Vợ “lâu năm”

Vợ “lâu năm” hiểu chồng cặn kẽ đến từng chân tơ kẽ tóc, nên rất dễ “bắt bài” .

Vợ “lâu năm” là cách nói vui của những người đàn ông, ám chỉ vợ mình “tuy chưa già nhưng không còn trẻ nữa”. Vợ “lâu năm” hiểu chồng cặn kẽ đến từng chân tơ kẽ tóc, nên rất dễ “bắt bài” .
Anh bạn thân tôi đưa mắt về phía chị nhà đang thoăn thoắt đôi tay lấy hàng cho khách, bảo: “Bà vợ “lâu năm” của tôi có tật nói nhiều. Trong nhà, chồng con làm gì đều không qua mặt cô ấy, nhưng phải công nhận vợ tôi quán xuyến gia đình tài tình lắm. Vợ vén khéo, đảm đang, lèo lái con thuyền gia đình chạy đúng hướng, dù đôi khi sự chủ quan của vợ cũng làm tôi bực mình". Anh thẳng thừng tổng kết về người vợ của mình một cách hồn nhiên, chân thành, và không giấu nổi vẻ tự hào.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Sống với nhau gần 20 năm, cô ấy không còn giữ ý tứ với chồng, thậm chí trở nên xuề xòa, bỗ bã, cũng chỉ vì phải đối mặt trước những bộn bề lo toan của cuộc sống. Phụ nữ thường hay càm ràm, nói nhiều, có lẽ vì họ bận rộn việc nhà, chồng con, tiếp xúc với những điều dễ bực mình, nên “ưa” nói, mà đôi khi chẳng quan tâm tới việc mình nói chồng con có chịu lắng nghe, có tiếp thu hay không. Nói để dạy con, bảo chồng, nói để nhắc nhở, để nhớ, nên xét cho cùng cũng vì yêu chồng thương con, lo lắng cho cuộc sống gia đình, nên sự nói nhiều ấy cũng cần được thông cảm.
Bạn tôi khéo léo hãm tật nói nhiều của vợ bằng cách này cách nọ, thay vì bực mình, đôi co. Có hôm anh nhậu về khuya. Biết lỗi, anh im lặng đóng cửa, rồi tìm cách… đánh bài chuồn, vào ngủ với con trai, cốt chỉ để trốn bị vợ “thuyết”. Vợ anh nói nhiều, nhưng lại ít để bụng. Nói để giải tỏa sự bực bội, nói để mong chồng con rút kinh nghiệm, nói cho đã nư rồi thôi. Nghĩ vậy, nên anh chẳng chấp. Biết anh xởi lởi, tôi đùa: “Có khi nào anh thấy nhàm vì bà vợ của anh có phần “cũ kỹ” không?”. Anh bảo: “Cũ” hay mới cũng chỉ vì chuyện cơm áo gạo tiền. Những lúc lo toan, bận bịu, trông cô ấy cứ “mòn” dần; lúc thư thái, rảnh rang, cô ấy cũng biết làm mới mình”.
Thiên chức làm vợ, với biết bao niềm vui, nỗi buồn, sự “thâm niên” ấy khiến vợ anh sống thật, bày tỏ một cách rõ ràng nhất, mà đôi khi sự thật dễ gây nhàm chán, mếch lòng. Dù vậy, vợ “lâu năm” của anh luôn có một thế mạnh nhất định bởi những gì cô ấy tạo ra cho gia đình. Vợ chồng sống với nhau lâu bền, con cái lớn khôn, thành đạt, là tài sản, là thành quả của những năm tháng vất vả nuôi con, vượt qua sóng gió gia đình, cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Dân gian có câu “gừng càng già càng cay”. Thật chính xác.

Giấc mơ “xê dịch” của một người đàn bà

Cùng học văn, nhưng cuối cùng chỉ có Thúy theo đuổi được đam mê, dám bung hết tự do của bản thân mà sáng tạo. Còn Trang…

Hôm nay tình cờ Trang gặp lại Thúy ở sân bay. Trang tiễn mẹ về quê, còn Thúy vừa đi “bụi” từ Ấn Độ trở về.

Trang say sưa ngắm Thúy sau chuyến đi xa bụi bặm. Thúy đen và ốm hơn nhiều. Bàn chân quen đi săng-đan nên lộ rõ những đường da trắng hơn nơi quai dép chạy qua, trong khi nắng đã đốt… đều những phần da còn lại. Nói Thúy xấu đi cũng được, nhưng lạ là Trang nhìn Thúy cứ thấy sự hấp dẫn toát ra từ phong thái tự tin, từ đôi mắt hoang dại… Thúy “bắn” tiếng Anh với những người bạn ngoại quốc đi cùng “siêu” đến độ Trang không sao nén được chút lòng ganh tỵ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Trang nhớ lại lúc cô và Thúy vừa tốt nghiệp đại học, hai đứa đâu có khác nhau nhiều: cũng lớ ngớ, cũng hoang mang trước trăm ngả đường, cũng dệt bao mơ mộng… Rồi thì Trang được giữ lại trường đại học làm giảng viên, công việc ổn định ngày hai buổi; gặp yêu rồi lấy một đồng nghiệp công tác ở trường bạn, sắp tổ chức sinh nhật 1 tuổi cho con gái đầu lòng... Thúy đã chọn một lối đi khác, trở thành người viết văn tự do, lang thang khắp mọi ngả đường, gặp gỡ đủ mọi màu da và tiếng nói, trải qua vài cuộc tình trên đường đi, ra được mấy đầu sách bán khá chạy… Cùng học văn, nhưng cuối cùng chỉ có Thúy theo đuổi được đam mê, dám bung hết tự do của bản thân mà sáng tạo. Còn Trang…

Trang nhìn lại mình, một bà mẹ bước qua tuổi 30, nuôi con, chăm chồng đến mức không còn thời gian đọc hết một quyển sách, xem hết một bộ phim mình thích… Cuộc sống của Trang sao mà yên ổn đến chán! Ngày trước Trang nghĩ ra trường phải ráng cho thành đạt, phải được ở lại trường đại học làm việc. Thì Trang đã làm được rồi, mà đâu thấy vui lắm. Rồi Trang phấn đấu lên tổ trưởng chuyên môn, cũng được rồi, cũng không quá vui.

Giờ nhìn Thúy, Trang thấm thía cái nỗi “không vui” mơ hồ kia của mình. Hình như cuộc sống của Trang bình lặng, mà lòng Trang còn nhiều sôi nổi quá. Trang thèm được như Thúy, quảy ba lô lên vai rồi cứ mặc bước chân đưa mình phiêu du đến bất cứ đâu, và viết… Ôi, giấc mơ “xê dịch” của một người đàn bà chọn cuộc sống chôn chân!

Hai người bạn tranh thủ vào quán cà phê tâm sự. Trang nói: “Giờ mày có thể đi khắp nơi, còn tao ru rú trong bốn bức tường văn phòng. Cuộc đời thật lạ lùng!” Thúy cười: “Thì đó. Vậy nên giờ mày lên tổ trưởng chuyên môn, chồng giỏi con khôn, còn tao vẫn lang bạt, không nghề không ngỗng, không có gì trong tay ngoài kỷ niệm vài chuyến đi và vài quyển sách. Cuộc đời nào đáng mơ ước hơn?” Cả hai trầm ngâm.

Vấn đề là lựa chọn cuộc sống phù hợp nhất với bản thân. Và biết đủ để mà hạnh phúc. Những giấc mơ đâu đánh thuế, thôi thì chẳng cần ép mình phải từ bỏ nó.

Đừng biến chồng thành “ông kẹ”

Mẹ nói gì, con nghe nấy. Lệnh của mẹ là lệnh… trời. Trong mắt các con, bố là “ông kẹ” đáng sợ.

Có một thời chồng từng “cảm nắng”, khiến vợ đau khổ đến oán hận, đến nỗi nhìn đâu vợ cũng thấy một màu xám xịt, bi quan và mất hết niềm tin. Giận chồng, vợ chỉ biết hù dọa con, trút nỗi bực tức vào con. Còn nhớ, mỗi khi con không ngoan, vợ bảo “đứa nào hư, không nghe lời mẹ, sau này ba mẹ ly hôn, mẹ sẽ không cho sống cùng”. Các con dù đang khóc, cũng phải cố nín; dù đang quậy cũng phải ngừng chơi, một mực làm theo lời mẹ để mong được “sống với mẹ”.

Vợ ở nhà quanh quẩn với con cái, gần gũi, chiều chuộng, chăm sóc các con hết lòng, nên các con rất yêu thương mẹ. Mẹ nói gì, con nghe nấy. Lệnh của mẹ là lệnh… trời. Trong mắt các con, bố là “ông kẹ” đáng sợ. Thấy bố về, các con né tránh, lấm la lấm lét nhìn phản ứng của mẹ. Thấy nguy cơ cho tổ ấm của mình, chồng tìm mọi cách để “giải cảm”. Chồng “lành bệnh”, vợ cứ nghĩ vì “chiêu bài” bạo hành tinh thần các con có tác dụng, nên giờ mỗi khi vợ chồng giận nhau, vợ lại mang các con ra dọa chồng. Đứa nào cũng run sợ khi nghe nói phải sống với ba, với bà dì ghẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đành là lỗi của chồng. Cũng công nhận là chồng không quan tâm đến các con nhiều như vợ, nhưng không vì thế mà kết luận chồng không thương con. Đàn ông có cách thương con không giống đàn bà, đâu thể ôm ấp, vỗ về, vui đùa, mua cho con món này, sắm cho con cái kia, thì mới gọi là yêu thương? Đàn ông ra ngoài ham vui, nhậu nhẹt, đâu thể gọi là bỏ vợ, bỏ con. Thôi thì chiều theo ý vợ, để êm ấm trong ngoài, chồng tập dành thời gian cho gia đình, gần gũi các con nhiều hơn. Trẻ con ham vui và chóng quên, chúng đã bắt đầu xem ba như thần tượng. Mỗi lần đến với ba, chúng không còn lấm la lấm lét đợi chờ phản ứng của mẹ. Các con thật đáng thương và vô tội. Chồng tự hứa sẽ không trở thành “ông kẹ” trong lòng các con, không bao giờ để các con sợ cảnh ba mẹ ra tòa, chia chác con cái. Chuyện chồng “say nắng” đã qua lâu, nhưng những lúc giận vặt, vợ lại lôi chuyện cũ ra dọa các con, vợ có biết điều đó nguy hiểm với các con thế nào không?

Chồng đã từng hết lời để mong tìm sự bình yên, thậm chí từng cam kết với bao điều có lợi thuộc về vợ. Không hiểu vợ “luyện” kiểu gì mà “bài học” ấy công hiệu với các con thế. Chồng ước gì vợ dạy con học hành, hun đúc những điều hay lẽ phải cho con thì hay biết chừng nào!