Vỡ mộng chồng ngoại

Ngày Thủy làm đám cưới bao trai làng ngẩn ngơ vì tiếc hùi hụi một người con gái quê xinh đẹp, ngoan hiền “bay” đi lấy chồng xa xứ. 

Xinh đẹp, chăm chỉ lại ngoan hiền nhất xóm, thậm chí là nhất làng, chính vì thế mà Nguyễn Thị Thu Thủy, con của ông Toàn và bà Hằng, ở xóm Đông luôn lọt vào “tầm ngắm” của đám trai làng đến tuổi cập kê. Chẳng vậy mà chưa đủ 16 tuổi Thủy đã được bao gia đình của các chàng trai mang trầu cau đến dạm hỏi.
Có những gia đình cực kỳ khá giả về kinh tế, gia đình lại gia giáo nền nếp đến hỏi Thủy cho con trai họ nhưng cũng không chấp thuận. Không chỉ Thủy, mà bố mẹ cô cũng không ưng đám nào, nên đành thoái thác với lý do “cháu nó còn nhỏ chưa đủ tuổi cưới chồng”… Vì vậy tất tật các chàng trai trong làng có ý định lấy Thủy làm vợ vẫn nung nấu một chút hi vọng, đợi chờ khi Thủy lớn thêm chút nữa…
Đặc biệt, hầu như dân làng chẳng bao giờ thấy Thủy cũng như bố mẹ cô giao du với những người ở nơi khác, vì vậy ai cũng nghĩ kiểu gì khi đủ tuổi Thủy cũng sẽ “ăn cỏ đồng ta”, chứ không thể lấy chồng thiên hạ.
Thế nhưng, sự đời lại không như người ta nghĩ, đùng một cái, vừa bước sang tuổi 17 Thủy đã làm đám cưới rình rang với một người đàn ông Đài Loan hơn gấp 3 lần tuổi, và thậm chí còn nhiều hơn ông Toàn, là bố Thủy những 6 tuổi. Thì ra, bấy lâu nay bà Hằng, ông Toàn đã bàn bạc với Thủy về việc sẽ gả Thủy cho một người nước ngoài qua sự mai mối của người chị họ xa ở xã bên cũng lấy chồng Đài Loan.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thủy chấp nhận lấy chồng ngoại quốc vì cô nhìn thấy người chị họ kia vẫn kể về cuộc sống cực kỳ vương giả với tiền bạc giàu sang, cuộc sống an nhàn, chỉ mỗi việc ăn chơi và chăm sóc con cái nơi xứ người. Một tương lai màu hồng được vẽ ra trước mắt, và lại được bà chị họ hứa giúp đỡ nên việc Thủy chấp nhận lấy chồng già cũng là điều dễ hiểu.
Về phần ông Toàn và bà Hằng, mới đầu nghe nói về ông con rể già khụ, nhiều tuổi hơn cả mình đã có chút ngập ngừng, suy tính. Thế nhưng, khi nghĩ về viễn cảnh con gái giàu sang sẽ giúp sức nhiều cho việc vực dậy kinh tế gia đình vốn đang khó khăn, thì cũng chấp thuận. Đám cưới được tổ chức tức thì sau 1 lần gặp mặt với chú rể và họ nhà trai.
Ngày Thủy làm đám cưới bao trai làng ngẩn ngơ vì tiếc hùi hụi một người con gái quê xinh đẹp, ngoan hiền “bay” đi lấy chồng xa xứ. Người mừng cho Thủy thì ít mà người thầm trách cô, bố mẹ cô tham tiền bạc, sang giàu thì nhiều. Đám cưới của Thủy thuộc diện to tát, linh đình nhất huyện, khi nghe đâu bên nhà trai làm cỗ bàn, lo toan chuyện cưới những gần nửa tỷ đồng Việt Nam. Đó là chưa kể, số nữ trang mà chú rể sắm cho Thủy cũng lên tới cả trăm triệu đồng.
Từ ngày Thủy lấy chồng bên Đài Loan thì quả thực kinh tế nhà ông Toàn, bà Hằng có khấm khá lên nhiều do vợ chồng con gái viện trợ. Thế nhưng Thủy sống thế nào và có hạnh phúc hay không thì dân xóm Đông, làng Thào không hề hay biết, bởi đã 3 năm rồi cô không một lần về thăm quê mà biền biệt nơi xứ người. Những ngày Tết nhất, giỗ chạp ông Toàn, bà Hằng mắt luôn đỏ hoe vì nhớ thương và ngóng đợi con.
Tất cả thông tin về Thủy đều phụ thuộc qua người chị họ của Thủy thi thoảng về nước. Khi bố mẹ Thủy hỏi thăm tin tức con gái thì cô chị họ của Thủy đều bảo: “Em nó vẫn ổn lắm! Nó lo chăm sóc con nên không có thời gian về thăm nhà. Khi nào con nó lớn thêm sẽ về thăm nhà cả tháng cho ông bà mừng”.
Nghe một số thông tin về con gái như vậy bố mẹ Thủy cũng tạm yên lòng, nhưng vẫn còn thắc mắc nghi ngại điều gì đó mà ông bà chưa thể tìm ra câu trả lời, đó là tại sao mà cả Thủy và chồng nó không quay trở về nhà một lần nào sau ngày cưới?
Bốn năm, tính từ ngày cưới chồng, Thủy bỗng đột ngột trở về nhà một mình, thân hình tiều tụy, cánh tay thì phải bó bột, chân đi tập tễnh. Nhìn thấy bố mẹ, Thủy khóc nức nở kể về suốt 4 năm bị đày đọa nơi xứ người khi cô lấy phải một lão già vũ phu, suốt ngày nát rượu rồi đánh đập cô đến tàn nhẫn. Có những ngày Thủy phải ăn vài ba trận đòn của chồng.
Cô không được ra ngoài tự do mà đi đâu cũng bị hắn giám sát chặt chẽ. Thậm chí đi đâu hắn còn khóa cửa giam cô ở trong nhà. Cuộc sống của Thủy chui lủi như cầm tù. Cô phải lao động làm lụng biết bao việc nhà, rồi cơm nước phục vụ đại gia đình đến 6 người nhà chồng.
Không chỉ Thủy than khóc, mà bố mẹ cô cũng quá ân hận và đau buồn khi sai lầm trao thân gửi phận con như vậy. Thủy nói với bố mẹ trong nước mắt: “Sở dĩ con về được đây là do thằng chồng con bị say rượu và tai nạn mới chết cách đây 1 tháng. Con định mang theo đứa con gái 2 tuổi về thăm bố mẹ nhưng bên nội không cho. Chuyện bao giờ trở lại bên đó con chưa tính, trước tiên con muốn được sống một quãng thời gian thanh thản sau những ngày bị đày đọa”.
Chuyện của Thủy là câu chuyện có thật ở làng tôi và tôi nghĩ, trong xã hội ngày nay cũng từng có không ít các bạn nữ trẻ chỉ vì tham phú phụ bần, mơ tới cuộc sống sang giàu với chồng ngoại nơi đất khách để rồi phải vỡ mộng. Hi vọng là không còn những câu chuyện đáng tiếc như câu chuyện của gia đình Thủy…

Đàn ông cũng phải “công, dung, ngôn, hạnh“

Chữ công, dung, ngôn, hạnh ngày nay đã khác xưa, chính những người đàn ông cũng phải tập tành với bốn chữ ấy...

Khi chị mang thai đứa con đầu lòng được hai tháng, anh bị tai biến. Sau hai tháng nằm viện, anh về nhà với một cánh tay bị liệt, một chân đi tập tễnh. Từ vị trí trụ cột gia đình, anh lui về “hậu phương”, nhường “tiền tuyến” cho chị.

Thời con gái, chị luôn ao ước lấy được một người chồng khỏe mạnh để có chỗ dựa. Anh là chủ một cửa hàng điện gia dụng, kinh tế ổn định; vóc người lại to khỏe, rắn chắc. Vừa có sức khỏe, vừa có điều kiện kinh tế, anh khiến chị yên tâm sẽ có một bờ vai vững chãi cho tương lai. Ngày chị cấn thai, anh đã bàn chị sẽ nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Anh tự tin có thể lo cho chị và con một cuộc sống ổn định.

Anh ra như thế, chị chết đứng. Nghĩ đến tương lai hai mẹ con, chị gần như hoảng loạn, bế tắc. Nhưng, tình yêu thương chồng con đã vực chị dậy. Những đêm nằm ôm con, chị suy nghĩ rất nhiều về những gì phải làm sao để thay chồng lo cho gia đình, khi con còn quá nhỏ. Chị không thể vừa làm chồng, vừa làm vợ nên quyết định bàn với anh việc chị và anh “đổi vai”. Khi nói thẳng với chồng ý định đó, chị lo anh sẽ tự ái, không ngờ anh đồng ý ở nhà cáng đáng việc nội trợ, chăm con để chị yên tâm ra ngoài kiếm tiền.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh chỉ còn một tay, làm việc gì cũng khó. Những khi anh làm rơi vỡ ly tách, đổ sữa, nhìn gương mặt chồng nhăn nhúm đau khổ, chị không khỏi xót xa. Chị tìm mọi cách động viên chồng, không để anh nản. Những ngón tay to bè của người đàn ông, vốn không thích hợp với những công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự cẩn thận, nhưng chị vẫn phải kiên nhẫn tập cho anh pha sữa, thay tã, bế bồng con bằng một tay. Một tháng rồi hai tháng, cuối cùng anh cũng thuần thục việc chăm sóc con.

Không chỉ “luyện” chồng cách chăm sóc con, chị còn phải hướng dẫn việc bếp núc. Những ngày đầu, cá chiên cháy đen, nồi canh mặn chát. Anh nản. Chị nhẫn nại khuyên chồng. Việc thuyết phục anh chịu đi chợ là điều khó khăn nhất với chị. Khi chưa bị bệnh, anh rất ngại phải trả giá những khoản vụn vặt. Mỗi ngày cùng chồng ra chợ, chị chỉ anh cách lựa thực phẩm tươi sống, chỉ những hàng quen chị hay lui tới mua để anh không phải ngại chuyện “cò kè bớt một thêm hai”.

Con được ba tháng, chị yên tâm giao cho anh. Chuyện bếp núc, nhà cửa anh cũng hoàn thành chu đáo. Chị xin làm thợ cắm hoa ở một tiệm lớn, mỗi tháng lương ngót nghét chục triệu. Những ngày lễ Tết, chị lấy hoa ra đường bán thêm, kiếm tiền trang trải cho gia đình. Những khi đi làm về sớm, chị thường vào bếp giúp chồng. Chưa bao giờ chị nặng nhẹ với anh nửa lời, vợ chồng vui vẻ chia sẻ công việc nhà với nhau.

Nhiều người đến nhà, ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của anh chị vẫn yên ấm, hạnh phúc. Chị quan niệm, sống phải luôn linh hoạt; không ai quy định đàn ông phải là trụ cột, phải ra ngoài kiếm tiền còn phụ nữ phải ở nhà nội trợ. Tùy vào tính chất công việc, sức khỏe của từng người để có sự phân công lao động hợp lý, rõ ràng. Cuộc sống luôn biến đổi, không ai chắc chắn có thể sống khỏe mạnh cả đời, nên việc chuẩn bị cho chồng những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ vợ những khi gia đình xảy ra biến cố là điều mỗi phụ nữ nên làm. Chữ công, dung, ngôn, hạnh ngày nay đã khác xưa, chính những người đàn ông cũng phải tập tành với bốn chữ ấy, không phải chỉ trông vào vợ.

Bến cũ, hạnh phúc mới

Gặp lại bạn cũ tại một cuộc hội thảo, nghe Thu Vân hỏi chuyện cuộc sống gia đình sau ly hôn, cô "khoe": "Chúng mình về lại "bến cũ" rồi!”...

Đang dở câu chuyện thì điện thoại báo tin nhắn, bạn mở máy đọc rồi hồ hởi: "Ông ấy hẹn vợ đi ăn trưa. Cậu thấy khác chưa, ngày xưa cơ quan vợ chồng cách nhau mấy trăm mét nhưng có bao giờ ông chịu đi ăn một bữa với vợ đâu. Giờ thì cách mấy km cũng hẹn hò bằng được".

Bữa trưa hôm đó, vợ chồng bạn mời cơm rồi hàn huyên chuyện quay về "bến cũ". Thu Vân còn nhớ, ngày họ chia tay ai cũng thầm tiếc cho cuộc hôn nhân được nhiều người mến mộ. Họ đến với nhau bằng một tình yêu gần 8 năm, trải qua bao thử thách. Mỗi lần đến thăm tổ ấm của họ, mọi người đều ao ước bởi tất cả đều hoàn hảo từ vợ, chồng, con cái, kinh tế...

Ấy vậy mà một ngày họ đùng đùng dắt nhau ra toà ly hôn, bố mẹ, con cái níu kéo thế nào cũng không được. Vị thẩm phán xét xử vụ án ly hôn của họ bảo lý do đổ vỡ là do cái tôi cá nhân của cả vợ lẫn chồng quá lớn. Cô vợ có chút thăng tiến trong công việc nên cho mình cái "quyền" bận rộn, quyền bắt chồng phải thông cảm. Còn anh chồng cũng có chút địa vị xã hội nên "so quyền lãnh đạo" cao thấp trong gia đình với vợ. Mỗi người đều có một cái lý cộng với cái tôi cá nhân cực đoan khiến xung đột của họ ngày càng lớn. Và thay vì tìm giải pháp để tháo gỡ họ lại ký vào đơn ly hôn với ý nghĩ: "Không có anh/cô, tôi vẫn sống tốt".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Sau ly hôn, họ bán ngôi nhà đang ở, chia đôi con cái và tìm cuộc sống riêng. Nhưng con đường tìm hạnh phúc mới không hề đơn giản. Là người thành đạt trong sự nghiệp, đối tượng cô bạn muốn chung đường hạnh phúc phải là người đàn ông ngang bằng trình độ, sự nghiệp vững vàng. Sau một thời gian chung sống kiểu "hôn nhân thử nghiệm", cô bạn mới nhận ra "bến mới" còn phức tạp hơn "bến cũ" rất nhiều.

Cuộc sống chung ở "bến mới" không có khởi nguồn từ một tình yêu sâu đậm mà chỉ bắt đầu bằng sự cảm thông. Và vì ai cũng đã một lần đổ vỡ, thẳm sâu trong tâm hồn của mỗi người đều có dấu ấn của người cũ. Lại thêm áp lực từ trách nhiệm đối với con riêng của mỗi người luôn đè nặng, khiến khoảng cách lớn dần lên.

Tương tự, anh cũng tìm được người mới trẻ trung, tràn đầy sức sống. Nhưng khoảng cách tuổi tác, trách nhiệm với đứa con riêng đang sống cùng đã khiến anh nhận ra "bến mới" không có nhiều "ma lực" khiến anh muốn quay về như "bến cũ". Cuộc sống chung hiện tại tựa như một cuộc trao đổi: Anh có tiền, có địa vị, đối phương có tuổi trẻ, nhan sắc còn cái tình hiện hữu rất mỏng.

Gần 4 năm, họ một lần nữa từ bỏ tất cả trở về cuộc sống đơn thân. Lúc bấy giờ những đứa con sống sa sút sau ngày bố mẹ ly hôn đã vô tình kéo họ về lại bên nhau. Cô bạn bảo:

- Trước ngày ra phường đăng ký kết hôn lại, mình và anh ấy cùng thống nhất lập ra một bản "kế hoạch" xây hạnh phúc mới. Sở dĩ nó phải mới là để không lặp lại vết xe đổ của hạnh phúc cũ.

Nghe Thu Vân hỏi việc xây hạnh phúc mới như thế nào, anh chồng nắm chặt tay vợ nói: “Phải học nhiều thứ lắm, từ cách cãi nhau thế nào để giải quyết được vấn đề mà không làm tổn thương nhau, đến cách "giữ vợ, giữ chồng" qua từng bữa ăn cùng nhau như thế này, quyền "lãnh đạo, chỉ huy" trong gia đình cũng phải biết phối hợp tiến lùi cùng nhau chứ không phải cả hai "cùng tiến" như trước nữa. Nói tóm lại là học hàng ngày đấy cô ạ!”.

Nhìn ánh mắt lấp lánh của cô bạn, Thu Vân cũng mừng lây, mong rằng bạn mãi giữ được hạnh phúc mới như bây giờ!