Vợ cũ của người tình “không ăn được phá cho hôi“

Vợ anh là người gửi đơn đi nhưng thực tế lại là người gây khó dễ. Từ lúc đưa đơn, bà ta lúc nào cũng theo dõi anh và cháu.

Cô Dạ Hương kính mến!
Cách đây hơn 2 năm cháu đã nhờ cô tư vấn. Cháu là người phụ nữ ly hôn với người chồng vũ phu, một mình nuôi con trai rồi gặp người đàn ông lớn hơn mình 10 tuổi. Anh ấy đã có vợ, có con, và chúng cháu yêu nhau sâu sắc.
Lúc nhờ cô tư vấn năm ấy cháu 36 tuổi, con trai cháu học lớp 8. Con cháu rất ngoan và thành tích học tập tốt, nhờ có anh ấy luôn bên cạnh hỗ trợ.
Cô ơi, cháu và anh yêu nhau quá nhiều. Anh đã ly thân 5 năm rồi nhưng không hiểu sao anh và vợ không ly hôn. Ngày đó cô đã khuyên cháu hãy chịu đựng và chờ đợi, có ly thân thì sẽ có ly hôn. Vậy mà cháu đã chờ điều này mãi.
Gần đây vợ anh tìm đến nhà cháu gây sự, đúng lúc đó anh về. Ba người đã nói rõ quan điểm với nhau. Cháu và vợ anh bắt anh phải nói lên lựa chọn một trong hai người, nhân thể, anh tuyên bố là anh chọn cháu. Hôm sau họ đưa nhau ra tòa xin ly hôn.
Từ đó đến nay đã 5 tháng mà vẫn chưa xong. Vợ anh là người gửi đơn đi nhưng thực tế lại là người gây khó dễ. Từ lúc đưa đơn, bà ta lúc nào cũng theo dõi anh và còn thường xuyên đến cổng nhà cháu để thăm dò.
Tòa cũng đã gọi họ lên nhiều lần, thủ tục hoàn tất xong nhưng lần nào ở tòa bà ta cũng gây sự cãi nhau với anh nên tòa chưa giải quyết được. Cháu biết anh ấy đã quá chán ngán, mệt mỏi với bà ta và rất muốn giải quyết nhanh nhất nhưng không hiểu sao bà lại cứ như vậy.
Mỗi lần anh bận công việc ở đâu đó mà bà ta không liên lạc được là bà ta tìm đến tận nơi để chửi bới anh và dọa sẽ thanh toán cháu.
Thực sự cháu mệt mỏi vô cùng. Cháu muốn cắt đứt mọi cái nhưng anh không đồng ý. Mọi dự định sống chung của anh và cháu, anh đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng cứ như thế này mãi thì không biết sẽ đi đến đâu. Tính đến nay cuộc tình của chúng cháu cũng đã 8 năm rồi.
Giờ con trai cháu sắp vào lớp 11. Hai người gọi nhau là bố con thân mật, nếu cháu và anh chia tay, không biết con trai cháu sẽ thế nào. Cháu biết trong lòng nó yêu quý và luôn tự hào về anh.
Theo dự đoán của cháu, bà ta vẫn muốn níu kéo và sẽ không dễ dàng đống ý ly hôn. Còn anh thì đã ký hết mọi giấy tờ, chỉ chờ quyết định của tòa thôi.
Theo cô, cháu phải làm sao? Nếu không bỏ được bà ta thì khó mà yên vì bà ta quá nanh nọc, ghê gớm. Chia tay anh thì cháu tin anh sẽ quá đau khổ, anh bảo dù cháu có không ở bên thì cũng không đời nào anh trở về với người đàn bà ấy. Cháu khó nghĩ quá cô ơi.
Cháu xin không ghi tên và địa chỉ.
--------------------
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cháu thân mến!
Không cần cô nhớ rõ kỳ thư hơn 2 năm trước hay không, thư này cháu viết rất rõ và cô tin sẽ tư vấn kỹ được.
Tám năm yêu nhau, nay cháu đã xấp xỉ bốn mươi, tình yêu này đúng là sâu sắc và cháu đã gặp may. Cậu ấy hơn cháu 10 tuổi, nay cũng đã gần “tri thiên mệnh” rồi, cái chính là cậu ấy kiên tâm, biết yêu thương và chăm sóc con trai của cháu.
Đúng, tình yêu của các cháu lành mạnh, bền bỉ nên con của cháu nó thấu hiểu, động lòng và nó thấy có một người cha đúng nghĩa ở bên.
Thông thường, chia tay một người chồng tệ bạc lúc mình còn quá trẻ thì chuyện hướng tới ai đó cũng hết sức đương nhiên. Gặp may và không gặp may quyết định cả số phận của người đàn bà và con cái họ sau đó. Như đã nói, cháu đã gặp may, đừng băn khoăn cả nghĩ nữa.
Cũng thông thường, người phụ nữ bị chồng chê, chồng chán, thường là người rất dữ dằn, thiếu nhân hậu. Đàn ông họ không chán vợ xấu, không phụ vợ già, không bỏ vợ vụng, họ chỉ ngán nhất các bà lộng ngôn, cay độc, bất chấp.
Sống với kiểu phụ nữ này khó có hai chữ yên bình, nhường thì họ chê là nhược, cứng thì họ vùng dậy bẻ gãy, lỡ thích người khác thì họ ra tay tới bến luôn. Quá trình xa ra là nhu cầu sống còn của người đàn ông và khi cô độc đi tìm một chỗ an ủi thì thế nào cũng có bến mới.
Cháu biết vì sao cậu ấy lần khân chuyện ra tòa không? Không phải vì tiếc người đàn bà ấy mà cậu ta sợ phiền, phiền cãi nhau ở tòa, phiền mỗi ngày và, chắc chắn sẽ còn bị phiền nữa. Đàn ông họ sợ phải đối đầu với phụ nữ, nhất là người từng vợ mình.
Có nên hiểu vì sao bây giờ bà ta mới quậy không? Là vì bà ta từng muốn chồng nghĩ lại, biết đâu. Vì vậy, làm thủ tục ở tòa là chuyện không đừng được, nhưng quậy thì cứ quậy kiểu “ăn không được cũng phá cho hôi”.
Tòa đang tìm cách hòa giải, đó là qui trình. Phải mất cả năm đó cháu ơi. Đừng vì thời gian mà chì chiết nhau, định xa nhau, bỏ lửng, tiếc cho cả ba người, kể cả đứa con của cháu đã quen hơi bén tiếng người đàn ông ấy.
Phải chấp nhận bị quấy phá, cái chính là nên bình tĩnh, nhất là thái độ biết điều của cháu sẽ làm bà ấy hạ hỏa. Dù gì cháu cũng có lỗi là người thứ ba trong quan hệ vợ chồng của người ta, vì vậy nên giữ phận, tránh đối đầu và nếu được, cứ đối thoại nhau.
Nhất định cháu cũng phải thương con của người ta, bù đắp cho việc con mình được người ta qúy, người ta chăm. Những đứa con của cậu ấy có tới lui với bố không, hay là cậu ấy vẫn ở chung nhà với vợ?
Rồi mọi việc sẽ lắng xuống, hai bên sẽ dính vào nhau bởi những đứa con riêng. Cháu cứ cư xử tốt đi rồi sẽ có lúc ngồi lại với bà ấy được và cả hai sẽ thấy tràn ngập yên bình. Trước mắt cần cẩn trọng, đừng khiêu khích để bà ấy manh động.
Chờ tòa, khi đã khởi động thì việc sẽ xong. Như một người đã cất bước thì thế nào cũng đến nơi.

Chồng nói chỉ yêu vợ cũ

(Kiến Thức) - Cuộc hôn nhân này lại đem tới cho em quá nhiều bất hạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh không quên được vợ cũ.

Anh ấy đã từng có một đời vợ. Khi em quyết định lấy anh ấy, cả nhà em ai cũng can ngăn, đặc biệt là mẹ em, bà khóc lóc, buồn phiền đến nỗi phải nhập viện. Vì tình yêu, em đã vượt qua bao khó khăn. Nhưng không ngờ, cuộc hôn nhân này lại đem tới cho em quá nhiều bất hạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh không quên được vợ cũ. Anh đã ly hôn vợ vì lý do chị ngoại tình. 
Giờ chị ấy nhận ra sai lầm, quay về, xin anh tha thứ và họ lén lút liên lạc với nhau. Khi em phát hiện ra, em chỉ mong anh ấy chối, hoặc cầu xin em tha thứ cho phút yếu lòng nhất thời. Nhưng anh ấy lại thừa nhận, rằng người anh ấy yêu chỉ là chị ấy thôi, anh không thể bỏ chị ấy. Giờ em vô cùng bấn loạn. Em không muốn ra đi trong cảnh bại trận thế này, em không còn mặt mũi nào nhìn bố mẹ em. Mà sống trong cảnh chồng chung em như chết từng ngày - Hoàng Hương Lan (Nghệ An).

Mẹ kế

Nhưng hình như sự “tàn nhẫn” của mẹ, bỏ mặc con đối diện với những sự thật đã mau chóng đưa con ra khỏi vỏ bọc đau thương.

Mẹ, có bao giờ mẹ nhớ hình ảnh con ngày đó không mẹ, ngày con gặp mẹ lần đầu tiên cách đây vừa đúng 30 năm. Mà không, con biết chắc là bây giờ mẹ chẳng nhớ gì đâu. Bây giờ mẹ còn không nhớ nổi mẹ là ai thì làm sao mẹ nhớ được con và cả mẹ khi đó.

Nhưng con thì con nhớ rõ lắm. Con nhớ rõ khi đó con là một con bé 7 tuổi, nhỏ xíu, ngơ ngác và đau buồn. Con đã đau buồn như vậy tới 2 năm liền, sau ngày mẹ con mất đi. Mọi người đều bảo con là con bé kỳ lạ, vì trẻ con mau quên lắm, quên rất nhanh cả nỗi đau mất mẹ. Thế mà con thì không quên, con khóc hoài và rơi vào tình trạng mà bây giờ chắc người ta gọi là trầm cảm. Một người lớn bị trầm cảm có lẽ đã khiến mọi người xung quanh phải khó sống thì một đứa bé bị trầm cảm còn khiến người ta mệt mỏi hơn. Chính vì thế, khi ba con có mẹ, điều khiến người lo lắng, sợ hãi rằng sẽ bị mẹ từ chối đó chính là sự có mặt của con. Vì vậy, ngày mẹ gặp con lần đầu tiên được ba chuẩn bị hết sức chu đáo. Ba nói chuyện với con hàng tuần trước đó, đưa con đi mua một chiếc váy mới màu trắng tinh. Ba muốn con xuất hiện trước mắt mẹ thơ ngây, trong sáng, hiền lành.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mẹ có ấn tượng về con như ba muốn không mẹ? Con không bao giờ biết. Nhưng con không bao giờ quên ấn tượng về mẹ ngày đó, một cô gái tuyệt đẹp, sang trọng, có đôi môi đỏ chót và đôi mắt sắc lẹm. Mẹ quan sát con như quan sát một con khỉ con trong sở thú, với ánh nhìn tò mò, xa lạ. Không chịu được cái nhìn của mẹ, con bước ra bàn học vờ đọc cuốn sách mẹ tặng. Nhưng con vẫn nhìn thấy mẹ nhìn ba một cách hết sức… quyền lực và hỏi: “Con bé lúc nào cũng rầu rĩ như thế hay sao anh? Hay chỉ vì phải gặp em mà nó rầu rĩ thế”. Ba con bối rối nắm tay mẹ đầy vẻ van nài: “Anh nói em rồi, nó lúc nào cũng buồn, nhớ mẹ, hay ngủ mê, giật mình, mớ ầm ĩ. Nó nhớ mẹ. Anh mong rằng em sẽ thay thế hình ảnh mẹ nó”. Mẹ nhìn em và bảo ba: “Em không biết, em không hứa với anh được, em đồng ý làm vợ anh và anh nhớ là anh muốn lấy em làm vợ, chứ không phải kiếm mẹ cho con anh…”.

Ngay sau ngày cưới của ba với mẹ, một lần, khi không có ba ở nhà, mẹ đã gọi con đến và bảo: “Ba con nói con gọi cô bằng mẹ. Con cứ gọi như thế, nhưng cô nói thật với con, cô chưa làm mẹ bao giờ và cũng chẳng biết làm mẹ là như thế nào. Nhưng cô hứa cô sẽ làm bạn của con nếu con cũng làm bạn của cô một cách… trung thực. Con nhớ mẹ con, con cứ nhớ. Nhưng con đừng làm cuộc sống của cô mệt mỏi và u ám. Hãy cười nói tung tăng như mọi đứa trẻ con khác. Cô không muốn nhìn thấy một bóng ma trong nhà. Con có hiểu cô nói gì hay không, mặc kệ. Nhưng cô và con sẽ sòng phẳng với nhau. Cô không ỷ thế người lớn ăn hiếp con thì con cũng đừng mang cái bóng ma ấy ra dọa dẫm hạnh phúc của cô. Như thế thì cô và con mới có thể cùng sống với ba con yên bình. Còn không… cô sẽ đưa con về bên ngoại con. Con biết là ba con sẽ luôn luôn nghe lời cô”. Con không biết tại sao, tất cả những lời đó in sâu vào trí nhớ của con đến mức lạ kỳ. Có lẽ bởi vì nó thoát ra từ một đôi môi đỏ chót đầy quyền lực.

Ba dọn bàn thờ, hình ảnh của mẹ con đưa về bên ngoại. Tất cả là ý của mẹ. Và cũng là ý của mẹ khi mẹ nói ba: “Tấm hình chị ấy trong phòng con bé anh đừng cất đi. Đó là mẹ của nó”. Khi ba nói với mẹ: “Từ bây giờ, em mới là mẹ của nó”. Mẹ nhắc lại: “Nó thua em gái em chỉ 7 tuổi. Nên em sẽ là chị hay là bạn của nó. Mà điều đó không quan trọng, quan trọng là chúng ta sống được với nhau, chứ không phải là cái danh xưng thế nào”. Mẹ đã làm tất cả mọi người sốc với những phát ngôn, tuyên bố như thế của mẹ. Mọi người lo lắng cho con, tuyên đoán này kia về cuộc sống của con. Thế nhưng với con, điều đó lại khiến con hết sức nhẹ nhõm. Con không phải gồng mình lên coi mẹ là mẹ, con không phải gượng ép để ngoan ngoãn, lễ phép với mẹ. Mẹ để con tự do trong góc nhà riêng, trong nỗi buồn riêng, trong cuộc sống riêng của con.

Mẹ là người bản lĩnh, cứng rắn, rạch ròi đến… phát sợ. Mẹ không hề ve vuốt, chiều chuộng con ban đầu, như những người mẹ kế thường làm khi mới bước vào quan hệ mẹ ghẻ con chồng. Mẹ cũng không hà khắc, nghiệt ngã, rình rập con như nhiều mẹ kế trong giai đoạn sau mà con biết từ bạn bè. Mẹ không hề an ủi, không hề động viên, không hề nhỏ nhẹ với con. Mẹ không làm con có cảm giác mình là người đáng tội nghiệp. Mẹ bắt con lớn lên, thậm chí bắt con phải tự bảo vệ mình trước mẹ. Đã có những lúc con cảm thấy ghét mẹ, cực kỳ ghét mẹ. Vì con cần một người mẹ. Nhưng hình như sự “tàn nhẫn” của mẹ, bỏ mặc con đối diện với những sự thật đã mau chóng đưa con ra khỏi vỏ bọc đau thương. Con đã trưởng thành lên nhanh hơn bởi có mẹ thúc đẩy một cách vô tình.

Ở vào tuổi còn khá trẻ, mẹ bị tai nạn và tỉnh lại trong trạng thái sống vô thức. Mẹ lúc nào cũng mơ mơ, tỉnh tỉnh, không nhớ ai, không nhận ra ai, không nhớ cả chính mình. Vậy mà mẹ trong sự vô ý thức của mình nhất định chỉ chịu sự chăm sóc của con, chứ không phải của 2 em con, con của mẹ, cũng không phải của những người thân của mẹ. Nhìn con vất vả, ngược xuôi, vừa chăm sóc gia đình, vừa chăm sóc mẹ, nhiều người chép miệng thương con, nhiều người chép miệng… lo cho mẹ. Một nỗi lo… ngược lại, như ngày người ta lo cho con. Còn con, những khi thay đồ, tắm rửa cho mẹ, con lại thầm nghĩ: phải chăng giữa con và mẹ có một mối nhân duyên kỳ lạ, để chúng ta mắc nợ và trả nợ nhau tới… suốt đời. Và con cám ơn số phận vì điều đó, cám ơn số phận cho con cơ hội để làm những gì mẹ đã làm cho con, cho mẹ những gì mẹ cho con.