồ của thiên hạ, đâu mới là vợ anh? Làm sao để minh định, khi hình ảnh thật anh nhìn thấy mỗi ngày cứ bị bôi xóa bởi những lời nói hư hư thực thực liên tục thổi vào tai anh, như câu chuyện Tăng Sâm giết người. Thiên hạ đã len chân vào, làm mưa làm gió với mái ấm của anh từ bao giờ, anh đã biến thành bà mẹ vứt bỏ khung cửi chạy theo lời đồn từ bao giờ thế này?

Chị em bạn dâu

Từ ngày má mất, thím buồn, ít nói hẳn. Ngày nào thím cũng đảo qua nhà, quét bụi trên bàn thờ má...

Thím Út hay kể, ngày thím chân ướt chân ráo về làm dâu bà nội, có lắm chuyện dở khóc dở cười. Má và thím làm cỏ đậu, thím cầm cuốc không quen, nên xắn luôn cả mấy cây đậu. Lội ruộng cấy lúa, bị đỉa đeo chân, thím sợ quá nhảy tưng tưng, vừa khóc vừa la. Má bèn bày cho thím lấy ni lông quấn vào bắp chân. Lúc ngồi nghỉ trên đê, má bắt mấy con đỉa để trước mặt để thím nhìn riết cho quen. Nhờ vậy mà thím bớt sợ đỉa.

Một lần, má mua mấy công mía, thu hoạch rồi chèo xuồng ra thị xã bán. Bữa đó thím về nhà mẹ ruột, ngang qua chợ, thấy trưa trờ mà đống mía của má vẫn còn nhiều. Thím chất mía lên xe, rao bán dọc các phố. Nhờ thím dẻo miệng, khéo mời, tới xế trưa, đống mía đã bán sạch. Má kể: “Không nhờ thím Út, phen này má mắc nợ”. Mùa lũ năm đó tới sớm, thím Út than: “Nước ngập đầy đồng làm gì có tiền?”. Má rủ thím vớt lục bình chất thành hàng trên ruộng, dùng nọc tre đóng xuống để giữ lục bình không bị nước cuốn trôi. Má cắt rơm rạ chất lên đống lục bình rồi mua meo nấm về gieo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chưa có ai trồng nấm trên ruộng nước như má nên thím Út hồi hộp không yên. Má lo theo, ngày nào cũng ra ruộng thăm chừng. Không ngờ ruộng nấm của má mọc tốt. Đang mùa lũ, thiếu rau, nấm rất được giá. Bán được bao nhiêu tiền, má đưa hết cho thím, bảo để dành sinh con. Thím cảm động không nói nên lời. Thím sinh được ít lâu, bữa đó ba tát đìa được mớ cá lóc, dặn má nấu canh chua. Má nói: “Nấu canh bồ ngót đi ông. Thím Út mới sinh, nghe mùi canh chua thấy thèm mà không được ăn, tội nghiệp”. Thím Út nghe được, thương má đứt ruột.

Mỗi lần má sắm thau nồi ly tách, đều mua luôn hai bộ, cho thím một bộ. Thím may áo mới, may luôn cho má cùng một kiểu. Ra đường, má và thím mặc áo giống nhau, lại thân thiết thuận hòa nên ai cũng ngỡ là chị em ruột. Lúc má đau nặng, thím bỏ hết việc nhà qua chăm sóc má. Thím mếu máo dặn: “Ráng khỏe nha chị Hai, em không có chị là không được đâu”. Má trăng trối: “Chị có bề gì, giao sắp nhỏ lại cho em”…

Từ ngày má mất, thím buồn, ít nói hẳn. Ngày nào thím cũng đảo qua nhà, quét bụi trên bàn thờ má, xuống bếp ngó qua xem đám cháu bữa nay ăn gì. Thím nhắc nhớ đem củi ra phơi, tối nhớ đóng cửa chuồng gà…Mỗi lần đi chợ, thím hay mua bánh da lợn, bắp luộc, xôi vò… mang qua cúng má. Thím vái “ăn bánh nè chị Hai”, y như cách thím nói với má lúc má còn sống. Nhìn dáng lom khom tảo tần của thím, lại thấy rưng rưng nhớ má.